Phía sau các vụ án đầu độc: Tội ác có tên Cyanid

Thứ Ba, 09/05/2017, 21:35
Giết người bằng chất độc là một tội ác vô cùng tinh vi, xảo quyệt, được đánh giá là cách giết người kín đáo nhất. Do đó, điều tra các vụ án dùng chất độc hạ sát là một thách thức lớn đối với lực lượng điều tra. Đối với công tác giám định, việc tìm ra chất độc gặp nhiều khó khăn do các mẫu vật thu được không còn nguyên trạng, thậm chí không còn mẫu vật.


Giải mã độc chất có tên Cyanid

Thực  tế, các vụ việc liên quan đến độc chất rất ít xảy ra, nếu có thì chủ yếu là vì quá bức bách, bế tắc trong cuộc sống mà sử dụng chất độc để tự tử. Nạn nhân trong lúc bột phát đã tìm đến cái chết đầy đau đớn bằng các loại thuốc độc dùng trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hoặc thuốc diệt chuột... Cũng đã xảy ra một số vụ án dùng các chất độc này để đầu độc người khác.

Người gây án phần lớn do thiếu hiểu biết về pháp luật, một phút tức giận nhất thời đã thực hiện hành vi phạm tội mà không nghĩ tới hậu quả có thể xảy ra đối với nhiều người. Gần đây, xảy một số vụ án sử dụng thuốc gây mê, thuốc ngủ... để lừa đảo, cướp tài sản.

Trong các loại độc chất, Xyanua (tên hóa học Cyanid) là chất độc mạnh nhất, gây chết người ở liều vô cùng nhỏ. Xyanua vào đường tiêu hóa thường là một trong những dạng muối: kali xyanua hoặc natri xyanua. Chất độc sẽ phát tác trong máu khiến nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu và ngừng tim.

Nguyễn Thị Chinh và các đối tượng gây án trước vành móng ngựa.

Sau vụ án "phù thủy xyanua" Lê Thanh Vân (SN 1956, ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian 3 năm (1998-2001) đã dùng xyanua đầu độc giết chết 13 người để chiếm đoạt tài sản, tội ác mang tên xyanua đã trở thành nỗi khiếp sợ ám ảnh đối với nhiều người bởi bất cứ ai bị dính chất độc đều không thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ trong tích tắc. Việc điều tra những vụ đầu độc sử dụng  Cyanid để  giết người, trả thù mâu thuẫn cá nhân là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan điều tra trong việc truy tìm hung thủ giấu mặt.

Cuối tháng 8-2010, lần đầu tiên trên địa bàn Hà Nội xảy ra một vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng: Đối tượng chủ mưu thông qua một số đối tượng khác thuê một nhóm tội phạm hình sự sử dụng chất độc Cyanid để sát hại nạn nhân. Sau hơn 20 ngày tích cực điều tra, Công an Hà Nội đã làm rõ, bắt giữ 9 đối tượng gây án. Thành tích này có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Kỹ thuật hình sự.

Trung tá Lê Việt Dũng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP Hà Nội đã từng tham gia khám nghiệm hàng trăm vụ trọng án xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Dày dạn kinh nghiệm, "chai sạn" với nghề là vậy, thế nhưng mỗi khi nhắc đến vụ án thuê người dùng chất độc Cyanid để giết người xảy ra tại dốc Dây diều (thuộc địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Trung tá Dũng vẫn không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh trước tâm địa ác độc, thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, tính toán kỹ lưỡng của các đối tượng gây án.

Lúc đó khoảng 12h trưa ngày 25-8-2010, tại khu vực dốc Dây diều, người dân phát hiện xác một người đàn ông ngoài 30 tuổi nên cấp báo cho cơ quan công an. Ngay sau khi nhận tin, tổ công tác Đội Khám nghiệm hiện trường do Trung tá Lê Việt Dũng (lúc đó là Đội trưởng) đã khẩn trương lên đường. Theo tin báo ban đầu thì nghi vấn đây là cái chết do "sốc" ma túy bởi nạn nhân có hiện tượng "sùi bọt mép". Khoảng 30 phút sau, tổ công tác khám nghiệm hiện trường đã có mặt.

