Vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”: Làm sáng tỏ hành vi của các bị can

Thứ Tư, 25/11/2020, 20:18
Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra (KLĐT) vụ án hình sự “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, truy tố cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 3 bị can theo điều 337 Bộ Luật hình sự.

Tài liệu bị lấy trộm như thế nào?

Theo bản KLĐT bị can Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội - nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, thường trú tại Thanh Trì, Hà Nội - nguyên cán bộ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục CSKT)) cùng bị truy tố theo khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự. Hai bị can Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập; Văn phòng UBND TP Hà Nội) và Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, nguyên Phó trưởng Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội) cùng bị truy tố theo khoản 1, Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Công an tổ chức khám xét nhà bị can Nguyễn Đức Chung.

Hơn một năm trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã khởi tố, điều tra vụ án hình sự “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kĩ thuật Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (vụ án “Công ty Nhật Cường”), trong đó, Cơ quan CSĐT xác định ông Nguyễn Đức Chung và vợ Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Để nắm thông tin, tài liệu về quả trình điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”, bị can Nguyễn Đức Chung đã thông qua ông Phan Huy Lệ - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành giới thiệu, làm quen với bị can Phạm Quang Dũng (khi đó Dũng được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”).

Ngày 16-6-2019, bị can Nguyễn Đức Chung đã đặt vấn đề và sau đó, được bị can Phạm Quang Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường”. Để có thông tin, tài liệu cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung, bị can Phạm Quang Dũng đã lợi dụng việc được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” lấy thông tin, tài liệu mà mình được phép tiếp cận hoặc đột nhập vào phòng làm việc của cán bộ chiến sĩ thuộc Cục CSKT (đơn vị được giao thụ lý vụ án) chụp trộm các tài liệu, báo cáo.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường”, trong đó, có 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”. Cụ thể: lần 1, khoảng đầu tháng 8-2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý chụp trộm tại cơ quan 1 tài liệu là “Kế hoạch điều tra (tiếp theo kế hoạch điều tra ngày 28-6-2019) vụ án Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậy quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kĩ thuật Nhật Cường ngày 5-8-2019”.

Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ ngày 19-8-2019 đến ngày 24-8-2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý photo tại cơ quan để mang về nhà 3 tài liệu, gồm: Báo cáo đề xuất về việc liên quan Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18-8-2019; Báo cáo sơ kết vụ án về việc liên quan Sở TTTT Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software ngày 18-8-2019; Báo cáo ngày 9-8-2019 về kết quả điều tra từ ngày 5-8-2019 đến 9-8-2019.

Từ 22h55’ đến 23h7’ ngày 24-8-2019, tại bàn ăn, nhà riêng của mình, Phạm Quang Dũng đã sử dụng điện thoại di động iPhone XS chụp ảnh, lưu giữ lại 3 tài liệu, báo cáo nêu trên; hiện các tài liệu này còn đang lưu giữ trong máy điện thoại di động iPhone XS của Phạm Quang Dũng. Ngày 4-9-2019, bị can Phạm Quang Dũng đã tự ý photo tại cơ quan để mang về nhà 1 tài liệu là “Báo cáo đề xuất việc liên quan Sở TTTT Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, đề ngày 29-8-2019.

Lần 4, vào khoảng 23h ngày 4-6-2020, Phạm Quang Dũng đã đột nhập vào phòng làm việc riêng của cá nhân ông Nguyễn Văn Th. - Trưởng phòng 14 Cục CSKT tại số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội (trước đó, Dũng đã chủ động đánh trộm chìa khóa phòng làm việc của ông Th.), sử dụng điện thoại di động iPhone XS để chụp trộm 3 tài liệu (26 trang tương ứng với 26 file ảnh chụp) tại bàn làm việc của ông Th.

Tài liệu gồm “Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường” ngày 6-5-2020; “Tài liệu báo cáo đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường” ngày 30-5-2020 và “Báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật cường cung cấp dịch vụ công cho thành phố Hà Nội từ 2017-2019”, tháng 6-2020.

Lần 5, vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2020, Phạm Quang Dũng đã lấy 1 tài liệu là “Báo cáo tình hình, kết quả công tác tháng 2-2020 số 800/BC-C03-P1 ngày 24-2-2020 của Cục Cảnh sát kinh tế.

Sử dụng công nghệ cao để đối phó với cơ quan điều tra

Cũng theo cơ quan chức năng, vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội có tính chất rất nghiêm trọng, phức tạp, tài liệu chiếm đoạt của vụ án tham nhũng, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Các bị can là những cán bộ đã từng công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, có kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật và công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tội phạm; do đó, có thủ đoạn hoạt động phạm tội hết sức tinh vi, triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, xóa dấu vết, che giấu tội phạm nên đã gây khó khăn đến công tác điều tra vụ án.

