Vận động đầu thú - những câu chuyện cảm động

Thứ Năm, 03/08/2017, 14:55
Với sự kiên trì, bền bỉ, kinh nghiệm cùng cái tâm của mình, các điều tra viên đã thuyết phục thành công nhiều đối tượng tự nguyện ra đầu thú, góp phần giảm thiểu công sức và nguy hiểm cho chính mình và đồng đội…

Thời gian vừa qua, bên cạnh những chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm thì lực lượng cảnh sát hình sự PC45 Công an TP Hà Nội cũng tham gia đáng kể vào công tác vận động, truy bắt những đối tượng hình sự vào loại cộm cán, nguy hiểm. Với sự kiên trì, bền bỉ, kinh nghiệm cùng cái tâm của mình, các điều tra viên đã thuyết phục thành công nhiều đối tượng tự nguyện ra đầu thú, góp phần giảm thiểu công sức và nguy hiểm cho chính mình và đồng đội…

1. Chúng tôi có mặt tại Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội vào thời điểm mà toàn thành phố ngập trong những cơn mưa như trút. Trung tá Vũ Đức Bình, điều tra viên Đội 10 tuy người dầm mưa ướt sũng song khuôn mặt anh ánh lên niềm vui, phấn khởi. Thay vội bộ quần áo, trung tá Bình chia sẻ với chúng tôi câu chuyện anh và đồng đội vừa mới vận động thành công một đối tượng giết người nguy hiểm ra đầu thú.

Bằng sự kiên trì, lực lượng Công an đã thuyết phục thành công đối tượng Nguyễn Trọng Khuê tự nguyện quy án.

Khoảng tháng 6 năm 2017, Trung tá Bình nhận được thông tin của quần chúng nhân dân về đối tượng Nguyễn Trọng Khuê (29 tuổi, thường trú tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội) xuất hiện trên địa bàn. Khuê là kẻ mang lệnh truy nã nguy hiểm, do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn phát lệnh truy nã toàn quốc từ tháng 4-2016.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, vào đêm một ngày tháng 3-2016, do mâu thuẫn xã hội, Khuê và một nhóm đối tượng đã dùng hung khí đánh nhau với nhóm của anh Hồ Văn Hà (31 tuổi, trú tại Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội) tại gần một khách sạn trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Bị đánh cho te tua, nhóm của Khuê đã bỏ chạy và gom thêm nhiều "hàng nóng" rồi quay lại khách sạn trả thù. Gặp anh Hà bị thương đang ngồi trong khách sạn, Khuê liền xông vào đạp anh ngã ra sàn đồng thời dùng một khẩu súng bắn đạn hoa cải nhằm thẳng vào cổ anh này rồi bóp cò.

Sau khi gây án, Khuê lên xe máy của đồng bọn và bỏ trốn. Anh Hà được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, và may mắn thoát chết. Hành vi côn đồ của Khuê thể hiện sự coi thường pháp luật, và gây đặc biệt nguy hiểm cho cộng đồng. Ngày 7-4-2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định truy nã đặc biệt với Nguyễn Trọng Khuê.

Nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân, Trung tá Bình đã báo cáo lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự, đề xuất lập chuyên án để tập trung lực lượng, phương tiện truy bắt bằng được đối tượng Khuê. Tháng 7-2017, chuyên án truy bắt Nguyễn Trọng Khuê được phê duyệt, Đội 10 được giao làm đơn vị chủ công. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng PC45 cũng chỉ đạo lực lượng truy bắt ưu tiên phương án vận động đầu thú để bảo đảm an toàn cho các chiến sỹ.

Dưới sự chỉ đạo của chỉ huy Đội 10 PC45, Trung tá Bình một mặt tổ chức các biện pháp trinh sát, nắm chặt mọi di biến động của đối tượng. Mặt khác anh cũng đã tiến hành xuống tận nhà của đối tượng để vận động gia đình khuyên con em đầu thú. Do Khuê là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều quan hệ xã hội nên hành tung của hắn rất bí ẩn. Hôm nay có mặt ở tỉnh này, mai hắn đã sang tỉnh khác, đồng thời luôn cảnh giác trước mọi sự "thăm viếng" bất ngờ của bất kỳ ai.

