Đá Vũ Hoa – Thú chơi vương giả của quý tộc Trung Quốc

Thứ Tư, 08/08/2018, 11:59
Đá Vũ Hoa (đá mưa - hoa) là một loại đá trang trí vô cùng ảo diệu chỉ có ở Trung Quốc, cái tên này phát xuất từ nơi đã khám phá ra nó: quận Vũ Hoa Đài (thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Vì có hoa văn đẹp đẽ, màu sắc sống động, hình dáng kỳ bí, thế nên những viên đá này đã được các nhà sưu tập đá quý săn lùng ráo riết ngay từ thời thượng cổ.

Tại Trung Quốc, thú sưu tầm đá Vũ Hoa đã tồn tại trong suốt 6000 năm qua. Theo các tài liệu khảo cổ học thì 76 viên đá Vũ Hoa đã được khai quật trong các ngôi mộ thời kỳ Đồ Đá Mới chỉ riêng tại Nam Kinh. Trong số 76 viên đá này, có 1 viên được khoét lỗ mỏng có lẽ là nó được dùng để làm khuyên tai. Thậm  chí, sau 6.000 năm được yêu mến thì những viên đá Vũ Hoa vẫn tiếp tục được đánh giá cao bởi các nhà sưu tập.

Trong thời kỳ trị vì của Minh Thần Tông (Lịch Vạn Đế, 1573 - 1620), thú chơi đá Vũ Hoa được mở rộng, nó trở thành thú tiêu khiển thượng lưu vượt qua những loại đá quý khác. Cũng dưới thời Minh Thần Tông, người ta nô nức mò tới các chợ đá ở Vũ Hoa Đài và Phu Tử Miếu tại Nam Kinh để tìm cho mình một viên đá Vũ Hoa ưng ý. 

Mặc dù đá Vũ Hoa được nhiều người yêu thích, nhưng nó không được định giá như vàng hay ngọc bích. Không có cách định giá cụ thể như "tinh khiết" hay "độ mịn", mà thay vào đó các nhà sưu tập loại đá này sẽ phụ thuộc vào tầm quan trọng chính của màu sắc, hình dáng, hoa văn và sự hấp dẫn của nó. Nói trắng ra thì giá trị của viên đá Vũ Hoa rẻ hay mắc là phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của chính chủ nhân nó. Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh các chủ nhân sở hữu đá Vũ Hoa.

Tại bảo tàng cố cung Bắc Kinh hiện có trưng bày một viên đá Vũ Hoa có hình đầu rồng, khi xưa hoàng đế Càn Long vì yêu thích viên đá này nên đã mua lại và đặt tên nó là "Long Thủ Thái Tử". Vào thời hiện đại, nhiều học giả và giới trí thức đều tỏ ra sùng bái đá Vũ Hoa. 

Từ Quân Thi là một nhà sưu tầm đá Vũ Hoa nổi tiếng, ông dành hết 60 năm cuộc đời để chuyên chú tìm kiếm những viên đá Vũ Hoa quý giá, nhất là những viên đá mang chủ đề xưa hay những con chữ quan trọng. Hay học giả Vương Thanh Tú là người đã dày công chia đá Vũ Hoa thành 3 tiêu chí và 9 cấp độ. Tiêu chí đầu tiên là "chất lượng tâm linh" (sự hợp nhất của đá và thế giới tâm linh của chủ nhân).

Vào thập niên 1950, nghệ sĩ kinh kịch trứ danh thành Bắc Kinh, Mai Lan Phương (1894-1961) đã nhận được một viên đá Vũ Hoa gọi là "Hồng Diện Đông Phương" vốn là một bảo vật được nhiều người yêu thích do có liên quan đến sự kiện thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa non trẻ.

Có một sự thật thế này: mỗi viên đá Vũ Hoa có một câu chuyện riêng và những người khác sẽ tự tìm thấy câu trả lời từ nó. Cùng một viên đá nhưng có người thấy hình ảnh của một chiến binh, người khác lại nhìn thấy hình bóng một nhà thông thái, hay có người quả quyết họ nhìn thấy bóng bạch mã đang nhàn du bến sông. Theo chuyên gia về đá Vũ Hoa, ông là nhà Thạch học kiêm học giả của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc - Vương Đệ Dĩnh.

