Vụ chồng đổ xăng đốt vợ ở Hà Nội: Bi kịch của hai gia đình

Thứ Sáu, 17/08/2012, 21:35

"Con rể đổ xăng đốt con gái tôi, giận lắm, xót xa lắm. Nhưng nó cũng đang bị bỏng nặng nên vợ chồng tôi chẳng nỡ trách móc, mắng mỏ nửa lời mà chỉ động viên nó cố gắng ăn uống cho nhanh khỏe. Quan trọng nhất là phải tập trung cứu người trước, còn mọi chuyện tính sau…". Những lời nhân hậu của bà Nguyễn Thị Hường, mẹ nạn nhân Trần Thị Hằng khiến chúng tôi thấy lòng nghẹn đắng.

1. Ngày 9/8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Từ Liêm đã khởi tố vụ án hình sự, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trương Ngọc Tuấn (30 tuổi), ĐKHKTT tại tập thể Kiến trúc, xóm 6 xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, để điều tra, xử lý về các hành vi: giết người, hủy hoại tài sản.

Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 2/8, chị Trần Thị Hằng (24 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình), là vợ của Tuấn, cùng con gái ở phòng trọ tại số 12 ngõ 282, xóm 16, xã Cổ Nhuế thì Tuấn về gọi cửa. Do hai vợ chồng có mâu thuẫn nên chị Hằng không mở cửa. Hai bên xảy ra cãi nhau. Tuấn mang con gái đi gửi hàng xóm rồi quay về nói chuyện với vợ. Giữa Tuấn và chị Hằng xảy ra xô xát. Tuấn đập phá đồ đạc trong phòng rồi lấy 2 can xăng (khoảng 5 lít) do Tuấn mua trước đó, đổ một can vào giường nơi chị Hằng đang nằm và đổ can còn lại ra nhà, châm lửa đốt. Vụ cháy khiến cả hai vợ chồng Tuấn bị bỏng nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Hiện trường vụ cháy.

2. Trong ngày 9/8, sau khi tính toán, Lệnh bắt khẩn cấp đối với Trương Đình Tuấn tạm thời chưa thi hành ngay, vì vết thương của Tuấn cần được điều trị tiếp. Bên giường bệnh chăm sóc Tuấn, mái tóc bạc trắng của bà Đinh Thị Tuyết khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thương cảm.

Mặc dù bị bỏng nhẹ hơn vợ, tỉnh táo và tiếp xúc tốt nhưng Tuấn tỏ ra khá lỳ lợm. Khi chúng tôi hỏi, anh ta giả vờ nhắm mắt như đang ngủ,  nhưng chốc lát, anh ta lại gắt bà Tuyết, bắt mẹ  khi thì nâng chân, lúc nâng tay, khi lại bắt đặt thêm gối kê, đắp chăn... Vẫn biết anh ta đang phải trải qua đau đớn về thể xác của một bệnh nhân bỏng, song  nhìn bà Tuyết lưng còng  lụi cụi hầu hạ con, vừa ngồi xuống đã vội lật đật đứng lên, chúng tôi thấy xót xa thay cho bà mẹ.

Hành động đổ xăng đốt nhà, đốt vợ của Tuấn vừa độc ác, vừa ngu xuẩn khi Tuấn đã đẩy tất cả những người thân của anh ta và gia đình nhà vợ, vốn đã vất vả, nay lại  thêm khốn khó. Bà Tuyết kể do về nghỉ mất sức từ sớm nên bà không có lương hưu. Từ năm ngoái, bà mới được hỗ trợ hơn 400.000 đồng/tháng, vừa rồi tăng lương thì lên được gần 700.000 đồng/tháng. Hàng tháng các con gái phải thêm thắt cho mẹ. Các chị gái của Tuấn không ai có việc làm ổn định, chỉ làm những công việc tự do. Giờ thằng Tuấn bị bỏng thế này, tiền chữa chạy phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mọi người. Còn chị Hằng vợ Tuấn, đành phải nhờ đến nhà ngoại.

