Vụ án ca sĩ Nhật Sơn bị sát hại: Khi truyền thông “hội đồng” người đồng tính

Thứ Năm, 26/09/2013, 18:35

Cụm từ “ca sĩ Nhật Sơn bị sát hại” khi tìm kiếm trên Google đã cho ra ngay kết quả lên tới 80 tin bài. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, chỉ có chừng 3% đưa ra một title bài khách quan, tập trung vào bản chất của vụ việc. 97% kết quả còn lại luôn đính kèm từ "đồng tính". Giả dụ, nếu vụ án không liên quan đến một công thức cực kỳ nhạy cảm là “ca sĩ+đồng tính”, độ nóng của tin hình sự này liệu có tràn ngập khắp các trang mạng đến như vậy?

1. Rạng sáng ngày 14/9, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, ca sĩ Vũ Minh Sơn (32 tuổi, nghệ danh Nhật Sơn) đã bị hung thủ Hà Hồng Đạt (37 tuổi) đâm nhiều nhát dao. Tuy đã được hung thủ đưa đi cấp cứu nhưng Vũ Minh Sơn đã tử vong bởi vết đâm thấu tim. Hung thủ đã đến Cơ quan Công an đầu thú.

Vụ án mạng sẽ không trở thành tâm điểm dư luận nếu thân thế của nạn nhân Vũ Minh Sơn không được tiết lộ (cha là nghệ sĩ cải lương lừng danh Minh Cảnh, mẹ là nghệ sĩ Kiều My). Những ai là tín đồ của đoàn Kim Chung 2 ngày xưa không khỏi ngậm ngùi cho số phận lận đận của đứa con trai vị tài tử cải lương ngày nào.

Cha mẹ chia tay từ khi còn nhỏ, sự nghiệp tưởng chừng như cất cánh từ rất sớm với nghệ danh "Thần đồng Cảnh Sơn", cánh cửa nghệ thuật đã khép lại với Nhật Sơn kể từ thời điểm ca sĩ này bị mất giọng năm 14 tuổi. Kể từ đó, Nhật Sơn âm thầm bằng lòng với công việc của một ca sĩ không tên tuổi, kiếm kế sinh nhai tại các phòng trà và các buổi đi hát phục vụ tại gia.

Nhưng sự thổn thức về số phận của ca sĩ Nhật Sơn qua lời trải lòng chân tình của người thân đã bị lu mờ bởi một chi tiết hoàn toàn riêng tư: cả nạn nhân và hung thủ đều là người đồng tính.

Sự giãi bày để được cảm thông và thấu hiểu của dì ca sĩ Nhật Sơn về giới tính của cháu mình đã được giới truyền thông khai thác triệt để. Những mối quan hệ trong quá khứ của ca sĩ Nhật Sơn được đào xới. Mối quan hệ của hung thủ và nạn nhân cũng được soi xét đến từng chi tiết.

Và trong tất cả những câu chuyện ấy, từ "đồng tính" luôn được nhắc đi nhắc lại, như một sợi dây xâu chuỗi cho bi kịch tình ái khi một người chết, một kẻ phải vô tù.

2. Đây không phải là lần đầu cả một hệ thống truyền thông đồ sộ tạo nên một sự định kiến xấu mơ hồ về những người đồng tính. Năm 2011, tài liệu mang tên "Thông điệp truyền thông về đồng tính luyến ái trên báo in và báo mạng" do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) và Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cộng tác nghiên cứu (NXB Thế giới in ấn và phát hành), đã chỉ ra rằng: truyền thông, bằng cách thức đưa tin của mình, đã tạo ra hình ảnh sai lệch về người đồng tính, thậm chí còn thể hiện mức độ kỳ thị khá cao.

Qua nghiên cứu tập hợp 502 bài báo về người đồng tính và các vấn đề liên quan đến đồng tính đăng trên 4 tờ báo in và 6 tờ báo mạng, được đăng tải vào năm 2004, 2006 và 2 quý đầu năm 2008, báo cáo chỉ ra rằng: "Một mặt, số lượng bài viết về nhóm đồng tính có tăng lên theo thời gian, nhưng mặt khác, phần lớn các bài viết lại sử dụng đồng tính như một chi tiết gây sự chú ý của người đọc theo hướng bất lợi cho người đồng tính".

Báo cáo cho biết, chân dung người đồng tính đã hiện lên trên lăng kính truyền thông như sau: có bản năng tình dục khác thường, khó chấp nhận. Người đồng tính có đời sống tình dục nhiều hiểm họa và tình yêu không bền vững.