Hiện trường phát hiện sự việc tại km9+100 quốc lộ 35 thuộc khu Lâm trường Sóc Sơn (xã Minh Phú, Sóc Sơn), người dân địa phương gọi là dốc Dây diều. Quốc lộ 35 đoạn qua lâm trường có mặt đường trải nhựa rộng 6m50, hai bên đường là rừng thông, lề đường cây cỏ mọc um tùm. Đoạn đường này rất vắng người qua lại.

Tử thi được xác định là anh Nguyễn Văn Nhường (SN 1977, ở ngõ 134 Lê Trọng Tấn, Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là nhân viên pháp chế Ngân hàng Techcombank). Nạn nhân được phát hiện chết tại  lề đường, nằm hơi nghiêng trên đám cỏ dại, sát bờ rãnh nước; mũi, miệng có nhiều dịch bọt màu vàng chảy ra thấm ướt cả cổ áo sơ mi.

Qua kiểm tra xác định toàn bộ tài sản, giấy tờ và tư trang của nạn nhân không bị mất. Chỉ nhìn sơ qua dịch bọt, Trung tá Lê Việt Dũng khẳng định đây không phải là cái chết "sốc" ma túy bởi nếu là "sốc" ma túy, dịch bọt chảy từ mũi, miệng nạn nhân có màu hồng do phù phổi cấp gây ra. Nghi vấn đây là một vụ đầu độc nhưng nạn nhân bị hạ độc bằng chất gì thì chưa rõ.

 Tiếp tục kiểm tra, khám nghiệm, phát hiện trên cơ thể nạn nhân có nhiều vết xây xước ở má, môi, tai, cổ, lưng và mu bàn tay. Xung quanh cẳng tay trái cũng có nhiều vết xây xát tụ máu, bề mặt da bong tuột thượng bì. Kết quả pháp y cho thấy tổ chức da đầu   vùng đỉnh chẩm - thái dương trái bị tụ máu nhẹ; não phù, xung huyết; hai phổi phù căng, xung - xuất huyết, trong phế nang ứ dịch máu lẫn bọt, trong dạ dày chứa nhiều chất lỏng màu nâu. Đây cũng là biểu hiện của đầu độc. Với những dấu vết xây xước trên cơ thể nạn nhân, lực lượng khám nghiệm hiện trường nhận định đây là dấu vết giằng co, chống cự của anh Nhường khi bị ép uống thuốc độc gây ra. 

Đối với người có thể tạng khỏe mạnh như anh Nhường thì để ép buộc uống thuốc độc, phải có một số đối tượng nam giới khác, làm nhiệm vụ giữ chân tay, bóp miệng nạn nhân để đổ thuốc độc vào miệng. Dấu vết lốp xe ô tô trên đường cho thấy nhiều khả năng nạn nhân đã bị đầu độc ở một nơi khác rồi được đưa bằng ô tô tới hiện trường này.

Nhưng trước hết, để xác định được độc chất nạn nhân bị hạ sát là gì, các mẫu dịch bọt, dịch trong dạ dày và máu của nạn nhân đã được thu thập để chuyển tới Đội Giám định hóa học - PC54 Công an Hà Nội.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân, Giám định viên cao cấp, Đội trưởng Đội Giám định hóa học nhớ lại: Khi đó, do yêu cầu cấp thiết của vụ án, các giám định viên hóa  học đã nhanh chóng đưa mẫu vật  do cơ quan điều tra gửi đến vào phòng thí nghiệm để tiến hành công tác tách chiết, giám định bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau để tìm ra loại chất độc.

Thông thường, những vụ án liên quan đến đầu độc rất hiếm khi xảy ra, đây cũng là khó khăn đối với giám định viên bởi đối với án đầu độc, mỗi vụ việc là một thủ đoạn khác nhau, đối tượng sử dụng độc chất khác nhau.

