"Chiến dịch Châu Phi" của Naomi Watts

Thứ Sáu, 08/09/2006, 08:00

Hai ấn tượng mạnh mẽ nhất mà Naomi Watts thấy ở Kenya là cảnh các thành viên gia đình đưa người thân bị AIDS đến bệnh viện bằng xe cút kít và những người mẹ nhiễm HIV sinh ra những đứa con thiếu tháng quặt quẹo chết sớm.

"Cô ơi, làm bạn với quái thú King Kong có vui không? Anh ta có dễ thương không?”, đấy là những câu hỏi từ hàng trăm đứa trẻ đang cười rúc rích trong tâm trạng phấn khích. Naomi Watts buộc phải mỉm cười theo.

Tuy nhiên, tình thương mến của cô dành cho King Kong không phải là chủ đề mà cô sẽ trò chuyện tại Trung tâm suối hy vọng ở Zambia dành cho trẻ mồ côi lang thang ngoài đường do cha mẹ đã mất vì bệnh AIDS. Cô lại càng không có ý định sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào về cuộc đấu tranh vật vã suốt 10 năm của mình để tìm một chỗ đứng ở Hollywood, về những bộ phim đột phá mà từ đó cô đã được xếp vào hàng các ngôi sao.

Naomi Watts đã đến Zambia trên những con đường đất thô sơ, đã đến thăm các bệnh viện, nhà mở, trại mồ côi để gặp các bà mẹ, trẻ mồ côi và những nhân viên công tác xã hội đang từng ngày vật lộn với căn bệnh đã giết chết 25 triệu người trên toàn thế giới và đang lây nhiễm cho 24,5 triệu người châu Phi.

Là người đại diện đặc biệt mới của UNAIDS - chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về vấn đề HIV/AIDS - cô chỉ muốn trò chuyện với các em về thế giới của chúng. Thế là các em đã kể về cuộc đời mình, bi kịch không chỉ nằm ở chỗ các em bị mất cha mẹ vì AIDS mà còn do phải xoay xở mọi thứ để tự nuôi thân - kể cả việc trộm cắp và bán thân để sinh tồn.

Naomi Watts đã đến thăm trại mồ côi Mẹ Teresa, nơi có rất nhiều những em bé sơ sinh cũng mất cha mẹ vì AIDS. Cô đã khóc khi nghe những trẻ em gái mồ côi ở Trung tâm dạy nghề Umoyo kể về nỗi đau mất gia đình, phải sống với những thân nhân khác và bị lạm dụng tình dục, phải bỏ nhà ra đi...

“Chiến dịch châu Phi” của Naomi bắt đầu từ năm 2005, là lúc mà cô đến Kenya và tình nguyện dành thời gian theo lời kêu gọi của UNICEF để đi thăm các nhà tế bần, các khu ổ chuột ở làng Usalama gần Nairobi - nơi có đến 134 đứa trẻ mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS. Tình trạng thiếu nước sạch đã khiến cho bệnh thương hàn, dịch tả hoành hành.

Tại đây, cô đã thấy những đứa bé mới 9 tuổi đã phải "làm cha, làm mẹ" - tức là phải nuôi các em nhỏ của mình. Hai ấn tượng mạnh mẽ nhất mà Naomi thấy là cảnh các thành viên gia đình đưa người thân bị AIDS đến bệnh viện bằng xe cút kít, và những người mẹ nhiễm HIV sinh ra những đứa con thiếu tháng quặt quẹo chết sớm. Người dân hãy còn rất mù mờ về cách thức ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ này.

Naomi mong muốn mọi người có ý thức hơn nữa về 4 mục tiêu chống AIDS: ngăn ngừa - chữa trị - chăm sóc và hỗ trợ. Trong lúc cúm gia cầm đang là mối quan tâm hàng đầu, xin đừng quên rằng AIDS vẫn đang khiến cho 2,8 triệu người chết hàng năm.

Dõi theo hành trình châu Phi, Naomi không thể không xúc động trước những câu chuyện thương tâm. Tuy nhiên, cô cũng rất ấn tượng trước khát vọng sống và niềm hy vọng. Rất nhiều công dân châu Phi đang hiến dâng cuộc đời của mình để giải quyết vấn đề này - trong đó có các tổ chức chính quyền, từ thiện, tôn giáo...

Nghèo đói và bệnh dịch AIDS là một thế giới khác hoàn toàn so với Hollywood. Naomi là người mới nhất trong danh sách các ngôi sao nữ “cho mượn” tên tuổi của mình để kêu gọi các hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Bạn thân Nicole Kidman của cô đã là Đại sứ thiện chí cho Quỹ Phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc, còn bạn diễn Angelina Jolie thì đại diện cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. 

Điểm đến kế tiếp của Naomi sẽ là Nga và châu Á, rồi cô sẽ tranh thủ thời gian để đóng bộ phim ly lỳ “Những trò chơi buồn cười” và “Những lời hứa ở phương Đông”. Nhưng UNAIDS hiện đang là điều quan trọng và trước tiên trong cuộc đời cô.

Làm diễn viên điện ảnh là một điều kỳ diệu, Naomi yêu công việc vô cùng. Cô bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến người khác và muốn làm những việc có ý nghĩa. Tất cả đều bắt nguồn từ sự nhiệt thành và đam mê, nếu ai cũng nhận lãnh một trách nhiệm thì mọi điều đều có thể thực hiện được

Đỗ Thúy (Theo Women's Weekly)
.
.