“Vua đạo chích” và cặp ngà voi của nhà thơ Tố Hữu

Thứ Tư, 13/02/2008, 15:45
Ngôi biệt thự của nhà thơ Tố Hữu (trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội) nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt, nơi không một tên trộm nào suốt gần nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng Thủ đô dám lai vãng ngó nghiêng chứ chưa nói gì tới đột nhập. Vậy mà, có một tên trộm đã cả gan đột nhập vào ngôi biệt thự ấy bê đi cả cặp ngà voi kỷ vật của nhà thơ.

Đã hơn 5 năm rồi kể từ cái đêm mùa đông năm 2002 ấy, các chiến sĩ cảnh sát điều tra và hình sự Công an quận Ba Đình, Hà Nội vẫn chưa ai có thể quên được vụ mất trộm tại một ngôi biệt thự trên phố Phan Đình Phùng.

Đó chính là nhà riêng của nhà thơ Tố Hữu, nơi trước sân có “cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt” nổi tiếng cả trong thi ca lẫn ngoài đời, nơi kín cổng cao tường và nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt của không chỉ riêng lực lượng công an sở tại, nơi không một tên trộm nào suốt gần nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng Thủ đô dám lai vãng ngó nghiêng chứ chưa nói gì tới đột nhập.

Vậy mà, chuyện động trời đã xảy ra, có một tên trộm đã cả gan đột nhập vào ngôi biệt thự ấy bê đi cả cặp ngà voi kỷ vật của nhà thơ.

Tên trộm đó là ai, ở phần cuối bài ta sẽ biết bộ mặt của hắn. Còn bây giờ, chúng ta hãy nghe kể về lai lịch của cặp ngà voi ấy.

Kỷ vật của tình yêu thương trong lòng bà con Cơ Tu

Làng Rô là một ngôi làng nhỏ bé nằm ở vùng sâu, vùng xa trong lòng núi rừng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi có quốc lộ 14 nối Đà Nẵng với Tây Nguyên chạy ngang qua. Và năm 1942, người tù Cộng sản Tố Hữu cùng một đồng chí tên là Huỳnh Ngọc Huệ (quê Quảng Nam) đã cùng nhau vượt ngục Đắc Lây, trốn từ Kon Tum về Quảng Nam.

Hai chiến sĩ cách mạng đã xuyên rừng, lội suối, trèo non, vượt qua hiểm nguy rình rập của bọn lính thực dân Pháp cùng thú rừng hung hãn để về tới làng Rô, rồi sau đó vượt xuống Hà Tân, Đại Lộc, rồi xuống tới Đà Nẵng  tìm lại, móc nối với tổ chức, tiếp tục cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Hai ngày đêm ngắn ngủi trốn tại làng Rô, hai người tù Cộng sản vượt  ngục đã được bà con người dân tộc Cơ Tu của làng đem cả mạng sống của mình ra che chở, rồi lại cho ăn nghỉ lấy sức tiếp tục cuộc hành trình về với tổ chức.

Nhiều năm sau này, trên mọi nẻo đường hoạt động của mình, nhà thơ vẫn không bao giờ quên được làng Rô, vẫn không bao giờ quên được bà con Cơ Tu trong làng đã cưu mang mình trong những ngày nguy khó nhất của cuộc đời.

Thế rồi, 31 năm sau cái ngày vượt ngục ấy, Tố Hữu lại có dịp quay về với làng Rô. Đó là vào năm 1973, khi nhà thơ đi công tác vào chiến trường chống Mỹ. Xuyên đường mòn Hồ Chí Minh, vượt dải Trường Sơn vào Nam Bộ, rồi trở ra Khu Năm, về tới Quảng Nam.

Ngay khi tới Quảng Nam, nhà thơ đã hỏi những chiến sĩ giao liên dẫn đường: “Không biết làng Rô ngày xưa ấy bây giờ ở đâu?”. Anh em đi tìm mãi, cuối cùng cũng lần ra được tít trong rừng sâu hơn chục người Cơ Tu ra gặp nhà thơ.

Một cụ già Cơ Tu hỏi: “Các cán bộ muốn tìm ai?”. Tố Hữu run run xúc động: “Tôi muốn gặp lại bà con làng Rô, gặp lại những người đã che chở, nuôi nấng chúng tôi khi vượt ngục tù của giặc Pháp trước đây…”.