Hơn nữa, mẫu vật thu được khi phát hiện sự việc thường có hàm lượng chất độc thấp, không có mẫu vật nguyên vẹn mà chỉ còn ở dạng bám dính trên mẫu vật, đòi hỏi giám định viên phải có kinh nghiệm và trình độ cao. Chưa kể mẫu vật thu thập để gửi tới giám định khá nhiều, chưa thể xác định ngay độc chất có ở trong mẫu vật nào.

Công tác giám định hóa học tìm ra chất độc Cyanid góp phần định hướng điều tra, bắt giữ thủ phạm.

Trong vụ án này, mẫu vật chất độc dùng để đầu độc nạn nhân Nguyễn Văn Nhường không có ở hiện trường nên phải tiến hành giám định bằng mẫu sinh học, cụ thể là mẫu máu và dịch bọt của nạn nhân. Việc giám định để tìm ra chất độc gì cũng giống như giải một bài toán khó bởi khi chất độc vào cơ thể sẽ không còn được nguyên trạng mà đã chuyển hóa ở dạng sinh học, không thể giám định nhanh như mẫu vật nguyên.

Sau 12 tiếng làm việc liên tục, các giám định viên hóa học đã tìm ra chất độc là Cyanid, một chất cực độc, có tác động ngay lập tức, chỉ trong vòng 10 đến 15 giây, nạn nhân chưa kịp uống đến dạ dày đã bị chết. Tuy nhiên, chất độc này vẫn được các đối tượng lén lút mua bán bất hợp pháp để phục vụ việc phân kim và khai thác vàng ở các mỏ quặng trái phép.

Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm và pháp y tử thi, kết quả tìm ra độc chất mà anh Nguyễn Văn Nhường đã bị đầu độc cùng các tài liệu thu thập được về di biến động của nạn nhân, lực lượng kỹ thuật hình sự đã đưa ra nhận định: Đây là một vụ án giết người do mâu thuẫn.

Nạn nhân chết do ngộ độc chất Cyanid, chất độc vào cơ thể nạn nhân qua đường miệng. Nhóm đối tượng gây án có ít nhất 5 tên, có tổ chức, có dấu hiệu thuê mướn, có thời gian theo dõi quy luật sinh hoạt, làm việc của nạn nhân. Nhiều khả năng đối tượng chủ mưu và các đối tượng thực hiện có quan hệ hoặc biết nạn nhân. Các đối tượng gây án có hiểu biết về chất Cyanid, ép nạn nhân uống chất lỏng chứa chất độc ở nơi khác, sau khi tử vong thì mang nạn nhân đến để tại hiện trường.

Lật tẩy kế hoạch tàn độc của mẹ kế

Những nhận định, đánh giá chính xác của lực lượng kỹ thuật hình sự đã góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra định hướng điều tra, tìm ra kẻ chủ mưu của vụ án là Nguyễn Thị Chinh (SN 1968, trú tại phường Phú Xá, TP Thái Nguyên), là mẹ kế của nạn nhân.

Theo đó, năm 1989 sau khi vợ mất, bố đẻ của anh Nguyễn Văn Nhường đã kết hôn với Nguyễn Thị Chinh. Hai người có một con gái chung. Tháng 3-2007, bố anh Nhường mất, giữa anh Nhường và Chinh nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề thừa kế tài sản là 2 căn nhà cấp 4 xây dựng trên 2 mảnh đất, 1 căn nhà 3 tầng tại phường Phú Xá, Thái Nguyên.

Căn cứ vào bản di chúc thì Nguyễn Thị Chinh và con gái không được hưởng thừa kế và phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Tháng 2-2008, Chinh khởi kiện anh Nhường tại tòa án nhân dân TP Thái Nguyên để giải quyết việc chia thừa kế. Tòa án đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không được.

