Vì sao 1.517 cổ vật của Mười Thương bị tịch thu?

Thứ Tư, 25/02/2009, 10:20
Rốt cuộc, số phận của hàng nghìn cổ vật liên quan đến vụ án được Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) tỉnh Quảng Nam tạm giữ trong thời gian khá dài cũng đã được định đoạt. Những người có trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan liên quan tỉnh Quảng Nam đã làm gì đối với hàng nghìn cổ vật vô giá này?...

“Trở mình” sau trên 500 năm nằm đáy biển 

Bên ngoài treo tấm bảng “Bảo tàng Quảng Nam”, song thực tế thì đó chỉ là cái nhà kho tọa lạc ở vị trí khá khiêm tốn trên mảnh đất rộng hơn 10.000m2 ở đường Phan Bội Châu, thuộc khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Ông Phạm Văn Bính, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, đưa chúng tôi đi xem một lượt khắp 6 phòng. Và, thật bất ngờ khi chúng tôi được chứng kiến trước những cổ vật là bát, đĩa, bình rượu... đồ gốm, sứ Chu Đậu (Hải Dương) khai quật từ con tàu bị đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm vào thế kỷ XV, xếp chồng lớp lên nhau trong một vài chiếc tủ kính.

Ông Phạm Văn Bính cho biết, Bảo tàng Quảng Nam hiện đang giữ hơn 20.000 hiện vật; trong đó có đến 6.000 hiện vật là đồ gốm, sứ. Ông Bính chỉ cho chúng tôi xem một đống thùng các-tông, thùng xốp to như những chiếc thùng đựng tivi được niêm phong kín giấy bên ngoài với đầy đủ con dấu của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, nằm dưới gầm cầu thang và bảo: “Trong những thùng xốp này là hàng nghìn cổ vật liên quan đến vụ án buôn bán, tàng trữ cổ vật trái phép. Đã hơn 5 năm qua, tang vật này chưa được xử lý, vì có hai luồng ý kiến trái ngược từ các cơ quan chức năng, nên cứ phải bỏ đó chờ...”.

Hỏi cặn kẽ mới hay, chủ nhân số cổ vật trong thùng xốp là Mười Thương, một trong những “trùm” chơi đồ cổ ở TP Đà Nẵng...

Chúng tôi xin được nhắc lại sự kiện phát hiện và trục vớt cổ vật từ con tàu bị đắm nằm trong lòng biển Cù Lao Chàm. Có thể khẳng định, chính những ngư dân đánh cá bằng lưới quét là người đầu tiên phát hiện xác con tàu cùng với hàng nghìn cổ vật là đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương).

Đó là một phát hiện rất tình cờ từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Nhưng cũng kể từ thời điểm ấy, con tàu bị đắm và số đồ gốm sứ vô giá kia không còn nằm im trong lòng đại dương như hàng thế kỷ đã trôi qua. Nó đã trở thành tâm điểm của những kẻ chuyên săn lùng, trục lợi từ đồ cổ. Hồi đó, cả một vùng biển đã nóng lên với nạn trục vớt cổ vật trái phép. Đồ cổ được ngư dân lặn vớt được đem bán lại cho các tay chơi đồ cổ, hoặc các trùm săn cổ vật loại chuyên nghiệp, với giá rẻ mạt - cao nhất cũng chỉ khác vài trăm ngàn đồng. Còn những kẻ “vớ” được cổ vật thì tìm mọi cách, lén lút tuồn ra nước ngoài bán lại thu lợi gấp ngàn lần.  Nhiều ngư phủ bất chấp nguy hiểm, thậm chí đánh đổi sinh mạng để lặn mò trong lòng biển tìm đồ gốm sứ trong xác con tàu bị đắm đem bán lại mà không hề biết giá trị thực của loại cổ vật này.

Để chứng minh, ông Bính cho chúng tôi xem tài liệu cuộc đấu giá cổ vật do “đại gia” trong làng đấu giá thế giới là Hãng eBay thực hiện tại San FranciscoLos Angeles (Mỹ) cách đây đã hơn 8 năm. Mỗi món đồ được làm ra từ các lò gốm cổ Chu Đậu - Mỹ Xá, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh (Hải Dương) tìm thấy dưới đáy biển mà người nước ngoài gọi là “Kho báu dưới đại dương Hội An”; loại nhỏ, ít giá trị cũng có giá từ 1.000 đến 2.000USD. Riêng chiếc bình rượu tạo hình rồng vẽ lam, giá mỗi chiếc từ 30.000 đến 50.000USD, thậm chí “leo” đến 70.000USD...

