Vụ bắt cóc con tin làm trấn động Rumani

Thứ Bảy, 25/08/2007, 15:00
Vào ngày 28/3/2005, 3 nhà báo người Rumani là Marie Jeanne Ion cùng nhà quay phim Sorin Miscoci, đều làm việc cho kênh truyền hình Prima và phóng viên của báo Romania Libera Ovidiu Ohanesian, bị bắt cóc ngay trên một đường phố ở thủ đô của Iraq.

Bị bắt cóc cùng nhóm nhà báo Rumani còn có Mohammed Munaf, thông dịch viên kiêm nhiệm vụ dẫn đường người Iraq gốc Syrie. Thông tin về vụ bắt cóc đã gây sốc đối với nhân dân và Chính phủ Rumani.

Nhiều người cho rằng vụ bắt cóc mang động cơ chính trị vì Rumani có 860 binh lính đang tham chiến bên cạnh quân đội Mỹ tại Iraq.

Đúng như dự đoán, một ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, một tổ chức vũ trang lạ hoắc có tên gọi Lữ đoàn Mu'adh Bin Jabal, nhận trách nhiệm đã tổ chức bắt cóc 3 nhà báo người Rumani và yêu sách đòi Chính phủ Rumani phải rút hết quân đội tham chiến tại Iraq về nước trong một tuần lễ nếu không các con tin sẽ bị giết hại.

Lập tức, bộ máy ngoại giao, quốc phòng, tình báo của Rumani đều vào cuộc nhằm mục đích, làm sao bảo toàn mạng sống cho các con tin và đưa họ về lại Rumani.

Trong tình hình rối ren như thế, bỗng xuất hiện Omar Hayssam, một doanh nhân người Rumani gốc Syrie, đề nghị được làm trung gian để tìm mọi cách cho các con tin được trả tự do.

Không còn cách nào khác, Tổng thống Rumani Traien Basescu chấp thuận đề nghị của Hayssam.Hayssam đã bay đi bay lại giữa Bucharest - Baghdad và Damas để giải quyết vấn đề con tin, mà theo như tuyên bố của Hayssam, cần phải nhờ đến tác động của Chính phủ Syrie.

Hai tuần sau khi xảy ra vụ bắt cóc, giọng điệu của nhóm bắt cóc đã bớt phần gay gắt và không còn đề cập đến yêu sách đòi rút hết binh lính Rumani ra khỏi lãnh thổ Iraq.

Đến cuối tháng 4/2005, Hayssam báo cho Chính phủ Rumani biết là nhóm bắt cóc yêu sách đòi 5 triệu USD tiền chuộc để đổi lại tự do cho các con tin. Cuối cùng, cuộc mặc cả về tiền chuộc rút xuống còn 4 triệu USD.

Các nhà báo người Rumani bị bắt cóc sau khi được trả tự do vào tháng 5/2005

 

Đích thân Hayssam mang số tiền chuộc này đến Baghdad để giao cho nhóm bắt cóc. Việc giao tiền chuộc cho nhóm bắt cóc được giữ hoàn toàn bí mật, ngay cả Quốc hội và một số thành viên trong Chính phủ Rumani cũng không biết được việc này.

Thế nhưng, phải đợi đến ngày 22/5/2005, 3 con tin mới được phóng thích. Hayssam, ngoài việc được xem là người hùng trong vụ đưa các con tin một cách an toàn về lại Rumani còn nhận được một ưu đãi khác là được cấp giấy phép xuất khẩu 20.000 tấn đường của Rumani vào Iraq.

Thế nhưng, đến giữa tháng 6/2005, tai tiếng liên quan đến vụ bắt cóc con tin bùng nổ tại Rumani khi Marie Jeanne Ion, một trong 3 nhà báo bị bắt cóc cho biết là nhóm bắt cóc không hề đòi tiền chuộc. Còn Munaf không hề bị giam giữ.

Các nhà báo bị bắt cóc còn khai báo là họ nhiều lần nghe Munaf trò chuyện về chuyện tiền bạc với Hayssam qua điện thoại di động. Cho rằng cả Hayssam và Munaf đều có liên quan đến vụ bắt cóc nên Tổng thống Basescu ra lệnh điều tra.

Kết quả điều tra cho biết Omar Hayssam là kẻ chủ mưu đạo diễn vụ bắt cóc, còn Munaf là đồng phạm. Từ năm 2003, công việc kinh doanh của Hayssam không còn phát đạt như trước và có nguy cơ phá sản, bản thân y là đối tượng điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật Rumani về hành vi buôn lậu, khai man để trốn thuế.

Để gỡ gạc và tránh các cơ quan bảo vệ pháp luật đụng chạm đến mình, Hayssam lập kế hoạch bắt cóc các nhà báo người Rumani tại Iraq để đòi tiền chuộc. Biết Munaf, một người Iraq gốc Syrie hay đến Rumani để làm ăn, Hayssam tìm cách tiếp cận và cùng nhau thảo luận kế hoạch bắt cóc.

Thấy mùi tiền nên Munaf đem kế hoạch bắt cóc được Hayssam dàn dựng bàn với anh trai tên là Yussef Munaf, trùm một băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền tại thủ đô Baghdad, rồi cùng nhau dựng lên một tổ chức vũ trang có tên gọi Lữ đoàn Mu'adh Bin Jabal.

Thông qua giới thiệu của Hayssam, kênh truyền hình Prima chấp thuận để Munaf làm phiên dịch kiêm người dẫn đường cho nhóm nhà báo người Rumani khi họ đến Iraq tác nghiệp vào tháng 3/2005 mà không biết là một cái bẫy đã được giăng ra tại thành phố Baghdad loạn lạc để thực hiện vụ bắt cóc làm chấn động Rumani suốt nhiều tháng liền.

Vào ngày 5/9/2005, Hayssam bị bắt giữ nhưng Munaf nhanh chân thoát được. Trong khi Tòa án thủ đô Bucharest đang hoàn tất hồ sơ để đưa vụ án tổ chức bắt cóc con tin đòi tiền chuộc nghiêm trọng nhất Rumani từ trước đến nay ra xét xử thì vào tháng 5/2006, Hayssam xin được tại ngoại để vào bệnh viện chữa trị chứng ung thư cột sống.

Lợi dụng tình hình này, vào ngày 12/8/2006, Hayssam bí mật bỏ trốn đến thành phố Midia trên Biển Đen và từ đó đến một quốc gia ở Trung Đông trên một tàu hàng. Bị phát lệnh truy nã quốc tế, vào ngày 13/6/2007, Hayssam bị xử vắng mặt 20 năm tù giam về tội tổ chức bắt cóc con tin đòi tiền chuộc.

Kẻ đồng phạm Munaf cũng bị lãnh bản án vắng mặt tương tự. Tại phiên tòa này, 3 nhà báo bị bắt cóc người Rumani đã yêu cầu Hayssam cùng đồng bọn phải bồi thường cho mỗi người 2 triệu euro thiệt hại về tinh thần mà họ bị tổn thương trong suốt thời gian bị bắt cóc tại Iraq

Văn Hoà(Theo Crime Magazine)
.
.