Vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm:“Giảm án cho các bị cáo là hợp lý, hợp tình”

Thứ Bảy, 07/06/2014, 16:50

Ngày 22/5, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng cùng nhóm bị cáo phạm tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". Quan điểm của các luật sư và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao về việc giảm án cho các bị cáo được dư luận đánh giá là hợp lý, hợp tình.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt: Dương Tự Trọng 18 năm tù giam; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù giam; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù giam; Đồng Xuân Phong 7 năm tù giam; Trần Văn Dũng (tức Dũng "Bắc Kạn") 8 năm tù giam; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù giam, Phạm Minh Tuấn  5 năm tù giam. Sau phiên tòa này, riêng Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Công an Hải Phòng) không kháng cáo, các bị cáo còn lại kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng (bị tuyên án tử hình do tham ô, cố ý làm trái trong vụ án khác) bị triệu tập với vai trò nhân chứng. Một tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm là  trong phần thẩm vấn, bị cáo Dương Tự Trọng thành khẩn nhận hết tội thay đồng phạm. Bị cáo Dương Tự Trọng cho rằng việc mình làm "không tinh vi" như quy kết của VKSND Tối cao  và bản án sơ thẩm vì đi công khai, giữa ban ngày.

Bị cáo Trọng trình bày: "Khi có việc của anh Dũng, gia đình chúng tôi đã quá bất ngờ nên lúc đó tôi nghĩ đến những anh em thân là Tuấn, Sơn và Ánh. Nếu cần nhờ, tôi có nhiều mối quan hệ xã hội ở Hà Nội. Tôi là người điều tra nên biết và luôn giữ bàn tay sạch".

Chiều 22/5, bà Phạm Thị Minh Yến, kiểm sát viên đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Đại diện VKSND Tối cao đánh giá hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xuất nhập cảnh. Vụ án gây hậu quả nghiêm trọng bởi lẽ các bị cáo, đặc biệt Dương Tự Trọng đã biết Dương Chí Dũng đang bị khởi tố trong một vụ án tham nhũng lớn.

Vụ án này được khởi tố từ đầu năm 2012, thanh tra cũng đã công bố những sai phạm. Mặc dù biết vậy nhưng các bị cáo vẫn tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn thoát sang Campuchia, gây tốn kém về việc điều tra, truy bắt; đồng thời gây ảnh hưởng đến dư luận, mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng công an nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung. Do đó, đại diện VKS nhận định bản án của TAND TP Hà Nội truy tố các bị cáo theo khoản 3 là có căn cứ.

Về vai trò cá nhân, đại diện VKSND Tối cao đánh giá bị cáo Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, là cán bộ công an, nhưng khi biết Dương Chí Dũng là anh trai bị khởi tố và có ý định trốn đi nước ngoài đã không xử lý đúng mà còn chỉ đạo các cấp dưới giúp đỡ Dương Chí Dũng đi trốn, chuẩn bị tiền cho Dương Chí Dũng ẩn náu tại nước ngoài. Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thể hiện sự ngoan cố nên HĐXX đã tuyên phạt 18 năm tù.

Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao cũng cho rằng, bị cáo Trọng có nhiều thành tích trong công tác, gia đình truyền thống cách mạng, cấp sơ thẩm đã xem xét điều này. Song với bản án 18 năm tù là nặng.

"Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo khai báo thành khẩn, đây là tình tiết phát sinh nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt" - đại diện VKSND Tối cao nêu.

Đối với Vũ Tiến Sơn bị xác định là mắt xích quan trọng xâu chuỗi hoạt động của các bị cáo để đưa Dương Chí Dũng trốn thoát trót lọt ra nước ngoài. Bị cáo này đã chuẩn bị điện thoại, mượn xe và chỉ đạo các công đoạn để đưa Dũng bỏ trốn. VKS nhận thấy hành vi của bị cáo Sơn có mức độ, do đó căn cứ các điều kiện về áp dụng hình thức giảm hình phạt, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo.

Các bị cáo Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) cũng được đề nghị xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn, VKSND Tối cao xét thấy án sơ thẩm tuyên mức hình phạt 5 năm tù là có phần hơi nặng. Tuy nhiên, do tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Tuấn kêu oan, không nhận tội nên đại diện VKSND Tối cao chỉ đánh giá bị cáo oan hay không oan chứ không xem xét giảm án.  Đại diện VKS cho rằng Tuấn là người dẫn đường cho ông Dũng về Quảng Ninh. Án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, không oan nên bác kháng cáo.

