Về cái chết của nhà hoạt động môi trường Ken Saro-Wiwa

Thứ Sáu, 24/07/2009, 22:50
Ngày 9/6 vừa qua, một tòa án tại thành phố New York tiến hành phiên xử đối với Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell của Hà Lan về các cáo buộc đã có hành động bắt giữ người bất hợp pháp, tra tấn, phá hoại môi trường sống và sử dụng những chứng Cứ giả để gây áp lực buộc chính quyền Nigeria hành quyết nhà hoạt động môi trường Ken Saro-Wiwa vào năm 1995.

Tập đoàn Shell đã đồng ý chi trả 15,5 triệu USD tiền bồi thường cho thân nhân của Saro-Wiwa. Đây là kết quả của một vụ kiện tụng pháp lý xuyên thế kỷ kéo dài từ năm 1996 và được dư luận quốc tế đánh giá là một thắng lợi của công lý.

Kenule Ken Beeson Saro-Wiwa, người bộ tộc Ogoni, sinh ngày 10/10/1941 tại thành phố Bori ở châu thổ sông Niger của Nigeria. Thông minh, ham học hỏi, Saro-Wiwa là một học sinh trung học xuất sắc được nhận học bổng theo học ngành ngoại ngữ và văn chương của Đại học Ibadan.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được mời giảng dạy tại Đại học Lagos ở thủ đô Lagos của Nigeria. Năm 1967, khi xảy ra cuộc nội chiến tại Nigeria, Saro-Wiwa thôi dạy học, sau đó về làm việc cho một số cơ quan chính quyền tại cảng Bonny ở châu thổ sông Niger và làm thanh tra giáo dục tại tỉnh Ibadan.

Năm 1973, Saro-Wiwa bị sa thải vì liên quan đến hoạt động đòi quyền tự trị cho người Ogoni ở châu thổ sông Niger. Để mưu sinh và có tiền ủng hộ cho các hoạt động đấu tranh của người Ogoni, ông làm đủ mọi việc từ kinh doanh bất động sản cho đến làm báo và sản xuất phim tài liệu truyền hình.

Từ cuối những năm 80, đầu thập niên 90, Saro-Wiwa dành hết thời gian và sức lực cho các hoạt động nhân quyền và môi trường. Ông là người đã sáng lập ra Phong trào đấu tranh vì quyền sống của người Ogoni (MOSOP) đấu tranh đòi quyền tự trị cho người Ogoni, đấu tranh chống việc hủy hoại môi trường ở châu thổ sông Niger bởi các tập đoàn dầu khí nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Shell, gây nhiễm bẩn và phá hoại môi trường sống của người Ogoni một cách nghiêm trọng.

Tháng 3/1992, Saro-Wiwa bị chính quyền quân sự ở Nigeria bắt giam 4 tháng mà không cần xét xử về việc gây cản trở cho hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn Shell ở châu thổ sông Niger.

Tháng 1/1993, MOSOP dưới sự dẫn dắt của Saro-Wiwa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ôn hòa có sự tham gia của hàng trăm ngàn người Ogoni, đòi quyền tự trị, yêu cầu Tập đoàn Shell thôi khai thác dầu khí trên các vùng đất của người Ogoni và đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác dầu khí. Cuộc biểu tình quy mô này thu hút sự quan tâm của đông đảo dân chúng Nigeria và dư luận quốc tế. 

Tháng 4/1995, Saro-Wiwa bị bắt giữ về tội làm loạn nhưng chỉ một tháng sau được trả tự do trước phản ứng của dư luận trong và ngoài nước, cho đến khi xảy ra một sự kiện. Ngày 21/5/1994, 4 thành viên cấp thấp của MOSOP bị giết hại bằng súng. Lập tức cảnh sát liền bắt giữ Saro-Wiwa do nghi vấn ông là thủ phạm. Sau đó cảnh sát tiếp tục bắt giữ 8 thành viên cao cấp của MOSOP và buộc tội những người này là đồng phạm với Saro-Wiwa giết hại 4 thành viên cấp thấp của MOSOP mặc cho những người này cùng Saro-Wiwa liên tục kêu oan. Sau một thời gian điều tra, cảnh sát cho rằng đã có đầy đủ chứng cứ để buộc tội giết người đối với Saro-Wiwa và 8 thành viên cao cấp của MOSOP nên đã quyết định đưa ra xét xử.

Mặc cho kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và môi trường quốc tế đối với chính quyền Nigeria về việc xem xét lại các chứng cứ để buộc tội Saro-Wiwa cùng những người khác, vào ngày 10/11/1995, Saro-Wiwa cùng 8 thành viên cao cấp của MOSOP vẫn bị tuyên án tử hình và sau đó bị hành quyết bằng cách treo cổ. Vụ hành quyết tập thể này đã gây phẫn nộ cho dư luận thế giới và cáo buộc Tập đoàn Shell đã gây áp lực buộc chính quyền Nigeria phải tử hình Saro-Wiwa cùng các đồng nghiệp của ông.

Việc tử hình Saro-Wiwa đã khiến Khối Liên hiệp Anh biểu quyết khai trừ tư cách thành viên của Nigeria. Trong khi đó, một số quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh... quyết định áp đặt lệnh cấm vận về kinh tế và quân sự đối với Nigeria.

Năm 1996, trước sự việc một số người trước đó đã đứng ra làm nhân chứng tố cáo Saro-Wiwa cùng 8 thành viên cao cấp của MOSOP đã tổ chức giết hại 4 thành viên cấp dưới vào tháng 5-1994, nay quay lại cáo buộc chính Tập đoàn Shell đã dùng tiền bạc và cả công ăn việc làm  nhằm mua chuộc họ tạo chứng cứ giả để tố cáo hành vi giết người của Saro-Wiwa cùng 8 thành viên cấp cao của MOSOP, Tổ chức Trung tâm Quyền con người quốc tế (CCR) đã cùng Ken Saro-Wiwa, con trai của của Saro-Wiwa, quyết định kiện Tập đoàn Shell để đòi công lý và bồi thường thiệt hại.

Theo thời gian, CCR và Ken Wiwa còn thu thập thêm nhiều chứng cứ chứng minh Tập đoàn Shell đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của người dân ở châu thổ sông Niger từ việc khai thác dầu. Trong trường hợp gặp phản ứng, Tập đoàn Shell dùng tiền bạc mua chuộc chính quyền sở tại đàn áp mọi phản kháng của dân chúng. Vụ kiện tụng kéo dài đến năm 2008 mới chuyển sang một bước ngoặt mang tính quyết định khi một tòa án ở thành phố New York quyết định thụ lý vụ việc.

Do nhận biết vụ việc sẽ diễn ra hoàn toàn bất lợi, ảnh hưởng đến uy tín của mình nên chỉ một tuần trước khi tòa án quyết định mở phiên tòa xét xử, vào ngày 9/6/2009, Tập đoàn Shell quyết định bồi thường thiệt hại 15,5 triệu USD về những gì mà họ đã gây ra cho Saro-Wiwa cùng 8 thành viên cao cấp của MOSOP và những người thân của họ.

Đây được xem là một thắng lợi của công lý, nhất là trong bối cảnh xảy ra liên tục các hành động hủy hoại môi trường của các tập đoàn kinh tế tại những quốc gia mà họ đặt cơ sở sản xuất

Hà văn (theo The Bulletin of Green Peace)
.
.