Vụ án tiền giả lớn nhất ở Hồ Nam

Chủ Nhật, 08/12/2019, 11:17
Khi cảnh sát mở cánh cửa gỗ được đóng kín, mọi người đều sững sờ vì bên trong nhà là thiết bị in, nguyên liệu in tiền giả và tiền giả loại mệnh giá 100 nhân dân tệ vung vãi khắp nhà. Cảnh sát thu được tại hiện trường 4 chiếc máy in tiền và hơn 9 triệu tiền nhân dân tệ giả cùng với nhiều nguyên vật liệu dùng để in tiền.

Vụ án in tiền giả này do Bộ Công an Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo. Bốn tên tội phạm chính gồm có: Trương Lương Thành, Ngô Tuấn Phát, Dương Thao và Ngô Sinh Hữu làm giả 207 triệu nhân dân tệ tiền giả đã bị bắt.

Số lượng tiền giả vô cùng lớn trên chuyến xe khách đường dài

Buổi chiều ngày 27 tháng 4 năm 2009 chiếc xe khách đường dài biển số D- 92686 chạy từ Thường Ninh (Hồ Nam) đi Quảng Châu (Quảng Đông) khi dừng ở trạm xăng Hoa Đô Quảng Châu để tiếp nhiên liệu thì cảnh sát kiểm tra phát hiện trên xe có 67 triệu nhân dân tệ tiền giả. 

Ngay lập tức cảnh sát Quảng Đông liên hệ với cảnh sát Hồ Nam. Buổi tối hôm đó, công an tỉnh Hồ Nam đã nhanh chóng thông báo cho công an thành phố Quảng Châu tình hình chủ sở hữu chiếc xe và công an Quảng Châu đã lập chuyên án “27-4” để điều tra vụ án, các cảnh sát điều tra đã lên đường đi Hồ Nam ngay trong đêm đó.

Ngày 28 tháng 4, nhóm cảnh sát điều tra đã có được manh mối quan trọng: Sáng ngày 27, một người tên là Trương Lương Thành người Thường Ninh có gặp chủ xe khách D-92686 gửi 34 kiện hàng đi Quảng Châu với chi phí vận chuyển là 1.000 đồng, các kiện hàng này được chiếc xe màu đen thùng kín biển số C-3AA98 chở đến làm hai chuyến, nơi bốc hàng là trường y tế Thường Ninh. 

Từ manh mối này cảnh sát xác minh ra chủ sở hữu chiếc xe màu đen là Âu Tiểu Phương và người này chính là vợ của Trương Lương Thành. 

Thông qua điều tra cảnh sát biết được Trương Lương Thành đã làm công việc in ấn ở Quảng Châu nhiều năm có kỹ thuật in thành thạo nhưng mỗi lần về Thường Ninh lại trú ở khách sạn. Từ thông tin này ban chuyên án đã khóa mục tiêu vào Trương Lương Thành và lập tức ra lệnh bắt hắn.

Số lượng tiền thu được trên chiếc xe khách Thường Ninh – Quảng Châu.

Để đề phòng bọn tội phạm di chuyển thiết bị in ấn và phá hủy chứng cớ nên ưu tiên hàng đầu lúc này của cảnh sát là tìm ra chỗ in tiền giả. Thông qua phân tích kỹ càng ban chuyên án nhận định nơi in ấn tiền giả chỉ nằm trong phạm vi cách trường y tế từ 3 đến 5 km, kết hợp với theo dõi sự đi lại hoạt động của Trương Lương Thành, ban chuyên án đã huy động cảnh sát khu vực Tuyền Phong, Bồi Nguyên và Nghi Dương kiểm tra kỹ các nhà máy bỏ hoang và các xí nghiệp in trong khu vực. 

Sáng ngày 30 tháng 4 cảnh sát khu vực Tuyền Phong thấy một căn nhà có dấu hiệu đáng ngờ: Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều đóng kín lại được bịt chặt bằng ván ép, kiểm tra kỹ lại phát hiện nhà này dùng nguồn điện ba pha. Hàng xóm xung quanh cho biết chủ ngôi nhà là Thôi Xung Trí, nhà này thường xuyên cửa đóng then cài và rất ít người ra vào. 

Cảnh sát khu vực báo tình hình với cảnh sát thành phố và phá cửa ngôi nhà. Khi cửa được mở ra mọi người đều sững sờ, ngợp mắt bên trong nhà là thiết bị in, nguyên liệu in tiền giả và tiền giả loại mệnh giá 100 nhân dân tệ vung vãi khắp nhà. Cảnh sát thu được tại hiện trường 4 chiếc máy in tiền và hơn 9 triệu tiền nhân dân tệ giả cùng với nhiều nguyên vật liệu dùng để in tiền

Bộ Công an, công an tỉnh Hồ Nam, công an thành phố Thường Ninh và công an Quảng Châu cùng cán bộ ngân hàng nhanh chóng đến hiện trường tiến hành điều tra tại chỗ và giữ nguyên hiện trạng các tang vật.

