Vụ sát hại Tổng thống Afghanistan Nur Muhammad Taraki

Thứ Sáu, 10/11/2006, 08:00
Sáng sớm ngày 14/9/1979, một nhân viên phục vụ tại dinh Tajbag (Phủ tổng thống) ở thủ đô Kabul của Afghanistan phát hiện Tổng thống Nur Muhammad Taraki nằm chết trong phòng ngủ, liền cấp báo cho Thủ tướng Hafizullah Amin.

Có mặt tại hiện trường ngay sau đó, Thủ tướng Amin ra lệnh cho Bộ Nội vụ phải tìm ra cho bằng được thủ phạm đã sát hại Tổng thống Taraki. Điều tra của Bộ Nội vụ sau đó cho biết, Tổng thống Taraki bị bắn chết vào khoảng từ 23 giờ đến 24 giờ khuya hôm trước. Sở dĩ các nhân viên bảo vệ dinh Tajbag khai báo là không nghe bất kỳ tiếng súng nổ nào là do thủ phạm đã lấy một chiếc gối đè lên đầu nạn nhân, ấn mũi súng vào rồi bắn liền 2 phát. Một chiếc gối tìm thấy tại hiện trường thấm đầy máu với 2 lỗ thủng đã minh chứng cho điều này.

Đến trưa cùng ngày, một thông báo phát đi trên Đài Phát thanh quốc gia về cái chết của Tổng thống Taraki do bị giết hại đã làm xáo động dân chúng Afghanistan. Dư luận chỉ tạm yên ắng khi Thủ tướng Amin lên tiếng trấn an và cam kết sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi một tổng thống mới được bầu. Vậy mà chỉ đến hôm sau, sau một cuộc họp bất thường với chính phủ, Thủ tướng Amin quyết định giải tán Quốc hội và tuyên bố trở thành Tổng thống Afghanistan. Vậy vụ giết hại Tổng thống Taraki có liên quan gì đến việc Thủ tướng Amin đột ngột giải tán Quốc hội và tự phong tổng thống?

Tổng thống Nur Muhammad Taraki sinh ngày 15/7/1913. Taraki là một trong số ít chính trị gia trẻ của phong trào dân chủ, được theo học và đào tạo tại Liên Xô. Tháng 1/1965, Taraki và Babrak Karmal, thành lập đảng Dân chủ Nhân dân (PDPA), có tôn chỉ và cương lĩnh hoạt động như một đảng Cộng sản nhưng có mục tiêu trước mắt là cố gắng chiếm được nhiều ghế đại biểu trong Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 3/1965, đảng PDPA giành được 1/3 số ghế đại biểu và Taraki cùng Karmal được bầu làm nghị sĩ. Đến năm 1967, do mâu thuẫn nội bộ gay gắt, đảng PDPA chia thành 2 nhánh, trong khi nhánh Khalq do Taraki đứng đầu lấy tư tưởng Mácxít làm tôn chỉ hoạt động và lấy Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc thì nhánh Parchan do Hafizullah Amin đứng đầu lại hoạt động độc lập về quan điểm.

Ngày 19/4/1978, tại Afghanistan xảy ra sự kiện gây xôn xao dư luận, đó là việc Mir Akbar Khyber, một nghị sĩ thuộc đảng PDPA, bị sát hại. Dư luận cho rằng, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Mohammed Daoud Khan gây ra vụ việc trên. Lập tức PDPA tổ chức nhiều cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn khác đòi Tổng thống Daoud phải từ chức. Lo sợ một cuộc đảo chính có thể xảy ra, Tổng thống Daoud Khan ra lệnh bắt giữ các lãnh đạo PDPA là Taraki, Karmal và quản thúc tại gia Amin. Sự việc như đổ thêm dầu vào lửa khiến dân chúng xuống đường biểu tình rầm rộ hơn. Amin do chỉ bị quản thúc tại gia nên có điều kiện bắt tay với một số tướng lĩnh quân đội tiến hành làm đảo chính lật đổ Tổng thống Daoud rồi giết chết ông ta vào ngày 27/4/1978. Vào ngày 1/5/1978, đảng PDPA tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước và bổ nhiệm Taraki vào chức vụ tổng thống. Aghanistan được đổi tên thành Cộng hòa Dân chủ Afghanistan.

