Hòn đảo bằng nhựa tái chế

Thứ Tư, 06/04/2011, 09:05
Nhóm Whim architecture gồm các kiến trúc sư người Hà Lan đang "mơ ước" thành lập một hòn đảo được hình thành từ hàng tấn rác nhựa đang ngày một nhiều và trôi nổi theo dòng hải lưu ở Bắc Thái Bình Dương như một bãi rác khổng lồ di động. Một hòn đảo "nhân tạo" có tên gọi "Đảo tái sinh" (Recycled Island) ở Bắc Thái Bình Dương hình thành từ các chất phế thải bằng nhựa.

Theo ý kiến của những người ủng hộ dự án đảo nhân tạo, chỉ cần thu gom 44 nghìn tấn rác nhựa lềnh bềnh trên đại dương trong một thời gian rồi tái chế lại để "cho ra" những vật liệu căn bản sạch sẽ, và từ đó thành lập một nơi chốn (hòn đảo) có mục đích là để tái chế những rác ô nhiễm. Hòn đảo nhân tạo này trên đại dương cũng sẽ có vai trò là một cái bồn lưu trữ khí CO2 như những cánh rừng trên đất liền. Và thực dụng hơn cả những cánh rừng vì đảo nhân tạo sẽ thâu nạp cả khí amoniac, nitrat và phosphat trong phạm vi xung quanh để rồi chế biến thành nhiên liệu sinh học hoặc phân bón. "Đảo tái sinh" được thiết kế theo mô hình thành phố Venice của Italia với dòng sông uốn lượn trong nội ô.

Trong "giấc mơ" của các khoa học gia, hòn đảo nhân tạo với diện tích rộng khoảng 10.000 km2, với kích cỡ xấp xỉ đảo du lịch Hawaii của Mỹ, cũng có thể trở thành nơi trú ngụ mới của nửa triệu người là những nạn nhân của sự thay đổi khí hậu toàn cầu, là những người phải di tản vì hiện tượng hâm nóng toàn cầu làm tăng mực nước biển khiến quê hương của họ bị ngập lụt.

Trên đảo nhân tạo, những di dân có thể tự nuôi sống hoàn toàn nhờ nghề nuôi và đánh cá. Phải chăng đây là một “dự án ma”, đưa ra chỉ để đánh động lương tâm loài người phải ý thức hơn về tình trạng ô nhiễm của các đại dương? Hoặc giả nếu các kiến trúc sư Hà Lan đã thật sự mơ ước như thế thì mãi mãi vẫn chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực? Chỉ biết rằng, hiện nay trên thế giới có chừng 5% chất phế thải nhựa được tái chế, 95% còn lại là phó mặc cho sông, cho biển hoặc chất thành núi tại các bãi rác.

Không chỉ nhóm Whim architecture mới có ý định thành lập đảo nhân tạo mà cả những nhà khoa học Nhật Bản cũng đang tìm cách làm thế nào để tẩy uế các đại dương đầy rác với dự án Planet Ocean (tiếng Nhật là Kansei).

"Kế hoạch của chúng tôi nhắm tới 3 mục tiêu: dọn sạch rác thải trên các đại dương, tạo ra vùng đất mới và xây dựng nơi sống bền vững với môi trường" - phát ngôn viên của Whim architecture cho biết. Whim architecture dự định sẽ tái chế nhựa thải ngay tại chỗ (khu vực Bắc Thái Bình Dương) thành những kết cấu rỗng ruột gắn chặt với nhau, đóng vai trò là phần móng nâng đỡ "Đảo tái sinh".

Năng lượng mặt trời và năng lượng sóng biển sẽ là nguồn năng lượng chủ lực trên đảo. Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng dự định xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn bao quanh thành phố để cư dân có thể tự túc lương thực - thực phẩm, đồng thời tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, "Đảo tái sinh" cũng hướng tới trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Hiện nay, Thái Bình Dương chính là bãi rác thải lớn nhất thế giới. Vật liệu nhựa được các dòng nước luân chuyển trong kho rác "vĩ đại" ấy và đe dọa nghiêm trọng tới đời sống sinh vật biển. Nhiều loài chim biển và cá xem nhựa như thức ăn và không ngần ngại "chén" hết.

Người phát ngôn Whim architecture cho biết thêm: "Đảo tái sinh được xem như cơ hội duy nhất để tạo nên môi trường sống mới, đồng thời giúp Thái Bình Dương thoát khỏi đống rác khổng lồ"

H.N. (tổng hợp)
.
.