Xét xử sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín:

Tranh chấp quyết liệt hàng ngàn tỷ đồng đang bị kê biên

Thứ Hai, 21/05/2018, 12:09
Kết thúc tuần làm việc thứ hai, không khí phiên toà vẫn nóng rực. Công ty Phương Trang cho rằng nhiều bất động sản bị kê biên trong vụ án là tài sản của họ nên đề nghị toà án giải toả.

Bị án Phạm Công Danh cũng cho rằng ông đã bỏ ra hơn 3.581 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện được đảm bảo bằng 114 bất động sản đã bị kê biên, đề nghị được nhận lại. Tên tuổi Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cũng đã xuất hiện trong vai trò một chủ nợ...

Ông Phạm Công Danh đòi lại 3.581 tỷ đồng đã đưa cho bà Phấn

Phạm Công Danh khai: sau khi mua lại ngân hàng Đại Tín từ bà Phấn, thực hiện nghĩa vụ tài chính, ông đã nộp vào 3.581 tỷ đồng để tất toán toàn bộ dư nợ gốc 29 khoản vay tín dụng của nhóm Phú Mỹ mà đứng đầu là bà Phấn chuyển giao. Cạnh đó, ông còn phải đóng hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi suất của nhóm này.

Quang cảnh phiên toà.

Tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh  giai đoạn 1 (bản án đã có hiệu lực pháp luật) cũng đã xác định ông Danh đã thực hiện thoả thuận này, đã chuyển vào ngân hàng Đại Tín số tiền trên và hiện chỉ còn dư nợ lãi 1.260 tỷ đồng ông chưa thực hiện nghĩa vụ, do bà Phấn không làm đúng cam kết khi chuyển giao.  Tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ là 114 bất động sản hiện đang bị kê biên.

HĐXX hỏi:  "Bà Phấn nại ra rằng do ông chưa thực hiện hết cam kết về tài chính cho nên bà Phấn chưa chuyển giao 114 bất động sản, ông Danh cho biết việc này có đúng không?". Ông Phạm Công Danh trình bày:  số tiền 3.581 tỷ đồng ông thanh toán cho bà Phấn là tiền trả cho 114 bất động sản giá trị lô đất đó, kể cả việc trả tiền nợ gốc và một phần tiền lãi. Số tiền lãi còn lại ông phải xin HĐQT, các cổ đông miễn giảm lãi. Theo ông Danh, nghĩa vụ ông đã hoàn thành xong, riêng còn khoản tiền ông chưa thanh toán là do bà Phấn không thực hiện thoả thuận như ban đầu, chưa chuyển giao 114 bất động sản này cho ông.

Cũng theo ông Danh, quá trình nhận chuyển giao ngân hàng từ bà Phấn, ông Nguyễn Hữu Luận (chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang) đã nhiều lần gặp ông và cảnh báo rằng đang xảy ra tranh chấp với ngân hàng, đề nghị ông ngưng lại không đàm phán với bà Phấn mua lại ngân hàng Đại Tín.

"Lúc đó, tôi không tin ông Luận vì giai đoạn đó đã có kết luận toàn diện của Thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước là toàn bộ các khoản nợ đó là của Phương Trang. Tôi tin ngân hàng hoạt động chuẩn mực và tin kết luận của các cơ quan giám sát nên bỏ ngoài tai những lời ông Luận nói nên mới xảy ra sự việc ngày hôm nay... Tôi mong giữa ông Luận, đại diện Phương Trang với ngân hàng không có sự tranh chấp này và nếu có tôi mong nhận lại tiền của tôi", ông Danh đề đạt nguyện vọng.

Bị án Phạm Công Danh tham gia phiên toà với tư cách nhân chứng và người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Trong quá trình điều tra, theo ông Danh, ông đã đề nghị CQĐT làm rõ số tiền 3.581 tỷ ông đã bỏ ra có phải vẫn còn nằm trong Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB hay không và được  CQĐT trả lời là số tiền đã bỏ ra vẫn còn nằm trong CB. "Tiền tôi đã trả rồi nhưng đất tôi chưa nhận nên tôi yêu cầu phải trả lại tiền cho tôi, đồng nghĩa với việc tôi sẽ trả lại tiền cho CB để khắc phục hậu quả cho tôi", một lần nữa ông Danh đề đạt nguyện vọng. HĐXX cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến của ông Danh và sẽ xem xét trong quá trình nghị án.

