Vụ Việt kiều Mỹ thuê “sát thủ” giết họ hàng ở Việt Nam: Kẻ sát nhân và kế hoạch hiểm ác

Thứ Tư, 09/10/2013, 22:10

Được ghi nhận là "điều chưa từng xảy ra từ trước đến giờ giữa hai cơ quan điều tra", việc hợp tác giữa Bộ An ninh nội địa Mỹ và Bộ Công an Việt Nam, giữa Cơ quan An ninh điều tra nội địa Mỹ và Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm… trong chuyên án đã thành công rực rỡ. Sau hơn 1 năm hợp tác chặt chẽ và tiến hành rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ xuyên quốc gia, Việt kiều Nguyễn Văn Long đã phải ra trước vành móng ngựa tại Tòa án thành phố Seattle, thừa nhận hành vi phạm tội.

PV Chuyên đề ANTG đã tiếp cận với các điều tra viên trực tiếp hóa thân vào vai "sát thủ", để nghe họ kể về những điều ít ai được biết đến…

1. Tháng 5/2012, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an nhận được một lời đề nghị hợp tác và hỗ trợ từ phía Bộ An ninh nội địa Mỹ. Cụ thể, qua nắm tình hình, nhân viên mật vụ của Cục Thực thi pháp luật về Di trú và Hải quan (ICE) và Cơ quan Điều tra An ninh nội địa (HIS) nhận được thông tin, một Việt kiều có tên Nguyễn Văn Long đang tìm cách thuê sát thủ để lên kế hoạch giết nhiều người tại Việt Nam.

Qua các biện pháp nghiệp vụ của ICE và HIS nhận thấy đây là một nguy cơ có thực, bởi nhân thân và lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn Long không mấy tốt đẹp. Sinh năm 1962, quê Bình Định, Long vượt biên sang Mỹ bằng đường biển từ năm 1983. Năm 2005, Nguyễn Văn Long bị kết án về tội danh nhập khẩu và phân phối cần sa trái phép, đồng thời có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Y đã phải thụ án tù 5 năm và đang phải chịu quản chế.

Nhà chức trách cũng cho biết, Nguyễn Văn Long đã điều hành một đường dây phức tạp chuyên đưa cần sa từ Canada vào nước Mỹ, sau đó phân phối ở khu Bờ Tây. Việc kinh doanh phi pháp này đã giúp Nguyễn Văn Long và đồng bọn "tậu được vô số bất động sản, xe cộ đắt tiền và hàng triệu đôla tiền mặt từ việc tuồn hàng trăm ký cần sa vào nước Mỹ", bản án của tòa ghi nhận.

Nhận được yêu cầu hợp tác và thông tin sơ bộ từ phía Mỹ, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã giao cho Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) phía Nam, trực tiếp chỉ đạo điều tra. Qua nhận định ban đầu, Đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTP về TTXH nhận định, đây là một vụ án có dấu hiệu rất nghiêm trọng, số lượng nạn nhân có thể lên tới 8/9 người.

Vào tháng 3/2012, Nguyễn Văn Long đã nói với một "sát thủ" ở Mỹ (là người của Cơ quan Điều tra An ninh nội địa) rằng Long cần dàn xếp cho một vụ giết người tại Việt Nam. Những người Long cần "xử" chính là người cháu ruột và 7 người thân trong gia đình của vợ y. Long sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đôla để trả cho vụ giết người này, thậm chí còn thưởng thêm, với điều kiện "chỉ trả tiền khi các mục tiêu đã thực sự bị sát hại".

Lý do Nguyễn Văn Long quyết định ra tay sát hại người cháu ruột (con của chị gái) là bởi y có gửi cho anh này 100.000 USD, với lời dặn dò rằng chỉ cho người cháu được tiêu phần lãi ngân hàng phát sinh. Nhưng Long đã phát điên lên khi biết rằng người cháu đã tiêu mất gần nửa số tiền trên. "Nhân tiện" đã nhờ sát thủ, Long thuê luôn để "giải quyết" anh trai vợ và cả gia đình chị vợ.

Điều trớ trêu là người có nhiệm vụ dẫn sát thủ đi xem mặt những nạn nhân bên gia đình vợ Long lại chính là người cháu ruột. Anh ta nhận mệnh lệnh của cậu mình, mà không biết, người cậu đã ra lệnh riêng cho sát thủ, khi nào giải quyết xong hai mục tiêu kia, thì phải xuống tay luôn với "kẻ dẫn đường".

Đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTP về TTXH phía Nam.

2. Phòng 5 là đơn vị được lãnh đạo Cục CSĐTTP về TTXH phía Nam lựa chọn cho chuyên án, cái tên được lấy từ thời điểm chuyên án được mở (tháng 5/2012). Toàn bộ các trinh sát thiện chiến đều được huy động. 2 trinh sát được lệnh vào vai 2 "sát thủ", Tùng "sẹo" và Phi "đen", là "đối tác" phía Việt Nam của "sát thủ" bên Mỹ, có nhiệm vụ chờ đợi "người đưa tin" liên lạc.

Cánh quân còn lại, với tốc độ nhanh nhất, thực hiện xác minh toàn bộ thân nhân của đối tượng Nguyễn Văn Long và những người có mối quan hệ họ hàng với y, đặc biệt lưu tâm là những bà con họ hàng phía bên vợ.

Hẳn có nhiều người ngạc nhiên tại sao công việc đầu tiên của các trinh sát lại là việc xác định nhân thân. Lý do rất đơn giản, là bởi sự khác biệt về hệ thống pháp luật và trình tự điều tra, tài liệu mà cảnh sát các nước cung cấp cho phía Việt Nam, nhiều khi chỉ là một… mẩu tin.

Những thông tin chi tiết về nạn nhân và thủ phạm được đưa ra phía trên là sản phẩm tổng hợp của cả một quá trình điều tra công phu, và chỉ hoàn chỉnh khi vụ án đã khép lại. Đã có rất nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài, cái mà các điều tra viên có được ban đầu, chỉ là cái… tên!

…Chi tiết này khiến chúng tôi nhớ lại một vụ án lớn mà Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã khám phá: đường dây đưa người vượt biên trái phép sang Australia do Nguyễn Đình Chiến cầm đầu.

Tài liệu ban đầu phía Việt Nam nhận được từ phía Australia cũng chỉ vẻn vẹn một tin báo rằng qua một con tàu bị bắt và đưa về trại tị nạn, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) nghi ngờ có một đường dây chuyên nghiệp đưa người sang Australia bằng đường biển. Và thế là, chỉ với một thông tin như vậy, các cán bộ chiến sĩ Phòng 6 Cục CSĐTTP về TTXH phía Nam phối hợp với Phòng 7 và Công an Bà Rịa-Vũng Tàu, sau hơn 1 năm trời đã lần ra một đường dây lớn tại Nghệ An…

Công tác xác minh thân nhân nhanh chóng cũng giúp cho Ban chuyên án loại bỏ bớt được nỗi lo lớn nhất: các nạn nhân bị sát hại trước khi các trinh sát vào vai "sát thủ" tiếp cận được với "người dẫn đường".

Ban chuyên án xác định, với một đối tượng có nhân thân phức tạp và có mối quan hệ chằng chịt với giới "xã hội đen" như Nguyễn Văn Long, việc y cẩn thận thuê thêm "phương án dự phòng" là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chỉ cần một chút sơ sểnh, toàn bộ những điều xấu nhất sẽ đến với các nạn nhân.

Và những điều các anh lo lắng không phải là không có cơ sở. Khi xác minh sâu về gia đình bên vợ của Nguyễn Văn Long, một vụ việc mới xảy ra gần đây khiến các trinh sát không khỏi lạnh gáy. Nạn nhân P.V.L, là anh vợ của Long, trong khi lúi húi bán hủ tiếu, đã bị hai sát thủ lạnh lùng rút dao đâm thẳng vào cổ.

Hai đối tượng bí ẩn lên xe bỏ chạy, gia đình nạn nhân lại từ chối giám định thương tích, nên vụ việc vẫn chưa được làm rõ. Nhưng đối với Ban chuyên án, tất cả mọi khả năng đều phải được tính đến, và không loại trừ trước đây Long đã ra tay một lần.

Thông báo chính thức của Cục Thực thi pháp luật về Di trú và Hải quan.

3. Khi những manh mối về nhân thân của Nguyễn Văn Long tại Việt Nam được làm rõ, Ban chuyên án đã có một bức tranh toàn cảnh những nạn nhân trong dự tính của y: gia đình bên vợ.