Xuất phát từ mâu thuẫn trên, Nguyễn Thị Chinh đã nảy sinh ý định giết anh Nhường để trả thù. Tháng 7-2010, Chinh kể chuyện và nhờ người tình cũ là Dương Quang Thái (SN 1970) tìm thuê người theo dõi, bắt anh Nhường đưa về giao cho Chinh giải quyết mâu thuẫn.

Móc nối qua nhiều người, Thái đã được Nguyễn Sỹ Bắc (SN 1971, ở Vĩnh Phúc) nhận thực hiện "hợp đồng" với giá 150 triệu đồng. Chinh đồng ý và thống nhất Bắc phải tìm, bắt anh Nhường và giao cho Chinh tại khu vực qua Trạm thu phí Sóc Sơn. Chinh đưa cho Bắc 1 bức ảnh của anh Nhường để nhận diện, ghi tên tuổi, số điện thoại sau ảnh và đưa trước 50 triệu đồng đặt cọc, thỏa thuận xong việc sẽ trả nốt. Sau đó, Bắc qua người giới thiệu tìm được nhóm của Nguyễn Duy Niêm (SN 1980, ở Hải Phòng) nhận lời tìm bắt anh Nhường với giá 100 triệu đồng.

Biết ngày 22-8-2010 anh Nhường sẽ từ Hà Nội về Thái Nguyên họp gia đình về việc phân chia thừa kế, tối 21-8, Chinh hẹn Thái đến nhà ở tổ 10 phường Trung Thành, Thái Nguyên đưa cho 1 lọ thủy tinh chứa chất độc Cyanid, 1 đôi găng tay cao su và 110 triệu đồng, nói là thuốc ngủ, dặn Thái trước khi giao Nhường cho Chinh tại điểm hẹn thì phải bắt Nhường uống thuốc. Thái đã chuyển lọ thuốc độc trên cho Bắc. Hôm sau, Bắc hẹn nhóm của Niêm lên Thái Nguyên giao việc cùng lọ thuốc độc, hướng dẫn Niêm cách sử dụng.

Sau khi biết nhà trọ của anh Nhường, sáng 24-8-2010, nhóm của Niêm gồm 4 đối tượng thuê taxi Mai Linh đi theo dõi anh Nhường. Đeo bám từ khu nhà trọ đến quán cà phê "Xa mẹ" trên đường Ngô Văn Sở, khi anh Nhường ra khỏi quán, nhóm của Niêm lấy cớ có người muốn gặp rồi ép anh Nhường lên taxi, đưa về hướng Sóc Sơn để giao cho Nguyễn Thị Chinh như thỏa thuận "hợp đồng".

Trên đường đi, các đối tượng bẻ một nửa viên thuốc độc Cyanid cho vào chai nước lọc lừa anh Nhường uống nhưng không được. Khi đến đường 35 thuộc địa phận xã Nam Sơn, Sóc Sơn, 3 đối tượng kẻ giữ tay, đè người, kẻ bóp miệng cho Niêm nhét nửa viên thuốc độc còn lại nhưng anh Nhường chống cự quyết liệt.

Không buông tha nạn nhân, nhóm của Niêm tiếp tục đè anh Nhường ra, giữ chân tay và đổ chai nước có pha thuốc độc vào miệng. Sau khi bị ép uống thuốc độc khoảng 30 giây sau, người anh Nhường mềm nhũn, co giật, hai bên mép tràn dịch. Các đối tượng đã ném chai nước ra ngoài đường phi tang. Đến dốc Dây diều, chúng bê anh Nhường thả xuống vệ đường, sau đó gặp Thái và Bắc để nhận tiền chia nhau.

Tháng 5-2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Thị Chinh tù chung thân (do đang nuôi con dưới 36 tháng) về tội giết người. Cùng tội danh này, Nguyễn Duy Niêm và 2 bị cáo trực tiếp ép nạn nhân uống thuốc độc cũng bị chung mức án tù chung thân. Các bị cáo đồng phạm còn lại chịu các mức án từ 18 tháng tù đến 18 năm 6 tháng tù.

Hương Vũ
.
.