Cụ già ôm chặt vai nhà thơ: “Cán bộ là Tố Hữu phải không?”. Nhà thơ vô cùng ngạc nhiên: “Sao ông lại biết?”. Cụ già đáp: “Biết chớ… Lâu quá không thấy Tố Hữu về, nhớ lắm.

Nhà thơ ứa nước mắt cảm động, ôm chầm lấy cụ già, nói: “Đã 31 năm rồi, kể từ cái ngày tôi và anh Huệ được già làng cho trú ẩn, được bà con Cơ Tu cho ăn uống, được cô con gái của già làng đưa qua rừng xuống núi về xuôi. Nay già làng ngày ấy ở đâu?”. Ông cụ Cơ Tu trầm ngâm: “Già làng ngày đó tên là Đễ. Ông ấy chết đã lâu rồi. Cô con gái tên Đỡ cũng đã chết rồi, chết vì sốt rét mà…”.

Rồi ông cụ chợt nghiêm trang bảo: “Khi già làng Đễ còn sống, dân làng có lần săn được một con voi. Già làng Đễ bảo cất hai cái ngà voi để lại đó, khi nào hai cán bộ trốn tù năm xưa tìm về lại làng Rô thì cho họ. Trước khi chết, già làng cứ dặn đi dặn lại dân làng Rô đừng quên việc ngà voi này. Bây giờ ông đã về đây rồi, thì làng cho ông cặp ngà voi này…”.             

Câu chuyện về xuất xứ cặp ngà voi nói trên từng được đăng trên báo Nhân Dân dịp giỗ đầu nhà thơ Tố Hữu (10/12/2003). Nhưng trước đó 10 năm tròn (1993), trong một bài hồi ký của mình, nhà thơ Phùng Quán - người cháu ruột gọi Tố Hữu bằng cậu - cũng đã viết về xuất xứ của cặp ngà voi nói trên. Phùng Quán kể như sau về xuất xứ cặp ngà voi của nhà thơ Tố Hữu, trong câu chuyện về một lần ông dẫn các cháu dự Trại sáng tác văn học thiếu nhi tới thăm bác Tố Hữu tại biệt thự Phan Đình Phùng:

“...Chính giữa phòng là cái lò sưởi xây. Trên bệ đặt một chiếc nhà rông, pho tượng Lênin, và một cặp ngà voi tuyệt đẹp gắn trên giá gỗ. Một cháu người Hà Nội xuýt xoa: “Sừng con gì mà đẹp quá”. Cháu gái người Êđê nói với bạn: “Không phải sừng - ngà voi đấy”. Nhà thơ Tố Hữu hỏi ngay: “Quê cháu có gần làng Rô không? Hồi trẻ bác đã từng ở đó…”.

“Thưa ông, bản cháu cách làng Rô khá xa, nhưng cháu đã được đến thăm làng Rô mấy lần, đi thực tế sáng tác. Cháu nghe người làng Rô kể hồi ông còn trẻ măng đã đến vùng làng Rô. Một cụ già làm nghề bẫy sập voi, thương ông như con đẻ. Cụ già hứa nếu bẫy được con voi có cặp ngà thật đẹp sẽ dành để tặng ông. Khi cụ già bẫy được voi thì ông bị bọn Pháp bắt vào nhà tù.

Cụ già trước lúc mất, trao cặp ngà voi cho người con trai cả và dặn: “Cặp ngà này là để tặng cho một người Cộng sản và là một nhà thơ, tên là Tố Hữu. Con phải giữ cẩn thận và phải tìm cho được Tố Hữu trao tận tay. Có như vậy cha chết mới được yên lòng”.

Người con sau đó đi du kích đánh Pháp, bị Pháp đánh trọng thương. Trước lúc hy sinh, người con trao lại cặp ngà voi cho con trai nhỏ của mình, dặn lại lời trăn trối của ông nội. “Con cứ tìm đi rồi sẽ gặp người Cộng sản Tố Hữu. Cha tin chắc nhà thơ đó vẫn sống và đang sống đâu đó trên đất nước này…”.

