Triệt phá nhiều nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Thứ Ba, 18/06/2019, 14:53
Thuê nhà ở nước ngoài để tránh sự theo dõi, truy bắt của cơ quan chức năng, xây dựng sẵn kịch bản, giả danh công an, viện kiểm sát... gọi điện hù dọa bị hại có liên quan đến các vụ án, hoạt động mua bán ma túy, rửa tiền, cờ bạc... nhằm “uy hiếp tinh thần” nạn nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hành vi, thủ đoạn không mới nhưng không ít nạn nhân vẫn “sập bẫy” của các đối tượng chuyên lừa đảo qua điện thoại người Trung Quốc, Đài Loan.

Nhiều nạn nhân mới

Khoảng 9 giờ ngày 12-6, Công an TP Hồ Chí Minh, phối hợp với Công an quận 9 tổ chức kiểm tra hành chính căn nhà số 251 đường Võ Văn Hát, tổ 2, khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường, quận 9.

Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện, tạm giữ 20 đối tượng người Trung Quốc (trong đó, có 9 đối tượng người Đài Loan) cùng tang vật gồm 221 tờ tài liệu, 19 cuốn tập A4 chứa nội dung kịch bản giả danh Công an Trung Quốc để lừa đảo, 2 bản sao chụp (in màu) giả mạo giấy chứng nhận Công an Trung Quốc, 26 máy tính bảng iPad, 46 điện thoại di động, 6 máy tính xách tay hiệu Lenovo, 3 thiết bị giả lập âm thanh môi trường (còi hiệu, tiếng súng, nhạc lễ quân cảnh, tiếng ồn văn phòng, tiếng cười nói...), 5 bộ phát 4G wifi, 3 USB, 4 thiết bị D-Com 4G, 3 ổ cứng máy tính, 8 bộ đàm liên lạc và 1 máy in phun màu.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng thừa nhận hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương thức thủ đoạn của nhóm đối tượng này là giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát của Trung Quốc để gọi điện thoại lừa đảo. Đối tượng chúng nhắm tới là người Trung Quốc nội địa và Hoa kiều.

Chúng xây dựng sẵn kịch bản lừa đảo, gọi điện hù dọa bị hại có liên quan đến các vụ án, hoạt động mua bán ma túy, rửa tiền, cờ bạc nhằm làm bị hại hoảng sợ, nghe lời và thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản mở tại các ngân hàng Trung Quốc do các đối tượng cung cấp cho bị hại.

Nhóm người này dùng thiết bị chuyển số, gọi điện thoại cho người dân ở khắp các tỉnh thành xưng là tổng đài đòi nợ cước, sau đó chuyển số nợ sang công an, viện kiểm sát, tòa án... để xử lý theo pháp luật. Nghi ngờ, người nhận cuộc gọi kiểm tra số điện thoại gọi đến thấy đúng là thuê bao của công an nên tưởng thật. Nhất là khi trao đổi, âm thanh từ đầu dây bên kia thường vang lên tiếng còi hụ, tiếng loa, tiếng hỏi cung...

Chúng còn giở chiêu trò, cho rằng người dân dính líu đến các băng tội phạm rửa tiền, đe dọa, bắt bớ... Khi nạn nhân “dính bẫy”, nhóm này yêu cầu chuyển toàn bộ tiền đang có đến "tài khoản an toàn của cảnh sát" để kiểm tra tính minh bạch rồi chiếm đoạt. Trong quá trình thực hiện, nhóm đối tượng bố trí các tấm đệm mút lớn xung quanh vách tường của căn hộ để cách âm, che giấu hành vi phạm tội. Hiện Công an thành phố đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng để xử lý theo pháp luật.

Nhóm đối tượng người Trung Quốc lừa đảo bị bắt giữ ngày 12-6...
... và tang vật gây án.

Cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo

Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh báo thủ đoạn của nhóm người Trung Quốc cấu kết với người Việt giả cảnh sát lừa đảo nhưng vẫn có nhiều người "sập bẫy". Cơ quan điều tra cũng khởi tố nhiều người liên quan vì cung cấp thẻ ngân hàng cho các băng tội phạm dạng này.

Vào cuối tháng 8-2018, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. 14 đối tượng (13 đối tượng quốc tịch Thái Lan, 1 đối tượng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) đang sử dụng tổng đài VoIP thực hiện các cuộc gọi về Thái Lan để lừa đảo tại hai căn hộ thuộc một khu chung cư cao cấp.

Tổng cộng trong vụ án này cơ quan điều tra đã bắt giữ 21 đối tượng. Nhóm đối tượng trên đã có hành vi giả danh nhân viên bưu điện, cán bộ viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, để chiếm đoạt tài sản qua điện thoại.

Cơ quan công an xác định, nhóm đối tượng này được một số đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) thuê sang Việt Nam thiết lập tổng đài gọi điện trên nền Internet (gọi tắt là tổng đài VoIP). Nhóm đối tượng này thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để lừa các nạn nhân là công dân Thái Lan chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định với lý do để kiểm tra. Sau khi nạn nhân chuyển tiền lập tức, chúng rút tiền ra để chiếm đoạt.

Cảnh sát hoàng gia Thái Lan cũng xác nhận nhóm đối tượng này đã thực hiện hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo tới công dân sinh sống tại Thái Lan. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của chúng. Số tiền ước tính bị thiệt hại lên đến hàng triệu USD. Trong vụ án này, các đối tượng người Đài Loan đứng vai trò cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của nhóm đối tượng người Thái Lan. Phương thức hoạt động của chúng đơn giản mà hiệu quả. Chúng sử dụng phần mềm chuyên dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các cuộc gọi VoIP, thay vì phải thiết lập tổng đài và sử dụng máy bàn để thực hiện cuộc gọi.

Do vậy, tính cơ động của nhóm đối tượng này rất cao, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Kịch bản lừa đảo cũng được các đối tượng chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thường gây tâm lý hoang mang lo sợ cho các nạn nhân và buộc phải chuyển tiền theo sự “hướng dẫn” của chúng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, muốn chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân nước sở tại, các đối tượng phải đặt điểm “giao dịch” tại một nước khác. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định, chúng lập tức rút ngay, không để lại dấu vết. Đối tượng cầm đầu thường câu kết với các đối tượng người trong nước để lừa đảo.

Đức Hà
.
.