Vụ hối lộ tồi tệ nhất tại Bộ Quốc phòng Anh

Thứ Ba, 22/07/2008, 14:30
Vào tháng 3/1992, khi tiến hành kiểm toán Công ty Blackburn chuyên cung ứng phương tiện vận chuyển quân sự cho Bộ Quốc phòng Anh (MOD), Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Anh (NAO) đã phát hiện một số tiền nghi vấn 800.000 USD chuyển từ tài khoản của công ty mở tại một ngân hàng ở Tp Manchester đến một ngân hàng ở Tp Glasgow của Scotland rồi từ đây chuyển tiếp đến một ngân hàng ở Tp Bâle của Thụy Sĩ.

Nghi ngờ đây có thể là một món tiền bất minh nên NAO liền chuyển hồ sơ cho cảnh sát để điều tra. Cuộc điều tra phối hợp giữa Cảnh sát Anh và Cảnh sát Thụy Sĩ đã phát hiện người đứng tên để nhận số tiền 800.000 USD tại Thụy Sĩ là Josephine Foxley, vợ của Gordon Foxley, Cục trưởng Cục Quân khí của Bộ Quốc phòng Anh.

Cho rằng đây có thể là một hành vi liên quan đến hối lộ nên cảnh sát Anh tiến hành thẩm vấn bà Josephine và cả với Jack Drowny, Giám đốc Công ty Blackburn và sau đó biết rằng, đó là số tiền mà Công ty Blackburn dùng để hối lộ cho Gordon Foxley liên quan đến một hợp đồng cung ứng trang thiết bị và phương tiện vận chuyển quân sự trị giá 48 triệu USD cho Bộ Quốc phòng. Và thế là bùng nổ vụ hối lộ tại Bộ Quốc phòng Anh mà thủ phạm là Cục trưởng Cục Quân khí Gordon Foxley.

Gordon Foxley sinh trưởng trong một gia đình công nhân tại Tp Manchester, từng tốt nghiệp ngành điện, cơ khí và hàng không của Đại học Salford và Đại học Manchester trước khi được nhận vào làm việc tại Bộ Quốc phòng. Năm 1960, Foxley lập gia đình với Josephine Henley, con gái một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng và nhờ sự giúp đỡ của cha vợ, Foxley thăng tiến rất nhanh. Năm 1981, Foxley được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Quân khí và đến năm 1984 trở thành Cục trưởng.

Chỉ với thu nhập 37.000 USD/năm cho mức lương của một Cục trưởng nhưng gia đình Foxley lại có một cuộc sống xa hoa, sở hữu nhiều bất động sản cao cấp tại Anh, Scotland và Thụy Sĩ. Đã có nhiều nghi vấn liên quan đến số tài sản kếch sù của Foxley, nhưng chẳng ai dám đụng vào ông ta, vốn được xem là một công thần của Bộ Quốc phòng Anh, cho đến khi NAO tiến hành kiểm toán Công ty Blackburn và phát hiện số tiền 800.000 USD mà công ty này dùng để hối lộ cho Foxley.

Tuy nhiên do Foxley chối tội và có những hành động phản ứng lại cáo buộc của NAO nên cơ quan này quyết định chuyển hồ sơ về vụ nhận hối lộ của Foxley tại Công ty Blackburn cho Viện Công tố Hoàng gia (CPS). CPS là cơ quan bảo vệ pháp luật duy nhất ở Anh có quyền điều tra về các hành vi làm trái kể cả hành vi vi phạm Hiến pháp của các nhân vật quyền lực nhất nước Anh, kể cả thủ tướng và các thành viên hoàng gia.

Theo điều tra của CPS, trong thời gian tại chức, Foxley đã dùng quyền được ký kết các hợp đồng cung ứng khí tài, phương tiện quân sự cho Bộ Quốc phòng để ép buộc nhiều công ty Anh, Đức, Italia và Na Uy đưa hối lộ.

Kiểm tra 12 hợp đồng ký kết giữa Cục Quân khí và 7 công ty Anh, Đức, Italia và Na Uy trị giá 233 triệu USD, các nhân viên điều tra của CPS đã phát hiện số tiền nhận hối lộ từ các công ty này của Foxley lên đến 7,8 triệu USD, mà người nhận là đích thân Foxley và bà Josephine, vợ ông ta. Số tiền này được chẻ thành nhiều món nhỏ trước khi được chuyển qua trung gian của hai đến ba ngân hàng trước khi đến tay Foxley và vợ ông ta.

Cũng theo điều tra của CPS, trong thời gian tại chức, Foxley đã nhận hối lộ tất cả 12,5 triệu USD và đã khiến nhiều công ty phải lao đao do thiếu hụt tài chính, trong đó có Công ty Blackburn ở thành phố Manchester.

Điều tra của CPS cũng làm sáng tỏ việc Foxley sử dụng số tiền nhận hối lộ để mua 8 bất động sản trong đó có hai biệt thự ở Thụy Sĩ, hai biệt thự ở Scotland, một cửa hàng thời trang lớn và một căn hộ cao cấp ở thủ đô London, một khu dinh thự rộng 10.000m2 tại hạt Oxfordshire và một nhà nghỉ cao cấp ở thành phố Manchester. Để đề phòng bị điều tra và tịch thu số bất động sản này, trong thời gian tại chức, Foxley đã làm thủ tục đứng tên sở hữu cho vợ, con gái và con trai là một sĩ quan quân đội Anh.

Bị bắt giữ vào tháng 4/1993, Foxley thú nhận đã có hành vi nhận hối lộ của nhiều công ty ký hợp đồng với Cục Quân khí để cung ứng khí tài, phương tiện quân sự cho Bộ Quốc phòng Anh nhưng chỉ khai nhận hối lộ có 5,7 triệu USD, thấp hơn nhiều con số điều tra của CPS. Tuy nhiên, Foxley lại không giải trình được nguồn gốc 8 bất động sản trị giá hàng chục triệu USD do gia đình ông ta sở hữu. Vì vậy CPS quyết định tịch thu 8 bất động sản của gia đình Foxley, đem bán đấu giá nộp hết vào công quỹ.

Riêng Foxley bị Tòa án Bailey ở thủ đô London tuyên phạt 4 năm tù giam và 8 năm thử thách vào ngày 10/11/1993. Bà Josephine, vợ của Foxley, cũng bị truy tố về tội bao che cho hành vi nhận hối lộ của chồng nhưng chỉ bị cảnh cáo mà không bị tuyên án tù giam.

Vào năm 2001, ở tuổi 66, Foxley làm đơn kháng án gửi lên Nữ hoàng Elisabeth II và Tòa án Tối cao Anh xin xét lại bản án của mình trong đó có đề cập đến việc xin nhận lại một số bất động sản đã bị tịch thu trước đó nhưng không được chấp thuận. Vụ án nhận hối lộ của Cục trưởng Cục Quân khí Gordon Foxley trong thời gian tại chức được đánh giá là vụ án hối lộ tồi tệ nhất tại Bộ Quốc phòng Anh trong thế kỷ XX

Văn Hòa (Theo Criminologist)
.
.