Hồi đánh Mỹ ông đi chiến trường miền Nam, làm thơ “Nước non ngàn dặm”, trở lại thăm làng Rô. Cháu nội cụ già săn voi lớn lên nối nghiệp cha làm du kích đánh Mỹ gùi cặp ngà voi đến, trao tận tay ông… Thưa ông, có phải đúng đó là cặp ngà voi này không ạ?”. “Đúng đấy cháu ạ” - Tố Hữu cảm động trả lời.--PageBreak--

Tên trộm ngà voi, hắn là ai?

Còn nhớ cái hôm 18/9/2007, là ngày tôi được đi cùng Trung tá Lê Thanh Hùng - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an quận Ba Đình và các chiến sĩ hình sự quận về thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Tây để tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với “vua đạo chích” Nguyễn Tiến Công (27 tuổi, có 3 tiền án và 1 tiền sự) về hành vi trộm cắp tài sản.

Đó là ngày “vua đạo chích” mới 26 tuổi này lần thứ ba rơi vào vòng lao lý. Hắn là tên trộm chuyên đột nhập các công sở để lấy cắp tài sản và đã liên tiếp trót lọt nhiều “phi vụ” lớn. Từ năm 2002, sau vụ trộm ngà voi, hắn được “giới đạo chích” tôn là “vua đạo chích” và khá nổi tiếng trong thế giới “ăn sương”. Cũng vì vụ trộm ngà voi này, Công bị TAND quận Ba Đình tuyên phạt 36 tháng tù.

Trung tá Hùng và đồng đội của anh chính là “khắc tinh” của Công. Cách đây hơn 5 năm, tháng 9/2002, Công đã bị các anh bắt gọn cùng cặp ngà voi của nhà thơ Tố Hữu bị y ăn trộm về cất giấu kỹ tại quê nhà.

Tháng 8/2005, ngay sau khi mãn hạn cải tạo vì gây ra vụ trộm “động trời” tại nhà riêng nhà thơ Tố Hữu, Công đã tiếp tục tính kế để quay lại với nghề “đạo chích”. Vẫn thói nào tật nấy, Công lại lân la qua các trụ sở cơ quan để dò la, tìm sơ hở để trộm cắp. Cứ sau mỗi vụ trộm trót lọt, Công lại thuê taxi về quê “an dưỡng”. Tiền  ăn trộm, hắn dành xây được cả một ngôi nhà ngói “hoành tráng” nhất nhì làng.

Cuối năm 2006, Công thuê nhà trọ tại phường Định Công quận Hoàng Mai. Căn nhà cấp 4 chật hẹp đó được Công coi là “căn cứ địa” của những vụ đi ăn trộm. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2007, tên Công đã đột nhập và  trộm cắp trót lọt 7 vụ trên địa bàn quận Ba Đình, trong đó có 4 vụ tại trụ sở Bộ Tư pháp, 2 vụ tại Tổng Công ty Vinacafe và 1 vụ tại Cục Bưu điện Trung ương.

Tổng giá trị số tài sản gồm những chiếc máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, tiền mặt của các cán bộ để tại cơ quan, Công trộm cắp được trong 4 tháng đó lên đến 500 triệu đồng. 

Tại Cơ quan điều tra, Công khai rằng do theo dõi, “điều nghiên” kỹ lưỡng, hắn nhận ra một điều là các cơ quan thường hay chủ quan trong việc tuần tra, kiểm soát vào các ngày nghỉ, ngày lễ... còn các hôm mưa gió, rét mướt, hầu hết bảo vệ chỉ gác trực đến 0 giờ rồi bỏ vị trí đi ngủ.

Lợi dụng sơ hở đó, tên Công thường nhẹ nhàng trèo qua tường rào, dùng dao mỏng như lá lúa cậy các khe cửa rồi dùng tay tháo chốt trong đột nhập vào. Hoặc hắn chui qua cửa thông gió, qua tum để lẻn vào các phòng làm việc. Sau khi trộm được tài sản, Công thường mang ra tiêu thụ tại khu vực vườn hoa Quốc Tử Giám, khu vực chắn tàu đầu phố Khâm Thiên...

