Về vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở Tiên Lãng, Hải Phòng

Thứ Hai, 16/01/2012, 18:35

Cho đến thời điểm này, hung thủ trực tiếp nã đạn trong vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng khu đầm nuôi trồng thủy sản tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng làm 4 cảnh sát và 2 cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện trọng thương đã ra đầu thú. Hiện tại còn 2 đối tượng của vụ án là Đoàn Văn Thoại, em ruột Đoàn Văn Vươn và Phạm Thái, em vợ của Đoàn Văn Quý - người vừa ra đầu thú, vẫn đang bỏ trốn.

Đoàn Văn Quý sau khi ra đầu thú tại Cơ quan điều tra đã tỏ ra thành khẩn nhận lỗi. Tại Cơ quan điều tra, bước đầu Quý khai nhận chính mình là một trong những người đã nổ súng vào lực lượng vây bắt. Nguyên khu đất bồi ven biển mà anh ruột Quý đứng ra thầu rộng gần 50ha. Ngoài ngôi nhà 2 tầng, mấy anh em Quý còn dựng thêm hai bên 2 chiếc chòi để kiểm soát đầm cá và bao quát trông coi cây trồng. Sau khi nổ súng, Quý đã cố thủ trong nhà, còn Thoại và Thái chia nhau mỗi người lên một bên chòi.

Khi thấy lực lượng Công an và Quân đội được huy động chuẩn bị tiến vào, Thoại và Thái hoảng quá bèn đánh động cho Quý để cả 3 cùng leo lên 2 chiếc mủng, tìm cách vượt sông Hóa sang Thái Thụy, Thái Bình. Tuy nhiên, theo lời khai, do lóng ngóng nên mủng của Quý bị lật úp ngay cửa sông khiến cho Quý không thể sang bên kia và cũng rơi luôn 2 khẩu súng gây án xuống sông. Quý buộc phải bơi về bên rừng ngập mặn phòng hộ đê, chui lủi chịu đói chịu khát suốt 2 ngày trời trước khi tự thú…

Được biết sự việc bắt đầu từ một quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng, giao cho ông Đoàn Văn Vươn, 49 tuổi, ở Bắc Hưng, Tiên Lãng 19,3ha đất bãi bồi ven biển thuộc địa phận xã Vinh Quang, là đất giao có thời hạn. Sau đó, huyện lại giao tiếp cho ông Vươn một phần đất khác bên cạnh phần đất đã giao, với tổng diện tích lên tới gần 50ha. Tuy nhiên, phần đất giao sau có thời hạn dài hơn phần đất đã giao tới hơn 2 năm.

Sau khi nhận đất, ông Vươn cùng các anh chị em trong gia đình tập trung vào đầu tư tiền bạc, nuôi trồng thủy sản, trồng cây sinh lời. Không chỉ riêng gia đình ông Vươn, còn có ông Vũ Văn Luân, ở xã Hùng Thắng cũng được giao đất theo diện này và cũng đã có quyết định thu hồi đất. Đúng hạn, phần diện tích được giao trước của ông Vươn (19,3ha) phải được bàn giao từ năm 2009.

Tuy nhiên, xét thấy hiệu quả của hoạt động đầu tư kinh tế trên khu đất chung, thêm nữa cũng do hoạt động nuôi trồng thủy sản có đặc thù riêng của nó, ranh giới giữa phần đất giao trước và phần giao sau có sự sát nhập hợp lý nên huyện đã quyết định chờ cho đến khi quyết định giao đất thứ 2 hết hiệu lực rồi mới thu hồi một thể. Vì thế trong giai đoạn quyết định giao đất hết hiệu lực (quyết định thứ nhất, giao 19,3ha) nhưng lại không được ký giao đất tiếp nên các khoản nghĩa vụ tài chính ông Vươn không thực hiện.

Giám đốc Đỗ Hữu Ca (đứng ngoài cùng bên trái) trực  tiếp chỉ đạo tại hiện trường.

Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như khu đất bãi bồi ấy lại nằm đúng trong vùng quy hoạch sân bay Tiên Lãng trong tương lai. Điều này cố nhiên chẳng liên quan gì đến cái cây, con cá trong đầm, nhưng lại có tác động rất lớn tới những người đang sử dụng nó. Một quyết định giao đất hay cho thuê đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bị thu hồi đất sau này. Bởi thế nên việc dự định chuyển từ giao đất (khi bị thu hồi sẽ nhận mức đền bù cao hơn) sang cho thuê đất (mức đền bù thấp hơn) của chính quyền huyện đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ những hộ đã từng được giao đất ở đầm như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn.

