Vụ án “quỷ dạ xoa Indiana” chấn động Hoa Kỳ

Thứ Hai, 03/12/2018, 18:25
Cái mùi kỳ lạ phảng phất qua phòng ngủ của Joe Maxson vào lúc tảng sáng ngày 28-4-1908, là một thứ khói bay xuyên qua cửa sổ phòng ngủ có độ dày bất thường. Gia đình Belle Gunness đã thuê Maxson để làm ruộng cho nông trang của họ tại khu thị tứ nhỏ La Porte (tiểu bang Indiana) được gần 3 tháng. Nhiệm vụ của Maxson là bảo vệ khu nhà và các thành viên nhà Belle Gunness .


Nỗi kinh hoàng sau đống tro tàn

Maxson cố gắng mở cánh cửa dẫn đến một nửa ngôi nhà của bà Gunness. Cửa bị khóa chặt. Khói cay đến nghẹn họng, Maxson kêu gào đến tuyệt vọng nhằm thu hút sự chú ý của các thành viên trong gia đình Gunness. Không có ai đến. Maxson tuột xuống cầu thang, chạy ra ngoài và vớ lấy một chiếc rìu. Anh ta bổ rìu vào cánh cửa dẫn đến chái nhà của gia đình Gunness. Không có tiếng trả lời bên trong.

Vào lúc giới chức địa phương tới nông trang Gunness, ngôi nhà như đống vỏ trấu hun khói. Khi lửa nguội đi, lính cứu hỏa mò vào đống đổ nát. Tại tầng hầm, họ tìm thấy 3 cái xác trẻ em và 1 phụ nữ bị cháy nham nhở, riêng xác nữ giới không có đầu. Xóm giềng bỗng chốc vỡ òa vì bi kịch tang thương: góa phụ Belle Gunness, người mất nhiều năm để tìm kiếm tình yêu, đã đột tử cùng các con ngay trong biển lửa khủng khiếp.

Có vẻ như bi kịch đã bám gót cả cuộc đời Belle Gunness: mất 2 người chồng và nhiều đứa con trong các tai nạn thảm khốc, và định mệnh chết chóc cũng không buông tha bà góa. Vài ngày sau đó, một người dân địa phương tên là Ray Lamphere bị bắt giữ khi anh ta tìm cách phóng hỏa ngôi nhà.

Lúc dân làng đang than khóc, một quý ông người Nam Dakota tên là Asle Helgelien tìm tới đồn cảnh sát La Porte. Helgelien có nghe tin về vụ cháy nhà và tỏ ra bất an. Mấy tháng trước đó, người anh trai của ông là Andrew Helgelien đã dọn tới La Porte và dự định sẽ sống với góa phụ Belle Gunness.

Ảnh chụp Belle Gunness khi còn trẻ. Ảnh: Laporte Historical Society Museum.

Asle Helgelien không còn nhận được tin tức gì về anh trai kể từ lúc đó. Cuộc điều tra đã biến thị trấn La Porte (Indiana) trở thành “cơn địa chấn” của giới truyền thông Mỹ. Nhìn vẻ ngoài, Belle Gunness có vẻ kham khổ. Sinh ra ở Na Uy, năm 1881 (tròn 22 tuổi) Gunness di cư tới Hoa Kỳ và định cư ở Chicago, tại đó bà ta gặp vị hôn phu đầu tiên Mads Ditlev Anton Sorenson.

Họ có 2 đứa con chung và cả 2 đứa trẻ này đều mất sớm khi còn nhỏ. Khoảng năm 1900, một trong các ngôi nhà của họ bị thiêu ra tro. Cũng trong năm đó, ông chủ nhà Anton Sorenson qua đời một cách bí ẩn. Lấy tiền bảo hiểm của ông xã, Gunness mua một nông trang rộng hơn 16ha gần La Porte (Indiana) và lấy một quý ông khác tên là Peter Gunness. Cuộc hôn nhân này cũng bất hạnh.

Không đầy 1 tuần sau ngày cưới, đứa con gái riêng 7 tháng tuổi của ông Peter bỗng dưng lăn đùng ra chết. Đến tháng 12-1900, ông Peter cũng mất đột ngột khi cái máy xay xúc xích bất ngờ rơi từ trên kệ đập trúng vào đầu ông. Không một ai mảy may hoài nghi Belle Gunness. Trong các năm sau đó, người đàn bà 2 lần đò sống một mình với những đứa con còn lại.

