Vụ "hơn 14.000 ĐTDĐ bị theo dõi": Hé lộ những kẽ hở pháp lý

Thứ Hai, 21/07/2014, 16:30

Vụ việc hơn 14.000 điện thoại di động (ĐTDĐ) của Việt Nam bị cài phần mềm giám sát Ptracker của Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng gây chấn động dư luận những ngày qua, không chỉ đe dọa đến bí mật đời tư của từng cá nhân mà còn ẩn họa nhiều nguy cơ khác khi hiện tượng kinh doanh phần mềm gián điệp trên mạng Internet đang có chiều hướng phức tạp. Vụ việc cũng đã hé lộ những kẽ hở về pháp lý trong công tác quản lý kinh doanh phần mềm hiện nay tại Việt Nam.

Loạn phần mềm định vị, nghe lén đTDĐ

Chỉ cần có một chút hiểu biết về công nghệ thông tin, hiện tại người dùng có thể lên mạng Internet để tải hàng chục các phần mềm khác nhau, song đều có chức năng là định vị, nghe lén, hoặc sao chép nội dung tin nhắn… về cho chủ nhân. Đây thực sự là một ẩn họa…

Trước khi vụ việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà 110 đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bị Cơ quan Công an phát hiện đang kinh doanh trái phép phần mềm Ptracker (chuyên dùng để theo dõi, giám sát ĐTDĐ), thì trên mạng Internet đã có hàng loạt cách thức để có thể theo dõi ĐTDĐ, miễn phí cũng có mà trả tiền cũng không ít.

Sau khi đã cài đặt thành công, cho dù chiếc điện thoại đang lưu lạc ở bất kỳ chỗ nào thì chỉ cần có một chiếc máy tính, người ta có thể giám sát điện thoại đó 24/24 giờ. Bởi những thông tin thuộc dạng bí mật sẽ được tải lên một tài khoản riêng trên mạng Internet. Tài khoản này sẽ được kiểm tra từ mọi trình duyệt web mà không cần phải truy cập vào điện thoại. Các thông tin gồm có: các cuộc gọi đến và đi, thời gian của mỗi cuộc gọi.

Thậm chí nó có thể ghi âm lại từng cuộc gọi và gửi về tài khoản cho chủ sở hữu dưới dạng file mp3. Nếu bỏ ra thêm một chút phí thì người chủ tài khoản còn có thể nhìn thấy màn hình của điện thoại và địa điểm thực sự của chiếc điện thoại trên bản đồ.

Quảng cáo phần mềm gián điệp Ptracker của Công ty Việt Hồng trên mạng Internet.

Tuy nhiên, nhược điểm của những phần mềm "miễn phí" này là sự hoạt động kém ổn định, và hạn chế về dung lượng được sử dụng của tài khoản.

Nắm bắt được nhu cầu theo dõi điện thoại của người sử dụng, hàng loạt các công ty viễn thông, đặc biệt là các dịch vụ “thám tử” đã mua các phần mềm Tracking của nước ngoài rồi thêm một số tính năng khác và chào hàng rộng rãi trên mạng.

Cách đây chưa lâu, chúng tôi từng liên hệ với một công ty viễn thông để tìm hiểu về dịch vụ theo dõi điện thoại. Tại website http://vienthong...vn mà chủ của nó là một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại đường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội). Theo một nữ nhân viên của công ty này thì công ty luôn cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát điện thoại 24/24 giờ. Chúng tôi cho biết muốn theo dõi số điện thoại 016432430xx thì được người này rất tận tình hướng dẫn.

Trước hết, cô ta hướng dẫn chúng tôi tải phần mềm Ptracker thông qua đầu số 8185. Cài đặt xong, chúng tôi phải gửi số IMEI của chiếc điện thoại. Tiếp đó, chúng tôi sẽ vào trang mobile.vienthong…vn để đăng ký một tài khoản. Loay hoay một lúc vẫn không đăng ký được, đành nhờ cô ta đăng ký hộ luôn. Vậy là từ giờ mỗi khi muốn biết chiếc điện thoại kia ở đâu, chỉ việc đăng nhập vào website mobile.vienthong…vn và gõ đúng ID và password của tài khoản là được.

Công ty này chỉ cho khách dùng thử hai ngày còn nếu muốn dùng "thật" thì phải trả phí (khoảng 100.000 đồng/tháng).Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì công ty trên đã "biến mất".

