Chiến công mới của Cảnh sát Việt Nam và Campuchia:

Triệt phá đường dây vận chuyển ma túy quốc tế

Thứ Năm, 05/11/2009, 16:25
Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17B), cho biết, lực lượng Công an hai nước Việt Nam - Campuchia vừa hoàn tất chuyên án triệt phá một đường dây vận chuyển ma túy quy mô lớn, liên quan đến nhiều người nước ngoài. Tổng số lượng ma túy thu được trong chuyên án này lên đến hàng chục kilôgam. Vụ án còn liên quan đến một cựu cảnh sát Philippines.

Chuyến xe buýt cuối cùng

Liên tục trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Bộ Công an nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở một số nước về việc người Việt bị bắt ở nước ngoài do hành vi vận chuyển ma túy, trong đó nhiều nhất là ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Afghanistan và đặc biệt là Trung Quốc...

Từ tháng 6/2009, Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát vào cuộc và hàng loạt đường dây vận chuyển ma túy quốc tế sau đó bị triệt phá. Từ đầu năm đến nay, C17B đã khám phá 4 chuyên án vận chuyển ma túy lớn do người gốc Phi cầm đầu, bắt giữ hơn 30 đối tượng, trong đó có đến hơn 20 đối tượng gốc Phi, thu giữ một số lượng lớn heroin.

Ngay sau khi triệt phá các băng nhóm này, Đại tá Lê Thanh Liêm nhận định, chúng sẽ nhanh chóng thay đổi phương thức, thủ đoạn, rất có thể từ vận chuyển bằng đường hàng không, chúng sẽ chuyển sang chuyển bằng đường bộ, chủ yếu là biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng nhận định, hiện có nhiều đối tượng người gốc Phi sau khi phạm tội, vi phạm luật pháp tại Việt Nam bị trục xuất về nước nhưng vẫn ẩn náu tại Campuchia chờ cơ hội để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tiếp tục phạm tội.

Vào tháng 3/2009, tại Hội thảo phòng chống ma túy khu vực Đông Nam Á, Đại tá Lê Thanh Liêm cũng đã trao đổi với đại diện nước bạn Campuchia cùng các quốc gia trong khu vực về lo lắng này và rất mong có sự phối hợp chặt chẽ để phòng ngừa và giảm thiểu tội phạm ma túy.

Đầu tháng 8/2009, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy ở Campuchia đã bắt giữ một đối tượng nữ người Philippines tên là Serillo Jujilin Bernadas, tịch thu 2.160,5gr heroin giấu trong phụ tùng môtô để trong valy, trên đường chuyển từ Ấn Độ qua Malaysia vào Campuchia. Qua khai thác, cùng ngày đó, Cảnh sát Campuchia bắt tiếp một phụ nữ Philippines, tên là Ramos Raquel Malayao đến Campuchia để chuyển ma túy cho John Diemsen Lopez (đều là người Philippines), còn có tên gọi Papa John, hiện đang trú tại Việt Nam, theo điểm hẹn là tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Ban chuyên án của Cảnh sát hai nước họp án tại Tây Ninh.

Từ những tài liệu đã thu được, Đại tướng Nioek Đara, Giám đốc Sở Chống ma túy Campuchia đã gửi thông tin cho Cơ quan chức năng phòng chống ma túy của Việt Nam để tiếp tục đấu tranh, xử lý số đối tượng tại Việt Nam. Sở Chống ma túy Campuchia cũng đề nghị bàn giao vụ án buôn bán ma túy trái phép từ Campuchia sang Việt Nam.

Nội dung công văn, hiện đối tượng nhận hàng Papa John đang ở Việt Nam và việc giao nhận heroin sẽ diễn ra tại một khách sạn gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Cảnh sát Campuchia sẽ chuyển giao Ramos Raquel Malayao cùng một số tang vật, tạo điều kiện cho lực lượng chống ma túy Việt Nam trong việc triệt phá băng nhóm ma túy này.

Đại tá Lê Thanh Liêm được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an giao trọng trách trưởng đoàn lên Tây Ninh phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia triệt phá đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này. Theo lời Đại tá Lê Thanh Liêm, đây là lần đầu tiên có sự phối hợp cao cấp giữa công an hai nước, cũng là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng thuật ngữ "giao hàng có kiểm soát" trong vụ án này.

Đại tá Liêm tâm sự, khi phía bạn tin tưởng giao toàn bộ đối tượng và tang vật cho mình, cũng là một áp lực rất lớn đối với CQĐT. Ngay khi nhận được thông tin từ phía Campuchia, Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an, ngay lập tức có mặt tại Mộc Bài, lên phương án hành động.

