Vụ tự tử bí ẩn của một cựu thị trưởng

Thứ Tư, 24/06/2009, 22:35
Sáng ngày 30/5 vừa qua, giám thị nhà tù Perpignan ở thành phố Perpignan, tỉnh Pyrénées-Orientales ở đông nam nước Pháp, đã phát hiện tù nhân Jacques Bouille, nguyên Thị trưởng thành phố Siant-Cyprien, chết trong tư thế treo cổ với một sợi dây nhựa buộc vào song sắt cửa buồng giam. Kết quả kiểm tra cho biết Bouille đã treo cổ tự tử vào khuya ngày 29/5 và chết trong tư thế quỳ gối.

Tuy nhiên, các nhân viên điều tra đã không giải thích được phương tiện mà Bouille sử dụng để tự tử là sợi dây nhựa dài 65cm có nguồn gốc từ đâu. Cả việc tạo các nút buộc sợi dây vào song sắt cửa buồng giam cho thấy đã có sự tính toán trước về việc liệu sợi dây có chịu được trọng lượng nặng đến 87kg của Bouille hay không?

Jacques Bouille sinh ngày 17/5/1957 tại thành phố Perpignan, thủ phủ tỉnh Pyrénées-Orientales. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp trung học, Bouille theo học ngành y tại Đại học Perpignan. Trở thành bác sĩ vào năm 1981, Bouille được nhận vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở thành phố du lịch nổi tiếng Saint-Cyprien.

Là một bác sĩ giỏi, Bouille bắt đầu hoạt động chính trị khi quyết định gia nhập đảng UMP, tổ chức chính trị lớn thứ hai ở Pháp và là đối thủ của đảng Xã hội cầm quyền của Tổng thống Francois Mitterrand. Nhờ hoạt động tích cực, đến năm 1987, Bouille được bầu làm người đứng đầu UMP tại thành phố Saint-Cyprien và tại kỳ bầu cử Hội đồng địa phương vào năm 1989 đã trúng cử vào chức vụ thị trưởng Saint-Cyprien.

Trở thành thị trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử 450 năm thành lập của thành phố biển này, Bouille tiến hành nhiều cải cách quan trọng về kinh tế và thủ tục hành chính nhằm thu hút các nhà đầu tư. Việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng như đường, cầu, trường học đã khiến đời sống của người dân Saint-Cyprien được nâng cao. Đây là lý do khiến Bouille được tín nhiệm bầu làm thị trưởng suốt 4 nhiệm kỳ liền. Bắt đầu từ đây, Bouille vẽ thêm "thành tích" lên mặt trái của tấm huân chương.

Tháng 5/2006, Viện Công tố tỉnh Pyrénées-Orientales nhận được nhiều đơn gửi đến từ thành phố Sain-Cyprien tố cáo Thị trưởng Bouille và phe nhóm của ông ta đã biển thủ tài sản công trị giá hàng triệu euro của Tòa thị chính Saint-Cyprien. Sau khi kiểm tra nội dung các đơn tố cáo, Chánh công tố Jean-Pierre Dreno quyết định tiến hành điều tra với sự phối hợp của một số đơn vị nghiệp vụ của ngành cảnh sát.

Theo kết quả điều tra, trong thời gian giữ chức vụ Thị trưởng Saint-Cyprien, Bouille đã thu nạp một số tay chân thân tín, đều là viên chức làm việc tại Tòa thị chính thành phố, để thực hiện các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, tẩy tiền bẩn. Từ năm 2002 đến 2007, Bouille đã quyết định chi hàng chục triệu euro từ ngân sách thành phố để mua sắm nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ có giá trị như tượng, tranh, vật dụng dùng để trang trí cho Tòa thị chính nhưng sau đó đã bí mật biển thủ một số tác phẩm nghệ thuật có giá trị lên đến 5 triệu euro dùng cho cá nhân.

Từ năm 1999 đến 2007, lợi dụng việc mời gọi các nhà đầu tư vào ngành du lịch, Bouille đã cấp nhiều khu đất có giá trị cho một số các nhà đầu tư “biết điều” đồng thời bỏ qua một số quy định của pháp luật để nhận tiền hối lộ lên đến nhiều triệu euro.

Ngoài ra, Bouille cùng phe nhóm đã thông đồng với các nhà thầu thi công cơ sở hạ tầng nâng cao giá trị các công trình để lấy tiền chênh lệch chia nhau. Khi bị tố cáo, Bouille và phe nhóm đã tìm cách mua chuộc và đe dọa nhân chứng.

Đặc biệt nguy hiểm là từ năm 2002, Bouille bắt đầu có quan hệ bí mật với giới tội phạm là trùm các băng nhóm đến từ thành phố Marseille. Bouille đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm kinh doanh sòng bài, tẩy tiền bẩn qua việc đầu tư vào ngành du lịch và kinh doanh mại dâm.

Các ông trùm Pierre Alcade, Jean-Pierre Gomez vang tiếng khắp miền Nam nước Pháp và là đối tượng bị theo dõi bởi Cảnh sát Pháp, đều có quan hệ đặc biệt với Bouille. Để trả công cho Bouille, ngoài tiền bạc, các ông trùm còn giúp Bouille tẩy tiền bẩn kiếm được qua việc mua bán bất động sản có giá trị tại nhiều thành phố như Cannes, Nice, Saint-Tropez...

Nhà tù Perpignan, nơi xảy ra vụ tự tử bí ẩn của Jacques Bouille.

Bouille bị bắt giữ vào ngày 12/12/2008 về các tội "tẩy tiền bẩn, tham nhũng, hối lộ, che giấu sự thật, trấn áp nhân chứng, lạm dụng quyền lực để vun vén cá nhân, có quan hệ với giới tội phạm". Cùng bị bắt giữ với Bouille còn có  Marie-Antoinette Bouille, vợ của Bouille; Marc Blasco, thư ký riêng; Francis Montor, phụ trách ngành du lịch của thành phố và 7 đồng phạm khác.

Trong thời gian bị giam giữ  tại nhà tù Perpignan, Bouille vẫn ngoan cố chối tội đồng thời tìm cách thông cung cùng đồng bọn đang bị giam giữ cho đến khi được phát hiện tự tử một cách nghi vấn vào sáng ngày 30/5 vừa qua. Nghi vấn được nêu ra là tại sao Bouille lại có được sợi dây nhựa dùng để tự tử?

Phải chăng sợi dây đã được tuồn từ bên ngoài vào để Bouille thực hiện hành vi tự tử? Phải chăng Bouille đã bị giết chết rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử? Ai đã giết chết Bouille? Phải chăng đó là các ông trùm do lo ngại Bouille sẽ khai báo những điều bất lợi cho hoạt động tội phạm của chúng? Nếu quả thật như thế thì có thể một hay nhiều giám thị đã bị mua chuộc để thực hiện hành vi giết hại Bouille rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử?

Vụ tự tử của Bouille với nhiều nghi vấn hiện đang làm lung lay chức vụ Bộ trưởng Tư pháp của bà Rachida Dati nếu biết rằng từ đầu năm đến nay đã xảy ra tất cả 58 vụ tự tử của các tù nhân bị giam giữ tại các nhà tù khắp nước Pháp.

Đây cũng là lý do khiến Tổng thống Nicolas Sarkozy ra lệnh cho Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp phải tích cực điều tra để làm rõ vụ tự tử của Jacques Bouille trong thời gian ngắn nhất để trấn an dư luận

Hoàng Phú (theo Le Nouvel Observateur)
.
.