Vỏ bọc hoàn hảo

Đến năm 1905, Belle Gunness quyết định đi bước nữa và đã đăng lời giới thiệu bản thân trong một đoạn quảng cáo trên báo chí vùng Scandinavia với nội dung bóng bẩy: “Một bà góa vui tính làm chủ một nông trang lớn tại hạt La Porte muốn tìm người bạn đời để thêm sinh sôi của cải. Không phản hồi bằng thư tay nếu không trả lời đúng ý chủ nhân. Không tiếp người hay đùa cợt”.

Thư đăng xong, mỗi ngày phu nhân Gunness nhận được 8 lá thư từ các đấng tình lang. Người hàng xóm Emil Greening kể với tờ New York Tribune rằng Gunness hay giữ kín danh tính những người đàn ông tìm gặp bà. Belle Gunness muốn tìm những quý ông lãng mạn, giúp chăm sóc nhà cửa. Và tiền bạc là đích đến của bà góa. Từ năm 1905 đến năm 1907, đã có hàng tá người cầu hôn tìm đến gõ cửa nhà của Belle Gunness nhưng có vẻ như không ai lọt vào mắt xanh của bà ta.

Tháng 7-1907, Belle Gunness thuê chàng tá điền 37 tuổi Ray Lamphere chăm sóc nông trang của mình. Lamphere ngủ trên lầu và phục vụ luôn cả nữ chủ nhân. Trong lúc ngủ với Lamphere, Gunness còn không ngại trao đổi thư tình với một nông dân trồng lúa mì sống ở Nam Dakota tên là Andrew Helgelien (một di dân gốc người Na Uy).

Chỉ trong 16 tháng duy trì mối quan hệ, Gunness đã gửi cho quý ông kia 80 lá thư tình. Gunness cho rằng tất cả người cầu hôn là kẻ lừa đảo, duy chỉ có Andrew Helgelien mới là tình lang đích thực. Gunness viết thư khẩn khoản mời Helgelien tới Indiana.

Rất đông người kéo đến khi các chuyên gia pháp y giảo nghiệm tử thi tại “nông trang kinh dị” của Belle Gunness. Ảnh: Laporte Historical Society Museum.

Sự xuất hiện của Andrew Helgelien ở La Porte đã làm tan nát cõi lòng của chàng tá điền Lamphere. Khi Andrew Helgelien đến nông trang vào đầu tháng 1-1908, Lamphere phải ra ngủ ngoài chuồng ngựa. Chỉ sau vài ngày hạnh ngộ, Helgelien và Gunness có vẻ phải lòng nhau. Họ ra ngân hàng quốc gia La Porte để rút số tiền 2.839 USD nhằm xây dựng hạnh phúc mới.

Vài tuần sau đó, Gunness và Lamphere lao vào khẩu chiến và chàng tá điền lập tức bị sa thải, thế chỗ là Joe Maxson. Ray Lamphere trở thành kẻ thất tình. Nhưng Lamphere không phải là người duy nhất. Lúc rời khỏi Indiana, Andrew Helgelien viết thư cho người em trai Asle Helgelien rằng “sẽ quay trở về nhà trong vòng 1 tuần”, theo tờ La Porte Argus-Bulletin. Andrew không đưa ra lý do vì sao lại rời nhà của Gunness.

Và cũng chả thấy ông quay lại nhà người em trai như đã hứa. Asle Helgelien bồn chồn không yên, nhưng không ai biết rõ ông Andrew đang ở nơi nào. Phải đến khi tiếp cận chồng thư của Andrew tại nông trang của bà góa Belle Gunness thì ông Asle mới ngờ ngợ ra động cơ thực sự của người đàn bà gian giảo.

Một lá thư tình của Belle Gunness gửi cho ông Andrew Helgelien có đoạn viết: “Hãy lấy hết tiền của anh ra khỏi ngân hàng và sớm mang đến đây”, 1 lá thư khác lại viết: “Đừng nói chuyện này cho bất cứ ai ngay cả người thân gần gũi nhất của anh”.

Asle đã viết thư cho góa phụ Gunness vào giữa tháng 3 để hỏi về người anh trai, hơn 2 tháng sau khi ông Andrew đặt chân tới nông trang của Gunness. Bà ta hồi đáp ngay với vẻ thực thà: “Chú đang muốn hỏi tôi có giữ anh trai của chú không hả? À, ngay cả tôi đây cũng rất nóng lòng muốn câu trả lời đó, nhưng rõ là không thể”. Gunness tuyên bố ông Andrew đã đến Chicago hoặc có thể quay về quê hương Na Uy.

