"Lịch sử" của con chó

Chủ Nhật, 29/01/2006, 16:26
Các đây khoảng 12.000 năm, tại một nơi thuộc Israel, một nhóm thợ săn đã tụ họp trong một đám tang mà họ xếp tay người chết thành hình cái nôi và đặt vào đó một con chó con. Không ai biết chính xác đó là chó sói hoang hay chó thuần hóa và các nhà khoa học cũng không rõ ý nghĩa của sự chôn chó (theo người chết) này như thế nào. Liệu nười chết có phải là chủ con chó hay sự chôn cất trên mang ý nghĩa cúng tế bí hiểm gì đó? Câu chuyện nhỏ này đã dẫn đến một câu chuyện lớn khác: con người đã thuần hoá chó hay đơn giản chó tự đến với người vì chúng thấy an toàn và được no bụng?

CHÓ NHÀ GIÀU...

Các bằng chứng ADN cho thấy chó không chỉ là con vật thân nhất mà còn là con vật gắn bó với người lâu đời nhất. Chúng là “nhân chứng” đi theo con người lang thang khắp thế giới. Đến nay, không vật cưng nào được nuôi trong nhà nhiều bằng chó, nếu không kể mèo.

Riêng tại Mỹ, số chó hiện khoảng 68 triệu con, tức trung bình 4 người Mỹ thì có 1 con chó. Và chó tại một nước giàu như Mỹ thì  không ăn đầu cá, xương heo mà xơi thực phẩm riêng hay có chế độ ăn uống đặc biệt tùy theo khả năng của chủ nhân.

Tại căn hộ ở đại lộ Park thuộc khu vực đông New York, Nancy Jane Loewy nuôi con Tiffy thuộc giống Maltese nhỏ xíu bằng thực đơn “giàu protein lẫn vitamin”. Ngoài thực phẩm chó, Tiffy dùng điểm tâm bằng gà con luộc, vài củ cà rốt hấp mềm, bông cải nấu kỹ và khoai lang - một thực đơn “cân bằng”, đủ tỉ lệ dinh dưỡng. Tiffy có một “bạn trai” tên Bucky cũng được “chủ bên đó” (cách vài dãy nhà) đối xử tốt tương tự - Nancy Jane Loewy kể. Kiếp chó “sướng một đời” như Tiffy hay Bucky thật ra không là hình ảnh hiếm tại Mỹ hay nhiều nước phương Tây. Hiện có chừng 40 triệu gia đình Mỹ nuôi chó với chi phí hàng năm hàng tỉ đôla cho thức ăn lẫn y tế, sức khỏe và cả “giáo dục” chó!

Theo các bác sĩ di truyền học, chó tiến hóa từ sói và sự khác biệt đôi chút về hình dạng giữa hai con vật không giãn rộng theo thời gian. “Thậm chí dấu chỉ ADN ty lạp thể (ADN truyền từ mẹ) thường có khả năng thay đổi mạnh nhất, sự khác biệt này ở sói và chó chỉ không đến 1%” - theo nhà di truyền học Robert Wayne thuộc Đại học California - Los Angeles. Các loài hình thù giống sói có mặt cách đây khoảng 1-2 triệu năm - theo Wayne - và phân tích di truyền của chúng cho phép chúng ta kết luận rằng chó bắt đầu tách riêng khỏi sói cách đây chừng 100.000 năm.

Hóa thạch người sơ khai và hóa thạch sói (được tìm thấy nằm chung tại một địa điểm) có niên đại cách đây khoảng 400.000 năm, nhưng hóa thạch chó và hóa thạch người (được tìm thấy nằm chung tại một địa điểm) có niên đại cách đây tối đa 14.000 năm. Tất cả điều này cho thấy sói hay chó (hoặc sói cùng chó) từng là bạn của người khá lâu trước khi canh nông phát triển và thói quen định cư hình thành.

CHÓ ĐẾN VỚI NGƯỜI TỪ KHI NÀO?

Làm sao sói hay chó đến với người để trở thành con vật thân mà không phải là bất kỳ con vật nào khác, chuột bọ hay kỳ nhông chẳng hạn? Một giả định được nêu ra: chó (hay những con vật giống chó - protodog) đã tìm đến những đụn lửa, do ngửi thấy (bằng cái mũi cực nhạy) mùi gì đó có thể ăn được từ các buổi quần tụ của con người sau một ngày đi săn. Dần dà, chúng giúp người trong các chuyến đi săn và xơi đầu thừa đuôi thẹo từ những món thịt nướng mà con người vứt bỏ.

