Vị tướng "dỏm", tập đoàn "ma" và hàng nghìn nạn nhân vỡ mộng

Thứ Sáu, 28/02/2020, 14:48
Sử dụng những bộ quân phục mua… ngoài chợ, mang quân hàm, quân hiệu "dởm", những văn bản đóng dấu mật tự chế, cùng lời thêu dệt, tuyển quân, phong hàm cấp tá, cấp úy cho một tập đoàn kinh tế "khủng" phục vụ trong quân đội, 14 bị can do Hoa Hữu Long cầm đầu đã lừa được hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỉ đồng.

Cho đến khi vụ án được phát giác, điều tra, nhiều nạn nhân vẫn ngỡ ngàng, bởi họ không biết mình bị lừa, họ vẫn tin những thông tin về việc Bộ Quốc phòng chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương là có thật, vẫn tin Hoa Hữu Long là thiếu tướng, những đồng phạm của Long là đại tá, thiếu tá trong quân đội.

Nghìn người mắc bẫy tập đoàn… "ma"

Tháng 2-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo việc làm quy mô lớn. Đối tượng cầm đầu là Hoa Hữu Long, kẻ giả danh thiếu tướng quân đội, cùng đồng phạm, tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn bị hại. 

Tháng 2-2018, Cục Bảo vệ An ninh quân đội Bộ Quốc phòng nhận được nhiều đơn của người dân tố cáo một đối tượng tự xưng là Hoa Hữu Long, thiếu tướng quân đội, lừa đảo chiếm đoạt rất nhiều tiền thông qua hình thức nhận xin vào làm tại tập đoàn Đông Dương của Bộ Quốc phòng (phiên hiệu S10). 

Tổ chức xác minh cho thấy Bộ Quốc phòng không có ai là thiếu tướng Hoa Hữu Long, không có tập đoàn Đông Dương nào thuộc Bộ Quốc phòng phiên hiệu S10. Bộ Quốc phòng đã chuyển hồ sơ sang Công an TP Hà Nội để điều tra. Sau một thời gian khẩn trương điều tra, ngày 14/4/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi bắt tạm giam hàng loạt các đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối tượng Hoa Hữu Long và vợ là Cao Thị Kim Loan.

Theo kết luận điều tra, nhóm đối tượng câu kết với nhau đưa ra thông tin Bộ Quốc phòng có chủ trương "thay máu" các doanh nghiệp của Quân đội trên toàn quốc, sáp nhập một số công ty, ngân hàng của Quân đội thành Tập đoàn Đông Dương (gọi tắt S10). 

Tập đoàn này có 9 tổng công ty, hiện nay tổng công ty đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn người để bổ sung nhân lực, nếu người nào có nhu cầu thì đăng ký và phải bỏ ra từ 150 - 600 triệu đồng, sau đó sẽ được phong quân hàm sỹ quan, thấp nhất là thượng úy, cao nhất là đại tá, được bổ nhiệm chức vụ tương xứng. Trong thời gian từ năm 2016 đến đầu năm 2018 đã có rất nhiều người tin tưởng đưa tiền cho các đối tượng.

 Ngoài ra, các đối tượng còn đưa ra thông tin tập đoàn được giao thực hiện một số dự án để lập hồ sơ và thu tiền của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Mỗi khi thu tiền của bị hại, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đều nhắc nhở bị hại đây là đơn vị bí mật nên dặn họ không được công khai cho ai biết. Đến thời điểm bị phát hiện, ổ nhóm tội phạm này đã lừa tuyển gần 1.000 người ở nhiều địa bàn trên cả nước.

Vỡ mộng quân nhân

Theo nội dung kết luận điều tra, số nạn nhân cơ quan ANĐT đã lấy lời khai là 650 bị hại, còn hàng trăm bị hại khác tuy đã có giấy triệu tập nhưng không đến, hoặc địa chỉ không rõ ràng. Các bị hại đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước, thuộc nhiều thành phần và độ tuổi khác nhau. 

Họ khai báo, bị lừa do mong muốn được làm việc trong quân đội, tin lời của Hoa Hữu Long hứa hẹn về việc chỉ cần nộp tiền, sẽ được đi học, được phong hàm, được sắp xếp vị trí trong tập đoàn Đông Dương, được hưởng lương và chế độ quân nhân. Hoa Hữu Long và 10 đồng phạm bắt đầu thu tiền của những người có nhu cầu vào S10 làm việc từ năm 2016. 