Trở thành Tổng thống kiêm Thủ tướng và cả đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch đảng PDPA, Taraki thâu tóm hết quyền lực vào trong tay và tiến hành nhiều cải cách đáng kể cho Afghanistan, như việc để phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, loại bỏ một số luật lệ hà khắc của đạo Hồi... Taraki còn tiến hành cải cách nông nghiệp mà việc làm đầu tiên là điều tiết đất đai của giới địa chủ để giao cho nông dân nghèo. Về đối ngoại, Taraki chủ trương thắt chặt các quan hệ về quân sự, kinh tế với các quốc gia XHCN, đặc biệt là với Liên Xô. Ngày 5/12/1978, Hiệp ước Hữu nghị giữa Liên Xô và Afghanistan đã được ký kết tại thủ đô Moksva nhân chuyến viếng thăm Liên Xô của Tổng thống Taraki.

Thế nhưng, từ đầu năm 1979, trong nội bộ đảng PDPA và cả trong Chính phủ Afghanistan nảy sinh những mối bất hòa giữa Tổng thống Taraki và Phó thủ tướng Amin. Amin tuy là thành viên trong ban lãnh đạo đảng PDPA nhưng lại được đào tạo tại Mỹ (từng theo học tại Đại học Colombia của Mỹ và tu nghiệp tại đây từ năm 1957 đến năm 1965) nên phản đối việc Tổng thống Taraki quá dựa vào Liên Xô mà muốn Afghanistan phải mở rộng quan hệ với cả Mỹ và một số các quốc gia phương Tây. Amin còn là một nhân vật phản đối quyết liệt việc Taraki ký Hiệp ước Hữu nghị với Liên Xô.

Vào tháng 2/1979, khi xảy ra vụ tấn công giết hại Adolph Dubs, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, bởi nhiều kẻ lạ mặt ngay tại thủ đô Kabul, Amin tổ chức các cuộc biểu tình của dân chúng đòi Tổng thống Taraki phải từ chức. Trước thực lực lớn mạnh của Amin, Taraki buộc phải bổ nhiệm ông ta vào chức vụ thủ tướng để dễ bề kiểm soát. Tháng 6/1979, trong một chuyến công du đến Liên Xô, Taraki được mật báo có thể Thủ tướng Amin là một điệp viên nội ứng của Mỹ và đề nghị Taraki tìm mọi cách loại bỏ Amin ra khỏi chính trường để phòng tránh hậu họa.

Quay về Afghanistan, Taraki lên kế hoạch loại bỏ Amin. Ngày 17/7/1979, chiếc xe chở Thủ tướng Amin lọt vào một ổ phục kích ở ngoại ô phía tây thủ đô Kabul nhưng ông ta may mắn thoát chết. Lần khác, vào ngày 8/8/1979, Amin lại thoát chết trong gang tấc khi xảy ra một cuộc chạm súng nhắm vào ông ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Kabul. Cho rằng các vụ việc xảy ra đều có mục tiêu là phải loại bỏ mình và chắc chắn do Tổng thống Taraki gây ra nên Amin quyết định ra tay. Sau khi bỏ một số tiền lớn để mua chuộc Ban Chỉ huy lực lượng bảo vệ của Tổng thống Taraki, Amin ra lệnh cho viên chỉ huy bảo vệ là Thiếu tá Rastebzad Karam giết chết Taraki vào đêm ngày 13/9/1979.

Vụ giết hại thành công, Amin có mặt ngay tại hiện trường và chỉ đến ngày hôm sau đã tự phong làm tổng thống sau khi cho giải tán Quốc hội. Thế nhưng, chỉ hơn 3 tháng sau, vào ngày 27/12/1979, Tổng thống tiếm quyền Hafizullah Amin lại trở thành nạn nhân của một vụ binh biến do một số tướng lĩnh thực hiện. Amin bị bắn chết ngay tại dinh Tajbag, nơi mà trước đó vào ngày 13/9/1979, ông ta đã ra lệnh giết hại Tổng thống Taraki

Văn Hoà (Theo Wikipedia)
.
.