17 tuổi một mình chống lại Apple

Thứ Hai, 01/10/2018, 22:11
Khi Surya Raghavendran làm rơi điện thoại iPhone, cậu đã mày mò học cách để chỉnh sửa thiết bị này. Giờ đây cậu học sinh 17 tuổi này muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bất kỳ ai dùng điện thoại iPhone tại nhà mình ở tiểu bang Michigan (Mỹ).

Surya Raghavendran đến từ Ann Arbor (Michigan). Cậu không hề giống các học sinh đồng trang lứa ở tuổi 17. Không chỉ là học sinh trung học đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ chuyên về sửa chữa thiết bị iPhone mà cậu còn giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền được tự sửa chữa các thiết bị mà không cần phải trả mức phí cắt cổ của các hãng lớn như Apple đề ra.

Surya Raghavendran khẳng định: "Mọi người đều có thể tự chọn nơi mà họ muốn sửa chữa thiết bị của mình. Quyền được sửa chữa máy móc cũng đồng thời làm giảm lượng chất thải điện tử, và người tiêu dùng cũng có thể giữ tuổi thọ lâu hơn thông qua mạng lưới sửa chữa phù hợp".

Ngày càng có nhiều công ty cho ra đời những loại thiết bị phức tạp từ điện thoại thông minh tới dụng cụ làm nông nghiệp nhằm muốn độc quyền sửa chữa các loại thiết bị này. Lấy ví dụ về hãng Apple và John Deere đã áp mức phí cao cho những mặt hàng mà họ đã sản xuất, và gây khó khăn cho bên thứ ba hay khách hàng được quyền chỉnh sửa các thiết bị.

Surya Raghavendran, học sinh 17 tuổi có thể tự chỉnh sửa mọi thiết bị điện thoại iPhone nếu nó bị hư. Ảnh: Change.org.

Sự độc quyền của các công ty đã làm thiệt hại cho những người tiêu dùng cuối cùng, ảnh hưởng tới môi trường và các doanh nghiệp nhỏ. Trên khắp nước Mỹ, hiện nay những người ủng hộ chống độc quyền như Surya Raghavendran đang thúc đẩy nhiều tiểu bang phải xem xét lại luật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc sửa chữa thiết bị của họ.

Khi Raghavendran học lớp 9, chiếc iPhone 5C  của cậu đã trượt ra khỏi túi quần và rớt xuống đất. Màn hình bị vỡ tan. Raghavendran xin tiền ba mẹ để đi sửa màn hình. Cậu phải chi 120 USD cho đại lý dịch vụ của Apple.

Vì thế cậu bắt đầu coi các video trên YouTube và có ý sẽ tự sửa. Raghavendran mua một màn hình thay thế của bên thứ 3 cho chiếc điện thoại của mình, và tự sửa chữa thay mới chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. "Dễ ợt à!", Raghavendran đáp gọt lỏn.

Kinh nghiệm từ việc tự sửa chữa màn hình iPhone khiến cho Raghavendran nảy ra ý tưởng mở doanh nghiệp sửa chữa thiết bị iPhone, và cậu đặt tên công ty là Sửa chữa màn hình SKR (Công ty SKR). Học sinh - doanh nhân Raghavendran vui vẻ cho biết: "Nếu anh thành lập công ty sửa chữa điện thoại ngay tại trường trung học thì anh sẽ kiếm bộn tiền".

Vào năm học lớp 10, Raghavendran sửa thành công 4 chiếc điện thoại iPhone mỗi tuần, nhưng chỉ lấy một nửa giá dịch vụ so với Apple. Khó khăn đến với Surya Raghavendran khi vào tháng 3/2018 vừa qua, hãng Apple đã công bố thiết bị nâng cấp iOS 11.3. Sau khi nâng cấp, các loại màn hình của bên thứ 3 (một sự thay thế rẻ hơn so với màn hình chính thức của hãng Apple) đã không sử dụng được gây nên tâm lý giận dữ từ chủ các cửa hàng sửa chữa, và dẫn tới những phỏng đoán cho rằng động thái mới của Apple là nhằm ngăn chặn những thiết bị không do hãng này sửa chữa.

Sự việc tương tự cũng đã xảy ra hồi năm 2017. Điều này đã gây khó cho công ty SKR, chỉ qua một đêm, một số khách hàng dùng sản phẩm sửa chữa của Raghavendran bỗng ngừng hoạt động, báo hại cậu phải hộc tốc sửa chữa sự cố cho họ. Raghavendran bắt đầu nghiên cứu các luật xoay quanh sửa chữa đồ điện tử, và cậu đã liên kết với Environment Michigan. Đây là một tổ chức hoạt động môi trường và bắt đầu đi tới Lansing (thủ phủ của tiểu bang Michigan) nhằm đề nghị các chính trị gia phải làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng trong việc tự sửa chữa thiết bị của họ.

Surya Raghavendran đã gửi một thư điện tử cho Thượng nghị sỹ của tiểu bang Michigan-Rebekah Warren khi ông này gọi học sinh Raghavendran trong một cuộc họp và đề nghị cậu đưa kiến nghị của mình. Kể từ tháng 7/2018, Raghavendran đã kể các câu chuyện cho công luận về lý do tại sao quyền được sửa chữa lại rất quan trọng.

Đấu tranh cho quyền sửa chữa thiết bị đã diễn ra trên khắp nước Mỹ ở cấp độ địa phương, còn kiến nghị của học sinh Raghavendran đã thu hút sự ủng hộ từ những người như ông Nathan Proctor, giám đốc Chiến dịch vì quyền sửa chữa tại US PIRG.Repair.org. Đây là một tổ chức nhằm thúc đẩy luật về quyền sửa chữa trên đất Mỹ, và đưa dự thảo luật ra trước cơ quan lập pháp của tiểu bang Michigan.

Ông Nathan Proctor nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta muốn sửa chữa thế giới thì nên bắt đầu việc tái sử dụng mọi thứ, xử lý mọi việc và chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn".

Luật về quyền sửa chữa vẫn đang ở giai đoạn đầu của tiểu bang Michigan, nhưng ông Nathan Proctor cho rằng ý tưởng đã đi đúng hướng. Năm 2012, tiểu bang Massachusetts đã thông qua một đạo luật nhằm buộc các công ty ôtô phải chia sẻ thông tin chẩn đoán với những cửa hàng sửa chữa của bên thứ ba. Luật này đã đặt ra tiền lệ và ngành công nghiệp ôtô đã thay đổi trên quy mô toàn nước Mỹ.

Giờ đây Massachusetts đang nghiên cứu nhằm xem xét xem một luật tương tự có nên mở rộng đối với các món đồ điện tử tiêu dùng hay không, chẳng hạn như điện thoại thông minh và bảng điều khiển trò chơi điện tử. Ông Nathan Proctor giải thích: "Kiến trúc căn bản của dự luật về quyền sửa chữa là luật đã từng thông qua ở tiểu bang Massachusetts, và trở thành một thỏa thuận tầm quốc gia. Đó là quyền sửa tự động. Nó cho chúng ta quyền tiếp cận những thứ cần thiết để sửa một thiết bị mà chúng ta đã phải bỏ rất nhiều tiền để mua".

Luật mới sẽ mang lại chiến thắng cho công ty SKR của học sinh Surya Raghavendran chống lại Apple. Các nhà hoạt động quyền sửa chữa còn muốn các đại công ty phải đưa ra thông tin chẩn đoán, các hướng dẫn sửa chữa và bất kể thứ gì có thể giúp người tiêu dùng thiết bị của họ.

Thanh Hải (tổng hợp)
.
.