Di tích Babylon đang bị tàn phá nghiêm trọng

Thứ Ba, 11/08/2009, 23:10
Trong báo cáo mới đây của các chuyên gia UNESCO, lực lượng đóng quân ở Iraq do Mỹ dẫn đầu đã gây tổn hại nghiêm trọng cho di tích Babylon do việc vận chuyển bằng xe cơ giới nặng đã cày nát các thánh đạo, san bằng vô số ngọn đồi và đào chiến hào xuyên qua một trong những di tích khảo cổ lớn nhất thế giới này.

Các quan chức UNESCO nhấn mạnh rằng nhiều nhà khảo cổ học đã lấy đi một số vật quý giá nhất từ thế kỷ XIX, Saddam Hussein cũng đã lấy không ít để tô điểm cho các cung điện của ông ta và bọn trộm cổ vật cũng thừa cơ cướp phá khi quân Mỹ giao lại khu vực này cho người Iraq sau 21 tháng chiếm đóng kể từ cuộc xâm lược hồi tháng 3/2003.

Hiện nay, Babylon là tiêu điểm của cuộc chiến hỗn mang giữa các quan chức chế độ mới của Iraq. Ở cấp độ quốc gia, cơ quan cổ vật quốc gia thì nỗ lực bảo tồn trong khi các quan chức chính quyền tỉnh quản lý Babylon thì muốn dùng nó làm công cụ thu hút du khách. Họ đã khiêu khích cơ quan bảo tồn bằng cách phân vùng một phần trong khu di tích để tạo một khu cắm trại.

Theo Francoise Riviere, Phó tổng thư ký UNESCO phụ trách về văn hóa, UNESCO có ý định đưa thành phố 4.000 năm tuổi này lên làm tiêu điểm trên trang web Di sản thế giới và sẽ nỗ lực thúc ép các hiệp định thế giới để bảo vệ khu di tích lịch sử này khỏi rơi vào tình cảnh từng xảy ra trước đây.

Trong vài năm gần đây, có nhiều sáng kiến về việc cứu nguy cho Babylon đã được nêu ra nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nay, với nạn bạo lực đang giảm ở Iraq, giới khảo cổ đang rất hy vọng vào một dự án kéo dài 2 năm với chi phí 700.000 USD do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ để phát triển một chương trình nhằm cân bằng du lịch và khảo cổ học tại Babylon.

Một nhóm chuyên gia của WMF đã tham quan khu di tích Babylon hồi tháng trước và họ sững sờ khi thấy được những khó khăn trong việc bảo tồn mà họ phải đối mặt - trong số đó có nhiều trường hợp đã bị hư hại nghiêm trọng, chẳng hạn như việc bảo tồn các bức tường với lớp vữa dày. Phần lớn những tổn hại nghiêm trọng ở thành phố cổ Babylon - cách thủ phủ Baghdad 60km về phía nam - là do con người tạo ra. 

Các nhà khảo cổ học châu Âu đã lấy đi Cổng Ishtar, biểu tượng của Babylon, và nay nó đang nằm tại Viện bảo tàng Berlin. Viện Bảo tàng Louvre ở Paris thì đang sở hữu phiến đá khổng lồ trên đó khắc những điều luật của Vua Hammurabi cách nay 4.000 năm. Saddam Hussein thì biến tàn tích đó thành khu công viên giải trí, tráng nhựa các lối mòn, xây dựng nhiều nhà hàng, một cung điện trên ngọn đồi nhân tạo và khắc tên ông ta trên nhiều kiến trúc của Babylon.

Các lực lượng Mỹ đồn trú tại khu di tích này đến tháng 9/2003 rồi bàn giao lại cho binh lính Ba Lan.  Báo cáo của UNESCO không nêu cụ thể lực lượng quân sự của nước nào đóng quân tại Babylon, nhưng có đề cập đến các nhà thầu do họ thuê - chủ yếu là KBR, một công ty Mỹ mà sau này trở thành công ty con của Halliburton.

Trong báo cáo nêu rằng binh lính và KBR đã gây ra tổn hại nghiêm trọng cho thành phố cổ này qua việc đào bới, khoan cắt và san phẳng những nơi gồ ghề. Thêm vào đó còn có không ít tổn hại do các binh lính gây ra như việc khắc tên họ trên các bức tường cổ, kể cả ở bia khắc văn tự của Vua Nebuchadnezzar II - người trị vì cách đây 2,5 thiên niên kỷ và nổi tiếng với công trình xây dựng Vườn treo Babylon mà hiện nay là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới.

Ngoài ra, sân đáp máy bay trực thăng, đường sá và bãi đỗ xe được xây dựng, và xe cơ giới nặng đã tàn phá các con đường lát gạch cổ. Các biểu tượng rắn hóa rồng trang hoàng cho nhiều kiến trúc xây dựng của Babylon cũng đã bị phá hủy từng phần.

Theo báo cáo của UNESCO, chưa có cuộc khám phá với quy mô lớn nào được thực hiện tại Babylon gần một thế kỷ qua, và các nhà khảo cổ học tin rằng "nhiều di tích khác vẫn còn bị chôn vùi bên dưới mặt đất và những khám phá vĩ đại đang còn đó"

Lê Hiếu (theo Telegraph)
.
.