Chuyện vị Nguyên soái tuổi Mùi

Chủ Nhật, 22/02/2015, 07:25
Một trong năm Nguyên soái đầu tiên mà Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô phong tặng năm 1935 chỉ có một người sinh năm 1883 (tuổi Quý Mùi), là Semyon Mikhailovich Budionny. Tên tuổi ông gắn liền với những thiên huyền thoại ly kỳ trong cuộc nội chiến ác liệt và Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô.

Budionny sinh ngày 13/4/1883, gia nhập quân đội Nga hoàng năm 1903, tham gia chiến tranh Nga – Nhật năm 1905. Cách mạng Tháng Mười nổ ra, ông đứng về phía Bolshevik, trở thành Ủy viên Quốc phòng Xôviết vùng Kavkaz.

Thời kỳ nội chiến, ông là người lập Đội kị binh đỏ Sông Đông, là tiền thân của Tập đoàn kị binh số 1 của Hồng quân sau này. Năm 1935, ông là một trong 5 sĩ quan đầu tiên của Hồng quân được phong quân hàm Nguyên soái đầu tiên.

Thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tư lệnh Tập đoàn kị binh số 1, Tư lệnh Tập đoàn Quân hướng Bắc, Tư lệnh Phương diện quân dự bị. Sau chiến tranh, ông là Tư lệnh Quân khu Thủ đô Moskva.

Trong số 5 người được phong hàm Nguyên soái năm 1935 đến năm 1940 đã có 3 người trong số đó có số phận bi thảm (Blyukher bị bắt giam chết trong tù ngày 9/11/1939; Yegorov bị xử tử ngày 23/2/1939; Tukhachevsky bị xử bắn ngày 12/6/1937). Mặc dù đến năm 1956-1957, các nguyên soái đó được khôi phục danh dự, nhưng họ đã về với suối vàng.

Budionny được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước Xôviết, 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ông là người có công tạo ra giống ngựa quý Budenovka, ngày nay ở Nga vẫn còn giống ngựa này.

Thời kỳ nội chiến (1918-1920), tháng 10/1919 tình hình chiến sự bi đát, mặt trận hướng nam Tập đoàn quân của  tướng Vorosilov và Tập đoàn quân của tướng Budionny giao tranh ác liệt với các binh đoàn Bạch vệ của tướng Denisov. Phòng tuyến bảo vệ thành phố Sarisyn (Vongagrad) lần lượt bị chọc thủng.

Trước nguy cơ thất thủ, để cứu vãn  tình hình Lênin đã phái Stalin đến đó hỗ trợ cho các Tập đoàn quân. Sau khi chọc thủng được vài phòng tuyến, viên tướng Bạch vệ Denisov tỏ ra chủ quan ngông nghênh tập trung quân để chuẩn bị tấn công vào thành phố.

Stalin nắm bắt được yếu điểm này, ông đã bàn với Vorosilov và Budionny tập trung tất cả các khẩu pháo còn lại chờ khi quân Denisov tập trung một chỗ hãy trút lửa. Trong một đêm, 200 khẩu pháo được tập kết, sáng hôm sau các khẩu pháo đã  trút cơn mưa pháo xuống đội hình của tướng Denisov làm chúng tan tác. Thế trận từ chỗ bi đát chuyển sang bước ngoặt có lợi cho Hồng quân trên toàn mặt trận.

5 vị Nguyên soái đầu tiên của Hồng quân. Budionny đứng ngoài cùng bên trái ảnh.

Với Budionny tuy là tướng kị binh thời nội chiến giỏi chinh chiến trên yên ngựa, tính tình lại thẳng thắn nên được Stalin rất sủng ái. Mặc dù một vài người có ý gièm pha nhưng Stalin vẫn coi Budionny  là người tướng tài giỏi, thân cận, trung thành.

Cuộc Chiến tranh vệ quốc nổ ra, Budionny được giao chỉ huy cánh quân mặt trận tây nam. Trong vòng vây của quân Đức, Budionny thành lập các đội kị binh nhẹ đánh phá hậu phương quân Đức. Tháng 1/1943, Stalin ký quyết định phong Budionny làm Tư lệnh Lực lượng kị binh Hồng quân, chỉ huy 100 sư đoàn kỵ binh với 300.000 quân.

Trận đầu ở Mechechinxki, các đội kị binh của Budionny không chống đỡ nổi các binh đoàn xe tăng nên bị tổn thất nặng nề. Tin bại trận đến tai Stalin, mặc dù không hài lòng nhưng Budionny cũng không bị trừng phạt như một số tướng lĩnh bại trận khác.

Hơn thế nữa, tại một phiên họp liên tịch giữa Hội đồng Quân sự Phương diện quân phía Nam và Tập đoàn kị binh số 1, đích thân Stalin đứng ra bảo lãnh Budionny kết nạp vào Đảng Bolshevik Nga. Điều độc đáo là ông không kết nạp Đảng ở chi bộ mà là tại Hội đồng Quân sự, trở thành đảng viên chính thức không qua thời kỳ dự bị.

Con đường sự nghiệp công danh của Budionny thuận buồm xuôi gió như vậy, nhưng con đường tình duyên của vị nguyên soái này lại có nhiều trắc trở.

Người vợ đầu tiên là Nadezda, từng chung chiến hào chiến đấu với ông. Tính tình Nadezda hay cười đùa hài hước. Nhưng những trò đùa nghịch vô ý thức của Nadezda đã đưa đến hậu quả sát thân.

Hôm đó, Budionny từ doanh trại về nhà khẩu súng Vonte vẫn để trong bao như thường lệ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Nadezda lấy ra nghịch ngợm, tay cầm súng chĩa vào tai mình, miệng gọi chồng “anh Diony xem em làm này”. Tiếng nổ vang lên trong khi người chồng chưa kịp ngăn lại. Năm đó là năm 1924, khi Budionny đã 41 tuổi.

Người vợ thứ hai là Olga Stephannovna, tính khí khác hẳn người vợ trước, hay ghen vô cớ, hay càu nhàu. Và với vài lý do khác Olga đã bị tống giam và hai người chia tay từ đó.

Người vợ thứ ba là Maria Olga  trẻ hơn Budionny 34 tuổi. Người vợ này làm ông toại nguyện, bởi bà là người chăm sóc lo toan cho gia đình chu toàn để ông yên tâm tung hoành ngoài trận mạc. Bà đã sinh cho ông 3 người con kháu khỉnh là Sergei, Nina và Misha.

Có lần từ chiến trường, Nguyên soái gửi thư về cho vợ: “Anh yêu em không giới hạn cho đến nhịp đập cuối cùng của trái tim mình. Với anh, em là bảo vật quý yêu nhất, em là người đem lại hạnh phúc cho anh và các con”.

Văn Chấn (tổng hợp)
.
.