Nhân cách - đạo đức của người đồng tính phần nhiều không tốt. Nhu cầu của nhóm đồng tính được đề cập thiếu khách quan, trong khi quyền của họ không được nhắc tới. Quan hệ gia đình và xã hội của người đồng tính ít được quan tâm.

Những hình ảnh khá tiêu cực về người đồng tính ở Việt Nam thường song hành với cách dùng ngôn ngữ gây sự hiếu kỳ, giật gân, câu khách (44 bài báo), tạo nên sự thấp hèn hay coi thường (30 bài), mang tính đấu tranh đạo đức, chống tệ nạn xã hội (29 bài), thể hiện nỗi sợ hãi (16 bài), hay coi đó là vấn đề y tế, bệnh tật (14 bài)…

Hãy để người nghệ sĩ và câu chuyện về giới tính được yên nghỉ!

3. Không những thế, có thể do có con số thống kê chưa đầy đủ, cũng có thể do đảm bảo yếu tố giật gân câu khách, người đồng tính xuất hiện trên mặt báo có tỷ lệ vượt trội là nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo số liệu thu thập được từ một nghiên cứu trực tuyến của ISEE vào năm 2009, tỉ lệ người đồng tính làm việc trong nhóm này chỉ đứng thứ 2, chiếm 13,5%. Đứng đầu lại là nhóm làm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, chiếm tới 18%.

Sự xuất hiện thường xuyên trên mặt báo của nhóm ngành liên quan đến nghệ thuật có thể do đặc trưng nghề nghiệp nên họ có điều kiện bộc lộ bản thân ra nhiều hơn, nhưng chính vì sự tiếp tay của truyền thông, nó có thể gây ấn tượng sai lầm trong công chúng rằng người đồng tính tập trung trong giới hoạt động nghệ thuật.

Trong khi cố gắng hoặc vô tình tạo nên một hình ảnh mang tính phân biệt đối xử với người đồng tính, đa phần các bài báo khi đề cập đến nguyên nhân đồng tính thường coi đây là một bệnh, một hội chứng có thể lây lan, có thể bị nhiễm do lối sống và môi trường sống.

17% trong số các bài viết đề cập đến nguyên nhân đồng tính lại cho rằng đồng tính là do đua đòi, để thể hiện sự sành điệu mà làm "đồng tính giả", bị "tuột không phanh" và cuối cùng thành "đồng tính thật". Những giải thích theo hướng này có thể tăng thêm tin tưởng sai lầm cho độc giả.

Trong khi đó, sự thực là đồng tính luyến ái đã được Hoa Kỳ loại khỏi danh sách bệnh tâm thần từ năm 1973, và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại khỏi danh sách bệnh vào năm 1990.

Với những bài viết đầy định kiến như vậy, sự xa lánh, hiểu lầm và kỳ thị của một bộ phận công chúng đối với người đồng tính là khó tránh khỏi. Trong số hơn 3.200 người tham gia nghiên cứu của ISEE về đặc điểm kinh tế xã hội của người đồng tính nam, rất nhiều người cho biết đã mất việc làm, mất chỗ ở, mất bạn bè hay bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính; và hàng trăm người cho biết đã bị tấn công và đánh đập chỉ vì họ là người đồng tính.

Và cũng chỉ nên nói về những hành vi của kẻ thủ ác chứ không phải câu chuyện riêng về giới tính.

4. Trong lễ hội Mardi Gras tại thành phố Sydney, một trong những lễ hội dành cho người đồng tính nam và đồng tính nữ lớn và hoành tráng nhất thế giới, tôi đã có cơ hội làm quen với một vài người bạn đồng tính Việt Nam.

Chen chúc trong dòng người đứng xem, D. ôm eo người bạn trai người Anh, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Tôi không hề biết D. là người Việt, cho đến khi anh bạn đồng nghiệp đang làm cho Đài ABC tiến tới xin phỏng vấn và chụp ảnh. Một chi tiết tinh tế của người đồng nghiệp đã dạy cho tôi một bài học về sự tôn trọng những người đồng giới, là khi xin ghi lại tên của D. minh họa cho bài viết của mình, anh hỏi liệu D. muốn đề tên mình là quý cô hay quý ông.

Vẻ mặt hạnh phúc và đầy tự hào của D. khi yêu cầu được ghi tên là "cô" đã cấp cho tôi một giấy thông hành bước vào thế giới của những người đồng tính ở Sydney.