Chiều ngày 26/6, PV Chuyên đề ANTG đã liên hệ với một số công ty “thám tử” như Công ty Kỳ Phát, Tứ Hải, Tam Long… thì hầu như đều nhận được lời… xin lỗi rằng hiện tại không kinh doanh phần mềm Ptracking.

Tuy nhiên, trên website của Công ty Kỳ Phát vẫn đang quảng cáo cung cấp phần mềm Spyphone/CopyPhone cho hệ điều hành Android hoặc Ios hoàn toàn ẩn. Sau khi cài đặt thì ngay lập tức sẽ gửi thông tin trực tiếp vào tài khoản người dùng. Đó là các thông tin "Real-Time": Địa điểm của người dùng - ngay cả khi GPS không làm việc; toàn bộ tin nhắn SMS; dữ liệu lịch sử truy cập web; cuộc gọi chi tiết; hình ảnh hoặc video đã gửi hoặc nhận được ghi âm các cuộc gọi trên điện thoại mục tiêu thực tế…

Các “công ty thám tử” cũng quảng cáo các phần mềm theo dõi, gián điệp.

Ngoài ra Công ty này còn kinh doanh phần mềm VOICE SPY để giúp người sử dụng "biết mọi sự thật". Sau khi cài đặt thành công người sử dụng sẽ biết được đối tượng đang nói gì. Cuộc gọi báo về như một file mp3 và có thể nghe từ bất kỳ đâu trên thế giới. Thông tin về thời gian thực hiện cuộc gọi cũng như tên người gọi đến gọi đi cũng sẽ được công khai, dù nó có bị xóa đi trên máy theo dõi. Phần mềm này tương thích với tất cả máy smartphone với tất cả hệ điều hành như BlackBerry, Android, iPhone của Apple (với tất cả phiên bản 6.0 hay 5.1.1,...).

Ngoài ra, công ty này còn có các phần mềm chuyên dụng khác như   SMSspy (giám sát tin nhắn), GPS spy (theo dõi vị trí người sử dụng điện thoại)…

Các công ty cung cấp dịch vụ này chủ yếu có trụ sở tại TP HCM, song đều có các chi nhánh tại TP Hà Nội.

Còn theo lời giới thiệu của Công ty Tứ Hải thì công ty này nhận cài phần mềm theo dõi điện thoại, phần mềm nghe lén điện thoại, ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn… Chỉ cần 5 phút để cài phần mềm lên điện thoại. Phần mềm ẩn vĩnh viễn sau khi cài trên máy. Công ty này cũng công khai giá cả phần mềm theo dõi 3 tháng giá 200 USD, phần mềm theo dõi 6 tháng giá 300 USD, Phần mềm theo dõi 12 tháng giá 400 USD, phần mềm theo dõi 24 tháng giá 600 USD.

Đặc biệt công ty này còn quảng cáo tính năng cao cấp của phiên bản pro cho phép có thể nghe lại được cuộc đàm thoại, đọc tin nhắn đến đi, theo dõi vị trí, theo dõi được viber, facebook, line ... phần mềm theo dõi có khả năng ẩn 100%, khả năng bị phát hiện bằng không!

Hé lộ những kẽ hở pháp lý

Trở lại vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đã thực hiện cài đặt  phần mềm theo dõi Ptracker cho 14.140 điện thoại và quản lý các thông tin của số điện thoại này tại máy chủ của công ty, thu lợi tiền tỉ vừa bị phát hiện. Cơ quan Công an cho biết, ngoài số khách hàng là cá nhân sử dụng phần mềm Ptracker, Công ty Việt Hồng còn có chính sách "đăng ký đại lý" cho công ty. Theo đó, với số tiền 3 triệu đồng, Công ty Việt Hồng sẽ hỗ trợ đưa thông tin phần mềm lên trang web. Nhiều công ty thám tử đã sử dụng thông tin phần mềm giám sát này của Việt Hồng trong quảng cáo các dịch vụ thám tử, theo dõi.

Theo Cơ quan Công an, sở dĩ hành vi kinh doanh phần mềm theo dõi Ptracker của Công ty Việt Hồng tồn tại từ cuối năm 2013 đến nay, là do Việt Hồng đã lợi dụng giấy phép đăng ký kinh doanh có chức năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Theo đó, từ tháng 6-2013, nhân viên kỹ thuật của Công ty Việt Hồng đã nghiên cứu, phát triển cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát ĐTDĐ (chỉ hỗ trợ hệ điều hành Androi)  dựa trên phần mềm "hộp đen" ôtô.

