Vụ cướp kim hoàn trị giá hơn 65 triệu USD tại Anh

Thứ Hai, 31/08/2009, 19:45
Tại London vừa mới xảy ra một vụ cướp đồ kim hoàn gây xôn xao dư luận về cả giá trị và sự táo bạo của bọn tội phạm. Tổng giá trị số kim hoàn mà những tên cướp lấy đi trót lọt cũng khiến nhiều người phải kinh ngạc: hơn 40 triệu bảng, tức là tương đương hơn 65 triệu USD…

Chính cửa hiệu Graff Diamonds trên đường New Bond này từng là đối tượng của một vụ cướp lớn trước đây - với số kim hoàn bị lấy đi có tổng trị giá 23 triệu bảng (38 triệu USD). Vụ cướp mới đây thực ra chỉ xếp thứ hai trong lịch sử nước Anh về giá trị tài sản bị lấy mất. Vụ án chiếm vị trí "quán quân" trong danh sách này xảy ra cách đây không lâu vào năm 2006, khi bọn cướp tấn công nhà kho của Công ty bảo vệ quốc tế Securitas tại Kent, lấy đi tổng số 53 triệu bảng (tức là gần 90 triệu USD).

Vụ cướp tại Graff Diamonds, cửa hiệu kim hoàn lớn nhất nước Anh với khách hàng là nhiều nhân vật nổi tiếng, chỉ được công luận biết tới vài ngày sau đó. Mãi tới ngày 11/8, các đại diện cơ quan hành pháp mới chính thức thông báo cho các phóng viên về vụ cướp.

Theo các giả thuyết điều tra ban đầu, âm mưu trên đã được lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Hai người đàn ông ăn mặc sang trọng tới cửa hiệu bằng taxi. Tại đây, chúng nhanh chóng rút súng ra, yêu cầu tất cả những người có mặt nằm xuống sàn, ngoại trừ một nữ nhân viên bán hàng. Người phụ nữ còn lại này được lệnh phải thu dọn nhanh tất cả số nữ trang quý và giao cho chúng.

Các nhân chứng về sau đã kể cho cảnh sát rằng, hành động của những tên cướp cho thấy, chúng biết rất rõ những đồ kim hoàn giá trị nhất cần lấy đi. Chỉ trong vòng có 2 phút, sau khi lấy đi tất cả những chiếc nhẫn, vòng tay, vòng cổ và đồng hồ quý giá nhất (tổng cộng 43 món hàng), bọn cướp gí súng vào nữ nhân viên bán hàng đã giúp chúng, bắt cô này dẫn ra ngoài đường. Đến khi ngồi vào trong xe, chúng mới chịu trả tự do cho con tin này.

Trên đường lẩn trốn, để phòng ngừa khả năng truy lùng và điều tra của cảnh sát, bọn cướp đã thay xe 3 lần. Đầu tiên, chúng chạy trốn khỏi hiện trường trên một chiếc BMW màu xanh, khi đó có một đồng bọn đi môtô áp sát và chuyển cho chúng một gói gì đó. Những tên cướp sau đó có một vụ va chạm nhỏ với một chiếc taxi. Chúng bỏ chiếc BMW và chuyển sang một chiếc Mercedes màu bạc. Cuối cùng trước khi mất dấu hoàn toàn, bọn cướp còn chuyển sang một chiếc Ford hay Volkswagen màu đen.

Trong khi chạy trốn, những tên này còn bắn ít nhất hai phát súng cảnh cáo xuống đất nhằm ngăn chặn những người đi qua đường đuổi theo. Cảnh sát còn cho biết, ngoài hai thủ phạm chính, nhóm cướp còn có ít nhất hai tên tòng phạm là lái xe và một kẻ đi trên chiếc xe môtô.

Hình ảnh 2 tên cướp khi bước vào cửa hiệu được camera ghi lại.

Thông tin điều tra ban đầu không chỉ mô tả bề ngoài, mà còn chân dung cụ thể của hai tên cướp, do chúng đã được camera quan sát của cửa hiệu ghi lại. Tên đầu tiên là một người đàn ông da trắng tóc sẫm, còn tên thứ hai da đen để tóc ngắn. Cả hai nhìn bề ngoài trạc 30 tuổi, mặc bộ đồ màu xám và nói giọng của người London.