Qua khai khác nhanh, Romos Raquel Malayao khai nhận rằng được một phụ nữ người Philippines là Mami Elsa thuê vận chuyển một túi xách từ Campuchia vào Việt Nam, tiền công là 500USD. Ngày 8/8/2009, Romos Raquel Malayao từ Philippines đi máy bay đến sân bay Nội Bài, Hà Nội sau đó nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM. Tại đây, Romos Raquel Malayao gặp Jonh Diemsen Lopez và anh ta thuê taxi đưa Romos Raquel Malayao sang Campuchia. Romos sẽ giao "hàng" cho Papa John tại bến xe Mộc Bài, trên chuyến xe buýt số 3.

Ngày 11/8/2009, một chiếc bẫy được giăng ra chờ "con mồi" Papa John. Nhưng các trinh sát mật phục chờ suốt từ trưa, nhiều chuyến xe buýt đến rồi đi, Papa John vẫn không thấy xuất hiện. Mãi đến 17h30’, Papa John mới xuất hiện, ngay khi Papa John nhận hàng từ tay Romos Raquel Malayao, Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan như Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Tây Ninh và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia... nhanh chóng ập đến khống chế, bắt quả tang hành vi mua bán vận chuyển ma túy của hai đối tượng Papa John và Romos Raquel Malayao.

Những thủ đoạn vận chuyển ma túy của tội phạm nước ngoài

Theo lời khai ban đầu của Papa John thì y chỉ là một "chân rết", John được một người đàn ông Philippines, tên thường gọi là Jess, khoảng 25 tuổi ở phòng 204 khách sạn Hoàng Yến tại đường Hưng Gia 2, khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7 thuê lên Mộc Bài, Tây Ninh vận chuyển ma túy về TP HCM. Ngay trong buổi tối cùng ngày 11/8, Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an ra lệnh bắt khẩn cấp Jess, đối tượng có tên đầy đủ là Dahilan Ordanza Jefrey, 26 tuổi, quốc tịch Philippines, thu một số tài liệu liên quan đến mua bán ma túy.--PageBreak--

Dahilan Ordanza Jefrey khai rằng, tại Philippines y được một phụ nữ tên là Mami Elsa thuê sang Việt Nam để vận chuyển hàng, tiền công là 200USD và 1.000 peso Philippines. Elsa yêu cầu Dahilan Ordanza Jefrey khi đến Việt Nam mua sim điện thoại và liên lạc với một người tên là Papa John để giao nhận hàng, sau đó Papa John sẽ nói cho Dahilan Ordanza Jefrey cách thức liên lạc, giao nhận hàng tiếp theo với một người có tên là Bulate. Đúng như sự sắp đặt của Elsa, ngày 9/8/2009, Dahilan Ordanza Jefrey sang Việt Nam, thuê phòng ở khách sạn Hoàng Yến và mua sim điện thoại, liên lạc với Papa John...

Papa John, 47 tuổi, là cựu cảnh sát Philippines. Theo tài liệu từ CQĐT, từ tháng 1/2009 đến khi bị bắt, Papa John đã trên 10 lần nhập cảnh Việt Nam bằng đường du lịch, nhưng thực chất là điều nghiên tình hình, thiết lập và điều hành đường dây vận chuyển ma túy. CQĐT cũng cho biết thêm, chính vì Papa John đã từng là cảnh sát, nên quá trình điều tra khai thác từ Papa John đã gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan tới đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này, C17B cũng đã bắt giữ 2 cô gái Việt Nam là Nguyễn Thị Phước (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Hà Thị Ngô (27 tuổi, quê Đắk Lắk), cả hai bị tạm giữ vào giữa tháng 8/2009. Theo tài liệu từ CQĐT, từ tháng 5/2008, thông qua mạng Internet, Nguyễn Thị Phước quen một người đàn ông Nigeria tên Kevin, rồi thông qua Kevin, Phước biết được Hà Thị Ngô, từ đó 3 người thường xuyên gặp gỡ, liên lạc với nhau.

Ngày 17/8/2009, Kevin gọi Phước từ Đà Nẵng vào TP HCM. Tại đây, Kevin bảo Hà Thị Ngô đưa cho Phước một đôi dép (có giấu ma túy bên trong) để Phước vận chuyển sang Trung Quốc. Các thủ tục làm thị thực và mua vé máy bay, Ngô sẽ trực tiếp làm cho Phước, ngoài ra, trước khi đưa Phước ra sân bay, Hà Thị Ngô còn đưa cho Phước 200USD để chi tiêu. Kevin dặn Phước, khi sang đến Trung Quốc thì gọi điện cho Kevin biết, Kevin sẽ nhắn tin vào điện thoại của Phước số máy của một người đàn ông người Nigieria hiện đang ở Trung Quốc để Phước liên lạc. Ngày 17/8, khi Phước đang làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất thì bị CQĐT bắt giữ.