Từ 2016 đến 2018, nhóm lừa đảo đã thu tiền khoảng 1.000 người, thấp nhất 65 triệu đồng, cao nhất 150 triệu đồng tùy từng cấp bậc, chức vụ mà nạn nhân muốn. Có nạn nhân trình báo đã đưa cho nhóm của Long 600 triệu đồng.

Kịch bản của Hoa Hữu Long và đồng phạm được đưa ra, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, đến mức, khi vụ việc bị phát giác, không ít người vẫn một mực tin rằng việc Bộ Quốc phòng chuẩn bị thành lập tập đoàn Đông Dương là có thật, những người khác không biết bởi đơn vị này bí mật. 

Đa số những người bị lừa đều đến Cơ quan ANĐT trình báo mà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho "chân rết" của Hoa Hữu Long. Họ không nghĩ đến việc yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy biên nhận khi giao tiền.

Cơ quan Công an thu giữ các vật chứng trong vụ án lừa đảo do Hoa Hữu Long cầm đầu.

Theo kết luận điều tra, khi các đối tượng trong đường dây của Hoa Hữu Long tiếp xúc với các bị hại đều đưa ra những công văn, điện mật giả của Bộ Quốc phòng về chủ trương thành lập tập đoàn Đông Dương, thậm chí, chúng còn làm giả cả quyết định "phong quân hàm cấp tướng của Chủ tịch nước cho Thiếu tướng Hoa Hữu Long", chụp lại bằng điện thoại, rồi cho họ xem nên số người này đã hoàn toàn tin tưởng. Các nạn nhân còn được dặn dò, đây là một "đơn vị bí mật của quân đội, đang tuyển dụng người nên không được công khai cho ai biết". Vì những lời lẽ đó, đến nay, vẫn còn một số người tin rằng S10 vẫn tồn tại.

Các nạn nhân khi trình báo tại cơ quan điều tra đều cho biết, thông qua quan hệ bạn bè, các "chân rết" của Long đều nhận mình mang quân hàm cấp tá, và cho gặp Hoa Hữu Long để tạo niềm tin, các bị can giới thiệu Hoa Hữu Long là thiếu tướng Quân đội, là "Tư lệnh" tập đoàn này.  Khi tiếp xúc với Long, Long sẽ mở điện thoại và cho "con mồi"  xem quyết định "thăng cấp hàm thiếu tướng" của mình.  

Đồng thời, Long khoe mẽ về các mối quan hệ với nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng. Long sẽ thủ thỉ về việc "do tổ chức mới nên đang cần nhiều người. Tổ chức sẽ tuyển người và phong quân hàm luôn; sẽ được hưởng lương của Quân đội" và đề nghị giới thiệu "con mồi" vào vị trí ứng tuyển cao. 

Khi đã tạo niềm tin với nạn nhân, nhóm bị can sẽ dần "dẫn dắt" từng bước để lừa được tiền của các nạn nhân. Theo đó, Long sẽ "vẽ" ra kịch bản, muốn được vào biên chế Quân đội thì phải đi học và nộp học phí lớp bồi dưỡng chính trị, tiền bảo hiểm xã hội, tiền hợp thức hóa hồ sơ….

Để tạo niềm tin cho những "con mồi", nhóm bị can còn dùng chiêu thức cho nạn nhân xem công văn, giấy tờ liên quan đến việc thành lập Tập đoàn S10 bằng hình ảnh được chụp trong điện thoại cá nhân, cùng lời dặn dò "đây là tài liệu mật, không được thông tin rộng rãi". 

Qua khám xét tại nơi ở của Long và các đồng phạm, Cơ quan Công an còn thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ xin việc của các bị hại, 12 bản công văn có dấu đỏ giả mạo quyết định của Bộ Quốc phòng và các cơ quan Đảng, Nhà nước; cùng hàng trăm bản phô tô "điện mật đi" của Bộ Quốc phòng liên quan đến việc chỉ đạo tổ chức thành lập S10 do Long tự tạo ra. Cơ quan điều tra xác định, Hoa Hữu Long và nhóm đồng phạm đã chiếm đoạt  tổng cộng hơn 83 tỉ đồng.