Phần mềm giám sát này được chia làm 2 gói: dành cho cá nhân (Ptracker) và dành cho doanh nghiệp (PtrackerERP). Tuy nhiên trên trang web chính thức của công ty, chỉ quảng cáo gói PtrackerERP, còn gói Ptracker được quảng cáo trên các trang mạng xã hội như facebook và qua các trang web kinh doanh dịch vụ thám tử. Thống kê sơ bộ của Cơ quan Công an cho thấy Việt Hồng đã thu lợi gần 1 tỉ đồng từ việc kinh doanh phần mềm này.

Vậy, một câu hỏi đặt ra là: Việc kinh doanh phần mềm theo dõi, giám sát có phải là hành vi trái phép hay không? Khi công nghệ ngày càng phát triển, càng ngày chúng ta càng thấy xuất hiện nhiều lĩnh vực mới chưa hề được nhắc tới trong các điều kiện kinh doanh. Dịch vụ định vị, giám sát qua vệ tinh, mạng viễn thông là một ví dụ. Đây là một lĩnh vực rất mới, chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây.

Nếu hiểu như học thuyết kinh tế thị trường, doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực không nằm trong giới hạn cấm có nghĩa là họ không vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, nếu sử dụng công nghệ mới trong một lĩnh vực chưa có quy định của pháp luật vào mục đích như thế nào mới chính là yếu tố quyết định để phán xét hành vi kinh doanh đó được phép hay trái phép.

Một kỹ sư chuyên viết phần mềm phân tích, phần mềm theo dõi, giám sát không hề vi phạm pháp luật nếu sử dụng vào mục đích tốt phục vụ nhu cần ngày càng cao của con người. Khi công nghệ phát triển, có rất nhiều ứng dụng hữu ích cho đời sống mà phần mềm theo dõi, giám sát có thể mang lại. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng phần mềm  này vào công tác quản lý  đã mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ các công ty chuyên giao hàng có thể biết rõ hiện tại nhân viên giao hàng ở vị trí nào, dự đoán thời gian sản phẩm tới tay khách hàng…

Những công ty kinh doanh  dịch vụ vận tải có thể biết chính xác địa điểm toàn bộ số xe của công ty để chủ động trong công tác điều hành, theo dõi lượng hành khách lên xe, quản lý xăng xe...  Tuy nhiên, phần mềm theo dõi, giám sát có thể vi phạm pháp luật nếu sử dụng vào mục đích vi phạm quyền riêng tư khi không được sự đồng ý, không thông báo cho người sử dụng, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ định vị, giám sát để thu thập thông tin.

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội cho rằng, vụ kinh doanh phần mềm gián điệp tại Công ty Việt Hồng đã hé lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý kinh doanh phần mềm hiện nay tại Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm một cách chung chung chứ chưa có quy định cụ  thể về  ứng dụng của từng loại phần mềm, mục đích sử dụng của phần mềm, nhất là những phần mềm liên quan đến đời tư, quyền con người…

Hiện nay Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Việt Hồng và các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên với sự thay đổi hết sức nhanh chóng của công nghệ, các cơ quan quản lý cũng cần chủ động nghiên cứu đón đầu, đưa ra những quy định nhằm giúp nhanh chóng áp dụng những tiến bộ khoa học vào đời sống, đồng thời ngăn ngừa các hành vi lợi dụng công nghệ mới  để vi phạm pháp luật và trục lợi bất chính.

Công ty Việt Hồng và các khách hàng sử dụng phần mềm Ptracker phạm tội gì?

Xét về hành vi xây dựng, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đã vi phạm quy định tại khoản 5, điều 71 và khoản 2, điều 72 Luật Công nghệ thông tin và quan trọng hơn là đủ yếu tố cấu thành tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì xử lý hình sự theo Điều 125, Bộ luật Hình sự về tội "Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác". Ngoài ra, nếu từ việc nghe lén biết được các thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng và giúp cho việc chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng việc nghe lén làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì có thể xử lý hình sự đối với các tội có liên quan.

Luật sư, thạc sĩ luật Hoàng Nguyên Bình
Trưởng Văn phòng luật sư Bình An

Minh Tiến - Hương Vũ
.
.