Về 10 "ông ba mươi" ở Thanh Hoá

Chủ Nhật, 14/10/2007, 22:40
Những năm gần đây khi nói đến hổ, người ta thường nghĩ ngay đến 2 "vua hổ" đất Bình Dương là ông Ngô Duy Tân và ông Huỳnh Phi Ngọc. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong một thời gian dài, 10 con hổ lớn có bé có cũng đã được nuôi ở xã Xuân Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nguồn gốc của những con hổ là từ đâu? Chuyện nuôi hổ ở Thanh Hóa có điểm gì giống và khác nuôi hổ ở Bình Dương?
Hổ về đồng bằng

Ngày 4/10/2007, chúng tôi có mặt tại Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa khi mà trận lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung đang diễn ra. Con đường từ TP Thanh Hóa về Thọ Xuân và đặc biệt là từ Thọ Xuân về Xuân Tín mưa như trút nước. Những hồ ao, sông suối chúng tôi đi qua ngập trong màn nước mênh mông, trắng xóa.

Anh xe ôm khi nghe chúng tôi đề nghị vào xã Xuân Tín cứ lắc đầu quầy quậy: “Lũ rất dữ. Đê sông Chu có khi vỡ. Không đi được đâu, nguy hiểm lắm!”. Phải sau một lúc nằn nì và lời hứa trả công thật “hậu”, anh xe ôm mới miễn cưỡng lên đường.

Thật ra khi nghe tin có 10 “ông ba mươi” bị nhốt ở Thanh Hóa, chúng tôi cũng... không tin lắm. Thế nhưng, khi đến đầu xã, hỏi nhà ông “Chiến hổ”, hầu như người dân nào cũng biết vì nó... quá nổi tiếng. Một người dân sau khi chỉ đường cho tôi, hỏi: “Anh định mua hổ à?”.

Khi chúng tôi có mặt tại trang trại, ông chủ Nguyễn Mậu Chiến đi vắng. Sau khi làm quen, chúng tôi được mấy người làm công dẫn đi tham quan. Họ bảo ông chủ đi vắng suốt, họ chỉ có trách nhiệm trông nom, cho ăn. Còn mọi việc là do sự quyết định của ông chủ.

Chúng tôi thực sự sững sờ khi được tận mắt chứng kiến đàn hổ đang... tung tăng chơi đùa ngoài vườn. Chúng được nuôi trong một khu vực rộng khoảng 1.500m2, chia làm 4 buồng: 2 buồng có mái che và 2 “buồng” ngoài trời. Bốn buồng này được “cưa đôi”, một cho 6 con hổ trưởng thành và một cho 4 con hổ con. Người chủ nhà cũng không quên làm hàng rào mắt cáo bao kín xung quanh. Khu ngoài trời được đặt nhiều cây gỗ cho hổ chơi đùa. Thấy chúng tôi đến, mấy con chồm lên, nhe nanh giương vuốt đe dọa.

Theo những người làm công ở đây thì ông Chiến hiện công tác tại Hà Nội. Những ngày cuối năm 2006, người dân Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa thấy xe cộ ùn ùn chở gỗ về nhà ông Nguyễn Mậu Chiến. Thế rồi một ngôi nhà sàn “hoành tráng” mọc lên nơi đây. Sau đó một thời gian, người dân Xuân Tín lại được một phen “choáng váng” khi một đàn hổ được chuyển về nuôi nhốt tại phía sau khu nhà.

Để chuẩn bị đón đàn hổ, người chủ đã cho xây dựng hai khu chuồng, mỗi khu rộng chừng 500-600m2 để nhốt hổ. Mười con hổ này, con lớn nhất nặng chừng 80kg, con nhỏ nhất là 30kg. Cũng theo những người làm công ở trang trại thì mỗi ngày đàn hổ được cho ăn hai lần.

Thức ăn chủ yếu của chúng là đầu gà luộc. Đầu gà được đặt mua tại Hà Nội với giá 9.000đ/kg. Sau đó được rửa sạch, đem luộc chín kỹ rồi lại được rửa thêm 2 lần nữa mới cho hổ ăn. Mỗi ngày 10 con hổ ăn hết chừng 30kg đầu gà. Ngoài ra, để cho hổ đỡ “ngán”, thỉnh thoảng những nhân công ở trang trại còn dùng thịt bò để thay thế cho thịt gà.