Công ty Phương Trang chỉ thừa nhận nợ 3.936 tỷ đồng

Liên quan đến các khoản nợ của nhóm công ty Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín, đại diện Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB cho biết từ năm 2010-2012 (trước khi bị mua lại và đổi tên),  ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (nhóm Phương Trang) vay tổng cộng 82 khoản, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, tổng số tiền giải ngân trên sổ sách là 16.468 tỷ đồng. Sau đó nhóm Phương Trang đã tất toán 36 khoản vay. 

Tính đến ngày khởi tố vụ án thì nhóm Phương Trang còn dư nợ 25.941 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng và dư nợ lãi là 16.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định, trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà Ngân hàng Đại Tín giải ngân thì công ty này chỉ nhận được 3.936 tỉ đồng.

Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn sang nhóm Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, các hồ sơ vay không bị ảnh hưởng và hiện CB đã kế thừa toàn bộ khoản vay của nhóm Phương Trang.

Các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án.

Theo đại diện ngân hàng này, hiện nay nhóm Phương Trang vẫn chưa tất toán 46 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng, tính đến nay cả gốc và lãi hơn 27.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay và phát hành trái phiếu nói trên là 44 bất động sản tại các TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Long An. Cũng liên quan đến các khoản nợ trên, CB đã khởi kiện 26 vụ án ra tòa án nhân dân các quận 1, 3, 7, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), quận Hải Châu (Đà Nẵng), huyện Bến Lức (Long An)... và đã được các toà án thụ lý.

HĐXX đã yêu cầu CB với tư cách nguyên đơn dân sự phải có văn bản yêu cầu tất cả các tòa án trên đình chỉ vụ án chờ kết quả của vụ án hình sự này. Theo chủ tọa phiên toà Phạm Lương Toản, khi vụ án hình sự đang được giải quyết thì tất cả các vụ án tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đều phải tạm đình chỉ, chờ bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mới xét xử tiếp hoặc đình chỉ.

Trong phần thẩm vấn nhóm đại diện cho Phương Trang và các ông Nguyễn Hữu Luận, ông Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc công ty Phương Trang), luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Phấn) đã đưa ra trích băng ghi âm được cho là trao đổi giữa bà Phấn với ông Luận, Quan, ông Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu ông Luận với bà Phấn). Nội dung đoạn ghi âm này thể hiện Phương Trang xác nhận nợ số tiền trên 9.000 tỷ đồng.

Cho rằng việc công bố tài liệu chưa được kiểm chứng ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người liên quan, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Trang) không chấp nhận việc công bố này, đề nghị luật sư đồng nghiệp nộp lại cho HĐXX đánh giá chứng cứ. HĐXX sau đó yêu cầu luật sư Thơ nộp lại toàn bộ tài liệu, file ghi âm để tòa xem xét.

Bà Phấn quyết định, những người liên quan đều khai "không biết"

Bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn, trong phần thẩm vấn luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)  đã hỏi ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín) về tình trạng của công ty Phương Trang trước khi vay tiền tại ngân hàng Đại Tín.

Ông Toàn cho biết, thông qua bà Phấn, nhóm Phương Trang vay tiền tại ngân hàng Đại Tín. Lúc này, Phương Trang đang vay tại ngân hàng TMCP Sài Gòn và dư nợ không được tốt lắm. Ông Toàn nghe thông tin này và nói lại cho bà Phấn biết nhưng bà Phấn nói "ngân hàng của tôi đừng có xía vô". Toàn bộ hoạt động vay tiền của  công ty Phương Trang do HĐQT ngân hàng Đại Tín quyết định.