Vợ của Long tên là P.T.P., sinh năm 1971, cùng vượt biên sang Mỹ năm 1983. Long và chị P. không đăng ký kết hôn, đã có với nhau 4 mặt con, nhưng hiện nay hai người đã ly thân. Anh trai của chị P. tên là P.V.L., sinh năm 1967, trú tại phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Chị gái của chị P. tên là P.T.T., sinh năm 1969, trú tại phường Xuân Bình, cũng thuộc thị xã Long Khánh.

Không hiểu sao, sự hằn thù của Nguyễn Văn Long đối với gia đình bên vợ cũng có phân chia mức độ. Trong đơn đặt hàng đối với "sát thủ" phía Việt Nam, Long yêu cầu giết chết cả nhà bà P.T.T., nhưng lại chỉ sát hại mỗi một mình ông P.V.L. Theo lý do được giải trình từ một phía, do chị P.T.P. theo đạo nhưng Long không theo đạo, nên Long ngăn cấm không cho các con đi nhà thờ. Chính vì vậy, gia đình chị P. không công nhận Long là con rể. Từ đó, Long thường xuyên chửi bố mẹ và gia đình vợ.

Sau khi xác minh rõ lý lịch và nơi cư trú của gia đình bên vợ Long, Ban chuyên án đã lên kế hoạch bí mật bảo vệ sự an toàn cho những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của kẻ cuồng sát.

Cuối tháng 5/2012, toàn bộ việc liên lạc với Nguyễn Văn Long qua đầu mối là đặc vụ chìm của Cơ quan An ninh Điều tra nội địa Mỹ đã thông suốt. Long đã cho "sát thủ" Phi "đen" và Tùng "sẹo" số điện thoại 0933367… để liên lạc với "người dẫn đường". Long dặn các "sát thủ" khi gọi điện vào số này phải đọc mật khẩu là "tôi bị lạc đường". Khi đó, người của Long nhận được ám hiệu sẽ hẹn gặp "sát thủ" rồi dẫn đi chỉ nhà và nhận diện nạn nhân.

Long cũng không quên nhắc nhở các "sát thủ" rằng số điện thoại trên chỉ mở vào một giờ cố định, và buộc phải liên lạc với "người dẫn đường" trong quãng thời gian đó.

4. Và để tiếp cận được "người dẫn đường" bí ẩn, các trinh sát Phòng 5 đã phải trải qua một quá trình không đơn giản. Điều tra viên trực tiếp ngồi tại hiện trường để điều phối các cánh quân kể lại, "người dẫn đường" liên tục tìm cách đánh lạc hướng và kiểm tra các trinh sát.

Lần đầu tiên hẹn gặp, "người dẫn đường" hẹn 2 "sát thủ" tại cây xăng Lan Phượng, trên Quốc lộ 1A, đầu thị xã Long Khánh vào lúc 13 giờ. Đúng 13 giờ, "người dẫn đường" không xuất hiện, máy điện thoại thì tắt. Cho đến tận 18 giờ, một cú điện thoại vang lên, cánh trinh sát hỗ trợ thấy "người dẫn đường" đi rảo qua chỗ 2 "sát thủ" ngồi, nhưng không ghé vào.

20 giờ, "người dẫn đường" lại xuất hiện, đi qua, sau đó điện thoại cho "sát thủ" đặt lại lịch với lý do không nhớ rằng đã hẹn.

Mấy hôm sau, chừng như yên tâm với sự kiên nhẫn chờ đợi, "người dẫn đường" đã cho 2 "sát thủ" một cái hẹn đi xem mặt nạn nhân.

Cũng lại là lúc 13 giờ, cũng lại vẫn ở cây xăng Lan Phượng, một chiếc xe ôtô 7 chỗ đỗ lại nhưng nổ máy chờ. Trên xe, 2 người đàn ông, một cầm lái, một ngồi băng ghế sau, mũ lưỡi trai đội sùm sụp, khẩu trang che kín mặt, yên lặng chờ đợi.

Một người đàn ông dáng gày nhỏ, cũng đội mũ lưỡi trai, cũng đeo khẩu trang kín mặt đi lướt qua chiếc xe. Người đàn ông bỗng đột nhiên quay lại, mở cửa xe bước lên. "Người dẫn đường" đã xuất hiện. Chiếc xe ôtô 7 chỗ chở 3 người đàn ông bịt kín mặt, chầm chậm lăn bánh về phía thị xã Long Khánh.

(Còn tiếp)

Việt Đông
.
.