Ý kiến của luật sư quanh vụ "đâm chết người khi ngăn cản vợ mang thai bị hành hung"

Thứ Sáu, 09/08/2013, 11:15

Việc xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề rất phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người một khác, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia, có người bị kích động mạnh về tinh thần, thậm chí điên lên, nhưng cũng có người vẫn bình thường. Vì vậy để đo tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của người phạm tội thì phải xem xét một cách toàn diện các tình tiết trong vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến sự việc, trình độ văn hóa, bệnh tật hay hoàn cảnh gia đình v.v… từ đó mới có cơ sở xác định...

Thời gian qua, Chuyên đề ANTG đã gửi đến bạn đọc những bài viết xung quanh vụ việc của Nguyễn Thanh Tuấn (23 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) nhan đề "Tận cùng bi kịch" và "Cuộc gặp trong trại giam".

Vụ việc có thể tóm tắt lại như sau, trong lúc cố gắng bảo vệ vợ mình là Nguyễn Thị Thanh Tuyền (23 tuổi) thoát khỏi sự hành hung của Phan Anh Toàn (24 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Hữu Hà (quê Nghệ An), Tuấn đã dùng dao đâm khiến Nguyễn Hữu Hà tử vong. Trong phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Tuấn 12 năm tù giam về tội "Giết người". Ở phiên phúc thẩm, TAND Tối cao tại Tp HCM, tăng mức án của Tuấn thành 14 năm tù giam. Điều đáng lưu ý, khi vợ Tuấn bị Toàn và Hà hành hung, cô đang mang thai đến tháng thứ hai. Sau trận hành hung đó, vợ Tuấn đã bị sảy thai.

Trong số báo này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những luận điểm của các luật sư có uy tín, tên tuổi tại Tp HCM liên quan đến vụ việc của Nguyễn Thanh Tuấn.

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường - Đoàn luật sư TP HCM

PV: Thưa luật sư, trong trường hợp nào thì tội giết người được truy tố theo khoản 1, Điều 95 Bộ luật Hình sự (BLHS)? Trường hợp của Nguyễn Thanh Tuấn, có đủ điều kiện để truy tố theo khoản 1, Điều 95 BLHS không?

Luật sư Nguyễn Văn Trường: Căn cứ theo khoản 1, Điều 95 BLHS quy định: "Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Tội này được hiểu là hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Đây là trường hợp đặc biệt của tội giết người. Tội phạm này trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Theo Nghị quyết số 04/ HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi của mình. Hành vi giết người ở đây được thực hiện ngay tức thì, sau khi người phạm tội lâm vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Nguyên nhân của trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng có thể là một tội phạm hoặc hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân có thể là một hành vi cụ thể và nhất thời, dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở người phạm tội. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cũng có thể được thể hiện ở dạng một chuỗi hành vi khác nhau, được thực hiện lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài và liên tiếp tác động đến tinh thần của người phạm tội, làm cho họ bị dồn nén về mặt tâm lý và lâm vào tình trạng tinh thần bị kích động mạnh

Việc xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề rất phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người một khác, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia, có người bị kích động mạnh về tinh thần, thậm chí điên lên, nhưng cũng có người vẫn bình thường. Vì vậy để đo tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của người phạm tội thì phải xem xét một cách toàn diện các tình tiết trong vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến sự việc, trình độ văn hóa, bệnh tật hay hoàn cảnh gia đình v.v… từ đó mới có cơ sở xác định.

Đối với trường hợp của anh Nguyễn Thanh Tuấn thì để chứng minh anh Tuấn có rơi vào trường hợp kích động mạnh hay không thì phải làm rõ hoàn cảnh và thời gian diễn biến sự việc lúc đó của vụ án, phải làm rõ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Hà như thế nào? Hành vi ức hiếp đó có phải là chuỗi hành vi lặp đi lặp lại khiến cho anh Tuấn bị kích động mạnh đến nỗi phải giết người không? Cường độ việc anh Hà đánh đập chị Tuyền đến đâu? Tinh thần của anh Tuấn đã mất tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình chưa? Anh Tuấn trong giây lát đó có đủ thời gian và cách lựa chọn hành động để cứu giúp vợ mình bằng cách khác hợp pháp không? Ngoài giải pháp là xông vào cầm dao đâm chém lại Hà thì Tuấn còn có thể chọn cách nào khác hợp lý hơn không?

