Vị đắng cuộc tình

Thứ Năm, 28/11/2013, 14:15

Đứng trước vành móng ngựa, Trần Thúy Huệ khai mình đâm chồng không phải vì ghen bởi anh ta vô trách nhiệm, bỏ mặc mẹ con chị để sống với người phụ nữ khác, mà vì bị cáo uất ức. Huệ khai nỗi đau quá lớn, những hận căm chất chứa cứ lớn dần theo thời gian khi hết lần này đến lần khác bị chồng mạt sát, xem thường, bị "gài" thế, ký gán nhà cho ngân hàng để anh ta lấy tiền lo cho tổ ấm mới!

Bào chữa cho bị cáo Huệ, vị luật sư cũng xoáy vào bi kịch dẫn đến nỗi uất hận quá tay của Huệ như thế. Con trai Huệ đang học đại học cũng đầm đìa nước mắt bênh mẹ, hạch tội cha… Nhưng buồn làm sao, câu chuyện thương tâm của Huệ không được tòa xem xét. Bị cáo có cái lý của mình và tòa có cái lý của tòa, hai cái lý không gặp nhau, nên nguyện vọng xin được giảm án để về với con của Trần Thúy Huệ không được chấp thuận.

1. Hôm tòa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trần Thúy Huệ, 43 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM về tội cố ý gây thương tích, nạn nhân và là chồng của chị - người sống với Huệ hơn 20 năm trời với 2 mặt con là Nguyễn Quý N. vắng mặt. Trước phiên xử, con trai lớn của chị là Nguyễn Trần Trọng N. (20 tuổi) cho tôi xem mấy mẩu tin nhắn bảo là của ba gửi cho mình cách đây vài ngày với đôi mắt đỏ hoe.

Tin nhắn đầu tiên có nội dung: "Tao đang định viết đơn xin giảm tội cho con mẹ của mày nhưng nó không biết điều, đòi giảm tiền bồi thường của tao. Nếu vậy tao sẽ cho tới luôn. Mày nói lũ đó (bên ngoại - PV) suy nghĩ cho kỹ đi rồi cho tao biết kết quả".

Hướng mắt về phía mẹ, Trọng N. kể sau nhiều lần gửi tin nhắn nhưng không thấy hồi âm, bị hại của mẹ là ba của mình tức giận nhắn tin khác. Tin nhắn có nội dung: "Đồ ngu, tiếp tục làm trò ngu xuẩn nữa đi sẽ thấy hậu quả. Kể từ hôm nay, ký tên vào đơn đi, càng ngu nhiều càng lãnh hậu quả".

Lẽ nào có người chồng người cha như thế, lẽ nào chuyện này là sự thật?!

Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố bản án. Theo đó, vào lúc 8 giờ ngày 26/4/2010, tại nhà số 14/7, đường 65, khu phố 5, phường Thảo Điền, Trần Thúy Huệ và chồng là Nguyễn Quý N. xảy ra mâu thuẫn cãi vã: "Huệ bỏ ra ngoài lấy xe gắn máy định đi về Củ Chi nhưng N. không cho nên giật lấy chìa khóa. Hai bên giằng co thì N. làm chìa khóa rạch vào tay Huệ gây trầy da chảy máu. Sau đó, trong lúc N. đang ngồi viết đơn ly hôn trên bàn ăn thì Huệ bất ngờ cầm 2 con dao Thái Lan một lớn, một nhỏ có sẵn trên bếp, đi từ phía sau tới đâm cùng lúc vào hai vai N.".

Hồ sơ bản án cho biết sau khi gây án, thấy chồng bị chảy máu nên Trần Thúy Huệ nhờ một người cháu chở N. đi cấp cứu. Qua quá trình điều trị vết thương, gần 5 tháng sau ông N. đã đến Công an quận 2 tố cáo hành vi cố ý gây thương tích của vợ. Cơ quan điều tra vào cuộc, đưa ông N. đi giám định tỷ lệ thương tật trong tình trạng tay bị teo lại, thâm tím, không phục hồi do tổn thương toàn bộ thần kinh, gân cơ tay. Mức độ tổn thương là 55%.

