Vụ lừa đảo 6 tỉ đồng ở Cần Thơ: Sao mà dễ đến thế!

Thứ Bảy, 14/08/2010, 23:40
Ngày 5/8 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Cần Thơ đã tiến hành bắt tạm giam để điều tra đối với Huỳnh Thanh Bình về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời tống đạt quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với vợ của Bình là Nguyễn Thị Huệ Trâm.

Thủ đoạn lừa đảo

Vợ chồng Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Thị Huệ Trâm trình độ thấp, không am hiểu gì về lĩnh vực kinh doanh, nhưng để có tiền tiêu xài thỏa mãn nhu cầu cá nhân, năm 2006 cả hai đã thuê cây xăng của anh Trần Thế Liệt (ấp Tân Thuận, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang) và thành lập lên DNTN Huỳnh Phát với mục đích kinh doanh xăng, dầu. Tại đây, Bình, Trâm không thực hiện theo giấy phép kinh doanh và hợp đồng mà cả 2 đã đi tìm những người dân nghèo khó cần vay vốn ngân hàng làm ăn nhưng không thể vay vốn, để lừa đảo.

Bình, Trâm "nổ" là giám đốc, có công ty, có cây xăng, có tư cách pháp nhân sẽ vay được nhiều vốn ở ngân hàng nhưng với điều kiện chủ sở hữu phải đứng ra ký bảo lãnh hợp đồng vay, hoặc ký chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) qua tên của Bình, Trâm thì mới vay được với số tiền họ yêu cầu. Nhiều người dân không đồng ý ký chuyển nhượng GCNQSDĐ, vì làm như thế họ sẽ bị mất đất.

Không dừng lại, Bình, Trâm nói hợp đồng chuyển nhượng chỉ là cái cớ để vay vốn ngân hàng, còn đất chủ sở hữu vẫn canh tác, khi nào chủ sở hữu trả nợ xong ngân hàng thì Bình, Trâm sẽ ký chuyển nhượng qua tên gốc (!?). Vì thiếu hiểu biết về pháp luật, thấy các đối tượng nói cũng "có lý" và cũng đang cần tiền để làm ăn nên họ đồng ý ký chuyển nhượng ngay. Sau khi đã có hợp đồng trong tay, Bình, Trâm đem đến ngân hàng thế chấp vay số tiền rất lớn rồi bỏ mặc cho người dân và ngân hàng tự giải quyết. Sau khi vay được tiền chúng không đưa đủ cho người dân theo thỏa thuận mà chiếm đoạt luôn.

Thấy việc lừa đảo như trên khá thuận lợi, năm 2007, Bình, Trâm lại thành lập DNTN Huỳnh Phát (QL1A, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) với mục đích mua bán xăng, dầu, nhớt, gas. Tại đây, bọn chúng cũng không thực hiện theo ngành nghề kinh doanh mà chỉ dựng bảng hiệu để lấy danh nghĩa là có công ty và làm giám đốc công ty để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là GCNQSDĐ của người dân và tiền của các ngân hàng.

Để tạo lòng tin cho người dân và ngân hàng, năm 2009, Bình và Trâm xin giải thể DNTN Huỳnh Phát ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang và thành lập Công ty TNHH TM-DV Kim Ngân, đồng thời tháng 4/2010 thành lập thêm Công ty TNHH Bình Phát (QL1A, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cũng với hình thức lừa đảo như trên.

Ngoài việc lừa người dân đứng bảo lãnh tài sản, ký chuyển nhượng qua tên, nghiêm trọng hơn, bọn chúng đã câu kết với một số đối tượng chiếm đoạt GCNQSDĐ của người dân nghèo cần vay tiền rồi giả mạo chữ ký của họ để chuyển qua tên của mình và đem giấy này thế chấp ngân hàng lấy số tiền lớn rồi chiếm đoạt.

Cơ quan CSĐT CATP Cần Thơ đọc lệnh bắt đối với Huỳnh Thanh Bình.

Hàng loạt nạn nhân "sập bẫy" lừa

Cụ thể, khoảng tháng 3/2007, do hoàn cảnh khó khăn và muốn cho con gái thi vào đại học, bà Ngô Thị Bé Bảy (ngụ KV Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), đem GCNQSDĐ của gia đình đến ngân hàng T.Đ. (phường Phước Thới để vay tiền). Tại đây cán bộ tín dụng nói chỉ cho vay được 3 triệu đồng, thấy vậy bà Bảy về nhà nói chuyện với người anh rể là Trần Văn H. (ngụ ở địa chỉ trên).