Cho rằng việc sắp bị thay đổi cơ chế sở hữu - đền bù trên mảnh đất mình đã phải bỏ bao nhiêu công sức, tiền bạc, thậm chí là cả gia sản như thế là điều không thỏa đáng, họ đã tìm mọi cách cản trở việc thu hồi đất ấy.

Để chuẩn bị cho "kế hoạch" chống trả lực lượng cưỡng chế, Vươn, Quý, Đoàn Văn Sịnh (anh cả trong nhà Vươn, Quý), Đoàn Văn Thoại (em út). Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ Vươn) đã cùng nhau làm hàng rào tre dóc chắn đường. Đồng thời những người này còn chuẩn bị sẵn 2 bình gaz, thuốc súng và kíp nổ, bình ắc quy để kích điện kíp nổ, trải rơm dọc đường vào và tẩm xăng lên với ý đồ nếu đoàn cưỡng chế tiến vào sẽ châm lửa đốt… Riêng Quý còn đi lùng và nhờ người tìm mua 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải với giá 7,5 triệu đồng một khẩu.

Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, bước đầu đã xác định chất nổ được dùng để chế tạo quả mìn tự tạo bọc nilon với kíp nổ điện mà anh em nhà Quý chế ra được làm từ thuốc nhồi đạn hoa cải, chứ không phải thuốc nổ TNT. Có lẽ chính vì thế nên may mắn là nó đã không đủ sức công phá chiếc bình gaz bên trên. Nếu không thì thương vong chắc sẽ không chỉ dừng ở mức 6 người bị thương phải đưa đi cấp cứu và 1 người bị xây xước nhẹ.

Về con đường vào trải rơm có tẩm xăng, Đại tá Đỗ Hữu Ca cho biết lực lượng chức năng đã có kế hoạch cho đốt sạch để dọn đường vào. Tuy nhiên sau đó thấy không cần thiết bởi trời mưa phùn hôm ấy đã "giúp" các lực lượng chức năng vô hiệu hóa ý đồ "hỏa công" của anh em nhà Vươn.

Sau khi tiến vào ngôi nhà, lực lượng chức năng đã thu giữ 2 bình gaz (một bình đã bị biến dạng do mìn), 1 quả mìn 2 kíp chưa nổ, nhiều dao phay và tuýp sắt cộng với một cuộn dây điện. Tài sản trong nhà hầu như chẳng có gì.

Căn nhà 2 tầng xây dựng bất hợp pháp trên đất đầm phải được giải toả.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã tới hỏi thăm, tặng quà và động viên kịp thời 6 cán bộ bị thương nói trên. Trong số đó có Thượng sĩ Đỗ Xuân Trường (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) bị nặng nhất, vỡ nhãn cầu trái.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng về sự việc này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Thưa Đại tá, có ý kiến cho rằng việc triển khai lực lượng mạnh như thế trong trường hợp này có vẻ là… không phù hợp?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Thực tế là đang có sự nhầm lẫn trong nhận thức đối với 2 sự việc mang tính chất khác hẳn nhau, xảy ra ở hai giai đoạn của vụ việc.