Ngày 11/7/2013, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quận 2 truy tố Trần Thúy Huệ về tội “Cố ý gây thương tích”. Phiên tòa sơ thẩm vào đầu tháng 8 tại Tòa án nhân dân (TAND) quận 2 tuyên Huệ 3 năm 6 tháng tù giam và buộc phải chi trả cho người chồng bị hại số tiền hơn 400 triệu đồng gồm: tiền tổn thất tinh thần, tiền tổn thất thu nhập, tiền điều trị, tiền tập vật lý trị liệu, tiền thuê nhà…

Theo tòa sơ thẩm, lẽ ra tòa tuyên bị cáo bản án cao hơn mức án 3 năm 6 tháng tù giam (nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS - PV) nhờ bị cáo ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu… và nhờ bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho vợ. Trên cơ sở đó tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên cho bị cáo mức án thấp nhất của khung hình phạt.

Vợ chồng cãi nhau, lúc chồng đang viết đơn ly hôn thì vợ vào bếp lấy dao đâm chồng dẫn đến thương tật teo tay, khi ra tòa thì người chồng độ lượng xin giảm nhẹ hình phạt cho vợ, lẽ ra phải lấy đó làm cảm kích và an tâm cải tạo thì người vợ làm đơn chống án, giữa tòa sơ thẩm đã đứng ra chỉ trích người chồng. Trong chuyện này, người vợ quá đáng hay vụ án có uẩn khúc gì khác?

Trần Thúy Huệ trong phiên xét xử.

2. Giữa tháng 11 vừa qua, phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm vụ án "vợ chồng cãi nhau, vợ đâm chồng gây thương tích nặng" được đưa ra xét xử theo nguyện vọng của người vợ. Phiên tòa vắng mặt người chồng nhưng có sự hiện diện của cậu con trai đang học năm 3 chuyên ngành Kiến trúc ở Bình Dương. Tại tòa, cùng với vị luật sư, cậu con trai hết lòng… bênh mẹ.

Trong lúc chờ tòa xử, Trần Thúy Huệ nhìn con trai mà nước mắt lưng tròng. Phía ngoài phòng xử, con trai cũng lặng người nhìn mẹ với đôi mắt trũng sâu và quầng thâm vì mất ngủ. Một đằng là mẹ, một đằng là cha, thường đứng trước ngã rẽ ấy, đứa con rất khó xử bởi chuyện xảy ra là chuyện của người lớn, chẳng biết bênh ai bỏ ai. Đằng này, như đã nói, đứa con trai đứng hẳn về phía mẹ.

"Ngày xảy ra vụ án là lần thứ 3 ổng kêu mẹ em ký đơn vay nợ nhưng mẹ không đồng ý nên hai bên dẫn đến cãi vã, xô xát. Nghe tiếng cự cãi em chạy ra thì thấy ổng tát, đánh, đạp mẹ và buông lời mắng nhiếc thậm tệ nên xông vào đẩy ổng ra… Tưởng chuyện dừng lại nhưng không ngờ bi kịch chỉ vừa bắt đầu. Sau đó mẹ em lấy chìa khóa định đi về nhà ngoại thì ổng không cho…".

Trọng N. kể lại sự việc trong căm phẫn với nỗi buồn từ ngày xảy ra sự việc mẹ đâm cha, hai anh em phải sống trong cảnh đoạn lìa vì em gái tên V. bị ba "bắt": "Từ lúc mẹ ở tù thì ổng giữ riết bé V. (SN 2002) không cho về ở với ngoại. Ổng giữ bé V. vì ổng biết mẹ rất thương bé. Ổng ra điều kiện nếu sau này ly dị mẹ phải ra đi tay trắng nhường hết căn nhà cho ổng thì ổng mới trả em V. lại cho mẹ".

Trọng N. còn cho biết sau án tuyên của tòa sơ thẩm, vì số tiền bồi thường quá lớn, mẹ ở tù không có điều kiện bồi thường, bản thân còn đang đi học nên em đã phải cầu cứu đến ngoại và các dì, cậu 20 triệu đồng để đền bù cho bị hại chính là cha của mình: "Từ lúc xảy ra vụ án cho đến nay ổng liên tục nhắn tin khủng bố em hơn 50 tin nhắn với nội dung đại khái nếu mẹ em chịu ký giấy ly hôn và không nhận tài sản khi ly hôn thì ổng sẽ ký đơn bãi nại, không thì ổng sẽ cho ngồi tù mọt gông".

Sự thật đến đâu quanh câu chuyện buồn của Trọng N. thì cần phải xét lại. Nhưng N. không phải trường hợp duy nhất phản ánh chuyện trái khoáy đau lòng này!

