Vào cuộc điều tra vụ nhận cầm cố hàng loạt xe ôtô bất hợp pháp

Thứ Năm, 07/04/2011, 11:40

Trước thông tin nhiều người dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội nhận cầm cố hàng loạt xe ôtô là tang vật trong các vụ án được đăng tải trên một số tờ báo, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an TP Hà Nội  đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, giải quyết, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Qua công tác nắm tình hình, cuối năm 2010, một số đối tượng ở Hà Nội thông qua số đối tượng ở xã Tiến Xuân làm trung gian môi giới mang ôtô, chủ yếu là xe 4 chỗ và 7 chỗ đến xã Tiến Xuân cầm cố lấy tiền. Có khoảng 50 gia đình đã nhận cầm cố xe, chủ yếu ở các thôn: Cố Đụng 1, Cố Đụng 2, Chùa 1, Chùa 2, Trại mới , Trại mới 2, Gò Chè và Miễu 1, Miễu 2.

Tiến hành điều tra xác minh, lấy lời khai của 45 hộ trực tiếp nhận cầm cố xe ôtô tại xã Tiến Xuân, xác định hiện còn 20 hộ vẫn đang cất giấu 24 xe ôtô các loại, 17 hộ đã bị các đơn vị Công an gồm Công an quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên, PC44  (Công an Hà Nội) và Công an Hòa Bình thu giữ 17 xe.

Căn cứ vào tài liệu vụ án mà Công an các đơn vị điều tra, xác định 3 đối tượng chính đã mang ôtô đến xã Tiến Xuân cầm cố gồm Nguyễn Quang Tuyến (38 tuổi), Giám đốc Phùng Văn Tuấn (22 tuổi), Phó giám đốc Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông Hà Nội; Nguyễn Năng Chiến (34 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hùng Trường. Trong vai giám đốc các công ty, Tuyến, Chiến và Tuấn đã thuê xe ôtô của một số cơ sở cho thuê xe tự lái tại Hà Nội, sau đó mang đến xã Tiến Xuân và xã Đông Xuân, huyện Thạch Thất, thông qua các đối tượng môi giới hoặc trực tiếp cầm cố xe lấy tiền. Hiện cả 3 đối tượng này đều không có mặt tại địa phương.

Tổ công tác đã triệu tập một số công dân xã Tiến Xuân liên quan, là trung gian môi giới cho các đối tượng nêu trên. Đinh Văn Tiến (31 tuổi) ở thôn Chùa 2, xã Tiến Xuân khai nhận, từ tháng 5/2010 đến nay, đã nhận của Nguyễn Quang Tuyến 3 xe ôtô và cho Tuyến lấy 1.250.000.000 đồng, lãi suất 6%/tháng. Ngoài ra Tiến còn môi giới cho Tuyến đặt 5 xe ôtô cho 5 gia đình ở xã Tiến Xuân và môi giới cho Phùng Xuân Tuân đặt 1 ôtô.

Nguyễn Trọng Hoàn (35 tuổi) ở thôn Gò Chói 2, xã Tiến Xuân nhận cầm cố của Nguyễn Quang Tuyến 2 ôtô với số tiền 850 triệu đồng và giới thiệu 3 người khác cầm cố 3 ôtô khác của Tuyến với số tiền 550 triệu đồng. Nghiêm Xuân Bằng (29 tuổi) ở thôn Chùa 1, xã Tiến Xuân nhận tháng 10/2010 đặt hộ Phùng Văn Tuân 3 xe ôtô cho 5 hộ dân ở xã Tiến Xuân, lấy số tiền 1.450.000.000 đồng. Bằng đưa số tiền này cho Tuân và được Tuân trả lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/ngày.

Một công dân khác là Tạ Khắc Lâm (46 tuổi) ở thôn Chùa 1, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại Phương Lâm thừa nhận cùng với Nguyễn Năng Chiến góp vốn làm ăn chung. Từ tháng 9/2010 đến nay, Lâm và Chiến đã cầm cố 13 xe ôtô các loại. Riêng Lâm đã đặt 5.790.000.000 đồng, chuyển cho Chiến lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/ngày, còn  1 chiếc Chiến đang sử dụng. 

Những chiếc ô tô cầm cố bất hợp pháp được thu giữ tại trụ sở UBND xã Tiến Xuân.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng PC45, sở dĩ xảy ra tình trạng nhiều người dân  của xã Tiến Xuân nhận cầm cố xe  ôtô bất hợp pháp, nguyên nhân chính xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật của họ. Trước đây, xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình, sau khi hợp nhất Hà Nội, Tiến Xuân được tách ra và hợp nhất thuộc địa giới hành chính huyện Thạch Thất.

Trao đổi  với phóng viên ANTG, Thượng tá Nguyễn Văn Tính khẳng định, đối với những đối tượng có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thuê xe ôtô tự lái rồi mang đi cầm cố, quan điểm của cơ quan CSĐT là sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người bị hại. Do đó, những người dân đang cầm cố xe ôtô bất hợp pháp cần hợp tác tốt với cơ quan điều tra trong việc giao nộp tang vật, phục vụ việc điều tra, xử lý triệt để hành vi phạm tội của các đối tượng.

Mặt khác, Cơ quan điều tra sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thu hồi tiền hợp pháp. Cơ quan điều tra cũng cảnh báo, việc người dân nhận cầm cố xe ôtô khi không có chức năng cầm đồ và kinh doanh tín dụng là vi phạm pháp luật.

Toàn xã hiện có trên 2.000 hộ dân, trong đó 75% là người dân tộc Mường, sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên mặc dù không có giấy phép kinh doanh cầm đồ, người dân vẫn nhận cầm cố xe ôtô của các đối tượng, trong đó có cả xe là vật chứng của các vụ án.

Một nguyên nhân khác là các đối tượng đánh "đánh trúng" vào tâm lý hám lợi của một số người dân khi được các đối tượng trả lãi suất cao, trung bình 6%/tháng hoặc lãi suất theo ngày. Vừa được trả lãi suất cao, vừa có ôtô trong tay để đi lại nên nhiều người dân đã đua nhau nhận cầm cố ôtô.

Để giải quyết tình hình cầm cố xe ôtô bất hợp pháp tại xã Tiến Xuân, Tổ công tác Công an Hà Nội đã làm việc với Đảng ủy, UBND và Ban Công an xã Tiến Xuân để thông báo tình hình và yêu cầu phối hợp giải quyết. Đồng thời, thông báo tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của xã và đến từng hộ dân, đề nghị người dân chấm dứt ngay việc  cầm cố ôtô không đúng quy định của pháp luật. Đến nay, tình trạng cầm cố xe ôtô tại xã Tiến Xuân đã cơ bản chấm dứt.

Tuy nhiên, hiện vấn đề thu hồi xe ôtô cầm cố bất hợp pháp đang "nằm" trong các hộ dân xã Tiến Xuân gặp khó khăn. Ngoài số ôtô đã được Công an các đơn vị thu hồi do liên quan đến các vụ án đã được khởi tố,  hiện còn hàng chục xe ôtô khác  đã được người dân mang đi nơi khác cấu giấu để đối phó với việc thu hồi xe của các cơ quan pháp luật do tâm lý lo ngại không lấy được tiền. ANTG sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong các số báo sau.

H.Vũ
.
.