Thấy bà Bảy than phiền nên ông H. nói có quen một người làm "cò" ngân hàng để nhờ làm thủ tục vay dùm cho, nhưng tiền phí dịch vụ là 15%/tổng số tiền vay. Vì muốn số tiền 20 triệu đồng cho con ăn học bà Bảy đồng ý ngay và đưa cho ông H. GCNQSDĐ, CMND, sổ hộ khẩu gia đình. Sau khi có giấy tờ trong tay, ông H không thực hiện như lời hứa mà đem đi tiệm cầm đồ lấy 4 lượng vàng 24K, sau đó đi mua một mảnh đất diện tích 200m2 và cất một căn nhà tại KV Thới Lợi, phường Phước Thới nhưng không cho bà Bảy biết.

Bà Bảy liên tục hỏi nhưng ông H. trả lời "chưa vay được". Khoảng 3 tháng sau, do không có tiền nên con của bà Bảy phải bỏ học, bà đòi lại GCNQSDĐ thì ông H. không có tiền chuộc. Lúc này ông H. thông qua một người là Nguyễn Thanh S (ngụ KV Thới Lợi, phường Phước Thới, quận  Ô Môn) để làm quen với Trâm, Bình. Sau khi bàn bạc Trâm, Bình đồng ý cho ông H. vay số tiền 150 triệu, nhưng với điều kiện phải chuyển nhượng GCNQSDĐ từ tên bà Bảy qua tên của Trâm. Ông H. đồng ý, Trâm đưa cho ông H 40 triệu đồng để chuộc GCNQSDĐ về.

Khi đã chuộc lại GCNQSDĐ, ông H. đã mạo chữ ký của vợ chồng bà Bảy rồi đem hồ sơ chuyển nhượng đến UBND phường Phước Thới xác nhận rồi đưa cho S. Sau khi đã chuyển qua tên của Trâm, Bình, cả hai liền đem GCNQSDĐ này đến Ngân hàng TMCP V.A. thế chấp lấy 230 triệu đồng, sau đó bỏ mặc. Vì không thu được vốn, Ngân hàng V.A. đã đến nhà bà Bảy thẩm định lại đất, thì phát hiện GCNQSDĐ đó do lừa đảo mà có...

Còn anh Nguyễn Văn Lâm (ngụ đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là họ hàng, nhà đối diện với nhà mẹ ruột của Trâm. Đầu năm 2008, vợ chồng Trâm đến nhà mẹ ruột, thấy căn nhà của anh Lâm cũ nát, Trâm nói cất lại căn nhà khác cho đàng hoàng, nhưng anh Lâm than không có tiền. Vợ chồng Trâm, Bình liền gợi ý là đưa 2 GCNQSDĐ (mang tên anh Lâm) để bọn chúng làm thủ tục vay giúp 120 triệu đồng. Do không am hiểu về lĩnh vực vay vốn ngân hàng nên anh Lâm đã đến Phòng Công chứng ký hợp đồng thế chấp tài sản nhưng không xem rõ nội dung hợp đồng như thế nào. Anh Lâm cứ đinh ninh là sau khi ký hợp đồng thế chấp xong, ngân hàng sẽ mời lên nhận tiền.--PageBreak--

Đợi mãi, vẫn không thấy ngân hàng gọi đến nhận tiền, anh Lâm hỏi vợ chồng Trâm, Bình sao chưa có tiền, thì bọn chúng nói là "chưa vay được". Thấy anh Lâm hỏi hoài, Trâm, Bình kêu anh Lâm ra quán nước đưa cho anh 20 triệu đồng và nói là cho mượn. Sau tết 2008, anh Lâm liên tục hỏi tiền vay ngân hàng thế nào thì Trâm, Bình tiếp tục điệp khúc "chưa vay được", sau đó lẩn tránh anh Lâm.

Nghi ngờ hành vi không rõ ràng của vợ chồng Trâm, Bình, anh Lâm đến Ngân hàng TMCP V.A hỏi thì được biết vợ chồng Trâm đã nhận 120 triệu đồng tại ngân hàng ngay sau ngày ký hợp đồng. Quá cay đắng, anh Lâm tìm gặp thì Bình liên tục làm giấy hẹn rồi tránh mặt. Anh Lâm đành làm đơn tố cáo vợ chồng Bình, Trâm đến Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn (ngụ số 60A, QL1A, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) là chủ sở hữu 630m2 đất và cây xăng Minh Thành tọa lạc cùng địa chỉ trên theo GCNQSDĐ số X582519 và GCNĐKKD số 5703000280. Vì thiếu nợ và sức khỏe yếu, nên ông Tuấn kêu bán cây xăng cùng toàn  bộ 630m2 đất, tài sản gắn liền trên đất. Thấy vậy, vợ chồng Trâm, Bình đến hỏi mua.

