Đi tìm huyền thoại trên đỉnh Mẫu Sơn

Thứ Năm, 15/02/2007, 09:00
Đỉnh Mẫu Sơn cao 1.541m được bao bọc bởi hàng chục ngọn núi lớn nhỏ, mùa đông tuyết rơi, mây phủ; hè đến, nắng vàng rực rỡ. Trên đỉnh Mẫu Sơn ẩn chứa nhiều huyền thoại như hòn đá rỉ máu, mộ đá ngàn năm và những con gà 6 cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết Vua Hùng.

“Gà tiên” 6 cựa

Cách thị xã Lạng Sơn 30 km về phía đông, đỉnh Mẫu Sơn cao 1.541m so với mặt nước biển, như một vùng đất thiêng quanh năm trập trùng mây giăng. Vào những ngày lạnh nhất của mùa đông, thông thường là cuối tháng giêng, trên đỉnh Mẫu Sơn thậm chí còn có tuyết rơi. Dịp này mỗi năm, có hàng nghìn lượt người lên đây thuê nhà trọ chực chờ sẵn, chờ tuyết rơi để được ngắm và tự tay bẻ lấy một nhành cây trong tuyết.

Vượt 30km đường rừng, chúng tôi không thể phóng xe đi tiếp, phải gửi xe ở lại nhà một người dân trong bản, Huy nói: “Anh cứ yên tâm, dân ở đây thật thà lắm, cứ để xe cộ, đồ đạc mấy ngày cũng được, không mất bao giờ, chỉ khi đi về biếu họ một món  quà là được”.

Quà ở đây có thể là một chiếc bật lửa, một chiếc mũ lưỡi trai, thậm chí là một gói thuốc lá. Trèo đèo và vượt 2 con suối, đi mất khoảng 2h đồng hồ, mệt lả nhưng tò mò về loài gà được dân ở đây gọi là “gà thần”, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Gần tối, cả đoàn đến được bản Đán Khao, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc.

Đến nhà Phó bí thư xã Triệu Phúc Sáng vào đúng bữa cơm tối. Trong ánh lửa nhà sàn, tôi được nghe những huyền tích về loài gà 6 cựa vùng này. Thuở khai sơn lập địa ở vùng đất này, Mẫu Sơn được xem là vùng đất thiêng, được trời ban cho giống gà “lục trảo” để làm linh vật, giữ cho làng bản khỏi tà ma.

Gà... 6 cựa.

Vì vậy, loài gà “lục trảo” tồn tại cùng với cuộc sống của người Dao ở vùng đất này. Đã thất truyền khá lâu, khoảng chục năm trở lại đây, bỗng nhiên gà “lục trảo” lại xuất hiện trở lại, vì thế gia đình nào ở Đán Khao có được vài con gà quý thì giữ như báu vật. Đặc biệt là khi gà ấp nở vào dịp tết thì được xem như một điềm may mắn cho cả năm, làm ăn phát lộc phát tài.

Đó là cách mà người Đán Khao truyền miệng giải thích về giống gà mà họ gọi là “lục trảo” này. Đêm khuya, không thể xem được gà 6 cựa, chúng tôi đành đợi đến sáng ngày mai. Anh Sáng dặn người nhà quây lưới giữ gà, bởi nếu không nó chạy vào rừng thì mai không có cho khách xem. Nhà anh Triệu Phúc Sáng cũng nuôi đàn gà lạ gồm 1 con gà lớn và 10 con gà con chưa đến thời lên cựa.

Chúng tôi được chứng kiến con gà to, nặng khoảng 3kg, có bộ lông vàng óng, hai chân cao, chắc như chì và đặc biệt có bộ móng rất kỳ lạ. Hai bàn chân có 6 cựa to và sắc, bộ cựa càng lên cao càng nhỏ dần tạo thành một hàng sắc, thẳng đều. Thoắt một cái, con gà đã nhảy lên cành cây trước ngõ, gáy 3 tiếng rất đanh.