Nhiều lần làm tiền giả

Trương Lương Thành là dân thôn Nam Loan, thành phố Thường Ninh. Ngày 21 tháng 6 phóng viên gặp hắn ở trại giam Thường Ninh, hắn đeo kính mát trông rất thư sinh nho nhã, nếu đây không phải là trại giam thì rất khó đoán ra hắn là tên tội phạm dám làm tiền giả với số lượng lớn.

Trương Lương Thành khai rằng từ năm 1987 hắn đã bắt đầu làm nghề in ấn ở xưởng in tư nhân rồi sau đó làm ở nhà máy in ở xưởng in của cơ quan tỉnh Hồ Nam. Khi có tay nghề khá nên thời gian sau hắn đi làm kỹ thuật ở xưởng in thị trấn Dung Quế thành phố Thuận Đức Quảng Đông với mức lương khoảng 7, 8 ngàn đồng nhưng Trương Lương Thành vẫn không hài lòng. 

Từ năm 2005 hắn bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh mua bán và sửa chữa thiết bị ngành in mỗi tháng thu nhập khoảng một vạn đồng. 

Năm 2007 Trương Lương Thành đã mua được một ngôi nhà rộng 120m2 ở thị trấn Cốc Hà, huyện Tương Trạch và còn mua được hai chiếc xe ô tô, cuộc sống gia đình khá giả, đầy đủ. Nếu Trương Lương Thành cứ như vậy an phận thủ thường, tuân theo pháp luật bằng năng lực của mình hắn sẽ có một cuộc sống thoải mái dư dật. Nhưng một ngày năm 2007 khi hắn quen biết với Ngô Sinh Hữu người Quảng Đông thì cuộc sống của hắn bắt đầu thay đổi, đi lệch quỹ đạo.

Ngô Sinh Hữu là một “ông chủ nhỏ” kinh doanh máy móc cơ khí và chế tạo mô hình khuôn mẫu, nhà xưởng của hắn có hai phân xưởng mô hình khuôn mẫu và một chiếc xe con. Trong thời gian kinh doanh mô hình khuôn mẫu hắn rất hiểu về khuôn mẫu in tiền. 

Máy in tiền giả trong xưởng của bọn tội phạm.

Sau khi quen biết với Trương Lương Thành, một ý tưởng táo bạo đã hình thành trong đầu hắn: Hợp tác với Trương Lương Thành, lợi dụng tay nghề  in ấn của hắn để in tiền giả. Khi Ngô Sinh Hữu nói ra ý định này, Trương Lương Thành đã không do dự đồng ý ngay. 

Việc in tiền giả phải đầu tư rất lớn để mua thiết bị. Việc in ấn, tiêu thụ cần một số người nhất định. Ngô Sinh Hữu lại phải đưa hai người bạn của mình là Lâm Chí Minh và Ngô Tuấn Phát vào cuộc. 

Để thực hiện ý định, tháng 4 năm 2009, cả nhóm đã 5 lần bàn nhau tỷ mỷ về công việc in tiền và mãi đến tháng 8 năm 2009 bọn người này mới thống nhất mỗi người bỏ ra 15 vạn tệ và giao trách nhiệm cho Trương Lương Thành mua máy móc thiết bị thuê một nơi đặt xưởng in ở Hồ Nam. 

Ngô Sinh Hữu, Lâm Chí Minh và Ngô Tuấn Phát chịu trách nhiệm cung cấp phim in tiền, giấy mực và phụ trách việc tiêu thụ tiền giả. Bọn chúng dự định in ra ba lô tiền giả, mỗi lô một tấn giấy, in xong ba lô đầu sẽ chuyển địa điểm in sang chỗ khác và đồng ý với nhau rằng số tiền kiếm được sẽ chia đều.

Trương Lương Thành khai rằng thông thường in màu chỉ 4 lần là được nhưng in tiền thì phải in đi in lại đến 20 lần. Đến giữa tháng 7 năm 2009 hắn phải mày mò đối chiếu công nghệ in tiền thật và tiền giả hơn một tháng trời. Muốn cho tiền giả giống tiền thật điều mấu chốt là dây bảo hiểm. Để giải quyết vấn đề này bọn chúng đã phải cử Dương Thao đến nhà máy thiết bị in chữ vàng Thâm Quyến học trong một tuần. 

Lựa chọn địa điểm in tiền giả

Cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, xưởng in tiền giả của bọn chúng đặt ở ngôi nhà 3 tầng ngay cạnh đường ở thôn Khúc Thị khu Tuyền Phong. Chủ ngôi nhà này là Thôi Xung Trí. 

Theo Trương Lương Thành, việc chọn nơi in tiền ở cạnh đường không hoàn toàn nguy hiểm vì nơi nguy hiểm lại là nơi an toàn. Khi chọn địa điểm in tiền bọn hắn đã lái xe đi khắp nơi xem xét. 

Người bán hàng đau lòng khi thu phải tiền giả.

