Huấn luyện đại bàng săn mồi trên thảo nguyên

Thứ Sáu, 11/05/2018, 13:10
Tộc người Kazakh chiếm đại đa số tại Bayan Olgii thuộc vùng Altai và được coi là những thợ săn chuyên dùng đại bàng, duy trì một lối sống khác xa so với thế giới hiện đại, chịu đựng những mùa đông giá rét trong những chiếc ger (tức những căn lều tròn di động). Họ huấn luyện chim đại bàng săn mồi và đi săn trên lưng ngựa.

Vùng Altai ở Tây Mông Cổ là một trong những nơi xa xôi nhất hành tinh và chỉ có vài con đường chạy qua khắp vùng rộng lớn này. Thêm vào đó, các đỉnh núi cao băng giá của rặng Altai giáp giới với Mông Cổ, Kazakhatan, Trung Quốc và Nga hình thành nên bức tường khép kín ngăn cách khu vực với mọi nền văn minh bên ngoài.

Trên đỉnh núi cằn cỗi cao 3.000 mét ở tỉnh Bayan Olgii, một người Kazakh tên là Bikbolat trông có vẻ như thuộc dòng tộc cao quý, đội trên đầu chiếc mũ lông cáo và tấm áo choàng dài làm bằng lông cừu. Đậu trên tay ông là con chim đại bàng đang giương cặp mắt hau háu nhìn về phía chân trời như muốn lùng sục con mồi.

Thợ săn và chim đại bàng hình thành tình cảm gắn bó thân thiết.

Bikbolat là một trong số 250 thợ săn sử dụng đại bàng còn sót lại ở vùng này, điêu luyện môn nghệ thuật berkutchi vốn được truyền lại từ nhiều đời và là truyền thống từng tồn tại trên khắp vùng thảo nguyên Trung Á trong suốt 6.000 năm qua.

Mối gắn kết giữa người thợ săn và chim đại bàng rất mạnh. Đại bàng là loài chim có tính độc lập cực kỳ mạnh mẽ, nên chúng cần được huấn luyện từ những ngày còn rất non nớt mới có thể tạo dựng được niềm tin giữa chúng với người chủ.

Theo Bikbolat, chim non dễ thuần hóa hơn và không gây hại cho trẻ em hoặc súc vật, trong khi đó chim trưởng thành có khả năng săn mồi tốt hơn, dễ dàng hạ gục được loài sói, cáo. Bikbolat tiết lộ rằng chim mái săn mồi giỏi hơn chim trống, không chỉ bởi chúng dữ hơn mà còn nặng hơn một phần ba so với chim trống.

Đại bàng được bịt mắt để tĩnh tâm.

Sau thời gian huấn luyện có thể kéo dài tới vài năm, một con đại bàng mới bắt đầu đi săn cùng với chủ - người chủ cưỡi trên lưng ngựa, con chim đậu trên cánh tay trái. Mối gắn bó giữa những người thợ săn kỳ cựu và chim đại bàng khăng khít tới mức bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong áp lực móng vuốt con chim trên cánh tay giúp cho thợ săn nhận biết nó đã đánh hơi được con mồi.

Đa phần thợ săn thường sử dụng đại bàng, bởi chúng có tầm nhìn tốt gấp 8 lần so với chủ. Các con mồi chủ yếu là cáo và marmot để lột lấy da và thịt làm thực phẩm. Những con đại bàng đầy uy lực còn hạ gục cả loài cú, sói, thậm chí cả báo tuyết.

Hầu hết việc đi săn được thực hiện vào mùa đông bởi đó là lúc chim gầy nhất, đói nhất. Sau mỗi chuyến đi săn, thợ săn dùng khăn vải bịt mắt chim đại bàng để nó được nghỉ ngơi, giúp tĩnh tâm và tỉnh táo.

Vào tháng 9 hằng năm, lễ hội thợ săn-đại bàng lớn diễn ra ở Olgii - thủ phủ của vùng này - thu hút sự tham gia của hàng trăm thợ săn đổ về tranh giải thưởng tiền mặt. Ngoài môn thi kỹ năng khéo léo, các tay thợ săn còn tham gia đủ mọi trò chơi truyền thống của Kazakh nhưkokbar (tức trò kéo co trên lưng ngựa, với sợi dây được bện bằng những tấm da cừu hoặc da cáo sống) hay tenge alu (cuộc thi đòi hỏi thợ săn phải tìm cách nhặt được những món đồ trên mặt đất khi vẫn ngồi trên lưng ngựa).

Phụ nữ và nam giới đua ngựa trong lễ hội Olgii.

Tuy đây là môi trường dành cho đàn ông, nhưng phụ nữ cũng tới khoe tài trên lưng ngựa trong các cuộc thikyz kuu - sự kiện mang tính hẹn hò tìm hiểu giữa nam và nữ. Nếu giành chiến thắng, chàng trai sẽ nhận được một nụ hôn; nhưng nếu không đuổi kịp cô gái trước khi cô cán đích, thì cô sẽ quay lại, phi ngựa nước đại đuổi anh xuống cánh đồng, vung roi trói quanh người.

Quan trọng hơn, berkutchi được coi như nghi lễ để các nam thiếu niên Kazakh bước vào tuổi trưởng thành - vì kỹ năng huấn luyện đại bàng, tạo tình cảm gắn bó giữa chim săn mồi và thợ săn là truyền thống quý giá được truyền lại qua mỗi thế hệ. Tuy nhiên, những truyền thống dân gian có lẽ rồi sẽ sớm biến mất.

Trong thời gian sau này, việc chăn thả gia súc quá mức tại Mông Cổ khiến đời sống hoang dã trở nên ít đi, không còn nhiều thú để săn và làn sóng du lịch cũng gây áp lực cho việc bảo tồn đời sống tự nhiên của người Kazakh. Ngày càng có nhiều gia đình Kazakh gửi con cái tới các thành phố để kiếm tiền hỗ trợ cho việc nuôi gia súc ở nhà và Bikbolat nói việc săn bắt đã không còn là một công việc đủ để nuôi sống gia đình.

Thế nhưng, những chú chim kiêu hùng vẫn luôn được các thợ săn trân trọng và chúng luôn được thả vào đời sống tự nhiên sau 10 năm rong ruổi với chủ. Như trường hợp Bikbolat, nghề này đã được truyền qua 12 thế hệ và là niềm tự hào của dòng họ ông.

Bikbolat đề cập ngạn ngữ cổ của người Kazakh - nói về đời sống của người thợ săn nơi đây và thiên nhiên phóng khoáng của Altai: “Vó ngựa phi nhanh và những chú đại bàng thiện chiến chính là đôi cánh của người Kazakh”.

An Di (tổng hợp)
.
.