Với những đặc điểm này, cảnh sát đã tổ chức điều tra rộng rãi trong số những người đi đường để hỏi về những kẻ có nhân dạng tương tự như vậy. Tuy nhiên, một số quan chức trong các cơ quan hành pháp cũng cho rằng, thủ phạm có thể đã trốn ra nước ngoài. Không loại trừ khả năng số kim hoàn cũng đã được tiêu thụ. Do những tên cướp chỉ chọn lấy những sản phẩm đã định từ trước, nên nhiều khả năng chúng đã hành động theo đơn đặt hàng của một kẻ nào đó. 

Báo chí được biết trong quá trình điều tra, cảnh sát đã tạm giữ một người đàn ông 50 tuổi tại London. Ông này bị bắt vào ngày 10/8 và nhanh chóng được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh. Vai trò cụ thể của nhân vật này trong vụ cướp hiện chưa được tiết lộ. Theo đánh giá, nếu những tên cướp này bị bắt giữ và xét xử, chúng sẽ phải nhận những án phạt nghiêm khắc lên tới hàng chục năm tù.

Lời cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở nếu xét tới số phận những "đồng nghiệp" của chúng trong vụ đánh cướp nhà kho của Securitas. Bị sa lưới nhanh chóng sau vụ cướp, những tên này ngay trong năm 2008 đã phải nhận những án tù dài hạn - 4 tên phải nhận mức án 30 năm, tên còn lại cũng phải "bóc lịch" tới 20 năm. 

Nếu những tên cướp tại Graff Diamonds thành công trong việc lẩn trốn thoát được  lưới pháp luật, vụ cướp do chúng gây ra cũng có thể được đánh giá là "vụ cướp thế kỷ tại Anh". Đơn giản là nếu tính tới thực tế chúng vẫn đang được tự do cùng với việc cảnh sát đã thu hồi được 21 trong tổng số 53 triệu bảng đã mất trong vụ Securitas, tổn thất trong vụ này chỉ còn là 32 triệu bảng, tức là ít hơn vụ cướp tại Graff Diamonds. 

Một số vụ trộm cướp đáng chú ý nhất trong lịch sử theo đáng giá của tờ Daily Mirror:

1) Năm 2005, Ngân hàng Trung ương Brazil đã bị lấy cắp một lượng tiền tương đương 62,5 triệu USD. Để xâm nhập vào kho chứa tiền, bọn cướp đã đào một hầm ngầm dưới đất dài tới 200 mét. Điều tra sau đó chỉ giúp tìm lại được một phần nhỏ số tiền bị mất.

2) Năm 2003, Ngân hàng Trung ương Iraq bị cướp số tiền khổng lồ tương đương 906 triệu USD - được đánh giá là vụ cướp ngân hàng lớn nhất trong lịch sử. Ngân hàng bị đánh cướp khi không quân Mỹ bắt đầu ném bom Baghdad. Nhiều người cho rằng, những tên cướp đã hành động theo chỉ thị của... Saddam Hussein.

3) Năm 1987, bọn cướp đã lấy từ kho chứa Knightsbridge Security Deposit một lượng tài sản lớn từ 30 tới 60 triệu bảng (con số ước tính là do có nhiều chủ nhân ký thác tài sản ở đây không hợp tác và khai báo với cảnh sát). Cảnh sát sau đó đã bắt giữ được kẻ chủ mưu vụ cướp là Valerio Viccei (người Italia) cùng đồng bọn. Viccei sau đó đã bị bắn chết trong một nỗ lực nhằm vượt ngục.

4) Năm 1983, bọn tội phạm đã lấy được từ kho chứa Brinks Mat gần sân bay Heathrow khoảng 3 tấn vàng có tổng trị giá 26 triệu bảng. Điều tra sau đó chỉ giúp bắt giữ và xét xử hai tên tham gia vụ cướp, phần lớn số vàng đã không thể bị thu hồi.

5) Năm 1963, băng cướp của Ronnie Biggs đã tấn công một đoàn tàu bưu điện của Anh và lấy đi 2,6 triệu bảng. Tuy nhiên, tất cả đã nhanh chóng bị sa lưới. Ronnie Biggs (bị kết án 30 năm tù) sau đó đã vượt ngục thành công vào năm 1965, phẫu thuật thay đổi nhân dạng và chạy sang Brazil. Năm 2001, hắn tình nguyện quay về tự thú với Chính phủ Anh.

Q.L. (tổng hợp)
.
.