Cháy nhà ra mặt chuột

Đối với ông Asle, việc ông Andrew đột nhiên “bốc hơi” quả rất khó hiểu. Hoài nghi, Asle đề nghị Gunness gửi lá thư của ông Andrew từ Chicago, nhưng mụ góa nói rằng rất tiếc vì lá thư đó đã bị mất. Asle càng hoài nghi về sự thật thà của Belle Gunness. Trong lúc đó, Belle Gunness lại tỏ vẻ lo ngại tới chàng tá điền Ray Lamphere.

Ngày 27-4-1908, Belle Gunness gặp gỡ luật sư Melvin E. Leliter và tuyên bố: “Tôi sợ thằng điên Ray Lamphere có thể giết tôi và đốt nhà”. Luật sư đã ký vào di chúc. Sau buổi gặp luật sư, Belle Gunness đi mua sắm. Tối đó, Gunness nấu ăn cho cả nhà, rồi ngồi trên sàn nhà chơi với mấy đứa con. Sáng hôm sau thì cả ngôi nhà cháy rụi. Ray Lamphere bị bắt giữ ngay tức khắc. Nghe tin nông trang của Belle Gunness bị cháy, Asle Helgelien tức tốc tới Indiana.

Ngày 4-5-1908, tại đồn cảnh sát La Porte, cảnh sát trưởng Smutzer đã lái xe chở ông Asle Helgelien tới nông trang Belle Gunness để tìm dấu tích của người anh trai Andrew. Một tuần trôi qua, vẫn không tìm thấy cái đầu của Belle Gunness. Tất cả các tử thi đều tơi tả gây khó khăn cho công tác nhận dạng của điều tra viên.

Tờ La Porte Argus-Bulletin giật dòng tít: “Ray Lamphere thù ghét nữ chủ nhân nên cố tình chặt thủ cấp, và phóng hỏa để xóa sạch bằng chứng tội ác”. Lúc Asle Helgelien tới nhà Gunness đã thấy Joe Maxson cùng một người đàn ông khác đang đào bới để kiếm cái đầu bị mất tích. Asle cầm cái xẻng và cũng hy vọng tìm thấy chút dấu hiệu của anh trai. Sau 2 ngày, Asle có ý định bỏ cuộc. Nhưng tâm trạng phập phồng khiến Asle quay lại nông trang. Joe Maxson đã tìm thấy một cái hố. Cái hố được quây hàng rào cách nhà chính độ vài chục mét.

Đầu mùa xuân trước đó, Belle Gunness sai Joe Maxson đào hố để chôn rác. Sinh nghi, 3 người đàn ông cầm xẻng tìm đến cái hố. Khi đào sâu hơn, họ tìm thấy một cái bao súng. Trong bao súng là 2 tay, 2 chân và 1 cái đầu. Asle giật bắn người: đó chính là xác của Andrew! Andrew bị kẻ thủ ác hành hạ tàn nhẫn. Ngày đầu tiên đào bới, 5 cái xác đã được tìm thấy. Ngày thứ hai, tổng cộng là 9 xác. Đến ngày 11-5-1908, cảnh sát ngừng đếm. Tờ The Chicago Inter Ocean tường thuật: “Các tử thi được chôn trong những ngôi mộ cạn chứa đầy rác rưởi”.

Cuộc đời “quỷ dạ xoa Indiana”

Các hố chôn xác người nằm dưới chuồng lợn, gần hồ nước và khắp nơi. Phần lớn xác bị biến dạng không thể nhận ra. Chỉ vài ngày trước đó, báo chí nói tốt với bà góa Belle Gunness, nhưng khi lòi ra các hố chôn, người dân La Porte rụng rời tay chân khi biết rằng họ đang tiếc thương một con quỷ.

Một số xác còn để lại dấu vết của Strychnine (dùng làm thuốc diệt chuột). Đó là khu mộ tập thể đúng nghĩa. Khi cảnh sát vào cuộc điều tra, cuộc đời 2 mặt của sát nhân hàng loạt Belle Gunness bắt đầu lộ sáng. Mụ chiêu dụ đàn ông thông qua các quảng cáo. Khi nhắm được con mồi thích hợp, mụ sẽ tìm cách thuyết phục họ đến La Porte và bày mưu cho họ rút sạch tiền tiết kiệm, rồi nghĩ cách giết nạn nhân.