Ở giai đoạn thứ nhất, là một vụ cưỡng chế hành chính đơn thuần. Trong một vụ cưỡng chế hành chính như thế, theo thủ tục sẽ có sự tham gia đầy đủ của các lực lượng, tổ chức quân, dân, chính, Đảng. Tùy từng điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương mà có thêm sự tham gia của các hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hay Đoàn Thanh niên… Ban đầu là thuyết phục, sau đó mới là cưỡng chế. Ngay như với trường hợp cụ thể này ở Tiên Lãng, huyện đã có tới 8 lần thuyết phục đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Tạm không bàn đến những nội dung cụ thể, thì sau khi thỏa thuận không đạt được, chính quyền tổ chức cưỡng chế với sự tham gia của các lực lượng là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, khi lực lượng giải tỏa tiến vào thì đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Máu của các chiến sĩ đã đổ. Và đây là hành vi phạm pháp. Sự việc đã vượt quá giới hạn của một vụ cưỡng chế hành chính. Gài mìn, dùng súng bắn trọng thương người đang thi hành công vụ là tội phạm nghiêm trọng. Mà để trấn áp tội phạm thì biện pháp mạnh là cần thiết, là bắt buộc. Vậy thì sự triển khai lực lượng như trên sau khi đã xuất hiện hành vi vi phạm pháp luật không thể gọi là không phù hợp, mà phải là cực kỳ chuẩn xác. Chỉ có điều, một số phương tiện thông tin đại chúng lại chỉ quan tâm khai thác khía cạnh gay cấn của vụ việc khiến cho dư luận hiểu lầm như thế. Chỉ thích đưa lên toàn súng ống, chó nghiệp vụ trông cho… oách! Chúng tôi đâu có đưa lực lượng vũ trang đến để giải phóng mặt bằng? Lực lượng vũ trang đến là để trấn áp tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ và còn đang tiếp tục chống trả quyết liệt.

PV: Như vậy là lực lượng Công an ban đầu được triển khai theo đúng thành phần tham gia giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của huyện?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Đúng vậy! Thực tế cho thấy, toàn bộ số cán bộ chiến sĩ bị thương đều là lực lượng của huyện, huyện đội. Có nghĩa là khi hành vi chống người thi hành công vụ đã xảy ra, có tội phạm rồi thì lực lượng tăng cường có vũ trang mới được triển khai.

Khi nhận được tin báo, tôi đang họp Thường vụ. Trên đường đi hơn 40 cây số từ thành phố xuống Tiên Lãng, tôi vẫn còn kịp ghé vào thăm anh em bị thương vừa được chuyển ra sơ cứu ở Bệnh viện Việt - Tiệp. Tới hiện trường, sau khi xem xét tình hình, điện về Bộ xin chỉ thị rồi Ban Giám đốc mới quyết định điều thêm quân. Mà cũng là 2 tiểu đội đặc nhiệm thôi, chứ không phải 2 trung đội như có báo đã đưa tin. Lực lượng đến nơi rồi, cũng có phải đã vào ngay đâu. Còn bắc loa gọi yêu cầu đối tượng bỏ vũ khí ra đầu hàng trước đã, rồi anh em mới vào. Sự việc tách bạch rõ ràng. Hàng ngàn người dân trong vùng đã chứng kiến như thế…

PV: Ông nghĩ thế nào về những thương vong đã xảy ra?

Đại tá Đỗ Hữu Ca: Đây là điều thực sự đáng tiếc! Chúng ta sẽ cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này. Lực lượng Công an được huy động tham gia giải phóng mặt bằng không phải để trực tiếp tham gia phá dỡ, hay để "chọi" với người dân. Người công an, mang sắc phục có mặt ở đấy là để giữ gìn trật tự cho hoạt động cưỡng chế, đảm bảo cho hoạt động cưỡng chế diễn ra đúng pháp luật và sẽ chỉ xử lý những trường hợp chống người thi hành công vụ. Cần phải xác định được rằng đối tượng giải phóng mặt bằng không phải là tội phạm. Tùy vào từng hành vi phản ứng mà xác định hành động cho mình mới là cách ứng xử khôn ngoan.

Cụ thể như trong trường hợp ở Tiên Lãng, đáng ra khi thấy mìn nổ, nhận thấy hành vi chống người thi hành công vụ tỏ ra nguy hiểm thì phải xin ý kiến lãnh đạo, không thể đơn giản hóa và khinh xuất để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Công an Hải Phòng đã tham gia  hàng trăm vụ cưỡng chế, đều đạt kết quả tốt. Nhưng có phương pháp đúng là mọi việc êm đẹp ngay. Kể cả khi đối tượng đã tỏ thái độ chống đối rồi thì giải thích, thuyết phục vẫn có thể đem lại kết quả. Bản chất vấn đề là bảo vệ lợi ích. Mà đã gọi là lợi ích thì sẽ có thiệt, hơn. Lấy lời phải ra mà khuyên giải họ, dẫu có không đạt được sự quy phục ngay thì cũng sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt mức độ chống đối. Từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính. Tôi xin nhắc lại lần nữa là không thể coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm, đừng để họ đối đầu với mình khi không cần thiết.

PV: Xin cảm ơn Giám đốc!

Việt Ba
.
.