Bí ẩn cánh đồng bia đá ở Ethiopia

Thứ Năm, 28/08/2008, 06:45
Có niên đại từ năm 300-500 năm sau Công nguyên, nhiều công trình bia đá khổng lồ Axum được xem như là dấu tích một thời của đạo Cơ Đốc giáo ở Ethiopia. Các bia đá được dùng vào mục đích tín ngưỡng tôn giáo, nhưng chi tiết ra sao thì người thời nay hầu như chưa lý giải được. Có lẽ các khối bia đá này được dựng trên các phần mộ của những người lãnh đạo Axum thời cổ đại.

Đạo Cơ Đốc giáo do Hoàng gia Axum truyền vào Ethiopia thế kỷ thứ IV và phát triển lớn mạnh vào thế kỷ thứ V, điều đó có nghĩa là các tấm bia đá này có từ thời các sắc thái tín ngưỡng tôn giáo phát triển, thêm nữa người ta còn tìm thấy một vài bản khắc chữ của đạo Cơ Đốc ở đây.

Cánh đồng bia đá phía bắc Axum gồm hơn 120 tấm bia làm bằng đá granite nguyên khối với chiều cao là 24,99 m. Tất cả các tấm bia đá tại Axum đều xoay mặt về hướng nam. Nhìn từ xa, các tấm bia đá trông như những tòa nhà với những ô cửa sổ được đục trực tiếp vào thân đá, chia thành tầng riêng biệt và một cửa giả nằm ở chân bia đá.

Tuy nhiên mặt sau của đỉnh bia đá lại được chạm khắc một hình tròn. Trung tâm của hình tròn này là hình 4 khối cầu tạo thành một nhóm, với một quả cầu thứ năm tiếp xúc với 4 quả cầu còn lại tạo thành một trục cân xứng. Đỉnh của mỗi bia đá được đẽo thành hình bán nguyệt, tượng trưng cho thiên đường... Bia đá lớn nhất dài 32,9 m hiện đã đổ nằm trên nền đất, cho phép các nhà khảo cổ có được cái nhìn cận cảnh về các hình tượng chạm trổ. Theo truyền thuyết thì tấm bia đá này dùng làm cột chống khu hầm mộ của Nữ hoàng Sheba.

Tấm bia đá cao thứ nhì hiện nay là tấm bia của Vua Ezana, dựng ngay lối vào của cánh đồng bia đá Axum. Ezana là vị vua đầu tiên đã cải đạo Cơ Đốc giáo (năm 300 sau Công nguyên), và ngay sau khi cải đạo, nhà vua bèn áp dụng việc thi hành cải đạo Cơ Đốc giáo cho toàn bộ cư dân Ethiopia trên toàn đất nước. Các hình minh họa trên tấm bia đá của ngài có thể chứng minh cho sự kiện này

Nguyễn Thanh (theo Mysterious)
.
.