D. cho biết Australia nói chung và thành phố Sydney nói riêng, là thiên đường thực sự cho những người đồng tính. Kể từ khi đặt chân sang đây, D. mới hoàn toàn được sống với con người thật và giới tính thật của mình. D. không bị phân biệt đối xử bởi những ánh mắt nghi ngại và kỳ thị trên đường phố và tại chỗ làm. D. có thể tự hào giới thiệu bạn trai của mình là "partner" mà không phải giấu giếm. D. có thể tự do sống chung với bạn trai và vun vén cho cuộc sống tương lai của hai người.

Đó là những điều D. không thể làm khi đang còn ở TP HCM, dù rằng trung tâm kinh tế hàng đầu này vẫn được coi là nơi cởi mở nhất đối với người đồng giới.

D. tâm sự, áp lực không đến từ bạn bè, thậm chí kể cả từ phía cha mẹ. Nhưng D. không chịu nổi cảnh bố mẹ mình hằng ngày cứ nén những tiếng thở dài trước những lời hỏi han từ phía họ hàng, các đối tác kinh doanh, và từ những đồng nghiệp.

Chọn cách giải thoát tốt cho bản thân và cho cả gia đình, D. quyết định sang Australia học. Kết quả học tập tốt ngoài yêu cầu, D. được một tập đoàn bán lẻ lớn nhất Australia mời làm nhân viên, rồi xin được thẻ cư trú dài hạn, và cuối cùng trở thành công dân Australia.

"Có lẽ, tôi sẽ sống ở đây đến tận cuối đời, để được sống đúng với những gì bản thân mình có. Tôi thực sự cảm thấy được tôn trọng, được đối xử công bằng như mọi người khác. Bố mẹ tôi ở nhà cũng thấy hạnh phúc khi không phải chịu bất kỳ áp lực nào. Nếu có trở về quê nhà để chăm sóc bố mẹ lúc về già, tôi hy vọng mọi sự kỳ thị với người đồng giới ở Việt Nam sẽ không còn nữa", D. tâm sự.

Những gì D. đã phải trải qua ở Việt Nam, có lẽ còn có chút dễ dàng, vì D. sống trong hình hài nam giới, và hiện nay đã có một môi trường thấu hiểu và tôn trọng mình hơn. Nhưng đối với những người đồng tính nữ ở Việt Nam hiện nay, họ vẫn đang sống dưới vô vàn áp lực, mà trở ngại lớn nhất, lại đến từ vấn đề thể diện của những thành viên khác trong gia đình.

Một báo cáo mang tên "Sống trong một xã hội dị tính: Câu chuyện từ 40 người nữ yêu nữ" của nhóm tác giả ISEE (Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Thu Nam, Lê Nguyễn Thu Thủy, Lê Quang Bình) trong quá trình tiếp xúc với 40 người nữ đồng giới đã tường thuật lại lời của An, một cô gái 28 tuổi, kể về lời của mẹ mình: "Ở đây nó không như thế, cái việc làm của con nó ảnh hưởng không phải chỉ đến một mình con, nó ảnh hưởng cả đến bố mẹ, cả đến họ hàng, rồi còn em trai, rất nhiều thứ".

Báo cáo cũng chỉ ra rằng: khi so sánh các gia đình, những gia đình gia giáo, phong kiến là những gia đình lo lắng về thể diện nhiều nhất. Còn về các gia đình thuộc loại có học thức cao thì họ phân vân: một mặt có học thức thì có cơ hội hiểu biết nhiều, nhưng có thể hiểu biết về lĩnh vực này vẫn hạn chế. Mặc khác, những người có học thức cao thường cũng có địa vị xã hội và giao tiếp với những người giống họ, nên có thể cũng rất lo ngại về thể diện của mình…

…Câu chuyện vật vã để đòi sự bình đẳng cho người đồng giới ở Việt Nam, sẽ vẫn còn là một câu chuyện dài, nếu giới truyền thông vẫn còn hưng phấn quá độ với việc lái sang đề tài đồng tính với con mắt kỳ thị để câu khách. Nhưng biết đâu, từ câu chuyện buồn về số phận của ca sĩ Nhật Sơn, một sự thay đổi tốt đẹp khác sẽ đến với những người đồng giới Việt Nam, bắt đầu từ chính sự thay đổi và thiện chí, của giới truyền thông…

Việt Đông
.
.