3. Chuông reng, thời khắc xét xử phúc thẩm theo nguyện vọng của bị cáo Trần Thị Huệ được bắt đầu. Tòa hỏi rạn nứt hạnh phúc gia đình có phải do anh ta hay say xỉn, nghiện cờ bạc, bị báo Huệ lắc đầu bảo N. không có những tính ấy, mà chỉ… trăng hoa: "Bao nhiêu năm qua, bị cáo vừa làm mẹ vừa làm cha, vừa đi làm kiếm tiền vừa chăm sóc hai con, lo cho con ăn học. Đã vậy lại còn phải chịu đựng bị hại liên tục kiếm chuyện chửi bới, nặng nhẹ mỗi khi về đến nhà".

Như con trai, Huệ trình bày với tòa căn nhà mà 3 mẹ con ở tại phường Thảo Điền là nhà cấp 4, đã cũ, dột nát, mỗi khi trời mưa phải căng bạt, trùm áo mưa cho khỏi dột, có nguy cơ sập, một tháng 30 ngày thì có 20 ngày thủy triều dâng nước ngập lênh láng nhưng ông chồng vẫn cứ thờ ơ. Bởi anh ta mải mê theo đuổi và tìm vui với người phụ nữ khác. "Nhà dột nát như vậy nhưng bị hại không quan tâm. Nhà là nhà chung của hai vợ chồng nhưng bị hại đem thế chấp ngân hàng rồi bắt bị cáo ký tên để vay tiền...".

"Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng với tổng số tiền phải bồi thường là 409 triệu, trong đó có 36 triệu đồng là tiền thuê nhà nếu buộc bị cáo phải đền là không hợp lý. Vì bị hại không chịu về nhà ở mà lại ra ngoài thuê ở cùng vợ hờ nay bắt bị cáo trả tiền thì… (ông Quý N. thì cho rằng mình không dám về nhà ở vì sợ bị vợ gây án thêm một lần nữa - PV" - bị cáo Huệ trình bày và thừa nhận việc dùng dao đâm chồng là hành vi sai trái nhưng xin tòa xem xét cho hoàn cảnh của mình, bởi bị cáo gây án trong trạng thái ức chế tinh thần…

Bào chữa cho bị cáo Huệ, luật sư Đỗ Ngọc Oánh (Đoàn Luật sư TP HCM) trình bày với tòa rằng Huệ và Nguyễn Quý N. xây dựng gia đình từ năm 1992. Khoảng thời gian đầu, vợ chồng sống hạnh phúc nhưng đến năm 2007 thì xảy ra mâu thuẫn. Cho rằng chồng thường vắng nhà vì có quan hệ với người phụ nữ khác nên Huệ làm đơn xin ly hôn, gửi đơn nhờ TAND quận 2 giải quyết nhưng sau đó Nguyễn Quý N. đề nghị rút đơn, vợ chồng hòa hợp được một thời gian thì xảy ra mâu thuẫn gay gắt hơn. Luật sư Oánh nhắc đến chuyện giữa lúc mâu thuẫn kéo dài và ngày càng sâu, lại thêm khi cãi vã bị chồng hành hung, thóa mạ… nên Huệ phẫn uất đã làm chuyện nông nổi, hành vi đó do ức chế về tinh thần và nhân phẩm bị xúc phạm.

"Theo như lời khai của bị cáo thì cuộc sống hôn nhân của gia đình bị cáo từ lâu đã không còn, vậy tại sao cả hai không ngồi lại bàn bạc tìm hướng giải quyết? Bị cáo trình bày bị hại có đánh, ngược đãi, bạo hành vậy sao bị cáo không trình bày với các tổ chức đoàn thể địa phương để được can thiệp?".

Trong quá trình xét xử, tòa đặt ra những khúc mắc ấy và bị cáo Trần Thúy Huệ trả lời vì "ráng nhẫn nhịn để cố giữ, và 2 đứa nhỏ có cha", vì nghĩ một ngày nào đó chồng sẽ suy nghĩ lại, sẽ thay đổi tâm tính quay về với gia đình, vợ con và vì không muốn gây điều tiếng để các con tủi hổ với bạn bè.

Rõ ràng, trả lời này của người vợ đáng thương không thỏa mãn được tòa: "Nãy giờ bị cáo khai rất nhiều, ông N. thế này, ông N. thế kia nhưng bị cáo không chứng minh được và cuối cùng bị cáo lại dùng 2 con dao đâm bị hại. Tại sao lúc sơ thẩm bị cáo không nói để tòa xem xét, bây giờ thì còn chứng minh được gì?".

Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, Trần Thúy Huệ và cậu con trai buồn rũ rượi. Lúc được giải về xe đặc chủng về trại giam thi hành án, người phụ nữ bước đi thật nhanh như để thoát khỏi tất cả ánh nhìn của mọi người

T.Phúc Trinh
.
.