Nếu chứng minh được việc mâu thuẫn này khiến Tuấn không còn lựa chọn nào khác khi xông vào cứu giúp người vợ đang mang thai của mình bị nhóm của Hà đánh đập dã man, trong lúc quẫn trí, anh ta đã dùng con dao lấy ở phòng trọ tấn công Hà. Nếu đúng như vậy thì việc Tuấn giết người có thể rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đáng tiếc, trong giai đoạn điều tra và xét xử ở các cấp tòa án, Tuấn không có khả năng thuê luật sư (hoặc luật sư chỉ định đã không trình bày được những lý lẽ vừa phân tích) và Cơ quan điều tra cũng đã cố tình hoặc vô ý bỏ qua những tình tiết quan trọng này. Hậu quả, Tuấn bị truy tố tôi giết người theo Điều 93 của BLHS.

PV: Theo luật sư thì Nguyễn Thanh Tuấn bị tòa truy tố, theo khoản 2, Điều 93 có thỏa đáng không? Nhất là phiên phúc thẩm còn tăng mức án của Tuấn lên 14 năm tù giam?

Như đã phân tích, nếu Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát (VKS) đã bỏ qua yếu tố "tinh thần bị kích động mạnh" và khép Tuấn vào tội giết người theo Điều 93 thì việc truy tố theo khoản 2, Điều 93 BLHS là có căn cứ. Việc HĐXX phúc thẩm tăng lên 14 năm tù giam cũng xuất phát từ những nhận định cho rằng: Tuấn cần phải bị xử nghiêm để đảm bảo tính răn đe. Hình phạt này vẫn nằm trong khung hình phạt bị đề nghị và truy tố của VKS.

PV: Nếu như tình tiết Nguyễn Thanh Tuấn đi đầu thú chứ không phải bị bắt giữ được lưu ý đến, thì liệu có thể xem đây là tình tiết để giảm án không, thưa luật sư?

BLHS chỉ quy định người phạm tội ra tự thú là tình tiết giảm nhẹ (điểm 0, khoản 1, Điều 46 BLHS), còn về trường hợp đầu thú thì lại không đề cập. Ngày 2/6/1990, Bộ Nội vụ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên ngành 05 hướng dẫn việc xác định và áp dụng tình tiết người phạm tội tự thú. Thông tư này không đề cập đến trường hợp đầu thú. Vì vậy sau đó, trong quá trình áp dụng, gặp trường hợp người phạm tội ra đầu thú, các tòa thường "đồng nhất", coi đó là trường hợp người phạm tội ra tự thú theo điểm 0, khoản 1, Điều 46 BLHS.

Nhận thấy, nếu mọi trường hợp người phạm tội tự thú và đầu thú đều được áp dụng khoản 1, Điều 46 BLHS là không thỏa đáng, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Công văn 81, ngày 10/6/2002. Theo công văn, các tòa chỉ áp dụng khoản 1, Điều 46 BLHS đối với tình tiết người phạm tội tự thú, còn tình tiết người phạm tội đầu thú chỉ được áp dụng theo khoản 2, Điều 46 BLHS.

Vì TAND Tối cao xác định như vậy nên các tòa có quyền tự quyết định trường hợp người phạm tội đầu thú có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không (theo khoản 2, Điều 46 BLHS, tòa có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án). Từ đó mới xảy ra chuyện tòa này chấp nhận, tòa kia không.

Mặt khác, có thẩm phán coi Công văn 81 là văn bản chính thức của TAND Tối cao nên làm đúng hướng dẫn. Ngược lại, một số thẩm phán quan niệm Công văn 81 chưa phải là văn bản pháp quy, không bắt buộc phải chấp hành nên vẫn "đồng nhất" đầu thú với tự thú và áp dụng điểm 0, khoản 1, Điều 46 BLHS. Hiện nay, việc người phạm tội ra đầu thú sau một thời gian lẩn trốn xảy ra không ít nên nhiều chuyên gia đã đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm ngồi lại xem xét, ban hành văn bản pháp quy phân biệt rõ tự thú và đầu thú cùng chính sách áp dụng cụ thể.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Luật sư điều hành hãng Luật Giải phóng, đoàn Luật sư TP HCM: “Cần xem xét động cơ, nguyên nhân, hoàn cảnh của Nguyễn Thanh Tuấn

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng.

