Kinh doanh trong trại tỵ nạn

Thứ Năm, 23/11/2017, 21:00
Năm 2001, Mesfin Getahun rời khỏi đất nước Ethiopia - láng giềng với Kenya - đang chìm trong bất ổn chính trị để đến khu trại tỵ nạn.

Không một ai có thể ngờ rằng sau một thời gian Mesfin Getahun, 42 tuổi, đã trở thành chủ siêu thị bán sỉ lớn nhất trong trại tỵ nạn và có thu nhập hàng tháng đến 10.000 USD và được mọi người gán cho tên gọi là "Nhà triệu phú". Phía trước cửa hàng của Getahun có tấm bảng ghi dòng chữ "Jesus là Ngài Bán sỉ Mesfin".

Getahun thuê dụng nhân công từ cộng đồng bộ tộc Turkana thường xuyên sống trong nghèo khó cùng cực.

Gia đình ông may mắn được chọn tái định cư ở Mỹ và đang chờ ngày lên đường. Đó là ước mơ của tuyệt đại đa số người tỵ nạn song không ai biết rằng Mesfin Getahun đang phải đau đầu tìm cách bảo vệ khối tài sản khổng lồ mà ông tích lũy được từ nhiều năm qua.

Vấn đề khác nữa là Getahun phải nhanh chóng tìm một người nào đó có đủ khả năng mua lại cửa hàng của ông - một vấn đề đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Cũng giống như nhiều người tỵ nạn khác, Getahun đến trại tỵ nạn với hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp cho nên việc bán lại cửa hàng để bắt đầu cuộc sống mới một lần nữa ở Mỹ quả là thách thức không nhỏ.

Việc làm đầu tiên của Mesfin Getahun ở trại Kakuma là rửa ly cho một tiệm cà phê (cũng do người tỵ nạn kinh doanh) và được trả lương chưa đến 10 USD/tháng.

Sau đó, Getahun dành dụm tiền để chuyển sang nướng và bán bánh mì. Getahun làm chủ lò nướng bánh mì chừng vài năm trước khi quyết định mở cửa hàng tạp hóa. Getahun nhìn thấy cơ hội làm ăn lớn trong trại Kakuma (mở cửa năm 1992) có khoảng gần 200.000 người tỵ nạn. Cư dân bên trong Kakuma chủ yếu sống nhờ vào nguồn thực phẩm cũng như dịch vụ do chính người tỵ nạn cung cấp hơn là sự cứu trợ quốc tế.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.