Từ lao động tự do thành… “thiếu tướng”, “đại tá”

Theo nội dung kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội nhận định, bị can Hoa Hữu Long đã tạo dựng Tập đoàn Đông Dương (S10), Bộ Quốc phòng không có thật để thu tiền của nhiều nhân sự và hứa hẹn xin việc cho họ vào tập đoàn, 13 bị can còn lại đóng vai trò đồng phạm giúp sức cho Hoa Hữu Long. 

Cơ quan điều tra đã kết luận chính xác tổng số tiền đã thu, số tiền đã trả, số tiền còn phải khắc phục cho bị hại của các bị can. Các bị can có đủ năng lực, trách nhiệm hình sự và nhận thức rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị VKSND TP Hà Nội truy tố 14 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự.  Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Hoa Hữu Long (sinh năm 1964);  Cao Thị Kim Loan (vợ Long, sinh năm 1970), trú tại quận Bắc Từ Liêm; Nguyễn Minh Sơn (sinh năm 1971), trú tại quận Cầu Giấy; Mạc Phúc Hải (sinh năm 1964), trú tại quận Ba Đình, Hà Nội; và Phùng Thị Thanh Huế (sinh năm 1978), trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Trần Duy Hưng (sinh năm 1981); Lê Hồng Giang (sinh năm 1976), cùng trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội; Hoa Bách Tùng (sinh năm 1966) và Nguyễn Tân Mão (sinh năm 1963), cùng trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Phạm Thế Hùng (sinh năm 1978); Lê Chí Thành (sinh năm 1971); Ngô Tấn Anh (sinh năm 1979); Vũ Khắc Thư (sinh năm 1980); Hoàng Văn Khải (sinh năm 1974).

Nhìn vào lí lịch các bị can bị đề nghị truy tố thấy rằng, là những người làm nghề tự do nhưng các bị can đều mạo nhận mình là người quân đội, đeo quân hàm thiếu tướng, đại tá, thiếu tá để tạo niềm tin cho nạn nhân, nhằm mục đích lừa đảo. Cơ quan điều tra xác định Long giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo. Hoa Hữu Long không trong lực lượng vũ trang, không phải quân nhân. 

Long từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Để thực hiện, Long sắm quân tư trang của quân đội, tự gắn biển hiệu và quân hàm rồi tự giới thiệu bản thân là thiếu tướng. Tiếp đó, Long làm giả các quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10).

Các bị can còn lại là "mắt xích" chuyên thực hiện nhiệm vụ tìm "con mồi" ở nhiều địa phương để thu tiền. Hoa Bách Tùng được anh trai là Hoa Hữu Long cho đứng tên giám đốc Công ty TNHH phát triển Long Nhật. Cuối năm 2016, Long nói với Tùng là Bộ Quốc phòng chuẩn bị thành lập đơn vị làm kinh tế nên bảo Tùng chuyển Công ty Long Nhật sang làm công ty con của Tập đoàn Đông Dương để thực hiện dự án và dùng con dấu của Công ty Long Nhật để đóng vào các văn bản của Tập đoàn Đông Dương. 

Cũng như anh trai mình, mặc dù không phải là quân nhân, nhưng tại các văn bản, giấy tờ, Tùng đều ký với vai trò Đại tá, Tham mưu trưởng tập đoàn "ma". Ngoài ra, Tùng còn tham gia tuyển, giới thiệu, thu tiền của một số nhân sự cho tập đoàn "ma" này.

Tương tự, Lê Hồng Giang và Nguyễn Tân Mão, Trần Duy Hưng đều không có nghề nghiệp ổn định, nhưng sau khi trở thành chân rết của Hoa Hữu Long, các đối tượng này đi đâu cũng giới thiệu là sỹ quan quân đội thuộc Tập đoàn Đông Dương để tuyển nhân sự, thu tiền của các trường hợp có nhu cầu xin việc làm.

Hành vi của các đối tượng xâm phạm đến quyền sở hữu đối với tài sản của người khác, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Kết luận điều tra thể hiện, vợ chồng Hoa Hữu Long cũng như một số đối tượng khác đều khai báo số tiền thu được của người lao động đã nộp về cho đối tượng T1, thường gọi là anh Đức. Tuy nhiên họ không biết T1 là ai, Đức ở địa chỉ nào, làm gì. Khi đưa tiền cũng không có giấy tờ biên nhận vì tin tưởng nhau. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Trần Tâm
.
.