Ám ảnh tội lỗi

Thứ Tư, 02/09/2015, 08:30
Thời gian có thể làm lành vết thương, làm nguôi ngoai những mất mát, đau đớn. Nhưng đối với những kẻ gây tội ác, thì thời gian lại là sự trừng phạt khủng khiếp khi ám ảnh tội lỗi đeo đẳng…

Tội ác từ nghiện game…

Phạm Đình Cử (SN 1994) ở tiểu khu Nguyễn Du, Thường Tín, Hà Nội là một trong số gần 300 phạm nhân của Trại giam Nam Hà được xét đề nghị đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 sắp tới. 4 lần được giảm án với thời gian 2 năm 5 tháng tù là kết quả của những tháng ngày cải tạo, sám hối của Cử được ghi trong bản tóm tắt lý lịch gửi Hội đồng Tư vấn đặc xá xem xét.

Cử vào trại Nam Hà thi hành bản án 12 năm tù về 2 tội "Giết người" và "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" từ tháng 5/2009. Theo các cán bộ quản giáo cho biết thì từ đó cho đến nay, Cử vẫn là phạm nhân nhỏ tuổi nhất nhập trại để thi hành án tại trại giam này. Từ một thiếu niên tuổi mới lớn, sau hơn  7 năm cải tạo, giờ đây Cử đã thành một thanh niên cao to, khỏe mạnh. Cử cho biết từ ngày vào trại, đều đặn tháng nào bố mẹ cũng lên thăm, gửi quà và động viên cậu con trai lao động, cải tạo tốt để được sớm trở về. Cuộc gặp nào, mẹ Cử cũng đẫm nước mắt…

Phạm nhân Phạm Đình Cử trong giờ lao động cải tạo tại Trại giam Nam Hà.

Nghiện game, nhiễm game bạo lực dẫn đến phạm tội là một trong những nguyên nhân của các vụ trọng án xảy ra trong thời gian qua. Thế nhưng nghiện game dẫn đến âm mưu tội ác bắt cóc cậu em  con cô ruột để tống tiền rồi sát hại dã man là điều hết sức bàng hoàng  khi kẻ chủ mưu chỉ mới hơn 14 tuổi như Phạm Đình Cử. Vào thời điểm tháng 5/2008, vụ án đau lòng này từng gây chấn động dư luận xã hội một thời gian dài. Theo hồ sơ vụ án thì Cử khai nhận nguyên nhân xuất phát từ việc cậu ta thù ghét người cô ruột là Phạm Thị P. do giữa cô P. và mẹ đẻ của Cử thường xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Cử không biết rõ mâu thuẫn đó là gì nhưng trong suy nghĩ của một thằng con trai mới lớn, cậu ta cho rằng người cô ruột đã "bắt nạt" mẹ mình nên rất căm tức và nghĩ cách trả thù để bênh vực mẹ. 

Ý đồ trả thù nung nấu trong một thiếu niên nghiện game bạo lực đã biến thành một âm mưu độc ác. Cử khai rằng khi cơn lốc game Internet tràn về tiểu khu Nguyễn Du, huyện Thường Tín, cậu ta đã nhanh chóng trở thành "tín đồ" của 2 trò game bạo lực là "Võ lâm truyền kỳ" và "Đột kích". Cử nghĩ đủ mọi cách "thăn" tiền của bố mẹ để đi chơi game như bịa ra tiền học thêm, mua sách vở… rồi lấy trộm tiền. Những lần sang nhà cô P. chơi, thấy kinh tế nhà cô khá giả hơn, có lần thấy cô đếm cả cọc tiền nên sẵn ý định trả thù, Cử nảy ra âm mưu bỏ thuốc chuột vào nồi canh để giết cô P. Khi cô P. trúng độc sẽ đột nhập vào nhà lấy trộm tiền. Cử liền rủ Nguyễn Văn Trọng (SN 1994), bạn học cùng lớp và cũng là bạn nghiện game cùng thực hiện. Tuy nhiên, lo sợ việc bỏ thuốc độc sẽ khiến nhiều người trong gia đình cô P. chết nên Cử dừng lại.

