Độc đáo hàng thủ công từ… tiền giấy

Thứ Sáu, 09/11/2018, 10:26
Siêu lạm phát dẫn đến tiền giấy bolivar cũ gần như mất giá hoàn toàn, phá hủy nền kinh tế Venezuela và từ đó đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng đói nghèo cùng cực phải sống tha hương. Tuy nhiên, đối với một số nghệ nhân đầy óc sáng tạo, những bó tiền ít giá trị thực sự là cơ hội để sống.

Đó là Edison Infante, 23 tuổi, đã biến những tờ tiền giấy thành một loại sản phẩm độc đáo bằng cách đan thành ví và túi xách phụ nữ. Hiện tại, cũng giống hàng triệu người Venezuela khác, họ phải rời bỏ làng quê để kiếm sống ở thành phố miền biên giới của Colombia để có tiền gửi về nuôi gia đình đang sống chật vật ở quê nhà.

Nghệ thuật của những nghệ nhân như Edison Infante nhanh chóng thu hút sự chú ý đặc biệt từ hàng triệu du khách đến từ khắp nước Colombia cũng như trên thế giới. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sản phẩm từ tiền giấy bolivar cũ của Venezuela được coi là mang tính “biểu tượng siêu thực” về một nền kinh tế sụp đổ.

Đơn cử như là những mẫu túi xách phụ nữ khá đẹp được làm từ hơn một ngàn tờ tiền giấy bolivar mệnh giá lớn mà chỉ có giá trị tương đương khoảng vài USD! Theo tiết lộ từ Edison Infante, những “tác phẩm nghệ thuật” như thế được bán với giá chỉ từ 7 đến 15 USD – tức vừa đủ tiền để nuôi sống cả gia đình anh trong ít nhất 2 tuần ở Venezuela.

Cơn bão siêu lạm phát khủng khiếp ở Venezuela đã làm bốc hơi tài khoản tiết kiệm và hủy hoại tiền lương của người dân nước này. Mỗi ngày hàng chục ngàn người Venezuela vượt qua biên giới đến Cúcuta - thành phố Colombia nằm ở biên giới phía tây Venezuela, cách Caracas 680km về hướng tây nam. Những con người khốn cùng thực sự cố gắng băng qua biên giới làm việc để có tiền mua thực phẩm khan hiếm tại quê nhà hoặc thậm chí di cư qua  những quốc gia khác ở Nam Mỹ.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán mức siêu lạm phát hàng năm của Venezuela sẽ lên đến con số khủng khiếp… 1.000.000% vào cuối năm 2018! Trong nỗ lực kiềm chế tình trạng lạm phát phi mã, Chính phủ Venezuela vừa tạo ra một loại tiền tệ mới – gọi là đồng bolivar chủ quyền - trị giá bằng 100.000 đồng bolivar cũ.

Với một số nghệ nhân đầy sáng tạo, những tờ tiền ít giá trị này thực sự là cơ hội kiếm sống.

Mặc dù vậy, các nhà quan sát xác nhận vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy cơn khủng hoảng ghê gớm ở Venezuela có dấu hiệu chậm lại, và thậm chí họ còn cho rằng loại tiền “mới” này có thể khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn nữa.

Ngay tại khu vực biên giới Venezuela, đám đông người đổi tiền chợ đen luôn dõi mắt canh chừng những túi nhựa chất đầy những tờ bolivar mệnh giá 20.000, 50.000 và 100.000 – đó là loại tiền “bolivar chủ quyền” mới chưa lưu hàng tại Cúcuta. Mỗi ngày, hàng ngàn người Venezuela trở về sau ngày làm việc mệt mỏi ở Colombia và đổi một nắm tiền xu lẻ thành hàng cọc tiền trên đường về quê nhà.

Hiện nay ở Venezuela, hàng núi tờ tiền cũ với mệnh giá thấp không còn nhiều giá trị – ví dụ như đồng 10 bolivar được in năm 2011, đồng 100 bolivar in năm 2015 và đồng 1.000 bolivar in 2016. Từ đó, một số nghệ nhân như Edison Infante mua lại số lượng lớn tiền “rác” này - với giá khoảng 1 USD hoặc hơn cho một thúng tiền, tức nhiều hơn trị giá thật hiện nay của các tờ tiền này.

Trước khi bắt tay vào công việc tạo tác sản phẩm tiêu dùng để bán cho du khách, nghệ nhân tên là Jorge Corderos cặm cụi chọn lọc “nguyên liệu nghệ thuật” của anh và chia nhỏ thành các bó tiền mệnh giá từ 2 đến 5 bolivar. Corderos thú thật: “Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ sử dụng một tờ tiền mệnh giá 5.000 bolivar chỉ để làm ra một món hàng thủ công và đem bán ở chợ”.

Cordero may mắn học kỹ thuật gấp giấy thành chuỗi và sau đó dán lại thành nhiều hình dạng. Corderos cho biết kỹ thuật gấp giấy độc đáo này có thể áp dụng với bất cứ loại chất liệu bỏ đi nào ví dụ như là tạp chí, giấy gói kẹo hay bao bì đựng thực phẩm. Tuy nhiên, Corderos cho rằng tiền giấy bolivar là loại chất liệu quá xa xỉ bởi vì ưu điểm của nó là chịu được nước, trơn láng và rất bền chắc.

Sản phẩm túi xách từ tiến giấy.

Trở lại với trường hợp của Edison Infante, các bó tiền giấy bolivar được coi như một ân huệ mà anh có được trong thời điểm cực kỳ khó khăn như hiện nay ở Venezuela. Ngoài ra, sự sáng tạo mới mẻ của các loại trang sức làm từ tiền giấy mất giá trị giao dịch cũng như mối liên hệ thời sự của chúng đồng nghĩa với việc Edison Infante có thể có được cuộc sống khá ổn trong khi rất nhiều người Venezuela khác đang phải khổ nhọc bán bánh kẹo rong trên đường phố hoặc làm thuê.

Infante không ngại tiết lộ rằng mỗi ngày chỉ cần bán một món đồ làm từ tiền giấy bolivar là anh có thể sống được. Sức hấp dẫn từ sản phẩm “tiền giấy” mạnh đến mức rất đông người Colombia đổ xô đến mua số lượng lớn sản phẩm để chở về bán lại ở thủ đô Bogota nước này. Cả đến du khách người Mỹ và người Italia cũng mua nhiều túi xách gấp từ tiền giấy bolivar của Edison Infante để mang về quê nhà.

Edison Infante hy vọng nghề thủ công có thể giúp anh thoát khỏi vùng biên giới khó khăn và có cơ hội chuyển đến thành phố lớn kiếm nhiều tiền hơn – ví dụ như thủ đô Bogota của Colombia hay Lima của Peru. Nhưng hy vọng thật sự của anh, như anh bày tỏ, là một ngày nào đó được trở về sống ở một đất nước Venezuela yên bình.

An An (tổng hợp)
.
.