Hổ ở trang trại ông Chiến đôi khi cũng bị ốm. Mỗi lần như thế, những người làm lại chạy đôn chạy đáo mua thuốc... mời BS thú y đến tiêm cho chúng. Thường thường tiêm thuốc kháng sinh là chúng có thể khỏi.

Những người làm trong trang trại có khả năng “giữ mồm giữ miệng” giỏi đến nỗi chỉ đến những ngày đầu tháng 10/2007, dư luận cả nước mới biết đến sự tồn tại của những con hổ ở đây. Hỏi những người dân ở thị trấn Thọ Xuân, cách xã Xuân Tín chưa đầy 5km ai cũng lắc đầu quầy quậy, không biết.

Nằm phía tả ngạn sông Chu, Xuân Tín, được coi là một làng quê “đi đầu” của nông thôn Thanh Hóa thời mở cửa. Xuân Tín có 789,23 ha diện tích tự nhiên và 9.311 nhân khẩu. Hàng chục năm nay, dân Xuân Tín nổi tiếng về ngành “dịch vụ... nấu cao”.

“Đặc sản” của Xuân Tín chính là những sản phẩm xương khỉ, gấu, hổ để nấu cao. Ngoài ra còn có dạ dày nhím, sừng tê giác, nhung hươu... Và có giời mới biết sự thực về các loại cao này. Những người dân Xuân Tín mang “cao” đi bán khắp chốn cùng quê.

Với mánh ấy, không ít hộ đã phất lên một cách nhanh chóng. Đường vào Xuân Tín những nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc san sát. Và theo nhiều người dân ở Xuân Tín thì “đại gia” nuôi hổ ở đây cũng “làm giàu” bằng cách ấy.--PageBreak--

10 “ông ba mươi” này từ đâu ra?

Ngay trong buổi chiều ngày 4/10/2007, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo xã Xuân Tín để tìm hiểu nguồn gốc của 10 con hổ nuôi trái phép tại đây. Một cán bộ xã sau khi nhận giấy giới thiệu của chúng tôi liền chạy vào phòng Chủ tịch xã. Một lát sau anh quay ra, cho biết: “Lãnh đạo xã hôm nay đi vắng hết. Hôm sau các anh quay lại nhé!”.

Không nản chí, chúng tôi vào phòng của công an xã, đề nghị được giúp đỡ. Trưởng công an xã Trịnh Duy Mạnh sau khi cầm giấy giới thiệu của chúng tôi cũng chạy lên phòng... Chủ tịch xã.

Lát sau anh quay ra, câu trả lời không khác của người cán bộ xã ban nãy là mấy: “Bác Chủ tịch Trần Danh Luận với mấy bác phó hôm nay đi hộ đê hết cả”. Và vì chưa có “ý kiến” của lãnh đạo xã nên công an xã không thể cung cấp thông tin cho chúng tôi.

Sáng hôm sau, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Ông Phí Đức Quế - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết. Tháng 6/2007, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện ông Nguyễn Mậu Chiến (37 tuổi, trú tại Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa) nuôi trái phép một đàn hổ gồm 10 con.

Ngày 30/6/2007, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, đại diện UBND tỉnh, UBND huyện, xã, đại diện Công an tỉnh, Công an huyện... đã tiến hành kiểm tra trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến.

Sau đó chừng nửa tháng, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Mậu Chiến với mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng.

Cũng theo quyết định đó thì tỉnh cho phép ông Chiến tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ và lập phương án trình Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh cũng giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi, quản lý đàn hổ tại gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến.

Vẫn theo ông Quế thì đàn hổ của ông Chiến được mua từ những người dân tộc ở xã Na Mèo, huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa từ trước đó mấy tháng. 10 con hổ ông mua làm hai đợt. Đợt 1 ông mua 6 con. Mỗi con nặng chừng 3-4kg với giá 4-5 triệu đồng/kg. Đợt 2 ông mua 4 con sau đó vài tháng.

Sở dĩ ông Chiến mua được 10 con hổ cũng là do... sự tình cờ. Vốn là, ông Chiến lên Na Mèo với ý định mua... nhà sàn. Đang thỏa thuận mua nhà thì có mấy người dân tộc đến gạ ông mua... hổ. Ông Chiến bằng lòng nhưng không trực tiếp mang hổ về mà cho địa chỉ nhà ông ở dưới Thọ Xuân. Người bán sẽ mang hổ đến tận nhà để bán cho ông.