Bà Tuyết bảo  cái số của bà vất vả từ khi lấy chồng. Hai vợ chồng bà đều là công nhân của Công ty Cầu Thăng Long, lại sinh tới 6 đứa con nên cuộc sống khá trầy trật. Có lẽ gia cảnh nghèo khó cũng là một nguyên nhân khiến các con của bà Tuyết không  được học hành nhiều bằng những nhà khác. 5 anh chị của Tuấn học hết cấp III. Riêng Tuấn là con út, chỉ học hết lớp 5. Lý do theo bà Tuyết, vì Tuấn đá bóng bị ngã gãy tay, chưa kịp lành nó lại chơi bóng và ngã tiếp. Nghỉ học chữa cái tay gãy, nó bỏ học luôn từ đó.

Hỏi về cuộc sống của vợ chồng Tuấn, bà Tuyết bảo hai đứa mâu thuẫn nhau cụ thể từ lúc nào, bà không rõ, thi thoảng thấy chúng nó cãi nhau. Vì vợ chồng Tuấn ở cùng với bố, còn bà ở cùng vợ chồng anh trai của Tuấn. "Nhưng hai nhà liền kề nhau, không lẽ…?". Nghe thắc mắc của chúng tôi, bà Tuyết lặng lẽ thở dài: "Chẳng giấu gì các chị, tôi và ông ấy đã ly hôn từ năm 1998. Người ta tuổi già thì nương tựa vào nhau,  tôi cũng đâu muốn như vậy…".

Bà Tuyết kể ông Chi có tật uống rượu say, rất hay đánh vợ. Chỉ vào bàn chân còn lồi lên một cục, bà nghẹn giọng: "Có lần ông ấy đánh tôi lòi cả xương ra. Mấy đứa con gái thương tôi chịu nhịn ông ấy bao nhiêu năm nên bắt tôi phải bỏ ông ấy. Chúng nó bảo bố đã có lương hưu. Còn mẹ không có lương thì để chúng con góp vào nuôi mẹ, nhưng mẹ không phải chịu khổ mãi như vậy".

Khi ra tòa, lúc đó Tuấn 17 tuổi, xin ở cùng với bố. Hai gian nhà vợ chồng bà được mua lại trong khu tập thể của công ty được chia làm đôi.  Năm 2006, Tuấn lấy chị Trần Thị Hằng, năm sau thì sinh được cô con gái. Vợ chồng Tuấn ở cùng ông Chi.

"Hồi thằng Tuấn quen rồi dẫn cái Hằng về nhà, chị thằng Tuấn bảo em lấy nó là khổ đấy. Nếu chấp nhận lấy thì sau này đừng có kêu" - bà Tuyết nhìn sang Tuấn, mặc cậu con trai có nghe được hay không, bà giải thích: "Thằng Tuấn cờ bạc, lô đề, không chịu làm ăn gì. Mấy năm gần đây nó mới đi làm lái xe taxi, nhưng cũng chẳng mang về cho cái Hằng đồng nào đâu".

Bà Tuyết chua xót bảo rằng, hành động đổ xăng đốt nhà của Tuấn, có lẽ cũng là do "học" được từ bố đẻ là ông Trương Ngọc Chi (?!). Cách đây ít lâu, trong một lần say rượu, ông Chi đã từng đuổi vợ chồng Tuấn, ném đồ đạc của hai vợ chồng ra khỏi nhà rồi chất củi, đổ xăng đốt. Bà Tuyết và các con nhanh chân giữ được một số tài sản cho vợ chồng Tuấn. Vụ đó cứu hỏa cũng phải đến dập lửa. Vì chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Chi lại đã già yếu nên không bị xử lý gì. Hôm đó vợ chồng thằng Tuấn phải chở con đi ở nhờ nhà bạn, mấy hôm sau mới trở về. Nhưng rồi cũng không được yên. Trước khi vợ chồng thằng Tuấn đi thuê nhà, ông Chi uống rượu say lại chửi bới và đuổi hai vợ chồng đi.

Nhiều lần bị ông Chi đuổi, lần này vợ chồng thằng Tuấn đi thật. Hai vợ chồng Tuấn thuê nhà ở bên Cổ Nhuế, cách nhà cũ chừng 2 cây số, gần nơi chị Hằng làm may. "Từ hồi thằng Tuấn thuê nhà, nó cũng ngoan rồi…". Bà Tuyết nói thế, có lẽ vì từ ngày vợ chồng Tuấn dọn đi, bà không còn nghe thấy tiếng  cãi nhau nữa mà thôi…

Trương Ngọc Tuấn đang được điều trị tại Viện bỏng Quốc gia.