Sau này, Cử khai rằng quá trình nghiện  các trò game bạo lực, người chơi liên tục phải thực hiện các nhiệm vụ bắn giết, bắt cóc con tin nên cậu ta tiếp tục nảy ra ý đồ bắt cóc cháu N.T.A. (5 tuổi), con trai của cô P. để tống tiền. Cử bàn với Trọng sau khi bắt cóc được cháu N.T.A. sẽ cho cháu bé uống sữa pha thuốc diệt chuột, đợi khi ngấm thuốc thì cho vào bao tải ném xuống mương rồi gửi thư tống tiền đến nhà cô P.. Ấp ủ âm mưu 1 tháng trời, đến tháng 5/2008, hai đứa mới ra tay.

Tối 12/5/2008, Cử đi mua một hộp sữa cô gái Hà Lan mang về nhà, dùng xi lanh hút sữa trong hộp ra cốc rồi cho một ít thuốc chuột vào hộp sữa lắc cho tan, sau đó lại bơm sữa vào đầy hộp rồi dán băng dính lại, giấu dưới gầm tủ. Số thuốc chuột còn lại Cử cho vào cặp sách.

Sáng hôm sau 13/5, khi tan học, Cử chở Trọng về nhà lấy một chiếc bao tải cho vào giỏ xe đạp rồi đến trường mầm non Hoa Sen, nơi cháu N.T.A. đang học. Sợ mọi người nhận ra mình nên Cử bảo Trọng vào đón cháu N.T.A., dặn Trọng nói dối là ở quê lên chơi, được mẹ cháu N.T.A. nhờ đón về. Sau khi lừa được cô giáo để đón cháu NTA, Cử chở Trọng và cháu N.T.A. vào một ngõ nhỏ gần đó, đưa hộp sữa pha thuốc chuột cho bé N.T.A. uống hết. Cháu bé ngây thơ đã quen với người anh họ nên khi được Cử chở đi chơi và cho uống sữa thì tỏ ra rất thích thú.

Cử tiếp tục chở  cháu bé đi lòng vòng nhiều nơi chờ ngấm thuốc để ra tay, nhưng chờ 2 tiếng mà cháu TA không có biểu hiện gì nên Cử chở Trọng và cháu N.T.A. đến một khu nhà bỏ hoang xa khu dân cư, lấy thuốc chuột cho bé N.T.A. ăn tiếp rồi bỏ cháu bé lại đó, mục đích để cháu ngấm thuốc sẽ chết tại chỗ. Tuy nhiên, cháu bé vẫn không có biểu hiện trúng độc mà khóc lóc, đòi đi theo anh họ.

Sợ bị lộ, Cử quay lại lừa cháu T.A. chui vào bao tải chơi trò trốn tìm rồi nhấc bao tải đặt xuống cái hố đã có sẵn gần đó. Cháu N.T.A. sợ hãi kêu khóc to hơn. Sợ rằng nếu để cháu bé về được nhà sẽ "mách" người lớn, Trọng bàn với Cử cách giết cháu bé để che giấu hành vi bắt cóc.  Sau  khi dùng gạch hạ sát cháu bé, Cử và Trọng dùng gạch đá lấp hố rồi bỏ đi. Trên đường về nhà, Cử cầm lá thư tống tiền do Trọng viết với nội dung yêu cầu gia đình chị P. muốn tìm thấy con trai thì tối cùng ngày phải đưa 30 triệu đồng vào túi rác ở cổng và không được báo công an, cài vào cửa nhà cô ruột. 

Tuy nhiên, ngay buổi tối cùng ngày, sau khi gia đình chị P. nộp lá thư tống tiền trình báo Cơ quan Công an, lần lượt Nguyễn Văn Trọng và Phạm Đình Cử đã bị bắt giữ. Do Trọng chưa đủ 14 tuổi nên được đưa vào trường giáo dưỡng. Còn Cử 14 tuổi 1 tháng nên Hội đồng xét xử tuyên phạt 13 năm tội "giết người", 3 năm tù tội "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"; nhưng do Cử đang là trẻ vị thành niên, nhận thức còn hạn chế nên tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là 12 năm tù.

Sự trừng phạt của lương tâm

Người phạm tội, không ai muốn nhắc lại quá khứ tội lỗi mà họ từng mắc phải. Cử cũng vậy. Cậu ta cúi mặt, lầm lì, tay vân vê tà áo khi chúng tôi hỏi về hành vi phạm tội của Cử. Hồi lâu, cậu ta nói rằng  lúc mới bị bắt, do còn trẻ con nên Cử cũng không nghĩ gì nhiều. Thậm chí trong phiên tòa xét xử, với suy nghĩ của một đứa trẻ, Cử đã không nói lời xin lỗi tới gia đình cô P. khiến những người tham dự hết sức phẫn nộ.