Tại Hàn Quốc, chó cũng có "thẻ căn cước"
Con người bắt đầu yêu chúng và lợi dụng khả năng chạy nhanh cũng như cái mũi tinh quái của chúng. Cuối cùng, con người dạy chúng nếp sống kỷ luật, chẳng hạn buổi tối phải thức canh chừng các con vật nguy hiểm khác để chủ nhân được yên giấc... Các hình vẽ trên gốm và đá tại Ai Cập khoảng thiên niên kỷ thứ IV trước CN đã cho thấy hình ảnh chó đi săn với người. Tuy nhiên, chắc hẳn hồi đó - như bây giờ - mối quan hệ người và chó không phải lúc nào cũng nồng nàn. Việc chó hoang nơi đô thị cướp thức ăn của người đi chợ không phải là cảnh hiếm gặp. Và chó cắn càn là chuyện thường ngày. Năm 1994 - năm cuối cùng mà người ta còn thống kê các vụ chó cắn - có đến 4,7 triệu người Mỹ bị chó cắn và 6.000 trong số đó phải đưa vào viện cấp cứu...

Thời Hy Lạp cổ, năm 350 trước CN, Aristotle miêu tả rằng có 3 giống chó thuần hóa, trong đó có giống Laconian chạy cực nhanh mà giới thượng lưu dùng săn thỏ và hươu. 300 năm sau, các chiến binh La Mã đã huấn luyện được những con chó khổng lồ dùng trên chiến trường. Nó có thể nhảy bổ và quật ngã một người cưỡi ngựa, sau đó, cắn nát chân tay nạn nhân. Thời Trung cổ, chó không có nhiều bạn và chúng lang thang ngoài phố xơi thi thể người chết vì bệnh dịch. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII, chó lấy lại cảm tình của con người. Chúng được dùng kéo xe, cày, chăn cừu và thậm chí quay máy xay lúa.

Cách cưng chó và thú nuôi chó kiểng phổ biến ngày nay có lẽ hình thành từ chốn cung đình châu Âu. Vua Anh Charles II (1630-1685) từng bê con chó cưng lên bàn hội nghị ngay trong phiên họp hội đồng. Người em của Charles II - James - lúc nào cũng ẵm theo chó. Năm 1682, trong chuyến đi biển, khi chiếc thuyền bị kẹt trong bão và thủy thủ chết đuối, James hét to: “Cứu đám chó và con Đại tá Churchill!”.

TÌNH YÊU DÀNH CHO CHÓ

Tình yêu chó dẫn đến mốt thành lập câu lạc bộ chó. Năm 1873, Câu lạc bộ Kennel thành lập ở London. 11 năm sau, Câu lạc bộ Kennel Hoa Kỳ (AKC) thành lập ở Mỹ. Hiện nay, AKC có 150 giống chó, trong khi Câu lạc bộ Kennel gốc (bên Anh) có 196 và Liên đoàn Khuyển học quốc tế (châu Âu) thậm chí có nhiều hơn. 

Theo thăm dò mới đây tại Mỹ, 94% ý kiến cho rằng tình bạn giữa người và chó là động lực khiến họ nuôi chó trong khi chỉ có 6% nuôi chó để săn và 4% nuôi chó phục vụ nông nghiệp (chăn gia súc...). Tuy nhiên, con người đã... giả dối khi nói họ yêu chó. Chỉ cần nhìn sự phát triển leo thang của các quán thịt cầy thì khắc biết.

Một tiệm thịt chó ở Trung Quốc

Chỉ có khoảng 100.000 con chó ở New York là có “đăng ký hộ khẩu” và số chó hoang hiện ở tỉ lệ 3/1 (3 chó hoang so với 1 chó có chủ thừa nhận). Mốt cưng chó khiến giới khuyển học lo rằng rồi mai đây chó sẽ đánh mất khả năng đánh hơi siêu đẳng. Tuy nhiên, dù nuôi làm kiểng, chó vẫn duy trì 220 triệu điểm tiếp nhận khứu giác (trong khi con người chỉ có 5-10 triệu). Chưa cái mũi điện tử nào hiện nay có thể sánh với mũi chó.

Nhờ vậy, chó vẫn được dùng thực hiện những sứ mạng bất khả thi đối với người. Chúng có thể rà mìn, tìm kiếm người sống sót sau các thảm họa thiên nhiên hay các vụ hỏa hoạn, khủng bố..., là bạn của người cô đơn, là "người giúp việc" của người tàn tật và còn là những cảnh khuyển siêu hạng

Hoàng Minh
.
.