Vụ án ngoại đạo chấn động thế giới

Thứ Năm, 10/07/2014, 11:25

Ngày 15/6 vừa qua, Tòa án Hồi giáo ở Cộng hòa Sudan đã ra phán quyết, tuyên phạt một nữ công dân nước này mức án tử hình bằng hình thức treo cổ, do bị cáo đã cố tình kết hôn với người khác tín ngưỡng. Dư âm vụ án lập tức làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp thế giới, đòi chính quyền Sudan phải xóa bỏ bản án và trả tự do cho nạn nhân.

Bị can Mariam Yahia Ibrahim 27 tuổi, vốn là một phụ nữ đang mang thai đứa con thứ 2 hơn 8 tháng đã bị điệu ra vành móng ngựa ở thủ đô Khartoum.

Theo lời thẩm phán Abbas Mohammed Al-Khalifa, thì "tuy trong năm 2011 bị cáo M. Ibrahim đã tổ chức đám cưới với Daniel Wani, công dân Nam Sudan theo nghi thức Thiên Chúa giáo tại một nhà thờ ở Khartoum, nhưng không thể làm hôn thú vì không được chính quyền địa phương công nhận"(!).

Luật pháp Cộng hòa Sudan quy định đạo Hồi là thứ tín ngưỡng chính thức, căn cứ vào tỷ lệ người theo Hồi giáo chiếm đa số với hơn 97% trong tổng số 30 triệu dân. Theo đó buộc người theo đạo Hồi chỉ được kết hôn với người cùng tín ngưỡng

Luật sư Mohammed Jar Elnabi tình nguyện đứng ra biện hộ miễn phí cho bị cáo, bất chấp những cú điện thoại nặc danh đe dọa đến tính mạng trước khi phiên tòa khai cuộc. Trong lời bào chữa  luật sư Elnabi đã nêu dẫn chứng cụ thể, rằng Ibrahim sinh ra trong một gia đình có cha là người Hồi giáo Sudan, còn mẹ là dân gốc Ethiopia theo đạo Chính thống giáo.

Khi Mariam lên 6 tuổi thì người cha bỏ đi, cô bé được mẹ giáo dục theo truyền thống Cơ Đốc giáo, thường xuyên đi lễ nhà thờ và mặc nhiên coi mình là người Kitô giáo.

Còn theo cáo trạng khi hay tin M. Ibrahim lén lút kết hôn với D. Wani rồi bỏ đi biệt tích, gia đình bị cáo đã báo với giới hữu trách, đề nghị bắt giam và khởi tố M. Ibrahim về tội "bỏ đạo", cũng như "cả gan" lấy một kẻ ngoại đạo. Trong thời gian diễn ra phiên xử kéo dài 3 ngày, thẩm phán A. Al-Khalifa đã lặp đi lặp lại lời yêu cầu bị cáo nên cải tà quy chính, trở về với đạo Hồi sẽ được hưởng sự khoan hồng nhưng Ibrahim cương quyết từ chối.

"Tôi không thể cự tuyệt tín ngưỡng mà cả 2 vợ chồng đã tin theo từ nhỏ", Ibrahim nói lời cuối cùng trước tòa bất chấp cáo trạng đề nghị mức án cao nhất.

Về phần D. Wani chồng của M. Ibrahim đã trốn chạy khỏi cuộc nội chiến tang thương ở Nam Sudan năm 1998,  sau đó lưu vong sang Mỹ rồi trở thành một nhà vi sinh học. Khi M. Ibrahim bị bắt, lúc này D. Wani cũng vừa hoàn tất hồ sơ đón vợ con sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình.

Phán quyết cuối cùng dựa trên nền tảng của đạo Hồi là bộ luật Sharia hà khắc tồn tại từ thời Trung cổ, do vậy ngoài mức án treo cổ ra, bị cáo M. Ibrahim còn phải chịu hình phạt 100 roi về tội "ngoại tình", cho dù đương sự chỉ quan hệ luyến ái với người chồng duy nhất không được luật Hồi giáo công nhận.

Ngay sau khi bản án treo cổ với bị cáo đang mang thai được tuyên vì tội "ngoại đạo", Ngoại giao đoàn tại thủ đô Khartoum đã đồng loạt ký tên vào một bản tuyên bố chung, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và yêu cầu Chính phủ Sudan xóa bỏ bán án phi lý đáng hổ thẹn trong thời đại văn minh.

Bất chấp sự phản ứng của công luận quốc tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin Sudan Ahmed Bilal Osman lạnh lùng giải thích trong cuộc họp báo vào chiều ngày 28/5 vừa qua: "Bộ luật Sharia được áp dụng không chỉ riêng cho Cộng hòa Sudan, mà còn có hiệu lực đối với tất cả các quốc gia Hồi giáo trên thế giới".

Hiện tử tù M. Ibrahim đang bị biệt giam tại nhà tù liên bang Omdurman dành cho phụ nữ ở ngoại vi Khartoum, cùng với cậu con trai 20 tháng tuổi Martin vì anh Wani bị tàn tật phải ngồi xe lăn suốt đời, không thể tự chăm sóc bản thân huống hồ là nuôi dưỡng con nhỏ.

Theo Bộ luật Hình sự Sudan thì phụ nữ đang nuôi con nhỏ được tạm hoãn thi hành án, cho đến khi đứa trẻ tròn 2 tuổi nhưng không áp dụng cho tại ngoại đối với những can phạm lĩnh án tử hình

Quang Long (tổng hợp)
.
.