Vụ án lây nhiễm HIV của nữ ca sĩ Nadja Benaissa

Chủ Nhật, 24/05/2009, 10:20
Nữ ca sĩ nhạc pop 26 tuổi của Đức Nadja Benaissa bị cảnh sát bắt giữ hôm 11/4 vừa qua vì nghi ngờ đã quan hệ tình dục với 3 người đàn ông khác nhau mà không cho họ biết cô đã bị nhiễm HIV. Theo luật của Đức, người cố tình lây nhiễm HIV cho người khác sẽ bị khép tội “gây tổn thương trầm trọng cho người khác” với mức án từ 6 tháng cho đến 10 năm tù giam. Nếu nạn nhân bị chết vì AIDS, mức án sẽ tăng thêm tối thiểu 5 năm cho đến chung thân.

Công tố viên Ger Neuber ở thành phố Darmstadt, cho biết nếu người khác không bị nhiễm thì đối tượng cũng bị quy tội “mưu toan gây tổn thương trầm trọng cho người khác”. Tuy nhiên, các luật sư và chuyên gia y khoa cảnh báo rằng trên lý thuyết là như vậy nhưng trong thực tế thì khác và tòa án không dễ chứng minh Nadja Benaissa đã cố tình lây nhiễm HIV cho người khác. 

Theo điều tra, ít nhất 1 trong 3 người đàn ông có quan hệ với Benaissa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV và người này cũng quả quyết mình là nạn nhân của nữ ca sĩ vào mùa xuân năm 2004.

Ngày 15/4, Tổ chức Deutsche AIDS-Hilfe (DAH) của Đức đã phản đối hành vi của Benaissa, song cũng lên án hành động của nhà chức trách nước này bắt giữ nữ ca sĩ là vô đạo đức và yêu cầu thả cô ra lập tức. Hiện tại Benaissa đang bị giam trong nhà tù Frankfurt. Tin tức về việc bắt giữ Benaissa xuất hiện đầy rẫy trên các tờ báo lá cải của Đức trong khi các website tràn ngập những bình luận của fan hâm mộ nữ ca sĩ.

Vụ án nóng khi có thông tin cảnh sát bắt giữ Nadja Benaissa ngay khi cô đang chuẩn bị bước lên sân khấu của một hộp đêm ở Frankfurt. Công tố viên Ger Neuber cho biết người bạn trai bị nhiễm HIV từ Benaissa đã tố cáo cô trong năm ngoái và cảnh sát buộc phải hành động để ngăn chặn vụ việc tiếp diễn. Nếu bị buộc tội Benaissa sẽ phải lãnh án trên 10 năm tù giam.

Nadja Benaissa chào đời ngày 26/4/1982 ở thành phố Frankfurt nước Đức, mang trong mình hai dòng máu Morocco của cha và Đức của mẹ. Lên 9 tuổi, Benaissa đã bắt đầu học đàn piano và flute. Năng khiếu âm nhạc của Benaissa bộc lộ từ rất sớm và khi còn ở tuổi thiếu niên cô đã sáng tác ca khúc.

Năm 1999, lúc 17 tuổi, Benaissa đã làm mẹ bé gái Leila Jamila, một sự  kiện mà chính cô mô tả là “khoảnh khắc hãnh diện nhất trong đời”! Năm 2000, Benaissa và 4 cô gái khác đã vượt qua 4.500 đối thủ để giành chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc Popstars trên truyền hình Đức. Sau đó tất cả 5 cô gái thành lập ban nhạc nữ “No Angels” và tự cho rằng họ là “đối trọng” của “Spice Girls”.

Và 4 tháng sau khi thành lập nhóm, “No Angels” cho ra đời đĩa đơn đầu tiên “Daylight in Your Eyes” và nhanh chóng thắng lớn. Năm 2001, nhóm nhạc cho ra mắt album đầu tiên “Elle’ments”. Tên tuổi của “No Angels” vượt ra khỏi biên giới nước Đức và chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng album ở Áo và Thụy Sĩ. Nhóm nhạc đã bán được trên 5 triệu đĩa đơn và album trên toàn thế giới, và trở thành nhóm nhạc nữ thành công nhất ở châu Âu giữa các năm 2001 và 2003.

Nhưng đến tháng 2/3003, thành viên Jessica Wahls rời nhóm sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng và đến tháng 11/2003 thì 4 thành viên còn lại cũng bắt đầu tính đến chuyện chia tay nhau đi mỗi người mỗi ngả.

Nhóm nhạc nữ "No Angels". Từ trái qua phải: Lucy Diakowska, Jessica Wahls, Nadja Benaissa và Sandy Molling.

Sau khi “No Angels” tan rã, các thành viên khác theo đuổi sự nghiệp solo trong lĩnh vực âm nhạc và truyền hình, còn Benaissa quyết định ở nhà chăm sóc con. Nhưng đến mùa thu năm 2004, Benaissa ký hợp đồng với Universal Music và bắt đầu làm việc cho album đầu tiên của cá nhân cô.

Năm 2007, “No Angels” tái hợp và sau đó nhóm nhạc được chọn làm đại diện nước Đức tham gia cuộc thi Eurovision Song tổ chức ở Belgrade năm 2008 với ca khúc “Disappear” nhưng không được thành công.

Khalid Schroeder, quản lý của “No Angels”, nói việc bắt giữ là hành động “săn lùng phù thủy” chống lại Nadja Benaissa và cô đã bị lên án trước khi được tòa án xét xử. Schroeder khẳng định đây là hành động bất công. Ngày 15/4 vừa qua, nhóm luật sư của Benaissa đã tranh thủ được lệnh của tòa án chống lại Tập đoàn xuất bản Springer – chủ sở hữu của hai tờ báo Bild và Welt – cấm xuất bản những vấn đề liên quan đến việc điều tra và giam giữ Nadja Benaissa. Tuy nhiên, nhiều tờ báo khác trên khắp nước Đức vẫn tiếp tục khai thác vụ án và Tập đoàn Springer đã gửi đơn kháng cáo.

Theo Tổ chức Deutsche AIDS-Hilfe (DAH), sự trừng phạt công khai những bệnh nhân HIV/AIDS có thể dễ dàng gây nên ảo tưởng rằng nhà nước kiểm soát hiệu quả được vấn đề và từ đó người dân có thể trở nên tự mãn đối với việc tự bảo vệ bản thân. Một hậu quả khác của việc tội phạm hóa hành động lây nhiễm HIV là người dân sẽ chọn hướng không xét nghiệm bản thân vì sợ bị bắt giữ – bởi vì nếu không biết mình bị AIDS thì sẽ không bị truy tố hình sự vì tội quan hệ tình dục không bảo vệ.

Christian Schertz, luật sư đại diện cho Nadja Benaissa, nói rằng không có chứng cứ hợp pháp cho thấy nữ ca sĩ hiện đang tham gia vào bất cứ hoạt động tội phạm nào. Luật sư cũng lập luận rằng sự tiết lộ với báo chí của Viện Công tố thành phố Darmstadt là không hợp với Luật Báo chí của bang Hesse.

Theo Schertz, chính quyền không nên có bất cứ bình luận gì về vụ việc Nadja Benaissa. Schertz cũng nhấn mạnh hiện không có điều gì chứng minh được chính nữ thân chủ của ông đã lây nhiễm HIV cho người khác

Di An (tổng hợp)
.
.