Hai đối tượng Phước và Ngô.

Hà Thị Ngô cũng đã bị bắt giữ ngay sau đó. Tại CQĐT, Hà Thị Ngô khai quen một người châu Phi tên John qua Internet. Cuối tháng 2/2009, John đặt vấn đề thuê Ngô đi Pakistan vận chuyển quần áo về Việt Nam để làm mẫu với tiền công 400 USD/lần. Ngô nhận lời. Đầu tháng 3/2009, trước khi Ngô đi Pakistan, John điện thoại gặp Ngô tại một quán càphê ở Thủ Đức để đưa cặp vé máy bay khứ hồi Việt Nam - Singapore. John còn đưa cho Ngô số điện thoại của một người phụ nữ tên Sophia và dặn Ngô hãy liên lạc với người phụ nữ này khi đến Singapore.

Sang đến Singapore, Ngô ở lại đây 4 ngày, sau đó, được Sophia giúp đỡ đi tiếp sang Pakistan. Đến Pakistan, Ngô lại được 2 vợ chồng người da đen tên Chit và Macrit đón về nhà. Ngô đã lưu lại đây 20 ngày. Trong thời gian Ngô ở nhà Chit, John gọi điện sang nói với Ngô visa của y đã hết hạn nên đã bị trục xuất về nước, nếu Ngô vận chuyển quần áo về Việt Nam sẽ có người khác đón và trả tiền công.

Cuối tháng 3/2009, có một người gốc Phi, Ngô không biết tên mua vé cho Ngô về Việt Nam và gửi 1 vali về cho John. Về đến Việt Nam, có người phụ nữ tên Thảo đến đón Ngô tại sân bay để lấy chiếc vali, nhưng khi kiểm tra vali không có ma túy, Thảo đã không trả tiền công cho Ngô.

Ngày 17/7/2009, Ngô nhận lời Kevin đi Ấn Độ để vận chuyển quần áo về làm mẫu, Ngô quen Kevin qua lời giới thiệu của Thảo. Kevin làm visa, mua vé máy bay và đưa cho Ngô 300USD cùng số điện thoại của người đàn ông bên Ấn Độ tên là Chriss.

Ngày 27/7/2009, Ngô về lại Việt Nam với 1 balô đeo lưng và 1 cuốn sách bên trong có ma túy về cho Kevin. Kevin trả cho Ngô 500USD và dặn Ngô cất hộ chiếc balô và cuốn sách, y sẽ lấy sau. Cuốn sách giấu ma túy này, CQĐT đã phát hiện, thu giữ khi khám xét chỗ ở của Ngô vào ngày 18/8/2009.

Hiện nay, C17B vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án này...

Đại tá Lê Thanh Liêm cảnh báo: "Sau khi C17 triệt phá các băng nhóm do người gốc Phi cầm đầu, bọn tội phạm đã thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Qua mạng Internet, chúng giới thiệu là người của các công ty quốc tế, đang cần tuyển nhân viên. Những người trúng tuyển sẽ được đi nước ngoài dự hội thảo. Chỉ tuyển những người thông thạo ngoại ngữ, có thể tự đi nước ngoài. Chúng ưu tiên những người thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung. Khi đi, chúng nhờ mang theo vali hàng mẫu và khi về cũng thế. Ngoài ra, chúng còn huấn luyện cho người bản xứ cầm đầu các đường dây. Những người này sẽ tuyển và sử dụng người ngay trong quốc gia của mình để vận chuyển ma túy từ Ấn Độ, Malaysia qua Campuchia, về Việt Nam sau đó qua Trung Quốc theo từng nhóm và từng công đoạn rất chặt chẽ".

Đại tá Lê Thanh Liêm cho biết thêm, không ít đối tượng đã bị những kẻ cầm đầu lợi dụng, như được tuyển dụng làm vận chuyển hàng nhưng không biết đó là ma túy và khi bị bắt, biết hàng mình nhận vận chuyển là ma túy, Romos Raquel Malayao đã có thái độ thành khẩn, tự giác hợp tác với CQĐT.

Sau vụ án này, theo lời của Đại tá Lê Thanh Liêm, với tình hình mua bán ma túy, những đường dây ma túy do các đối tượng gốc Phi cầm đầu phức tạp như hiện nay, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an các quốc gia trong khu vực

Th.Yên
.
.