Vụ gián điệp rúng động Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 09/07/2012, 05:55

Giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây đồng loạt đăng tải về một mạng lưới gián điệp, chuyên đánh cắp các thông tin quốc phòng trọng yếu để bán ra nước ngoài vừa bị phanh phui. Dư luận am hiểu trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi đây là "vụ Mata Hari mới" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đứng đầu mạng lưới là viên đại tá lục quân Ibrahim Serzer, kết hợp với nữ sinh viên 25 tuổi Narin Korkmaz thiết lập một hệ thống nội gián hết sức tinh vi, hoạt động liên tục từ năm 2006 đến nay gây tổn thất không nhỏ cho kế hoạch phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên "tiền đồn" trong chiến lược quân sự của NATO.

Tổng cộng hơn 5 năm qua đã có khoảng 165.000 tài liệu mật, bản đồ và tư liệu liên quan đến các căn cứ quân sự, các dự án quốc phòng cũng như vị trí bố phòng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh cắp. Đồng thời mạng lưới gián điệp này có trong tay hồ sơ của chừng 5.000 người liên quan tới lực lượng vũ trang, nghiên cứu các sở thích tiêu cực của họ (bài bạc, háo sắc, rượu chè…) để dễ bề ra tay khống chế khi cần.

Trung tâm đầu não của tổ chức nội gián nằm ở thành phố cảng Izmir miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, còn trong thực tế quy mô hoạt động của chúng rải khắp đất nước. Đã có 51 thành viên của mạng lưới gián điệp bị bắt giữ, bao gồm các viên chức dân sự và nhà quản lý, các sĩ quan trung và cao cấp trong quân đội đang tại chức hoặc giải ngũ, cũng như các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt, một trưởng phòng ở Trung tâm phản gián Golcuk gần Izmir, thậm chí cả một nhân vật phụ trách quan hệ đối ngoại tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Ankara… Đa phần các nghi phạm đã bị bắt giữ, số còn lại đang bị truy nã ráo riết. Viện Công tố Izmir cũng đã chính thức khởi tố đại tá Ibrahim Serzer và các đồng phạm khác.

Tin tức về vụ scandal gián điệp trên mặt báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ đoạn moi tin của tổ chức gián điệp này rất đa dạng như cho tiền, tặng quà và phiếu đi nghỉ mát để dần dà đưa "con mồi" vào tròng. Ngoài ra là chiêu bài sử dụng mỹ nhân kế rất đắc dụng. "Bà trùm" N. Korkmaz thường xuyên ra nước ngoài tuyển mộ những cô gái trẻ đẹp, đưa về nước hoạt động trong đường dây mại dâm trá hình hòng tiếp cận các đối tượng cần khai thác thông tin. Địa điểm gặp gỡ diễn ra tại các khách sạn hoặc căn hộ sang trọng, được bí mật thu hình và ghi âm làm bằng chứng khống chế các nạn nhân phải tự nguyện cộng tác cung cấp tin mật.

Một loạt cơ quan và công ty hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng đã bị đánh cắp thông tin như Hãng chế tạo vũ khí Roketsan, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ quốc gia (TUBITAK), Công ty sản xuất thiết bị điện tử quân sự Alselsan, Hãng tin học Halvesan chế tạo phần mềm và hệ thống mạng đường không, Công ty TAI chuyên về lĩnh vực phòng thủ không phận… Tóm lại mạng lưới gián điệp này  đã thâm nhập được vào bộ phận trọng yếu nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Những nghi phạm trong mạng lưới gián điệp bị bắt giữ.

Điều đáng nói hơn nữa là các điệp viên còn có khả năng tác động tới chương trình quốc gia về tài trợ phát triển các hệ thống vũ khí, một phạm trù luôn được các công ty ngoại quốc lưu tâm. Theo các chuyên gia thạo tin, thì một trong những tài liệu có giá trị cao đã bị đánh cắp là Bản quy tắc chống lại các cuộc tấn công của hải tặc và cơ chế phản ứng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2010-2020.

Vậy những tài liệu phòng thủ tuyệt mật đã được bán cho những quốc gia nào? Giả thuyết hàng đầu là nhà nước  Israel, với mối quan hệ giữa Tel Aviv và Ankara ngày càng xấu đi trong thời gian gần đây. Kế đến là "kẻ thù truyền thống" Hy Lạp luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ là "con cừu đen lạc đàn" trong định chế NATO. Không loại trừ cả người Nga cũng muốn nắm bắt những thông tin nhạy cảm từ người hàng xóm ven bờ Biển Đen…

Trần Hồng (theo Corriere Della Sera)
.
.