Tuy nhiên, theo văn bản của Bộ NN & PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp tại Thanh Hóa thì lực lượng kiểm lâm đã phát hiện tại gia đình ông Nguyễn Mậu Oai (bố đẻ ông Chiến) và ông Đoàn Viết Nha (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nuôi 10 con hổ.

Số hổ này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mậu Chiến (cán bộ Công ty Cổ phần Hóa dược Việt Nam, hiện trú tại 68 Nguyễn Huy Tưởng, quận Đống Đa, Hà Nội).

Trong số 10 con này thì 6 con có trọng lượng khoảng 60kg (mua về từ tháng 10/2006), 4 con có trọng lượng 4-5kg được mua về từ tháng 3. Toàn bộ số hổ này được khai báo là mua từ Lào về qua quốc lộ 217 (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) và không có giấy tờ hợp pháp theo quy định. --PageBreak--

Sẽ giải quyết như thế nào?

Theo ông Phí Đức Quế, sự chậm trễ trong việc phát hiện đàn hổ nuôi trái phép của ông Nguyễn Mậu Chiến là... trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở chưa sâu, sát (?!). Bên cạnh đó, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh chưa có cán bộ kiểm lâm “cắm xã” nên việc phát hiện đàn hổ của ông Chiến phụ thuộc vào nguồn tin của quần chúng.

Sau ngôi nhà sàn này hiện có 10 "ông ba mươi" đang bị nhốt.

Hỏi về cách giải quyết đàn “hổ nhà” của ông Chiến, ông Quế cho biết, trước mắt, Chi cục giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân theo dõi, quản lý chặt chẽ số hổ này.

Chi cục Kiểm lâm cũng đã gửi hồ sơ về đàn hổ lên Cục Kiểm lâm, Bộ NN & PTNT trình Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giải quyết. Và công việc hiện tại của Chi cục là... chờ quyết định của Thủ tướng.

Dư luận chắc hẳn cũng chưa quên vụ nuôi hổ ở Bình Dương. Bình Dương hiện có 3 chủ nuôi hổ là ông Ngô Duy Tân - Giám đốc Công ty Bia Pacific, ở huyện Dĩ An (nuôi 41 con); ông Huỳnh Phi Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một (9 con) và ông Huỳnh Văn Phùng, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh, huyện Thuận An (9 con).

Ông Tân có thể coi là “vua hổ” của Việt Nam với một đàn hổ hơn 40 con được nuôi trong điều kiện khá tốt. Chính từ gần chục con ban đầu đến nay ông Tân đã nhân giống được hàng chục con khác.

Tháng 4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ NN & PTNT cho phép các cơ sở nuôi hổ tại Bình Dương được tiếp tục nuôi thí điểm và một số động vật hoang dã.

Thủ tướng giao cho Bộ NN & PTNT và UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đang nuôi hổ và một số loài động vật quý hiếm lập phương án và hồ sơ đăng ký trại nuôi theo đúng quy định; đảm bảo điều kiện về an toàn đối với người nuôi và nhân dân trong vùng; chăm sóc, duy trì, phát triển động vật lâu dài phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế.

Với đàn hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến, hiện cũng chưa có kết luận cuối cùng về mục đích nuôi hổ của hộ gia đình này. Và đây chính là điểm mà các cơ quan chức năng cần làm rõ trước khi có động thái giải quyết.

Thật bức xúc khi việc giải quyết vài chục con hổ mà cũng phải chờ vào quyết định của Thủ tướng. Hơn nữa, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thế ra các cơ quan có trách nhiệm (cụ thể là Cục Kiểm lâm và Bộ NN & PTNT) được lập ra chỉ để... chuyển các vụ việc lên cho cấp trên? Lẽ ra, Cục Kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương phải là những cơ quan “đứng mũi chịu sào” trong việc giải quyết những vụ việc tương tự như vậy.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Chính những quy định chưa chặt chẽ của luật pháp khiến cho những người thừa hành ở các cơ quan có trách nhiệm không thể “thẳng tay” xử lý theo được.

Theo điều 190 Bộ luật Hình sự 1999: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Cơ quan chức năng mới chỉ có thể khẳng định được hành vi của người chủ hộ nuôi 10 con hổ ở Thanh Hóa là “tàng trữ” chứ chưa khẳng định được chuyện ông Chiến vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm.

Chính vì thế mới phải chuyển sang xử lý hành chính. Và việc UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phạt chủ hộ 30 triệu đồng là... không sai. Dư luận hiện rất quan tâm và đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng về vụ việc này

Minh Tiến
.
.