Lần đầu gặp, gia đình đối tượng tỏ ra không mấy thiện chí. Không quản đường xa vất vả, Trung tá Bình liên tục liên lạc, có mặt ở nhà Khuê để phân tích rõ cho gia đình đối tượng hiểu về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người cải tà quy chính. Bên cạnh đó, anh cũng phân tích cho họ biết rằng hành vi giết người của Khuê là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, trước sau gì cũng phải đối mặt với pháp luật. Và nếu ra đầu thú càng sớm ngày nào, thì ngày được trở về với gia đình, vợ con cũng vì thế mà sẽ được rút ngắn lại ngày ấy.

Lệnh truy nã Nguyễn Trọng Khuê.

Suốt thời gian mà những cơn mưa như trút trên địa bàn TP Hà Nội, bất cứ khi nào gia đình của Khuê có băn khoăn thắc mắc về chính sách, pháp luật cho người đầu thú, Trung tá Bình đều có mặt để kịp thời vận động giải thích. Sau lần thứ tư đến gia đình để động viên, thì gia đình đối tượng đã có biến chuyển. Họ hứa sẽ khuyên con em ra đầu thú. Và ít ngày say chính đối tượng Khuê cũng đã chủ động liên lạc với Trung tá Bình hẹn ngày lên cơ quan công an chịu án.

Ngày hẹn đã đến, trung tá Bình cùng đồng đội đã chuẩn bị mọi phương án để đón đối tượng thì bất ngờ, gia đình thông báo bố đẻ của Khuê bị đột tử. Khuê gọi điện xin phép được nán lại một vài ngày, chờ khi tang gia xong xuôi sẽ thực hiện lời lứa. Lúc này, nhiều câu hỏi đặt ra đối với Trung tá Bình và chỉ huy đội 10: "Phải chăng đối tượng định "nuốt lời" mà bỏ trốn? Và nếu như đúng là gia đình đối tượng có tang thì giải quyết thế nào? Khi mà Khuê là kẻ truy nã nguy hiểm, luôn có súng trong người?".

Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, Trung tá Bình lập tức có mặt tại gia đình Khuê, một mặt để "canh chừng" với những sự biến có thể xảy ra, Khuê gặp lại bạn bè giang hồ nên có thể thay đổi ý định. Đồng thời cũng là để thay mặt ban chỉ huy Đội 10 thực hiện nghĩa cử với Khuê và gia đình.

Khẩu súng bắn đạn hoa cải mà Khuê đã sử dụng để gây án.

Sau khi đã làm trọn nghĩa vụ với người cha đã khuất, Khuê đã có mặt tại Phòng Cảnh sát hình sự để nhận trách nhiệm về tội lỗi mà hắn đã gây ra. "Hoàn thành công việc được Nhà nước giao là một nhẽ, song qua việc đó còn góp phần ngăn chặn một đối tượng hình sự nguy hiểm có thể gây án bất cứ lúc nào, đồng thời vẫn giữ cho bị án hoàn thành việc nghĩa với các bậc sinh thành - đó là những niềm vui mà không phải lúc nào người cảnh sát hình sự cũng có được" - trung tá Bình chia sẻ.

2. Trong số những đối tượng truy nã từng vận động, Trịnh Thế Dũng (còn gọi là Dũng "cụt", 44 tuổi, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là một trong những trường hợp mà Thượng tá Ngô Văn Đáp, điều tra viên Đội 10 PC45 đặc biệt lưu tâm. Bởi anh đã phải đi đi lại lại gần 20 lần đến nhà của gia đình đối tượng để vận động thì mới thành công.

Cũng là một tay giang hồ có số có má, cùng với đồng bọn gồm hàng chục đối tượng Lê Ngọc Anh, Lê Anh Dũng, Nguyễn Duy Khôi, Vũ Quang Sâm, Nguyễn Đức Vân… Dũng “cụt” đã gây ra một loạt các vụ cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích trên địa bàn TP Hà Nội. Khi mà đồng bọn lần lượt sa lưới pháp luật thì Dũng "cụt" tinh khôn hơn, đã "lặn" một hơi không thấy tăm tích.

