Lễ hội đấu bò tót tại...Nhật Bản

Thứ Tư, 05/09/2007, 16:00

Cứ đến cuối tháng 8 hàng năm, hàng nghìn người hâm mộ đều tụ tập tại đấu trường trong các làng tại hòn đảo Okinawa ở miền Nam Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.600 km về hướng tây nam, để theo dõi cuộc thi đấu bò tót.

Truyền thống đấu bò tại Okinawa hoàn toàn khác với đấu bò của Tây Ban Nha, cuộc chiến giữa bò và người, thường thì các đấu sĩ bò tót kết thúc cuộc giao đấu bằng cách dùng gươm để giết con vật.

Tại Nhật Bản, cuộc đấu bò diễn ra giữa 2 con bò, khi được thả vào đấu trường, chúng sẽ húc nhau (giống chơi chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng) cho đến khi con nào thua sẽ quay đầu bỏ chạy.

Mặc dù trận đấu của những con bò hạng nặng, trên 1 tấn, thường diễn ra rất hung bạo, nhưng khốc liệt nhất thì cũng chỉ gây chấn thương và đổ máu chứ ít khi bị giết chết, vì trận đấu thường kết thúc khi một con chịu thua và bỏ chạy.

Ông Masakazu Kochi, người tổ chức cuộc thi đấu năm nay và cùng là Chủ tịch Hiệp hội đấu bò Okinawa nói rằng khi trận đấu kết thúc, con thắng trận không bao giờ gây thương tích cho con bị thua. Vì thế cuộc thi đấu bò này rất công bằng và bình yên.

Tuy không ai rõ nguồn gốc của cuộc đấu bò, nhưng nhiều người đồng ý đây là một trò tiêu khiển của nông dân trong thời gian nghỉ giữa các vụ mùa được hình thành từ cuối thế kỷ thứ XIX. Kể từ đó, đấu bò đã trở thành di sản văn hóa của đảo Okinawa và là một trò tiêu khiển được nhiều người yêu thích không những chỉ có những người bản xứ mà còn cả những du khách nước ngoài.

Ông Mitsuo Akashi, 73 tuổi, người lần đầu tiên tham dự một trận đấu bò và cũng là một cư dân tại thủ đô Tokyo, đang muốn dọn về Okinawa để sống hết cuộc đời còn lại của mình trên hòn đảo này, nói rằng ông say mê những trận đấu dữ dội.

Thường thì mỗi trận đấu diễn ra khoảng dưới 20 phút, nhưng đôi khi cũng kéo dài cả tiếng đồng hồ, trong trường hợp những con bò ít hung hãn thường gài sừng vào nhau để nghỉ, thay vì quyết tâm hạ đối thủ của mình. Các trận đấu thường được tiếp theo sau bằng những màn khiêu vũ hoặc múa hát, khi những người hậu thuẫn và chủ nhân của con bò thắng trận ăn mừng chiến thắng của họ bằng những vũ điệu và bài hát dân gian.

Sau khi nhận giải thưởng và ông Masanori Otake, chủ nhân của con bò tên Otake shashin-go đoạt giải nhất hạng trung, giải chính của lễ hội, nói rằng con bò này được sinh ra để chiến đấu

Giang Khuê (Theo Tokyo today)
.
.