3. Tại một phòng bệnh khác trên tầng 2. Vẫn là cảnh mẹ già chăm con, là bà Nguyễn Thị Hường, mẹ đẻ nạn nhân Trần Thị Hằng. Từ Thái Bình lên chăm con, nhà neo người, mấy hôm nay một mình bà ở bệnh viện. "Hôm qua mệt quá, tôi xỉu đi. May hôm nay có con dâu lên hỗ trợ thêm cô ạ", bà Hường cho biết.

Sáng 9/8, chị Hằng vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ để cắt bỏ những phần da hoại tử. Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Phó trưởng Khoa Hồi sức, Viện Bỏng Quốc gia, người điều trị trực tiếp cho chị Hằng cho biết, đêm 2/8, chị Hằng nhập viện trong tình trạng sốc, bỏng nặng, diện tích bỏng 50% cơ thể, 30% độ sâu. Phải cắt bỏ những phần hoại tử do bị nhiễm trùng và nhiễm độc nặng nhưng chị Hằng vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng. "Bệnh nhân tỉnh táo, nhưng chưa tiên lượng trước điều gì. Phải chờ đợi ít hôm nữa, nếu tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân giảm mới có hy vọng" - bác sĩ An cho biết.

Là bệnh nhân bị bỏng nặng nên chị Hằng được nằm phòng điều trị đặc biệt. Toàn thân quấn băng trắng xóa, người chị run cầm cập, chốc lát lại nhờ mẹ đắp chăn cho đỡ lạnh. Bà Hường thì mồ hôi nhễ nhại, hì hụi chăm sóc cho con. Bà bảo từ hôm vào viện, do nhiễm trùng nên Hằng luôn trong tình trạng sốt cao trên 40 độ. Phòng bệnh có điều hòa nhưng không sử dụng đến vì Hằng kêu lạnh.

Bác sĩ Nguyễn Hải An kể rằng, trong số những bệnh nhân do ông điều trị, Hằng là cô gái khá gan dạ. Bị bỏng nặng, toàn thân đau đớn như vậy nhưng mỗi lần thay băng, cô không kêu la như nhiều bệnh nhân khác mà nghiến chặt răng, gồng người lên chịu đựng. "Cô ấy không kêu đau, có lẽ vì chịu khổ quen rồi. Nghe gia đình kể chuyện, chúng tôi rất thương cảm cho hoàn cảnh của cô ấy".

Nghe chúng tôi nói lại chuyện bà Tuyết kể việc ông Chi đốt nhà, đuổi vợ chồng Hằng đi, lúc này Hằng mới dám nói thật với mẹ và chúng tôi về cuộc sống của mình.  "Em đi làm về muộn, thường xuyên phải ăn cơm dưới bếp, nước mắt chan cơm vì lên nhà bố chồng say rượu chửi bới. Buồn lắm, nhưng em cố gắng nhịn để giữ yên ấm trong nhà. Bố chồng đã vậy, chồng lại chẳng thương. Suốt ngày anh ấy cờ bạc, nợ nần…".

Hằng kể đã có lần vợ chồng cãi nhau, Tuấn đổ xăng đốt quần áo của vợ. "Bình thường Tuấn không đánh em, nhưng tính Tuấn rất lỳ và manh động, không thể đoán trước anh ta sẽ làm gì. Là vợ nhưng em cũng không lường trước được. Hôm 2/8, thấy Tuấn nghỉ việc nên em bực, cằn nhằn, vợ chồng lời qua tiếng lại. Tuấn bỏ đi đến đêm mới về. Em giận nên không mở cửa cho Tuấn vào. Đến khi thấy Tuấn trèo cổng, sợ ảnh hưởng đến mọi người nên em mở cửa. Vừa vào nhà, Tuấn vớ cái ghế đập vào mặt em. Cãi nhau một lúc thì Tuấn mang con đi. Em lên giường nằm. Nào ngờ lát sau Tuấn về đổ xăng đốt…".

Hỏi Hằng chuyện vợ chồng lục đục đã lâu, vì sao không tính đến chuyện ly hôn. Hằng ứa nước mắt: "Rất nhiều lần em đã nghĩ đến chuyện đó, nhưng em không dám, chung quy cũng chỉ vì cá chuối đắm đuối vì con chị ạ. Nhìn con còn nhỏ quá, em không muốn nó bị thiếu thốn tình cảm. Phần khác em không muốn bố mẹ ở quê bị lời ra tiếng vào là con gái bỏ chồng. Thế là em cắn răng chịu đựng chị ạ. Bây giờ thì em đau quá, uất quá. Bố mẹ em bỏ hết tiền ra vì Tuấn, giờ em bị nạn thế này lại chẳng còn đồng nào lo cho em, lại phải đi vay mượn. Em làm khổ bố mẹ nhiều quá!".