Được lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự giao truy bắt bằng được Dũng “cụt”, thượng tá Đáp đã tổ chức trinh sát, rà soát những mối quan hệ của đối tượng. Tuy nhiên, Dũng gần như cắt đứt mọi quan hệ với bạn bè giang hồ, và cả với gia đình. Hắn cũng dày công thay hình đổi dạng, thường xuyên di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau, làm nhiều công việc khác nhau khiến cho việc truy tìm hắn gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng tá Đáp cũng  dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của Dũng thì phát hiện đối tượng sinh ra trong một gia đình khá "cơ bản".

Kế hoạch vận động nhắm vào gia đình Dũng được vạch ra. Thượng tá Đáp tìm gặp bố của Dũng để nói chuyện. Ban đầu, ông bố liên tục tránh mặt. Ông ta sợ rằng gia đình sẽ bị liên lụy vì thằng con hư hỏng. Phải đến lần thứ tư đến nhà, thượng tá Đáp mới gặp được ông bố. Anh phân tích, giải thích mọi điều nếu như Dũng “cụt” biết hối cải mà quay về con đường sáng. Bên cạnh đó thượng tá Đáp còn kể cho bố Dũng hiểu tường tận vụ án, vai trò của con trai ông (Dũng) trong vụ án và phân tích mọi lẽ thiệt hơn.

Thậm chí anh còn nối máy cho ông nói chuyện với lãnh đạo phòng PC45 để tạo sự tin tưởng. Có một lần, khi thượng tá Đáp vừa đến cửa nhà thì thấy ông ngồi gục trên sàn, do một cơn đột quỵ bất ngờ. Anh đã ngay lập tức gọi xe đưa ông đi cấp cứu. Biết người chị gái của Dũng “cụt” là người có học, hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước, thượng tá Đáp cũng tranh thủ tìm gặp chị để vận động.

Sau rất nhiều lần vận động thuyết phục, đối tượng Trịnh Thế Dũng đã ra đầu thú.

"Cho đến lần thứ mười hai đến nhà, ông bố của Dũng “cụt” đã rất tin tưởng ở cơ quan công an. Ông bảo thôi các anh không phải đến làm gì cho vất vả. Khi nào thằng Dũng về tôi sẽ đưa nó lên đầu thú ngay". Và quả nhiên vài hôm sau, hai cha con Dũng đã có mặt tại cơ quan điều tra để đầu thú.

Vốn từng nhiều năm công tác tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội, thượng tá Đáp chia sẻ, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú và không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với lực lượng công an để vận động người thân quay về chịu án.

Mỗi tội phạm có nhân thân, hành vi phạm tội và hoàn cảnh gia đình khác nhau, nên công tác vận động cũng phải tùy cơ ứng biến. Với chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", lực lượng truy bắt đôi khi phải thể hiện tốt vai trò của một chuyên gia tâm lý, sẵn sàng trải lòng mình với người thân của đối tượng để làm cầu nối tác động đến người phạm tội.

Có những trường hợp qua xác minh, bố trí lực lượng, biện pháp nghiệp vụ đủ sức bắt gọn đối tượng, nhưng nếu có cơ hội, trinh sát vẫn kiên trì vận động, tạo điều kiện cho đối tượng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Đặc biệt, có những trường hợp sau khi vận động được 1-2 đối tượng cầm đầu thì sau đó "cả dây" đã đồng loạt ra đầu thú.

Đó là trường hợp một nhóm đối tượng trong một vụ án cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau khi gây án, cả nhóm gồm hàng chục tên tứ tán nhiều nơi. Thượng tá Đáp cùng đồng đội dày công nghiên cứu hồ sơ của nhóm đối tượng này. Sau đó, anh tổ chức vận động nhằm vào gia đình hai đối tượng cầm đầu là Thắng "bông" và Tuấn "lụa".

Sau một tháng kiên trì vận động, hai đối tượng trên lần lượt đã lên cơ quan công an trình báo. Và không ngờ chỉ hai ngày sau, 5 đồng phạm của nhóm cũng kéo nhau đi đầu thú. Nhóm giang hồ này đã được bắt gọn mà gần như không tốn một giọt mồ hôi.

Minh Tiến
.
.