Cũng theo đại diện VKSND Tối cao, có một số thiếu sót bản án sơ thẩm cần rút kinh nghiệm: Một là việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Phạm Minh Tuấn là không có cơ sở; Hai là việc đánh giá vụ án có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không áp dụng điều luật phù hợp.

Dương Tự Trọng và các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, ngày 22/5.

Từ các phân tích trên, đại diện VKSND Tối cao tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh và giảm một phần hình phạt cho các bị cáo; bác kháng cáo của bị cáo Phạm Minh Tuấn.

Cuối buổi chiều 22/5, nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Dương Tự Trọng bày tỏ mong muốn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) và Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines). Đây là hai bị cáo bị kết án tử hình trong vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines. Đồng thời, bị cáo Dương Tự Trọng xin giảm án cho các bị cáo còn lại.

Ý kiến của các luật sư:

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Cần xem xét hình phạt cho các bị cáo một cách khách quan, thỏa đáng

Việc VKSND Tối cao đề nghị giảm hình phạt cho các bị cáo, trừ bị cáo Tuấn kêu oan, là có lợi cho các bị cáo, nhưng cá nhân tôi cho rằng vẫn chưa thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Việc giảm án cho các bị cáo cần được xem xét một cách khách quan trên cơ sở phải giảm ở điều khoản áp dụng. Quan điểm của tôi là không đủ cơ sở để áp dụng khoản 3 điều 275 để áp dụng đối với tất cả các bị cáo. Tôi cho rằng  hành vi của Dương Tự Trọng và các bị cáo chỉ cấu thành đặc trưng ở khoản 1.

Vì thế chỉ nên xem xét khung hình phạt ở trong khoản 1 thôi, vì: Thứ nhất, vào thời điểm  phạm tội, không phải Dương Tự Trọng và các bị cáo đề xuất việc Dương Chí Dũng ra nước ngoài, mà việc này do chính Dương Chí Dũng yêu cầu. Các bị cáo này chỉ thực hiện theo quyết định của Dũng là lánh một thời gian ra nước ngoài. Sợ Dương Chí Dũng đi một mình không an toàn nên Trọng đã ra tay để hỗ trợ anh trai trong thực hiện quyết định của mình.

Thứ hai, khi Dương Tự Trọng thực hiện việc giúp anh trốn ra nước ngoài, lúc đó mới chỉ có quyết định khởi tố vụ án "Cố ý làm trái các quy định quản lý Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Vinalines. Đây không phải là tội tham nhũng và lúc đó bản thân Trọng cũng không biết mức độ phạm tội nghiêm trọng của anh trai, mà chỉ biết rằng Dương Chí Dũng có quyết định khởi tố, lệnh bắt giam nhưng không biết là tội gì. Vậy thì làm sao có thể kết luận rằng hành vi của Trọng là gây khó khăn cho Cơ quan điều tra trong việc điều tra một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?

Mặt khác tội "Cố ý làm trái…." có mức án cao nhất chỉ 20 năm, đâu phải là tội đặc biệt nghiêm trọng? Vậy việc bắt Trọng chịu trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là không đủ căn cứ.

Thứ ba, tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" là tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, khách thể của tội này là trật tự quản lý xuất nhập cảnh. Hậu quả ảnh hưởng đến trật tự xuất nhập cảnh chính là  hậu quả của tội phạm. Vậy thì phải xem xét xem các bị cáo tổ chức cho bao nhiêu người trốn đi nước ngoài và việc đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước hay không? Đó mới là hậu quả của tội phạm để qua đó xác định mức độ nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Việc  lấy hậu quả của nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế để đưa  sang làm hậu quả của nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là không phù hợp.

Trong vụ án này, tất cả bị cáo đều có cái tình đồng đội như anh em ruột thịt. Vì cái tình đó dẫn đến sai, dẫn đến phạm tội là phải xử lý. Nhưng trong xử lý  phải xem xét đến cái tình. Trong xã hội hiện nay, tình trạng vô cảm đang đến mức báo động đỏ. Nếu không xem xét cái tình này của các bị cáo thì vô hình chỉ tạo cho mọi người cách sống chỉ biết mình, không đau nỗi đau người khác, không thông cảm với khó khăn của người khác. Tuy nhiên cũng phải chỉ ra rằng việc nhiệt tình, lo lắng, giúp đỡ nhưng phải có giới hạn, phải biết được đến điểm nào phải dừng; nếu vượt quá giới hạn thì đương nhiên anh phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng đừng vì thế mà không xem xét đến cái tình, đừng vì thế mà bỏ qua tất cả như án sơ thẩm thì tác dụng giáo dục không đạt được.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng VP luật Hằng Nga: Việc giảm án cho các bị cáo là hợp lý, hợp tình