Nghe con gái nói vậy, bà Hường như xát muối vào lòng: "Cũng chỉ vì nó cố chịu đựng, không dám kêu ca với bố mẹ bao giờ nên chúng tôi đâu biết nó khổ sở như vậy".

Bà Hường bảo hồi cái Hằng lấy thằng Tuấn, gia đình bà không đồng ý. Chỉ có một mụn con gái, ông bà muốn Hằng lấy chồng gần nhà cho bố mẹ yên tâm. Ở quê, cái Hằng thuộc diện xinh gái, có nhiều đám ngấp nghé nhưng nó lại chẳng ưng ai. Rồi Hằng lên Hà Nội làm may, duyên số đưa đẩy gặp Tuấn. "Vợ chồng tôi chỉ nghĩ nó lấy chồng nhà gần chỗ làm, không phải đi xa cũng đỡ vất vả. Nào đâu biết được thằng Tuấn ham chơi cờ bạc, bỏ mặc vợ con. Cái Hằng thương bố mẹ nên giấu không dám kể. Đến khi thằng Tuấn lấy trộm sổ đỏ của gia đình nó mang đi cầm đồ lấy tiền, cái Hằng mới khóc lóc điện thoại về quê xin bố mẹ cho tiền trả nợ, không thì thằng Tuấn bị xã hội đen giết mất. Thương con gái, vợ chồng tôi dốc hết tiền tiết kiệm lo cho con rể. Hy vọng giúp chúng nó qua lúc khó khăn sẽ bảo ban nhau làm ăn. Nào ngờ…" - bà Hường chua chát.

Cũng theo bà Hường thì đó không phải là lần duy nhất ông bà đứng ra lo trả nợ cho con rể. Mấy lần trước, mỗi lần bị côn đồ tìm bắt trả nợ cờ bạc, thằng Tuấn lại trốn biệt. Cái Hằng lại điện về, rồi ông bà thông gia điện về nói vợ chồng bà giúp đỡ thằng Tuấn. Nhà nông chắt bóp từng đồng phòng lúc tuổi già, nay vì con ông bà cũng chẳng tiếc, lại đi vay mượn thêm trả nợ cho con rể. "Người ta thuận vợ thuận chồng mới làm ăn được. Đằng này, vợ chồng nó xung khắc, cũng chỉ vì chuyện kinh tế mà hục hặc nhau. Tất cả trông chờ vào đồng lương của cái Hằng, còn thằng Tuấn có đồng nào nướng vào cờ bạc hết thì làm sao vợ chồng hạnh phúc được cơ chứ. Đã có lúc tôi bảo cái Hằng nếu không chịu được thì mang con về Thái Bình ở với bố mẹ cũng được. Nhưng nó thương vợ chồng tôi nên giấu, chịu đựng một mình. Giờ thì ra nông nỗi này…". Nhìn con gái, bà Hường lại xót xa.

Hỏi ông bà có đề nghị gì với các cơ quan pháp luật trong việc xử lý kẻ đã gây thương tích cho con gái, bà Hường lắc đầu: "Thằng Tuấn dù sao cũng là con rể. Nó cũng đang bị bỏng nên vợ chồng tôi coi như cái hoạn nạn của hai đứa chúng nó vậy. Từ hôm vào viện đến giờ, vợ chồng tôi cũng qua thăm nó mấy lần. Nó như vậy nên không dám trách móc nó nửa lời. Tôi chỉ bảo sao con lại dại dột thế. Còn ông nhà tôi thì động viên bảo thôi sự việc đã xảy ra rồi, con cố gắng ăn cho nhanh khỏe. Quan trọng là cứu người trước đã".

Nghe những lời nhân hậu của bà Hường, chúng tôi thấy nghẹn đắng trong lòng. Thật đáng tiếc và đáng trách khi Tuấn đã không xứng đáng với lòng tốt của bố mẹ vợ đã dành cho anh ta…

Hương Vũ
.
.