Làm đường bằng vật liệu tái chế từ giấy vệ sinh

Thứ Năm, 04/04/2019, 13:31
Thành phố Leeuwarden, thủ phủ tỉnh Friesland phía tây bắc Vương quốc Hà Lan đã chính thức khánh thành tuyến đường chuyên dụng dành cho người đi xe đạp, được làm từ vật liệu tái chế là giấy vệ sinh đã qua sử dụng, trở thành tuyến đường bộ đầu tiên trên thế giới thuộc dạng này.

Sau 18 tháng tiến hành thử nghiệm, vào ngày 27-3 vừa qua, chính quyền thành phố Leeuwarden, thủ phủ tỉnh Friesland phía tây bắc Vương quốc Hà Lan đã chính thức khánh thành tuyến đường chuyên dụng dành cho người đi xe đạp, được làm từ vật liệu tái chế là giấy vệ sinh đã qua sử dụng, trở thành tuyến đường bộ đầu tiên trên thế giới thuộc dạng này.

Tuyến đường mới được đặt tên là phố Fietsstraator (xe đạp - theo tiếng Hà Lan), với chiều dài đúng 1km nối trung tâm thành phố Leeuwarden và khu ngoại ô Stints, chạy song song với tuyến đường cũ dành cho ô tô (ảnh).

Đường phố Fietsstraator cấu thành từ một loại vật liệu, được chiết xuất từ giấy vệ sinh đã qua sử dụng trong hệ thống cống rãnh đô thị. Công nghệ mới được gọi là WwTP Geestmerambacht, nhằm chiết xuất lấy thành phần chính là hợp chất cao phân tử cellulose trong giấy vệ sinh, một bước tiến mang tính cách mạng trong lĩnh vực tái chế chất thải.

Công nghệ này được thực hiện tại cơ sở kỹ thuật của các Công ty Hà Lan là CirTec và KNN Cellulose, cho phép chiết xuất 400kg chất cellulose tinh khiết mỗi ngày với giá thành cực thấp. Dựa vào đặc tính chịu nén và kết dính nên chất cellulose được dùng để thay thế nhựa đường, khiến kinh phí làm đường tiết giảm đáng kể.

K.Dung (theo EPA)
.
.