Sau khi thanh tra ngân hàng Nhà nước vào làm việc ở hai chi nhánh để xử lý công nợ mới có 2 công văn Phương Trang phát hành năm 2012. Liên quan đến khoản vay mua phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng tại công ty Trường Vĩ (một trong những công ty con của Phương Trang), kết luận cáo trạng đã thể hiện: Phương Trang chưa được giải ngân số tiền này. Luật sư Lưu Văn Tám hỏi ông Toàn: "Có biết nội dung 2 văn bản của công ty Phương Trang phát hành năm 2012 hay không?".

Theo đó, nội dung văn bản 1 có chi tiết, Phương Trang nhận có khoản dư nợ trái phiếu và đã trả lãi. Văn bản 2 Phương Trang cũng xác nhận tổng dư nợ tại thời điểm trên tại ngân hàng Đại Tín  là 4.523 tỷ đồng nhưng tại toà Phương Trang chỉ nhận 3.936 tỷ đồng, con số chênh nhau gần 600 tỷ đồng? Ông Toàn cho biết, thời điểm đó ông không nhìn thấy văn bản trên. Đến khi Thanh tra Nhà nước vào làm việc tại ngân hàng Đại Tín thì ông mới thấy văn bản này. Về con số chênh lệch dư nợ của Phương Trang, ông Toàn không có ý kiến.

Trả lời thẩm vấn của luật sư, ông Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) khai, toàn bộ các khoản vay của Phương Trang đều thực hiện tại ngân hàng Đại Tín. Về tình trạng của Phương Trang trước khi vay tại ngân hàng Đại Tín, ông Nam cho biết có biết Phương Trang có dư nợ tín dụng tại ngân hàng TMCP Sài Gòn. Trả lời luật sư về thời  điểm đó Phương Trang có sẵn tài sản để đưa vào thế chấp tại ngân hàng Đại Tín hay không, ông Nam nói "không nhớ chính xác nhưng nếu hồ sơ đã trình HĐQT thì phải có tài sản rồi".

Về việc tiền Phương Trang vay tại ngân hàng Đại Tín dùng vào việc gì, ông Nam cho rằng việc đó ngân hàng không có trách nhiệm tìm hiểu. Luật sư cho rằng, thực tế tiền vay tại ngân hàng Đại Tín, Phương Trang dùng để trả các khoản vay tại ngân hàng TMCP Sài Gòn, ông Nam đã trả lời là "không biết". Về các khoản vay của nhóm Phú Mỹ tại ngân hàng Đại Tín, được hỏi ông "bà Phấn đã sử dụng tiền vay vào việc gì?", ông Nam cũng khai "không biết". Ông Nam cho rằng, thời điểm đó ông không biết nhóm Phú Mỹ của bà Phấn có quan hệ tín dụng với ngân hàng Đại Tín, sau này mới biết.

Bị cáo Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn, nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) khai, có biết công ty Phương Trang vay mượn nợ với bà Phấn nhưng việc vay mượn như thế nào không biết, chỉ có bà Phấn  biết. "Nhiều lần bị cáo thấy có nhiều người lạ thường xuyên đến gặp bà Phấn nên hỏi thăm thì bà nói những người đó bên Phương Trang đến mượn tiền bà". Các khoản vay của Phương Trang vay bị cáo Huệ không được bà Phấn trao đổi, chỉ biết là được thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) ký các chứng từ.

Dùng tiền vay để trả nợ cho Vũ "nhôm"

Trong các khoản vay tại ngân hàng Đại Tín, hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 23-8-2010, ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn đã giải ngân khoản vay 150 tỷ đồng của công ty TNHH Thành Đăng (một trong những công ty con của Phương Trang - nay đổi thành công ty TNHH sàn giao dịch bất động sản Phương Trang).

Theo hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ số 040169.10/HDTD-NH, theo đó ông Nguyễn Bá Triều nhận 150 tỷ đồng bằng tiền mặt tại ngân hàng Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn.

Tuy nhiên, cáo trạng thể hiện công ty Phương Trang chỉ thực nhận 111 tỷ đồng. Đại diện nhóm công ty Phương Trang cũng khẳng định chỉ thực nhận được 111 tỷ đồng. Trong số này, Phương Trang đã chuyển cho ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm")  số tiền 30 tỷ đồng. Đây là khoản tiền công ty Phương Trang đã vay nợ ông Vũ trước đó.

A.Huy
.
.