Thứ đá tạo nên những tuyệt tác đá Vũ Hoa nổi tiếng ở Vũ Hoa Đài và Lục Hợp chính là khai thác từ trầm tích cổ xưa của sông Dương Tử và 2 nhánh sông phụ là Tần Hoài và Chu Hợp. Lớp trầm tích này hình thành từ cách đây 3 đến 12 triệu năm, và trầm tích đổ về Lục Hợp, Nghi Chinh, Giang Ninh. 

Du khách chiêm ngưỡng các loại đá Vũ Hoa tinh xảo được trưng bày tại Bảo tàng đá Vũ Hoa, quận Vũ Hoa Đài, Nam Kinh

Tuy nhiên thực tế thì đá Vũ Hoa được tạo tác từ cách đây hơn 100 triệu năm, khi vùng sông Dương Tử hứng chịu một trận động đất kèm phun trào núi lửa. Trong đống hỗn độn đó, kali đỏ và sắt, ma nhê đen và đồng xanh cũng phun trào cùng với mắc ma. Sau đó, mắc ma cùng với các nguyên tố vi lượng khác đã nguội đi và hình thành nên loại ngọc mã não chính là "bào thai đang ngủ" bên trong các khối đá. 

Lại sau hàng thế kỷ tiếp xúc với các điều kiện thời tiết, những khối đá mã não bị vo tròn lại tạo thành những viên đá có hình dạng hoa văn như những bông hoa đang nở. Cuối cùng những viên đá này đã dừng chân ở đáy sông Dương Tử, quanh Nam Kinh. Sự hình thành đá Vũ Hoa ở đây bao gồm 3 giai đoạn và diễn ra trong những tiến trình chậm chạp, vì thế mà ngọc mã não Vũ Hoa ở Nam Kinh khác với phần lớn ngọc mã não ở các nơi khác.

Nhà sưu tập Từ Quân Thi từng có lần nói: "Để tìm ra một viên đá quý Vũ Hoa, phải chạy nhanh như hươu và lòng kiên nhẫn vô bì". Quy trình khai thác đá Vũ Hoa ở quận Lục Hợp quả rất lao tâm khổ tứ: Những chiếc xe tải đã xúc đầy một hỗn hợp cát lẫn cuội sỏi vốn là trầm tích hình thành từ hàng triệu năm. Hỗn hợp này được xe tải chở đến một nơi cao hơn rồi đổ vào một hệ thống mương đặc biệt. Kế đó người ta dùng nước và rây để tách riêng sỏi. Cát sau đó được chuyển lên xe để chở đi bán, còn các công nhân cố gắng lần ra những viên sỏi đẹp nhất trong đống sỏi.

Những viên sỏi tầm thường sẽ được cho vào máy nghiền để tạo ra các sản phẩm dùng cho việc lát đường hay vật liệu xây dựng. Nếu may mắn, có thể tìm ra những "bảo vật" tuyệt đẹp. Đá Vũ Hoa khi đó sẽ được phân thành 2 loại: "Đá chết" và "đá sống". 

Đá chết là loại đá thô và xù xì; đá sống là loại đá có độ trong suốt và tinh xảo và chứa những đặc điểm như ngọc mã não, pha lê và ngọc mắt mèo. Được làm ướt thì những viên đá sống sẽ phản chiếu ánh sáng chói lòa và dĩ nhiên giá trị của chúng vượt xa đá chết. Trung bình 1 tấn đá sỏi chỉ tìm thấy được 1 hay 2 viên đá sống, và trong số hàng vạn viên đá sống nếu may mắn cũng chỉ tìm thấy duy nhất 1 viên đá Vũ Hoa.

Nguyễn Thanh Hải (theo Báo Địa lý Quốc gia Trung Quốc )
.
.