Sau này, khi lên trại thăm con, bố mẹ Cử buồn bã kể rằng, cô P. nói bố là anh ruột nên cô không thể bỏ được. Nhưng còn chồng của cô?  Từ ngày xảy ra vụ án, hai gia đình gần như tránh mặt nhau. Có lẽ lo lắng Cử sẽ nghĩ ngợi, ảnh hưởng đến kết quả lao động cải tạo nên bố mẹ chỉ kể vắn tắt có thế. Nhưng Cử cũng có thể hình dung được bố mẹ đã phải chịu đựng áp lực, điều tiếng với họ hàng, với mọi người xung quanh thế nào khi sinh ra một đứa con tội lỗi như Cử.

"Càng về sau, khi trưởng thành hơn, cháu càng day dứt, ân hận vì đã làm việc sai trái, ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng đến gia đình. Năm 2014, trại phát động cuộc thi viết thư gửi lời xin lỗi, cháu đã viết thư xin lỗi gửi cô chú. Cháu gây án khi tuổi còn nhỏ, suy nghĩ bồng bột. Giờ lớn rồi, cháu đã nhận thức được tội lỗi của mình gây ra, cháu mong được cô chú tha thứ…" - Cử  thở dài.

Cử kể rằng, hồi mới vào trại, đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên cậu ta ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, không mộng mị gì. Nhưng càng lớn thì những hình ảnh tội ác trong quá khứ bỗng nhiên hiện về trong giấc mơ. Có đêm, Cử giật mình hoảng hốt, toát mồ hôi. Ám ảnh tội lỗi khiến Cử không sao chợp mắt tiếp được. Lương tâm cậu ta bị giày vò, cắn rứt.

Biết mình trong diện được xét đặc xá đợt 2-9 tới đây, Cử bảo  lo nhiều hơn là vui.  "Cháu không biết mình sẽ đối diện với gia đình cô chú thế nào? Cháu muốn đến gặp cô và mọi người để được tạ lỗi, thắp hương cho em, xin em và cô chú tha thứ cho cháu để lương tâm cháu được nhẹ nhõm phần nào. Cháu mong mọi người đón nhận cháu, hiểu và thông cảm cho cháu khi phạm tội còn bồng bột".

Tôi không biết vợ chồng chị P., cô ruột của Cử, có đủ sức vượt qua nỗi đau để tha thứ cho đứa cháu tội lỗi hay không? Bởi hôm xét xử, nỗi đau đứa con trai bị sát hại do chính tay cháu ruột của mình khiến chị P. ngất lịm ngay tại phiên tòa. Chồng chị  P, bố cháu bé bị hại cũng không chịu đựng nổi lời khai của đứa cháu ruột như những mũi dao cứa vào ruột gan, đã lặng lẽ rời khỏi phòng xử án khi phiên tòa chưa kết thúc. 

"Cháu xin cô chú hãy cho cháu một cơ hội để cháu tiếp tục cuộc sống…". Giọng Cử gần như van xin, cầu cứu. Ám ảnh tội lỗi giày vò đeo đẳng suốt cuộc đời, âu cũng là sự trừng phạt lớn nhất của lương tâm đối với những kẻ gây tội ác…

Trên 18.000 phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2-9

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2015 của Chủ tịch nước cho 18.298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 225 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 16 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.

Tại buổi họp báo, ông Giang Sơn, Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định,  đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và đã được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc xá nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2015 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin: Đặc xá 2015 có số lượng phạm nhân được đặc xá cao thứ 2 tính từ trước đến nay. Trước đó, năm 2009 sau khi có Luật Đặc xá, đã có  2 đợt đặc xá với  tổng số 20.599 phạm nhân được đặc xá. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm qua, có 82,26% số phạm nhân được đặc xá trở về địa phương được bố trí công ăn việc làm từ lao động đơn giản đến nghề nghiệp ổn định, chủ yếu là các công việc dịch vụ với thu nhập thấp nhất 3 triệu đồng, cao nhất 5 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát từ năm 2002 đến 2012,  tỷ lệ tái phạm là 3,02%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có chiều hướng giảm xuống dưới 1%. Tính riêng trong đợt đặc xá 2013 với  trên 15.000 người được đặc xá, qua theo dõi chỉ có 114 người tái phạm bằng 0,3%.

PV

Hương Vũ
.
.