Bị can Nguyễn Đức Chung được xác định là chủ mưu, cầm đầu vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Sau khi thu thập được các tài liệu, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần cung cấp thông tin, tài liệu cho bị can Nguyễn Đức Chung thông qua 3 phương thức gồm: Sử dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber hoặc thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Để đảm bảo an toàn, tránh bị phát hiện trong quá trình liên lạc và chuyển giao tài liệu, 4 bị can đã sử dụng các ứng dụng phần mềm Viber, Zalo có chức năng gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh khi có kết nối với Internet. Song căn cứ vào các kết quả điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định 3 lần bị can Phạm Quang Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án “Công ty Nhật Cường” cho bị can Nguyễn Đức Chung (trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ ngoài những lần chuyển tài liệu nêu trên, có căn cứ cho thấy bị can Phạm Quang Dũng còn nhiều lần trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án “Công ty Nhật Cường” cho bị can Nguyễn Đức Chung, cụ thể:

Từ tháng 2 đến tháng 7-2020, Phạm Quang Dũng sử dụng số thuê bao 0916078xxxx và Nguyễn Đức Chung sử dụng số thuê bao 0901612xxx, +79653192xxx đã 20 lần liên lạc, trao đổi thông tin với nhau thông qua ứng dụng Viber. Trong đó đáng chú ý, bị can Dũng đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan ANĐT 2 file ghi âm cuộc gọi trao đổi thông qua Viber vào buổi sáng 13-7-2020 giữa bị can Phạm Quang Dũng (số 0916078338) với bị can Nguyễn Đức Chung (số +79653192875), có nội dung: bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu bị can Dũng nắm thông tin về hướng điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” của Cục CSKT liên quan đến vợ chồng mình. Kết luận trưng cầu giám định giọng nói của người sử dụng số thuê bao +7965319xxx trong 2 file ghi âm xác định là của bị can Nguyễn Đức Chung.

Số thuê bao 0901612xxx là do bị can Nguyễn Hoàng Trung tặng khi sang làm lái xe cho bị can Chung vào năm 2016; còn số thuê bao +7965319xxx là thuê bao mạng di động của nước Nga do người quen tên Phạm Quang Hưng (sinh sống tại nước Nga, đã chết vào tháng 5-2020) tặng cho bị can Chung cùng điện thoại di động iPhone. Bị can Chung khai sau khi Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị bắt, bị can Chung vứt bỏ vào tối 14-7-2020.

Ngoài 2 lần bị can Phạm Quang Dũng chuyển tài liệu bản giấy cho bị can Nguyễn Đức Chung nêu trên, vào buổi tối các ngày 9-7-2019, 29-7-2019, 13-8-2019, 24-12-2019, bị can Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu bị can Nguyễn Hoàng Trung đến chỗ ở của bị can Dũng để nhận tài liệu vụ án “Công ty Nhật Cường” và mang về đưa lại cho bị can Nguyễn Đức Chung.

Ngoài lần chuyển tài liệu vụ án “Công ty Nhật Cường” thông qua Viber vào ngày 10-6-2020 nêu trên, trong tháng 9-2019 và tháng 12-2019, bị can Dũng còn 2 lần chuyển tài liệu vụ án “Công ty Nhật Cường” cho bị can Nguyễn Đức Chung thông qua“Viber. Tuy nhiên, kết quả điều tra không có đủ căn cứ xác định thông tin, tài liệu cụ thể bị can Dũng đã cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung nên Cơ quan ANĐT không có cơ sở kết luận về các lần trao đổi, chuyển giao tài liệu này.

Các bị can Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng.

Quá trình điều tra vụ án còn phát hiện: Nhân dịp tết Nguyên đán năm 2020, tại khu vực đường Giải Phóng, Hà Nội (đối diện Đại học Bách khoa, gần Bệnh viện Bạch Mai), thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của bị can Nguyễn Đức Chung 1 phong bì, bên trong có 10.000 USD (bị can Phạm Quang Dũng đã thông qua gia đình nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiến này). Ngày 10-7-2020, Phạm Quang Dũng ra tự thú, báo cáo sai phạm của bản thân với Cục CSKT.

Ngoài việc khai báo về hành vi chiếm đoạt các tài liệu, bị can Dũng còn khai nhận vào buổi tối ngày 30-6-2020, khi đột nhập vào phòng làm việc của ông Th. để tìm tài liệu vụ án “Công ty Nhật Cường” nhưng do không tìm thấy tài liệu bản rời nên đã lấy thùng caton mang về, Dũng nghĩ là thùng đựng tài liệu, giấy tờ thu được của Công ty Nhật Cường. Hôm sau mở ra mới biết bên trong có chứa điện thoại di động, không phải là giấy tờ.

Kết quả điều tra đến nay chưa có điều kiện làm rõ bản chất của việc bị can Phạm Quang Dũng được bị can Nguyễn Đức Chung cho 10.000 đô la Mỹ và hành vi bị can Phạm Quang Dũng chiếm đoạt 16 điện thoại di động. Do đó, Cơ quan ANĐT tách 2 hành vi nêu trên để xem xét, xử lý sau.

Có thể nói, việc cơ quan chức năng tổ chức điều vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” một cách khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao đã thêm một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước ta. Nhân dân tin tưởng các các bị can trong vụ án này sẽ được xử nghiêm minh trước pháp luật.

M.Tiến - M.Trí
.
.