Việc truy tố Phan Anh Toàn chỉ với tội danh gây rối trật tự là chưa phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Hành vi dùng nón bảo hiểm đánh người của nhóm Phan Anh Toàn còn có thể xem xét để khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Đặc biệt, hành vi này thực hiện đối với phụ nữ đang có thai, gây ra hậu quả là người bị hại bị sảy thai.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định thương tích của người bị hại để khởi tố về hành vi này. Để định khung hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, Tòa án cần được xét khách quan, toàn diện về hoàn cảnh, nguyên nhân và động cơ phạm tội, xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 BLHS như: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…

Khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định theo quy định tại Điều 47 BLHS. Như vậy, việc chưa làm rõ có nhiều hơn hai người thuộc nhóm Toàn tham gia đánh người, cũng như chưa xem xét khởi tố hành vi cố ý gây thương tích có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Mặt khác, việc xem xét toàn diện, khách quan các tình tiết của vụ án, đặc biệt là hành vi trái pháp luật của nhóm người bị hại, nguyên nhân, hoàn cảnh và động cơ phạm tội của Tuấn (phạm tội trong lúc vợ đang mang thai bị đánh) sẽ giúp tòa án xác định chính xác tính chất, mức độ phạm tội của Tuấn. Từ đó có một mức hình phạt phù hợp, đồng thời cũng đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung đối với bị cáo, và nhóm người liên quan phía người bị hại và toàn xã hội.

Luật sư Trịnh Thanh - Trưởng Văn phòng Luật sư Người nghèo TP HCM:Có dấu hiệu Tuấn chỉ phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ

Luật sư Trịnh Thanh.
Cùng là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật, nhưng BLHS của ta chia ra nhiều tội danh, và tương ứng mỗi tội đó thì tính chất, mức độ nguy hiểm, mức hình phạt cũng được quy định khác nhau. Ví dụ, cùng giết người, nhưng giết người, có tính chất côn đồ… theo Điều 93 thì hình phạt cao nhất là tử hình; nhưng giết người trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh thì hình phạt tại khoản 1, Điều 95 chỉ là từ 6 tháng đến 3 năm, còn giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1, Điều 96 chỉ phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm… 

Vậy vấn đề đặt ra là Nguyễn Thanh Tuấn phạm tội thuộc tội danh nào, và dựa vào căn cứ nào để xác định Tuấn phạm vào tội danh đó. Và điểm khác nhau ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thường là hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã kết thúc, còn hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi trái pháp luật của nạn nhân đang xảy ra và chưa kết thúc.

Với trường hợp của Tuấn, tôi cho rằng, ít ai trong hoàn cảnh vừa bị đánh, lại phải chứng kiến vợ mang thai lại bị chính những người đánh mình tiếp tục hành hung mà vẫn bình thản, không sử dụng các biện pháp chống trả để giải cứu vợ con mình. Tuy nhiên, do hành vi chống trả của Tuấn đã tước đoạt tính mạng của nạn nhân và là quá mức cần thiết, vì thế Tuấn phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phù hợp với diễn biến của vụ án hơn là tội danh khác.

Ở đây còn một vấn đề nữa cần mổ xẻ, đó là vì sao với diễn biến của vụ án như vậy mà tòa án hai cấp khi xét xử lại lại không chuyển tội danh cho Tuấn? Theo tôi nhiều khả năng, việc điều tra đã không đầy đủ, thiếu những chứng cứ để HĐXX xác định hành vi của Tuấn là hành vi chống trả nạn nhân. Điều này tương tự như  ở tình tiết Tuấn ra đầu thú tại Công an xã cũng chưa được xem xét…

Do đó, Nguyễn Thanh Tuấn nên gửi đơn tới Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và trình bày rõ toàn bộ sự việc, đặc biệt là những vấn đề mà tòa án hai cấp chưa đánh giá đúng, để được xem xét lại vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm

Kinh Hữu - Sỹ Hưng
.
.