Sau khi thỏa thuận, hai bên đồng ý ký hợp đồng mua bán toàn bộ tài sản trên với tổng số tiền là 2 tỉ 600 triệu đồng. Vợ chồng Trâm, Bình cho ứng trước số tiền 1tỉ 610 triệu đồng để ông Tuấn trả tiền cho Ngân hàng NN&PTNT quận Cái Răng để lấy GCNQSDĐ về chuyển nhượng cho Trâm, còn lại số tiền 990 triệu đồng, Trâm sẽ trả dứt điểm trong vòng 50 ngày kể từ ngày ký hợp đồng là ngày 16/11/2007. Trong thời gian hợp đồng, ông Tuấn chết, vợ chồng Trâm, Bình có trả thêm gia đình ông Tuấn số tiền 30.000.000 đồng.

Sau khi đã chuyển GCNQSDĐ qua tên mình, Trâm, Bình  đem đến thế chấp cho Ngân hàng Eximbank, Chi nhánh Tây Đô, lấy số tiền 3 tỉ đồng, nhưng không trả dứt điểm theo hợp đồng cho gia đình ông Tuấn mà chiếm đoạt luôn, rồi bỏ mặc cho đến nay không đóng lãi, trả vốn cho ngân hàng này.

Huỳnh Thanh Bình với hồ sơ, con dấu thành lập doanh nghiệp, công ty để lừa đảo.

Ngày 20/1/2010, anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ ấp Trường Ninh A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), tình cờ gặp được vợ chồng Trâm, Bình. Bọn chúng giới thiệu có 2 công ty là Kim Ngân và Huỳnh Phát, đồng thời là chủ doanh nghiệp mua bán xăng dầu, nên vay được nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu vay tiền, thì ngoài vay cho anh Đoàn, công ty sẽ vay thêm nhiều hơn, lãi suất trả theo quy định của ngân hàng (của ai người đó trả), khi nào hết thời hạn vay thì vốn của ai người đó trả. Vì tin lời vợ chồng Bình, Trâm, anh Đoàn đã đồng ý ra công chứng ký tên thế chấp 2 GCNQSDĐ của mình để bọn chúng vay ngân hàng số tiền 700 triệu đồng (trong đó anh Đoàn sẽ được vay 350 triệu đồng).

Sau khi đã có hợp đồng trong tay, Trâm, Bình đem hồ sơ đến Ngân hàng H.H, thế chấp vay số tiền 750 triệu đồng, thời hạn vay là 3 tháng, lãi suất 12%/năm. Sau khi ký hợp đồng xong, Trâm nói 2 ngày sau rút tiền ở ngân hàng xong sẽ mời anh Đoàn đến nhà nhận số tiền như đã thỏa thuận. Anh Đoàn chờ mãi vẫn không thấy Trâm kêu đến nhận tiền, anh Đoàn liên tục gọi điện thoại hỏi thì Trâm nói là chưa nhận được tiền ở ngân hàng.

Nghi ngờ vợ chồng Trâm, Bình lừa đảo, anh Đoàn đã đến ngân hàng hỏi thì được biết Trâm đã nhận tiền vay vào ngày 5/2/2010, anh Đoàn gọi điện thoại hỏi thì Trâm nói vẫn chưa nhận được tiền vì tiền phải chuyển khoản. Thấy Trâm nói sai sự thật, anh Đoàn đòi lại GCNQSDĐ thì Trâm tắt máy và tránh mặt, không chịu nghe điện thoại...

Ngày 6/8, trao đổi với PV Báo CAND và Chuyên đề ANTG, ông Đặng Công Tâm - Giám đốc Ngân hàng Eximbank, Chi nhánh Tây Đô, cho biết: "Các bước thẩm định thủ tục cho vay của cán bộ tín dụng điều tuân thủ đúng quy trình, đúng pháp luật. Ngay cả khi chuyển tiền ngân hàng cũng chuyển khoản chứ không cho rút tiền mặt. Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo của Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Thị Huệ Trâm quá tinh vi nên không lường hết được...".

Ngoài những vụ điển hình trên, Nguyễn Thị Huệ Trâm và Huỳnh Thanh Bình còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người dân và ngân hàng khác. Sau khi đọc lệnh bắt Huỳnh Thanh Bình, Cơ quan CSĐT CATP Cần Thơ, đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của cặp vợ chồng này, thu giữ được rất nhiều con dấu, tài liệu, sổ sách liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã chứng minh được Trâm và Bình chiếm đoạt 11 GCNQSDĐ đem cầm ở 5 ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ với số tiền 5 tỉ 720 triệu đồng, trong đó người dân nhận được 2 tỉ 152 triệu đồng, còn lại 3 tỉ 568 triệu đồng Trâm, Bình chiếm đoạt.

Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng, còn ai là bị hại của vợ chồng Trâm, Bình xin liên hệ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Cần Thơ; ĐT 0710.3882279, gặp Đại úy Nguyễn Văn Lượng, để cung cấp thêm thông tin

Văn Đức
.
.