Theo bọn chúng nơi in tiền phải đủ 3 điều kiện: Một là giao thông thuận tiện, xe tải có thể ra vào để chở các thiết bị in; hai là cách thành phố không quá xa để tiện cho việc sinh hoạt; ba là phải tương đối kin đáo, dễ ẩn giấu. 

Cuối cũng bọn chúng thấy ngôi nhà của họ Thôi rất lý tưởng và một điều rất thuận lợi chủ nhà Thôi Xung Tri là công nhân lái cần cẩu, xe cẩu thường đỗ trước nhà nên khi vận chuyển máy móc thiết bị không mấy người để ý.

Đến tháng 8 năm 2009, với danh nghĩa người kinh doanh thiết bị in, Trương Lương Thành thuê hai gian nhà của Thôi Xung Trí với giá mỗi tháng 600 tệ để làm nơi sửa chữa máy in. Khi có địa điểm in bọn chúng bỏ mua thiết bị in ấn và bắt đầu in tiền giả.

Tháng 9, tháng 10 năm 2009 và tháng 4 năm 2010 bọn chúng đã in 3 đợt mỗi đợt in ấn khoảng một tháng in ra 207 triệu nhân dân tệ với các series KP, SE, SW  và TJ. Tiền giả thành phẩm được gửi 5 lần trên các chuyến xe khách giường nằm Thường Ninh đi Quảng Châu. Ngô Sinh Hữu là người nhận hàng ở Quảng Châu, 4 chuyến trước đi trót lọt và bán hết với giá từ 3 đến 4 tệ một tờ 100 nhân dân tệ giả. Chuyến thứ 5 ngày 27 tháng 4 gửi xe D-92686 thì bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ, số tiền giả là 67 triệu tệ đóng trong 34 thùng giấy.

Liều mạng bỏ trốn

Trương Lương Thành khai rằng ngày 27 tháng 4 hắn lái chiếc xe con mang biển số C-3AA98 bám theo xe khách D-92686. Khi đến trạm xăng ở khu Hoa Đô Quảng Châu tận mắt chứng kiến cảnh sát bắt giữ số tiền giả ở trên xe hắn rụng rời chân tay, bèn cho xe chạy ngay khỏi đó. 

Vừa chạy hắn vừa điện thoại cho Trương Tuấn Lâm và Dương Thao bảo bọn họ phải khẩn trương đến xưởng in tiền dọn dẹp xóa dấu vết còn hắn thì trốn ra bên ngoài và liên hệ với Ngô Sinh Hữu rằng việc đã đổ bể và hẹn gặp nhau bàn về cách ứng phó.

Sau đó Trương Lương Thành, Ngô Sinh Hữu và Ngô Tuấn Phát gặp nhau ở Phiên Ngưng, Quảng Đông và liên hệ với Lâm Chí Minh nhưng không được. Ngô Sinh Hữu thông qua bạn bè tìm Lâm Chí Minh mới biết là hắn đã bị bắt. Trương Lương Thành cùng đồng bọn như chim phải đạn sợ cành cong trốn chạy khắp nơi. Trong thời gian nửa tháng Trương Lương Thành chạy qua mấy tỉnh từ Quảng Đông đi Quý Châu đến Trùng Khánh sau đó lại trở về Trung Sơn, Quảng Châu.

Ngày 14 tháng 5 Trương Lương Thành bị bắt ở Trung Sơn, Quảng Châu. Trước đấy, tối ngày 10 tháng 5, khi cảnh sát Tô Châu tỉnh Giang Tô đi tuần thấy một người đàn ông người Hồ Nam ăn nói ấp úng, cảnh sát nghi ngờ liền tra dữ liệu trong máy tính và phát hiện hắn là Dương Thao là tội phạm đang bị truy nã.

Phải mất khá nhiều thời gian để bắt được Trương Tuấn Lâm. Ngày 16 tháng 5 cảnh sát biết hắn có người em họ Lý Mưu đang làm việc ở huyện Mạnh Hải tỉnh Vân Nam nên cho rằng hắn sẽ chạy đến đó. Khi cảnh sát đến Vân Nam, Lý Mưu khai rằng Trương Tuấn Lâm đang trốn ở bang Shan đặc khu phía đông của Malaysia và sau 18 ngày truy đuổi cảnh sát mới bắt được hắn dẫn độ về nước.

Vụ án kết thúc, tất cả những tên tội phạm đều đã bị bắt. Trong điều luật hình sự Trung Quốc quy định: Làm tiền giả bị phạt từ 3 năm đến 10 năm và bị phạt từ 50 ngàn đến 500 ngàn nhân dân tệ. Nếu làm tiền giả với số lượng cực lớn sẽ bị phạt từ chung thân hoặc tử hình và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Vụ án này được Bộ Công an Trung Quốc gọi là “Vụ án tiền giả lớn nhất ở Hồ Nam” Năm 2010, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Đông đã xét xử và kết án Ngô Sinh Hữu bị tử hình, Ngô Tuấn Phát, Trương Lương Thành bị tù chung thân, các bị cáo khác bị phạt từ 5 đến 15 năm tù giam.

Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.