Tòa sơ thẩm xử bị cáo Dương Tự Trọng theo khoản 3 điều 275 với mức án 18 năm tù là gần kịch khung (cao nhất là 20 năm). Tôi cho rằng mức án đó là hơi nặng, vì các lý do sau: Thứ nhất ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng không nhận tội trong khi đánh giá đúng tính chất, hành vi của bị cáo thì đó là nghiêm trọng vì không những thực hiện hành vi phạm tội một mình mà còn lôi kéo nhiều người tham gia. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ Dương Tự Trọng phạm tội vì đó là tình cảm máu mủ ruột thịt, ai chẳng xót xa. Trọng phạm tội không vì động cơ nào khác ngoài tình anh em ruột thịt. Do đó khi xét xử cần phải xem xét cho bị cáo, nên giảm một phần hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, án sơ thẩm xử chưa xem xét đến góc độ đó mà chỉ xem xét ở góc độ "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

Ở phiên phúc thẩm, nên xem xét cho bị cáo Dương Tự Trọng ở góc độ bị cáo đã thành khẩn nhận tội, hai là ở góc độ quan hệ gia đình, động cơ muốn giúp anh chứ không vì động cơ nào khác. Thấy anh mình trong tình cảnh như thế, vì tình máu mủ, Dương Tự Trọng đã suy nghĩ không chín chắn dẫn đến việc thực hiện giúp anh trốn đi nước ngoài. Đương nhiên, bị cáo phạm tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, nhưng khi xem xét phải xem xét tổng thể, toàn diện, thấu đáo, thấu tình đạt lý xuyên suốt ở các góc độ chứ không chỉ xét ở góc độ "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" như phiên sơ thẩm.

Mặc dù không tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án nhưng qua theo dõi diễn biến phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tôi thấy việc giảm án cho các bị cáo là hợp lý, hợp tình.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng: Phải xem xét đến cái tình của các bị cáo

Pháp  luật cũng giống như lương tâm con người, tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam và con người Việt Nam là thật sự cảm thông với những hoàn cảnh của người thân, thể hiện ở 2 điều luật "không tố giác tội phạm" và "bao che cho tội phạm". Trong đó quy định hành vi phạm tội đó đối với người nhà, ruột thịt thì người phạm tội được miễn, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở trong vụ án này, hầu hết các bị cáo, đặc biệt là bị cáo Trọng có quan hệ ruột thịt, còn lại cũng xuất phát từ mối quan hệ thân tình. Cho nên pháp luật phải đánh giá và có sự châm chước, có như thế mới khơi dậy cái tình người và đạo lý của người Việt Nam đã được thể chế hóa thành luật.

Còn về lý, việc giảm án  cho các bị cáo chứng tỏ tòa đã đánh giá đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; đánh giá mức độ, hậu quả không như án sơ thẩm đánh giá. Thứ hai cũng đã có thay đổi, tình tiết mới. Ở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trọng và các bị cáo khác đã rất thành khẩn khai báo, không chối tội. Đó là những căn cứ của pháp lý để giảm án. Hợp lý là tương xứng với hậu quả thật sự xảy ra, hợp tình là phù hợp với lòng người, với đạo lý của dân tộc Việt Nam "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".

Luật sư Hoàng Nguyên Bình: Mục tiêu là đảm bảo tính giáo dục

Nếu chúng ta là Dương Tự Trọng tại thời điểm đó liệu có dũng cảm quyết định ngược lại được không? Rất khó dù biết hành động của mình là sai trái. Truyền thống của dân tộc ta là “một vạn cái Lý không bằng một tí cái Tình” và trong trường hợp này tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng đã thành khẩn khai báo và nhận rõ hành vi của mình là sai trái;  vì vậy kiến nghị giảm án cho bị cáo Dương Tự Trọng là điều hợp tình và hợp lý.

Bản án này sẽ khiến cho bị cáo Trọng và đồng phạm tâm phục, khẩu phục và như vậy mục tiêu của pháp luật là giáo dục được thực hiện một cách hiệu quả. 

Hương Vũ
.
.