Những ngón đòn tàn độc của Belle Gunness khiến truyền thông Indiana gán cho mụ bằng cái tên “quỷ dạ xoa Indiana”, còn nông trang Gunness bị đặt thành cái tên “nông trang kinh dị”. Khoảng 2 vạn người đã có mặt tại nông trang Gunness vào dịp cuối tuần nhằm mục kỉnh cảnh sát kéo những xác chết ra khỏi các hố đất.

Các nhà điều tra cũng hoài nghi rằng có thể cái xác nữ không đầu trong tầng hầm ở nhà Belle Gunness không phải là mụ ta. Nếu đó không phải là xác của Belle Gunness thì đồng nghĩa “quỷ dạ xoa Indiana” đã cao chạy xa bay. Đến ngày 19-5-1908, một cặp cầu răng (thuật ngữ nha khoa) đã được tìm thấy trong đống đổ nát tại “nông trang kinh dị”. Một nha sĩ ở La Porte tuyên bố cặp cầu răng thuộc về Belle Gunness, như vậy cái xác nữ không đầu thuộc về góa phụ sát nhân. Nhưng người ta vẫn không tin Gunness đã chết.

Những người hàng xóm quả quyết rằng tử thi không đầu dưới tầng hầm có vóc dáng thấp và trơn nhẵn không giống Belle Gunness. Cánh nhà báo tự hỏi liệu kẻ sát nhân có tự đốt nhà mình, xé cầu răng ra khỏi miệng và chạy khỏi biển lửa? Có lời đồn rằng một ngày trước khi xảy ra hỏa hoạn, Belle Gunness đã thuê một nữ quản gia và rất có thể cái xác không đầu thuộc về người này.

Dù có nhiều hoài nghi, cảnh sát vẫn nhắm tội danh giết người cho chàng tá điền Ray Lamphere. Lamphere đã ở gần nhà Gunness vào buổi sáng xảy ra hỏa hoạn. Lamphere không báo cáo cảnh sát vì sợ mình trở thành kẻ tình nghi. Công tố viên cho rằng họ đang lâm vào một hoàn cảnh khó xử. Các luật sư còn nói rằng Ray Lamphere chắc chắn biết rõ các vụ giết người của Belle Gunness. Tòa án trở thành rạp xiếc. Cảnh sát không tìm thấy Belle Gunness. Ray Lamphere tuyên bố mình vô tội. Các luật sư cho rằng Belle Gunness tự phóng hỏa đốt nhà và đi đâu đó.

Thu thập chứng cớ từ hãng bảo hiểm, các nhà điều tra khẳng định rằng Belle Gunness là trùm lừa đảo: mụ ta đã lấy sạch các khoản tiền bảo hiểm từ các thành viên quá cố của gia đình cũng như từ 2 ngôi nhà bị cháy rụi bí hiểm. Nellie Larson, người em gái của Belle Gunness sau này đã nói với tờ Chicago Examiner rằng: “Chị gái tôi là người ham hố tiền bạc. Bà ấy không quan tâm đến chồng, chỉ biết có tiền”. Belle Gunness đã kiếm được số tiền tương đương hơn 1 triệu USD ngày nay, nhưng nó cũng khiến ít nhất 20 người bỏ mạng. Chua xót thay!

Một nhà hóa học phát hiện ra chất độc diệt chuột Strychnine trên các tử thi trẻ em. Nó khẳng định Belle Gunness đã đầu độc con mình. Ray Lamphere thoát án tử, nhưng lại bị buộc tội đốt nhà hay thấy đốt nhà mà không báo cảnh sát và bị tuyên án 21 năm tù. Mới ngồi tù được 1 năm, Lamphere chết vì bệnh lao. Trước khi chết, Lamphere thú nhận với cha xứ rằng đã thấy cảnh Gunness giết hại ông Andrew Helgelien và bản thân anh ta đòi Gunness phải chi tiền để được im lặng. Mụ ta đã sa thải chàng tá điền và còn lu loa rằng người làm công đã đột nhập nhà mụ, phá hoại tài sản…

Năm 2008, các chuyên gia giảo nghiệm pháp y đã khai quật xác kẻ bị nghi là sát nhân để phân tích ADN nhằm so sánh nó với mẫu ADN mà Belle Gunness để lại trên con tem bưu chính và bì thư, nhưng mẫu đã quá cũ nên không thể cho kết quả thích hợp. Trong buổi xét xử Ray Lamphere, tờ Cleveland Plain Dealer đã chạy dòng tít “Vụ án La Porte mãi mãi là một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong biên niên sử tội phạm”. Có lẽ nó sẽ mãi như thế.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.