“Vua đạo chích” này có một số “thủ pháp” rất “dị”. Trong một lần, sau khi đã trộm trót lọt tại Bộ Tư pháp, y trèo tường ra ngoài thì trời đổ mưa to. Thay vì chạy “bán sống bán chết” để tẩu thoát thì Công lại trèo vào trở lại, rồi nằm ngay dưới mái hiên phía hông Bộ Tư pháp, ôm “chiến lợi phẩm”... ngủ đợi tạnh mưa mới chuồn.

Một lần khác, vừa trộm xong mấy cái laptop ở Tổng Công ty Vinacafe thì trời đã tảng sáng, hắn không trốn ngay ra phố đề phòng gặp Cảnh sát cơ động đi tuần vớ được, mà chui ngay vào một công trường ngay cạnh đấy, giấu laptop dưới đống gỗ, người  lủi vào đống vật liệu xây dựng, nấp đến tận trưa, nhè giờ tan tầm đông đúc mới mò về.

Nhưng còn chuyện sau mới là “dị” nhất của tên “vua đạo chích”. Hoặc cũng có thể vì có chuyện này mà hắn mới được “phong” là “vua” của bọn đạo chích cũng nên?

Vào cái đêm đầu tiên bị nhốt trong nhà tạm giữ tại Công an quận Ba Đình sau khi bị bắt vì tội trộm ngà voi, tên Công vật nài xin các điều tra viên cho mượn một tờ giấy và cái bút bi. Tưởng hắn muốn khai báo điều gì đó “khó  nói”, các điều tra viên đưa giấy bút cho hắn rồi thay nhau ngồi đợi. Hắn cứ hý hoáy, cứ cặm cụi loay hoay suốt cả đêm ấy với cái bút, tờ giấy.

Tang tảng sáng, hắn gọi người cảnh sát đang trực lại và đưa trả anh giấy bút. Thiếu tá Đào Đức Thực - điều tra viên Công an quận Ba Đình khi đó - đã không thể tin vào mắt mình khi đọc những dòng chữ tên trộm vừa viết. Đầu giờ làm việc hôm đó, tờ giấy ấy được chuyển ngay tới tận tay Thượng tá Phạm Trọng Đạt (Trưởng Công an quận Ba Đình). Và buổi trưa cùng ngày, tờ giấy ấy lại được “kính chuyển” tới Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP Hà Nội lúc đó “để báo cáo”.

Hẳn bạn đọc đã sốt ruột lắm, đã hết kiên nhẫn chờ đợi để biết xem tên Công đã viết cái gì trên tờ giấy đó. Thưa bạn đọc thân mến, đó là một bài thơ. Một bài thơ lục bát hẳn hoi, nét chữ to như trứng gà mái ghẹ.

Xin vái vạn lạy trước hương hồn Cụ Tố, xin lỗi ngàn lần bạn đọc gần xa, xin phép trăm lần những người bạn quý ở Công an Hà Nội đã trao cho tôi bài thơ đó, để nay tôi xin chép lại hầu bạn đọc, như một chuyện vui ngày Xuân về Tết đến.

Không đề

Cụ xưa nổi tiếng nhờ thơ
Tôi nay nổi tiếng là nhờ ngà voi
Ngà voi cụ để  khách coi
Tôi đây mượn tạm, cụ nhờ đòi ngay
Đòi được bởi số cụ may
Còn tôi “bóc lịch” tính ngàyxa quê
Tù lâu rồi có ngày về
Ngà còn để thế lại bê ra đường
Lần này tù bởi coi thường
Lần sau cẩn thận xóa đườngvân tay
Được ngà đắt rẻ bán ngay
Điều tra hỏi đến cãi ngay thì... huề!

Xin đừng ai bình luận bất cứ điều gì xung quanh bài thơ “dị” này! Chỉ xin nhớ giúp một điều, rằng với tất cả sự long đong và chìm nổi trớ trêu của số phận một kỷ vật, cặp ngà voi  của bà con Cơ Tu hết lòng yêu nước, yêu cách mạng năm xưa và của nhà thi sĩ cách mạng tài hoa Tố Hữu sau này, lại càng trở nên vô giá. Vô giá như chính tình yêu ấy! Vô giá như chính cuộc Cách mạng ấy!

Vũ Hùng
.
.