Ai Cập và cuộc chiến chống sao chép Kim Tự Tháp

Thứ Ba, 15/01/2008, 14:00
Nhắc đến Ai Cập là người ta thường nghĩ ngay đến những tòa kim tự tháp nguy nga chứa đựng những bí ẩn đầy thú vị. Biết bao người đã say đắm các công trình kim tự tháp đến mất ăn mất ngủ. Có thể nói, kim tự tháp là niềm tự hào bất diệt của người dân xứ sở này.

Tuy nhiên, các di sản Ai Cập lừng danh như kim tự tháp, tượng nhân sư... đang được đăng ký bản quyền. Bất cứ công trình, tác phẩm nghệ thuật nào muốn xây dựng phỏng theo mô hình này sẽ đều phải trả tiền.

Zahi Hawass, Giám đốc nghiên cứu về cổ vật Ai Cập nổi tiếng khắp thế giới khẳng định: “Sắp tới Ai Cập sẽ được độc quyền tái sản xuất các công trình kim tự tháp và sẽ bắt đầu được hưởng lợi ích kinh tế từ những mô hình kiến trúc độc đáo này.

Những tổ chức hay cá nhân quốc tế nào muốn xây dựng các công trình hay sản xuất các sản phẩm sao chép kiểu dáng, mẫu mã các di sản của Ai Cập đều phải đóng tiền bản quyền. Số tiền thu được sẽ dùng để góp phần trùng tu, bảo vệ và tôn tạo chính các di tích ở đất nước này”.

Nếu đăng ký bản quyền thành công, thì tất cả các công trình như cụm khách sạn có hình kim tự tháp và nhân sư ở Las Vegas (Luxor Hotel), kim tự tháp bằng kính tọa lạc giữa sân Bảo tàng Louvre ở Paris, Bảo tàng Quốc gia Anh ở London, Bảo tàng Ai Cập ở Berlin hay các khu giải trí có xây dựng mô hình kim tự tháp... đều phải trả tiền bản quyền cho Ai Cập.

Ai Cập tràn trề hy vọng thu được tiền bản quyền từ mô hình kim tự tháp.
Nhiều khả năng luật này sẽ được áp dụng sớm trong năm 2008. Khi đó, những người dân Ai Cập sẽ thực sự tự hào hơn về những di sản kiến trúc và văn hóa vĩ đại của dân tộc cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Luật bản quyền đó còn làm được một việc thiết thực hơn là bảo vệ tuyệt đối các di sản này chống lại sự ăn mòn khắc nghiệt của thời gian và con người.

Về mặt lý thuyết, sự sao chép hình ảnh mà không trả tiền là vi phạm pháp luật nhưng dư luận cũng đặt ra vấn đề khi Giáo sư Ai Cập học Zahi Hawass không giải thích cũng như phân biệt rõ việc bắt chước ở mức độ đơn giản và sao chép nguyên bản các mô hình di sản. Hơn nữa, Hawass cũng không chỉ ra luật này áp dụng trên phạm vi quốc tế như thế nào.

Trong khi chờ đợi hạn thực thi của luật thì những công trình như Luxor Hotel (Las Vegas), Bảo tàng Louvre (Paris)... có thể tạm yên tâm.

 “Những địa điểm này hái ra tiền hàng năm cũng nhờ một phần ở kiến trúc mang dáng dấp của di sản Ai Cập. Một vài tờ báo ủng hộ Ai Cập đã từng lên tiếng nhắc nhở họ nên chia sẻ lại một phần lợi nhuận cho đất nước Bắc Phi này nhưng chưa bên nào phản hồi. Một khi trở thành luật quốc tế, họ sẽ không được hưởng bất cứ sự khoan dung nào” - Zahi Hawass nói.

Cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới mới được tổ chức trên Internet, kết quả được công bố hồi tháng 7/2007: Kim tự tháp Ai Cập là 1 trong số 7 kỳ quan thế giới. Về phần mình, người Ai Cập mong rằng khi tất cả mọi người đều công nhận giá trị của di sản Ai Cập thì không có lý gì đạo luật này không được sớm thông qua.

Hàng năm, sức hút của những di sản văn hóa nổi tiếng đã đưa hàng triệu du khách đến với quốc gia này. Không những thế, chỉ tính việc mang 50 món đồ quý giá thời Toutankhamon đi triển lãm ở Mỹ và Anh thôi thì Ai Cập cũng thu về khoảng 33 triệu USD. Dự luật được ban hành cũng đồng nghĩa với một tương lai xán lạn cho quê hương của Kim tự tháp

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.