Hơn 1,5 thế kỷ tồn tại tàu điện ngầm

Thứ Hai, 27/08/2018, 17:12
Năm 1863 đã đi vào lịch sử ngành vận tải hành khách trên thế giới, khi đoàn tàu điện ngầm (metro) đầu tiên chính thức khởi hành tại thủ đô London của Vương quốc Anh, trở thành cột mốc "khai sinh" loại phương tiện vận chuyển hành khách tiện dụng mới.

Tuyến metro ban đầu chỉ dài đúng 5km, nối ga Paddington tại khu trung tâm thành phố với nhà ga Faringdon thuộc quận Oxfordshire ở phía tây. Ngay trong thời điểm khánh thành là ngày 10-1 cùng năm, đã có hơn 40.000 lượt hành khách sử dụng tuyến tàu điện ngầm mới, chiếm mức kỷ lục so với các phương tiện giao thông công cộng phổ biến khác.

Người dân thủ đô London gọi tuyến metro vừa khai trương là "đường ống ngầm", theo lối hài hước tinh tế vốn có ở xứ sương mù. Các đoàn tàu chạy bằng đầu máy hơi nước được đốt bằng củi và than đá, phát sinh lượng khói thải mù mịt khiến hành khách muốn... nghẹt thở.

Để khắc phục tình trạng khói bụi và muội than lan tỏa bám vào thành đường ngầm khép kín, công ty khai thác tuyến metro đã lắp đặt thêm toa chứa khói đặc biệt ngay sau đầu máy. Nhưng thật bất tiện bởi lượng khói thải nhanh chóng lấp đầy toa chứa, buộc phải định kỳ kéo ra lộ thiên để xả đi.

Đến năm 1900 vấn đề đã được giải quyết nhờ doanh nhân người Mỹ Charles Yerkes (1837-1905), cũng là nhà đầu tư chủ chốt vào hệ thống vận tải công cộng ở Chicago (Mỹ) và London. Cùng với việc lắp đặt 2 tuyến đường ray chạy song song, khiến các đoàn tàu không phải mất thời gian chờ tránh nhau như trước nữa; là sự kiện điện khí hóa toàn bộ tuyến metro mới.

Các thanh ray đồng thời còn giữ vai trò chuyển tải mạng điện có hiệu điện thế 650V, được truyền dẫn trực tiếp lên động cơ đầu máy khiến đoàn tàu chạy nhanh hơn và ít tiếng ồn hơn.

Trải qua 155 năm tồn tại, tính đến thời điểm hiện nay ở London đã có 12 tuyến tàu điện ngầm ngang dọc với tổng chiều dài là 408km, qua 275 nhà ga được bố trí rải khắp thành phố.

X.Hiếu (tổng hợp)
.
.