Đức: Sân bay quốc tế Willy Brandt - Biểu tượng của sự lãng phí

Thứ Tư, 26/06/2013, 18:25

Dư luận CHLB Đức lâu nay không ngớt đàm tiếu về sự chậm trễ khai trương sân bay quốc tế mới mang tên cố Thủ tướng Willy Brandt (1913-1992), tọa lạc phía nam thủ đô Berlin thay thế các sân bay cũ đã quá tải và xuống cấp. Còn những người chỉ trích kịch liệt nhất gọi công trình này là "biểu tượng cho sự lãng phí ngân sách quốc gia".

Được động thổ khởi công vào giữa tháng 3/2006 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm xây cất, với tên gọi chính thức là sân bay quốc tế Berlin Brandenburg Willy Brandt (BBI) cùng mức tổng kinh phí được phê duyệt là 2,83 tỉ euro, do chính quyền trung ương và các địa phương liên quan cùng đóng góp.

Khi đi vào hoạt động, sân bay W. Brandt sẽ thay thế chức năng của 2 sân bay quốc tế đang quá tải trên địa bàn thủ đô Berlin là Tegel ở phía tây và Schonefeld ở phía đông. Do đủ các nguyên nhân nên "công trình giao thông của thế kỷ" này buộc phải dời ngày khánh thành chậm hơn 2 năm, nghĩa là đến đầu tháng 6/2012.

Nhưng trước thực trạng hệ thống cứu hỏa chưa hoàn thiện hẳn, nên công trình đã được Thủ tướng Angela Merkel nhất trí cho lùi lại vào thời điểm thích hợp. Còn trong thực tế suốt nửa năm qua, sự kiện khai trương mà người dân Berlin luôn mong đợi liên tục bị trì hoãn hết lần này đến lần khác, với đủ lý do "bất khả kháng" do Ban quản lý BBI đứng đầu là đương kim Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit đưa ra. Tính đến đầu năm 2013, sân bay BBI đã trì hoãn tổng cộng tới 4 lần cho dịp khánh thành của mình.

Đến cuối năm 2012, trị giá công trình đã đội lên đến 4,3 tỉ euro, gần gấp đôi mức dự toán ban đầu khiến các cấp chính quyền đều bị mọi giới lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, bởi đã "phóng tay" lạm chi tiền thuế đóng góp từ người dân. Tức thì viên giám đốc điều hành (CEO) của BBI bị sa thải vào đầu tháng 3 năm nay, thay vào là gương mặt nổi trội Hartmut Mehdorn, đương kim CEO của Air Berlin, Hãng hàng không lớn thứ 2 ở Đức, cũng là cựu CEO của Deutsche Bahn AG, công ty đường sắt lớn nhất nước Đức cùng hy vọng công tác hoàn thiện sẽ khả quan hơn.

Theo kế hoạch của H. Mehdorn, sân bay BBI sẽ chính thức khánh thành vào năm 2014, đồng nghĩa với việc chậm tiến độ suốt 8 năm ròng bất chấp nhu cầu bức thiết của ngành vận chuyển đường không.

Chỉ riêng việc chiếu sáng suốt ngày đêm đã ngốn 20 triệu euro mỗi tháng.

Đột nhiên trong cuộc họp báo vào ngày 8/6 vừa qua, Giám đốc điều hành H. Mehdorn cho giới truyền thông biết rằng, sân bay BBI sẽ được mở cửa vào mùa thu tới. Chính xác là vào ngày 27/10/2013 theo tiêu chí "khai trương cuốn chiếu", nghĩa là khánh thành từng phần một đối với các công đoạn hoàn thiện tương ứng, góp phần giải tỏa nỗi bức xúc đầy thất vọng của dân chúng về "biểu tượng của sự lãng phí ngân sách quốc gia".

Ngoài ra, Sân bay quốc tế BBI còn được giới kinh tế học châu Âu mệnh danh một cách mỉa mai là "tòa nhà tốn kém nhất ở Đức", chỉ tính riêng việc duy trì cho việc chiếu sáng cả bên trong lẫn bên ngoài đã ngốn khoản tiền điện lên tới 20 triệu euro/tháng, cho dù chưa có một phương tiện đường không nào hoạt động ở đây cả. Trước hiện tượng các chùm đèn cao áp rực sáng suốt ngày đêm, Giám đốc kỹ thuật Hjorth Amman vừa thay thế người tiền nhiệm Manfred Kortgen bị sa thải, chính thức thừa nhận trong buổi họp báo là do sự cố không lường trước được.

"Hệ thống điện tử kiểm soát đèn chiếu sáng luôn gặp trục trặc trong lúc vận hành - ông H. Amman cay đắng thú nhận - Lỗi của nhà thầu đã cung cấp mạng lưới đèn hồ quang công suất lớn không đồng bộ, dẫn đến việc duy trì BBI tuy chưa hoạt động nhưng gây tốn kém còn hơn cả các sân bay đang làm việc hết công suất"(?!).

Trước đó, vào cuối năm 2012, một cuộc tổng kiểm tra chất lượng công trình đã được chính quyền trung ương Đức, phối hợp với chính phủ 2 bang Berlin và Brandenburg cùng tiến hành quy tụ các nhóm chuyên viên đầu ngành. Kết quả đã bóc trần những khiếm khuyết đáng chê trách trong phần thiết kế, dẫn đến kiểu kết cấu lệch lạc không tương xứng với một công trình có số vốn đầu tư khổng lồ.

Ngay cả những phần "lẻ tẻ" như mạng lưới thông gió và điều hòa tại nơi gửi hành lý, đèn cọc tiêu đường băng, hệ thống đăng ký hành khách đều tồn tại nhiều vấn đề cần xử lý. Thậm chí ngay cả trên mặt sàn các lối đi lại, cũng như vỉa hè tiền sảnh đón trả khách đều xuất hiện những vết nứt có thể nhìn thấy bằng mắt thường....

Trong khuôn khổ buổi họp báo nói trên, ông Peter Ramsauer, đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng, đại diện chính quyền liên bang góp vốn xây cất sân bay BBI, đã lên tiếng bày tỏ mối nghi ngờ về mốc khai trương "chắc như đinh đóng cột" do CEO H. Mehdorn nêu ra. Và như vậy, "công trình giao thông thế kỷ" vẫn tiếp tục phát sinh thêm những chi phí mới, để khỏi "hổ danh" với tai tiếng lỡ mang là biểu tượng của sự lãng phí ở CHLB Đức

Thu Hường (theo Bild)
.
.