Gà 6 cựa không nuôi nhốt chuồng mà thả rông và tự kiếm ăn. Mặc dù được coi là con vật quý nhưng do không có điều kiện chăm sóc nên nó kiếm được gì thì ăn nấy, chỉ thi thoảng người ta mới cho ăn ít cám, cơm nguội.

Bản Đán Khao có tất cả 9 thôn nhưng chỉ 3 thôn nuôi được gà 6 cựa. 6 thôn còn lại không nuôi được loại gà này. Nhiều người đã thử mang giống gà này xuống núi để nuôi và cũng có người thích gà lạ nên cố tìm mua về nuôi làm cảnh nhưng chỉ được vài hôm thì gà bỏ ăn và chết.

Có người đã kỳ công thử lai tạo giống gà lạ này với các giống gà khác nhưng đều thất bại. Ông Triệu Phúc Lỷ, một người trong bản đã từng kỳ công chăm bẵm, cho lai giống để mong có được một loài gà lạ hơn nhưng sản phẩm sinh ra cũng chỉ là gà... 2 cựa mà thôi.

Người đầu tiên phát hiện giống gà 6 cựa và tuyên truyền về xuôi có lẽ là Kỹ sư Lê Minh Hoàng – Giám đốc Xí nghiệp Giống lâm nghiệp vùng đông bắc. Trong một lần đi công tác ở Đán Khao, anh đã thấy một giống gà chỉ nghe trong truyền thuyết. Thuyết phục mãi mới xin mang được 1 con về nghiên cứu, tuy vậy khi “thần rừng” bị mang về xuôi nhốt vào chuồng thì kém oai hẳn, trở nên chậm chạp hơn rất nhiều.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, gà 6 cựa cũng là một hiện tượng lạ nhưng có thể giải thích được bằng sự biến đổi gien hay nguyên lý của đa dạng sinh học. Tuy vậy, người dân ở đây cho biết, “gà tiên” này đã xuất hiện từ rất lâu rồi, từ khi họ sinh ra đã có. Qua bao đời nay nó vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống người Dao ở vùng này.

Sẽ thật ý nghĩa nếu Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, trên mâm lễ vật lại có loài vật phảng phất bóng dáng của gà 9 cựa trong truyền thuyết khi xưa.--PageBreak--

Truyền thuyết về phiến đá “rỉ máu”

Ở Thanh Giác, Phúc Kiến, Trung Quốc cũng đã từng có một lão nông phát hiện ra phiến đá rỉ máu cách đây mấy chục năm. Sau những trận mưa ròng rã ngày đêm thì có một hòn đá lớn trong nhà ông bắt đầu chảy những dòng nước màu đỏ mà người dân nơi đây gọi là “rỉ máu” và khi ngừng mưa, trời quang mây tạnh thì dòng nước đó cũng biến mất. Nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, duy chỉ có một điều họ không bao giờ lý giải được: vì sao đá chỉ “xuất huyết” vào dịp mưa mùa mai vàng.

Tôi nhắc đến câu chuyện đó thì anh Huy nói: “Mẫu Sơn mình cũng có truyền thuyết về hòn đá rỉ máu như vậy”. Bị lôi kéo bởi chuyện lạ, chúng tôi lại trèo đèo lội suối tìm đến xã Khuất Xá.

Đến nơi có di tích khảo cổ được gọi tên là đền Mẫu Sơn, chúng tôi gặp được cụ Triệu Ánh Sùng đang hái chè trên sườn núi. Cụ kể lại huyền tích đã gắn với nơi này, huyền tích về một phiến đá “rỉ máu”. Xưa kia, một người đàn ông dân tộc Dao ở thôn Lặp Pịa, Lộc Bình vào rừng đi săn.

Đến khu rừng già, nơi chưa từng ai đặt chân đến, nghe nói là vùng đất thiêng, ông nhặt được một hòn đá rất đẹp liền mang về đặt trong nhà bếp. Tối hôm đó trời mưa tầm tã, sáng ra anh thấy nền nhà bếp loang đỏ, và nơi xuất tiết không đâu khác chính là hòn đá kỳ lạ.