Tại cuộc bán đấu giá này, các tay chơi đồ cổ sành điệu trên thế giới đều choáng váng, điếng người, bởi sự phong phú của đồ gốm sứ cổ của Việt Nam, trong đó có những món đồ mà hàng chục năm bỏ công sưu tầm khắp trên thế giới nay họ mới được thấy lần đầu tiên.

Tháng 4/1997, sau khi được sự cho phép của Chính phủ, một ban khảo cổ liên ngành được thành lập gồm đầy đủ các cơ quan liên quan: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Nam,  Trung tâm Khảo cổ học dưới nước - Đại học Oxford (Anh), Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ Việt Nam, Công Ty Saga Horizon (Malaysia)... cùng với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, tiến hành khai quật khảo cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm. Cuộc khai quật kéo dài trong 4 năm, người ta đã tìm thấy dưới độ sâu 70m, một con tàu dài đến 29,4m, lòng tàu chia thành 19 khoang chất đầy đồ gốm sứ Chu Đậu.

Cổ vật trong nhà kho.

Giới chuyên môn dự đoán đây là con tàu nước ngoài vào cảng Vân Đồn thời đó. Sau khi bán hết hàng hóa các nhà buôn mua đồ gốm sứ mang về nước, nhưng do chở quá nhiều nên khi ngang qua biển Cù Lao Chàm tàu bị sóng đánh chìm. “Kho báu trong lòng đại dương” có đến 240.000 cổ vật còn nguyên vẹn. Mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm khai thác, trục vớt cổ vật, song trong thời gian đó, những kẻ hám lợi vẫn rình rập săn lùng. Các trùm buôn bán cổ vật tìm mọi cách móc nối với một số ngư dân liều lĩnh, dùng tiền mua chuộc họ, bày mưu tính kế tìm mọi cách lặn tìm tại tọa độ X. trên vùng biển Cù Lao Chàm. Và đã có nhiều vụ trục vớt, vận chuyển, mua bán cổ vật trái phép bị lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện bắt quả tang, trong đó, nổi cộm là vụ truy bắt Mười Thương...

Và sau hơn 5 năm nằm gầm cầu thang...

Mười Thương tên thật là Nguyễn Mười (53 tuổi), trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Mất nhiều ngày đêm bám biển, mật phục, đến trung tuần tháng 8/2003, lực lượng Công an mới phát hiện Mười Thương cùng với một số đối tượng trên chiếc ghe nhỏ trên biển Cù Lao Chàm.

Nhác thấy tàu Công an, chiếc ghe chở Mười Thương nổ máy chạy bán sống bán chết về hướng biển Đà Nẵng. Thế là diễn ra cuộc rượt đuổi ngoạn mục trên biển hàng giờ liền chẳng khác cảnh rượt đuổi trong các phim hành động. Cuối cùng, Mười Thương và đồng bọn bị chặn bắt tại Mũi Nghê, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, trên chiếc ghe nhỏ có nhiều cổ vật là đồ gốm sứ Chu Đậu.

Ngay sau đó, lực lượng Công an Quảng Nam thực hiện khám xét nơi ở của Mười Thương tại nhà số 153, Hùng Vương, TP Đà Nẵng, phát hiện thêm hàng nghìn cổ vật khác. Mười Thương tự nguyện giao nộp 27 thùng các-tông đựng cổ vật; cộng với số đồ cổ bị bắt quả tang trên chiếc ghe tại Mũi Nghê, thì tổng số đồ cổ là 1.573 hiện vật. Số hiện vật này được Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Nam giám định, xác định có 1.517 hiện vật là đồ gốm, sứ Chu Đậu, Hải Dương thế kỷ XV – XVI; còn lại là đồ giả cổ.

Căn cứ theo quy định pháp luật, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố vụ án đối với Mười Thương về hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Đến giữa tháng 12/2003, vụ án Mười Thương được Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam kết luận điều tra chuyển VKSND tỉnh Quảng Nam đề nghị truy tố theo quy định pháp luật...

Nhưng, VKSND tỉnh Quảng Nam đã đình chỉ vụ án, với lý do: “Hành vi của Nguyễn Mười không còn nguy hiểm cho xã hội, nên không cần thiết phải xử lý hình sự”. Đối với vật chứng vụ án, VKSND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử lý tịch thu sung công quỹ Nhà nước 33 cổ vật thu của Mười Thương khi bị bắt quả tang. Còn toàn bộ số cổ vật đựng trong 27 thùng các-tông Công an thu giữ tại nhà Mười Thương thì buộc trả lại cho ông ta.

