Bí ẩn hòn đá chạy ở Thung lũng Chết

Thứ Tư, 07/08/2013, 14:30

Trong suốt nhiều thập niên, những hòn đá bí ẩn biết di chuyển trong Thung lũng Chết (Death Valley) thuộc Công viên quốc gia California (Mỹ) đã gây bối rối cho các nhà khoa học trên thế giới.

Lòng hồ cạn cổ Racetrack - vùng đất bùn khô cằn nhưng bằng phẳng có khí hậu khắc nghiệt, nằm trong Thung lũng Chết – là nơi xuất hiện hàng trăm hòn đá bí ẩn tự di chuyển theo nhiều hướng khác nhau một cách khó hiểu. Một số hòn đá di chuyển theo đường thẳng và chỉ đi được chừng vài mét, trong khi số khác để lại dấu vết đường mòn có chiều dài đến vài trăm mét và có những hòn đá đi theo đường cong.

Người ta đặt ra giả thuyết có thể có một ngoại lực nào đó tác động chứ chúng không thể tự di chuyển được. Và, từ trước đến nay không có ai tận mắt nhìn thấy những hòn đá di chuyển như thế nào.

Alan Van Valkenburg, người quản lý Công viên quốc gia California trong gần 20 năm qua, cho biết chính vì hiện tượng bí ẩn này mà những hòn đá thường bị đánh cắp ngày càng nhiều, có lẽ do người ta tin chúng có tính năng đặc biệt nào đó. Thậm chí, các nhà khoa học trên thế giới cũng nghi ngờ nếu chúng không có gì đặc biệt thì tại sao lại tự di chuyển được?

Thung lũng Chết được coi là một trong những nơi có thời tiết khắc nghiệt giống như trên sao Hỏa – ban ngày nhiệt độ lên đến 49 độ C, còn ban đêm hạ thấp đến mức nước đóng băng. Những hòn đá nhỏ hay to có thể “chạy” xa đến hơn 300 mét mỗi năm! Và, dĩ nhiên khi “chạy” trên mặt đất bùn đáy hồ cạn cổ Racetrack, chúng tạo ra những vệt dài thú vị.

Năm 1948, hai nhà địa chất người Mỹ là Jim McAllister và Allen Agnew đã tới hồ cạn Racetrack ở Thung lũng Chết để tìm kiếm câu trả lời. Họ cho rằng, lốc xoáy là nguyên nhân khiến những hòn đá di chuyển, và có lẽ cũng có sự kết hợp của những trận lụt không liên tục xảy ra ở Racetrack.

Hòn đá biết rẽ hướng.

Năm 1952, một nhà địa chất khác thử thí nghiệm giả thuyết của McAllister và Agnew. Ông phun nước ướt một quãng dài trên vùng đất bùn Racetrack rồi sử dụng cánh quạt máy bay để tạo ra những cơn gió mạnh. Nhưng, kết quả cuối cùng vẫn không có chuyện gì xảy ra! Vào các thập niên sau đó, người ta bắt đầu nghĩ đến các mảng băng hình thành trên vùng đất bùn đáy hồ Racetrack trong mùa đông kết hợp với gió mạnh (có thể lên đến 90km/giờ) gây ra sự di chuyển.

Vào đầu thập niên 1970, hai nhà địa chất học khác - Robert Sharp ở Đại học Công nghệ California và Dwight Carey ở Đại học Los Angeles cũng đã tìm hiểu xem liệu có phải các mảng băng hay gió lốc gây ra sự di chuyển của những hòn đá bí ẩn hay không. Nhóm của hai nhà địa chất đến thăm vùng đất bùn Racetrack 2 lần trong năm và chăm chú theo dõi sự di chuyển của 30 hòn đá. Họ cũng đặt tên cho từng hòn đá, trong đó tảng đá lớn nhất nặng hơn 300kg mang tên Karen.

Để thí nghiệm giả thuyết mảng băng, nhóm nhà khoa học trồng những cọc gỗ xung quanh các hòn đá để nhốt chúng lại. Họ cho rằng các mảng băng hình thành bên ngoài vòng cọc gỗ nên không thể đẩy những hòn đá di chuyển được. Nhưng, cuối cùng một số hòn đá vẫn thoát ra ngoài vòng cọc gỗ, trong khi hai nhà địa chất học không hề tận mắt nhìn thấy chúng di chuyển như thế nào dù họ có cố gắng theo dõi thường xuyên.

Giáo sư John Reid ở Đại học Hampshire (Anh) cùng với nhiều nhóm sinh viên tìm đến Racetrack Playa mỗi năm (trong thời gian từ năm 1987 đến 1994) để nghiên cứu hiện tượng bí ẩn. Do quan sát thấy nhiều vệt dài song song với nhau cho nên cuối cùng John Reid cũng quả quyết rằng, những hòn đá di chuyển do bị nhốt trong các mảng băng lớn xung quanh, rồi bị những cơn gió mạnh thổi đi!

Nhưng, nhà địa chất học Paula Messina ở Đại học Bang San Jose sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để lập bản đồ kỹ thuật số về các dấu vết đường mòn và phát hiện phần lớn chúng không song song nhau. Một lần nữa, giả thuyết về mảng băng và gió ở Racetrack nhận được sự quan tâm nghiên cứu từ một nhà khoa học khác.

Năm 2006, trong một phần dự án hợp tác với Cơ quan không gian Mỹ (NASA), nhà khoa học hành tinh Ralph Lorenz cho thành lập nhiều đài khí tượng trong Thung lũng Chết để nghiên cứu xem có phải thời tiết khắc nghiệt gây ra hiện tượng đá di chuyển hay không.

Cuối cùng, sau nhiều thí nghiệm và tính toán, Lorenz cho rằng đá bị nhốt trong mảng băng lớn và khi băng tan chảy kết hợp với gió khiến cho đá trượt đi tạo ra vệt dài trên mặt đất bùn. Cụ thể là, mảng băng bao bọc quanh hòn đá tan ra tạo ra vùng nước bên dưới nó và do không có sự ma sát (nhờ nước) cho nên chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ sức đẩy đá trượt dần đi trên mặt bùn trơn tuột trong suốt nhiều năm.

Năm 2011, Lorenz chính thức trình bày giả thuyết của mình trên mặt báo và nó được coi là câu trả lời có sức thuyết phục nhất. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định hiện tượng đá chạy ở Thung lũng Chết sẽ biến mất trong nhiều năm nữa do hiện tượng trái đất đang nóng dần lên

An An (tổng hợp)
.
.