Kinh hãi, anh cõng viên đá chạy trối sống trối chết lên đỉnh Mẫu Sơn, đến thánh địa thiêng lập đền thờ cầu mong trời xá tội. Có thuyết cho rằng, đền thờ đá thiêng cũ giờ chính là di tích đền Mẫu Sơn và các vùng phụ cận đã trở thành vùng linh địa. Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, người dân xứ Lạng vẫn hành hương lên vùng đất thiêng vào mỗi độ xuân về.

Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2003 trên diện tích gần 1.000m2 ở khu linh địa Mẫu Sơn lần đầu tiên đã làm phát lộ hàng nghìn di vật, di tích có giá trị, trong đó có khu đền cổ và hầm mộ Cự Thạch. Xung quanh những phát hiện này, đặc biệt là di tích mộ Cự Thạch vẫn còn nhiều câu hỏi thú vị còn bỏ ngỏ...

Mộ đá chìm trong sương

Trên đỉnh cao 1.200m so với mặt nước biển và nằm cách biệt với làng bản thuở xưa, giới khảo cổ đã hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp loại hình kiến trúc đá lớn. Đó là những hầm mộ kiểu khối hộp chữ nhật vuông thành sắc cạnh do các tảng đá lớn có kích thước trung bình dài 2,8m, rộng 1m, cao 0,5m xếp thành.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, làm được một khu mộ kiểu này người thợ phải dựng khối đá tự nhiên để tạo một vách mộ phía tây một cách chắc chắn và kiên cố. Còn mặt phía bắc và phía đông thì được ghép với hai phiến đá đã được gia cố bằng kỹ thuật đục, đẽo rất tỉ mỉ.

Phiến đá vách bắc và vách đông tạo thành một góc vuông có chiều dài 2m, rộng 0,6m, dày 0,2m.  Sau khi tạo được 3 vách: bắc, đông, tây, phần trần mộ được đậy bằng một phiến đá vuông có kích cỡ nhỏ hơn. Do vậy, khối đá trần chỉ đậy khít các phiến đá ở mặt phía bắc, tây và đông.

Riêng vách phía nam do khối đá gốc còn chạy tiếp ra phía sau và phía trước hầm mộ nên đã tạo thành lối vào hầm mộ dài 2m. Xung quanh 3 vách đông, tây, bắc của hầm mộ được xếp chèn nhiều hòn đá nhỏ tự nhiên, bản thân nóc hầm cũng có đất đá kê xếp tạo hình mai rùa... Ngoài ra, còn có hầm mộ được xây dựng với mái che 2 tầng!

Đông về, mây mù phủ kín đỉnh Mẫu Sơn suốt mùa. Vào xuân, khắp vùng Mẫu Sơn rực sắc hoa đào thắm. Đào trái Mẫu Sơn vừa to, vừa ngọt. Khí hậu Mẫu Sơn đã ấp ủ cho vùng đất này loại chè tuyết đượm nước, ngon nổi tiếng xưa nay.

Hoa tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn.

Khí hậu vùng đất này ôn hòa, rất  thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Vì vậy mà trước đây, Mẫu Sơn vốn là khu nghỉ mát với nhiều biệt thự khang trang chẳng hề thua kém Sa Pa, Tam Đảo. Nhưng rồi chiến tranh, thiên nhiên cùng yếu tố thời gian, nhiều nhà cửa đã bị phá hủy. Một thuở, Mẫu Sơn bị lãng quên. Bây giờ, Mẫu Sơn đang được xây dựng lại thành khu nghỉ dưỡng và phát triển ngành du lịch leo núi – vùng đất thiêng đã thức dậy sau giấc ngủ dài.

Gần tết Nguyên đán, Mẫu Sơn sẽ có tuyết. Vùng đất đầy huyền tích sẽ đón hàng chục nghìn người lên chiêm ngưỡng điều kỳ vĩ của thiên nhiên

Hoàng Thắng
.
.