Không thống nhất với quyết định xử lý vật chứng của VKSND Quảng Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam có báo cáo gửi Chủ tịch tỉnh Quảng Nam và Viện trưởng VKSND Tối cao. Đến ngày 9/3/2005, Vụ 2 – VKSND Tối cao đã có Công văn số 453/VKSTC-V1 gửi cho Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam, thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó viện trưởng Trần Thu, khẳng định: Việc VKSND tỉnh Quảng Nam quyết định xử lý trả lại toàn bộ số cổ vật đựng trong 27 thùng các-tông thu giữ tại nhà Mười Thương là chưa chuẩn xác.

Cần phải làm rõ số lượng cổ vật do Mười Thương mua của ngư dân cào vớt được tại vùng biển Cù Lao Chàm trước và sau thời điểm 1/7/2000. Nếu trước thời điểm ấy thì theo quy định Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Mười Thương về buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, hành vi của Mười Thương cũng vi phạm một số quy định pháp luật hiện hành, cần phải xử lý hành chính. Thẩm quyền xử lý hành chính và xử lý đối với số cổ vật này thuộc UBND tỉnh Quảng Nam, chứ không phải của VKSND tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, cần phải rút một phần trong quyết định xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án Mười Thương tại Quyết định đình chỉ điều tra vụ án của VKSND tỉnh Quảng Nam chuyển cho UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, giải quyết theo luật định.

Đối với số cổ vật Mười Thương mua từ thời điểm 1/7/2000 trở về sau, hành vi này có dấu hiệu của tội sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 155 BLHS năm 1999, cần phải đưa ra xem xét, điều tra trong vụ án đã khởi tố. Những cổ vật là vật chứng vụ án cần phải tịch thu sung công quỹ...

Thế nhưng, sau khi Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam thực hiện xong việc xác minh, phân loại số cổ vật thu giữ của Mười Thương thu gom trái phép trước và sau ngày 1/7/2000, VKSND tỉnh Quảng Nam vẫn yêu cầu thực hiện đúng Quyết định đình chỉ vụ án hình sự đã ký. Công an tỉnh Quảng Nam lại phải xin ý kiến chỉ đạo của VKSND Tối cao.

Trong thời gian này, Mười Thương “có cớ” nên đã nhiều lần đến Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam yêu cầu trả lại cổ vật. Khi không được thỏa mãn yêu cầu thì gửi đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi...

Sự thật cuối cùng vẫn là sự thật! Mới đây, VKSND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 01/KSĐT sửa đổi, bổ sung về việc xử lý vụ án Mười Thương “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” do Phó viện trưởng Nguyễn Quang Dũng ký. Trong quyết định này nêu rõ: Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và những quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi của Mười Thương không còn nguy hiểm cho xã hội, không có căn cứ để xử lý hình sự. Nhưng, về vật chứng, VKSND quyết định tịch thu của Mười Thương sung công quỹ Nhà nước 33 cổ vật khi vận chuyển bị bắt quả tang; 27 cổ vật mua sau ngày 1/7/2000.

Đối với số cổ vật trong thùng các-tông, với 1.517 cổ vật Mười Thương mua trước ngày 1/7/2000 nhưng chưa đăng ký theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý hành chính của UBND tỉnh Quảng Nam. Tiếp theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh có công văn, chỉ đạo: Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp, bàn giao tài liệu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tham mưu Chủ tịch tỉnh xử lý vụ việc vi phạm hành chính của Mười Thương đảm bảo đúng pháp luật và thẩm quyền...

Như vậy, có thể nói rằng, sau hơn 5 năm do có sự bất đồng về quan điểm xử lý đối với vật chứng trong vụ án Mười Thương, hàng nghìn cổ vật thu giữ đã phải niêm phong, chịu cảnh nằm im trong các thùng các-tông, thùng xốp, cất kỹ trong gầm cầu thang Bảo tàng Quảng Nam, đến nay đã được “giải cứu”. Và như thế cũng coi như chấm dứt những lời đồn đại, thêu dệt không đúng sự thật xung quanh vụ án trùm đồ cổ Mười Thương...       

Ngày 17/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh cho biết, đã ký Quyết định số 423/QĐ-UBND tịch thu; sung công 1.517 cổ vật do ông Nguyễn Mười mua gom trái phép trước ngày 1/7/2000, nhưng chưa đăng ký theo quy định của pháp luật. Lý do, Nguyễn Mười có hành vi vi phạm hành chính tàng trữ và vận chuyển hàng cấm theo quy định tại Điều 6, Chương I, Luật Di sản Văn hóa và Điều 21, Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ. Giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tiếp nhận, lập hồ sơ, phân loại, kiểm kê đưa vào bảo quản và phát huy giá trị số cổ vật trên theo đúng quy định hiện hành

Long Vân
.
.